Đền thờ Công chúa Huyền Trân ở Huế
Sử cũ chép rằng,
vua Trần Nhân Tông (1278 – 1293 sau khi đã truyền ngôi cho con là Trần Anh Tông
(1293 – 1314) đã lên tu ở núi Yên Tử. Mến cảnh núi sông, ông thường
đi du ngoạn các nơi,có lần vào đến đất Chiêm Thành. Trong thời gian ở tại Chiêm, vua Chiêm là Chế Mân đã lấy tình bang
giao tiếp đãi nồng hậu. Dịp này, Thượng hoàng hứa gả công chúa là Huyền Trân
(1287 – 1340) cho vua Chế Mân.
Ít lâu sau, vua Chiêm cử sứ giả cùng đoàn tùy tùng hơn trăm
người, mang lễ vật sang Đại Việt dâng lễ cầu hôn. Triều thần nhà Trần không tán
thành, chỉ có Văn Túc Đạo Tái chủ trương việc gả.
Vua Chế Mân
tiến lễ luôn trong năm năm để xin làm rể nước Nam, rồi dâng hai châu Ô, Lý (từ
một phần Quảng Nam đến địa phận tỉnh Quảng Bình ngày nay) làm sính lễ để cưới
công chúa Huyền Trân về nước.
Huyền Trân làm
hoàng hậu nước Chiêm Thành được một năm thì vua Chế Mân mất. Thế tử Chiêm phái
sứ giả sang Đại Việt dâng voi trắng và cáo về việc tang. Theo tục lệ nước
Chiêm, vua mất thì cung phi phải lên hỏa đàn để tuẫn táng. Vua Trần Anh Tông
hay tin vua Chiêm mất, sợ em gái là công chúa Huyền Trân bị hại, bèn sai võ tướng
Trần Khắc Chung hướng dẫn phái đoàn sang Chiêm Thành nói thác là điếu tang, và
dặn bày mưu kế để đưa công chúa về.
Sang đến nơi,
Trần Khắc Chung nói với thế tử Chiêm Thành rằng: “Bản triều sở dĩ kết hiếu với
Vương quốc vì vua trước là Hoàn Vương, người ở Tượng Lâm, thành Điển Xung, là đất
Việt thường: hai bên cõi đất liền nhau
thì nên yên phận, để cùng hưởng hạnh phúc thái bình cho nên gả công chúa cho Quốc
vương. Gả như thế vì thương dân, chứ không phải mượn danh má phấn để giữ trường
thành đâu! Nay hai nước đã kết hiếu thì nên tập lấy phong tục tốt. Quốc vương
đây mất, nếu đem công chúa tuẫn táng thì việc tu trai không người chủ trương.
Chi bằng theo lệ tục bản quốc, trước hãy ra bãi bể để chiêu hồn ở trên trời,
đón linh hồn cùng về rồi mới hỏa đàn sau”.
Những người
trong triều đình Chiêm Thành nghe theo lời giải bày của Trần Khắc Chung, để
công chúa xuống thuyền ra giữa biển làm lễ Chiêu hồn cho Chế Mân. Trần Khắc
Chung đã bố trí sẵn sàng, cỡi một chiếc thuyền nhẹ chực sẵn, đợi thuyền chở
công chúa ra xa, lập tức xông tới cướp công chúa qua thuyền mình, dong buồm ra
khơi nhắm thẳng về phương Bắc.
Về sau, các văn
nhân thi sĩ cảm hứng về quãng đời lịch sử của công chúa Huyền Trân, đã mượn điệu
hát, lời thơ mà làm nên nhiều áng văn còn truyền tụng đến ngày nay.
***
Từ trước đến
nay, mỗi khi nhắc đến câu chuyện công chúa Huyền Trân, nhiều người thường nhắc
đến câu ca dao quen thuộc:
Tiếc thay cây quế
giữa rừng,
Để cho thằng
Mán thằng Mường nó leo !
Hoặc một câu
khác có hình thức biến thể của câu trên:
Tiếc
thay cây quế Châu Thường,
Để cho thằng
Mán thằng Mường nó leo!
(Châu Thường ở
Thanh Hóa là nơi có rất nhiều quế).
Untitled
Lễ hội tại đền công chúa Huyền Trân (Huế)
Thực tế đã có lý giải rằng; câu ca dao trên không liên quan
gì đến câu chuyện trên; nó được xuất phát từ những sự việc xảy ra từ đời nhà Lý
:
Dưới thời
vua Lý Thái Tông (1028-1054), công chúa Bình Dương đã được gả cho tù trưởng
Phong Châu là Lê Ninh Thuận; công chúa Trường Ninh thì gả cho tù trưởng Thượng
Oai là Hà Thiện Khoan. Đến đời vua Lý Nhân Tông (1072-1127), công chúa Khâm
Thành được gả cho tù trưởng Vị Long là Hà Di Khánh. Dưới thời Lý Anh Tông
(1138-1175), công chúa Thiều Dung được gả cho tù trưởng Phú Lương là Dương Tự
Minh. Vào thời điểm đó, đó là chính sách hòa hiếu của triều đình nhằm phủ dụ
người dân tộc thiểu số, mục đích để họ không quấy phá làng mạc miền Trung du và
hạ bạng. Đó cũng là kế hoạch phủ dụ “man dân” nơi biên phòng, biến họ thành
phiên hàng, phên dậu củng cố biên cương. Kế hoạch này được các triều đại về
sau áp dụng trên một phạm vi rộng lớn
hơn trong các cuộc bang giao với các nước lân bang, nhằm gây thanh thế bằng
cách giao hiếu kết thân.
Để giải
thích câu ca dao này, cách đây hơn 100 năm, cụ Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại (1852-
?), Bố chánh Thanh Hóa đã chép trong cuốn Việt Nam phong sử được in dưới thời Duy Tân thứ 8 (1914) như
sau: (phần dịch nghĩa của Tạ Quang
Phát):
“Thơ phong
sử này thuộc tỷ.
Quế là cây
ngọc quế. Mán- Mường là những bộ lạc người Thượng ở Bắc Kỳ.Triều nhà Lý, đi
kinh lý miền thượng du, cho những tù trưởng các phiên trấn làm thủ lãnh coi việc
binh dân, nhưng lại lo ngại khó chế ngự được họ, mới mượn việc hôn nhân mà ràng
buộc họ.
Trong thời
kỳ đầu vua Lý Thánh Tông, công chúa Bình Dương gả cho tù trưởng Lạng Châu là
Thân Thiệu Thái; công chúa Kim Thành gả cho tù trưởng Phong Châu là Lê Ninh Thuận,
công chúa Trường Ninh gả cho tù trưởng Thượng Oai là Hà Thiện Khoan. Trong thời
vua Lý Nhân Tông, công chúa Khâm Thánh gả cho tù trưởng Vị Long là Hà Di Khánh.
Trong thời
vua Lý Anh Tông, công chúa Thiếu Dung gả cho tù trưởng Phú Lương là Dương Tự
Minh.
Đó là mưu kế
dùng mỹ nhân để chống chế các tù trưởng người Mán vậy.
Nhưng đường đường
triều đình nhà Lý há lại không có phương lược có thể chế ngự các tù trưởng người
Mán hay sao, lại phaỉ dùng những trang nữ nhi cành vàng lá ngọc, yểu điệu thướt
tha, để trấn yên biên cảnh ?
Chiếc xe hôm
đưa công chúa cung kính hòa thuận lên miền thượng du, nhân dân trong nước đều
trông thấy. họ không xiết buồn thương cho nàng, cho nên lấy cây đan quế mà ví
sánh.
Nói công chúa
của hoàng gia như cây đan quế vậy chăng? Công chúa mà gả cho tù trưởng Mán,
cũng như cây quế để cho thằng Mán trèo leo vậy chăng?
Thật là đáng tiếc
!”
Qua lời giảng
bình của cụ Tiểu Cao, câu phong dao lịch sử (phong sử) trên hoàn toàn thuộc về
nhà Lý. Ngoài ra, qua sự giải thích cặn kẽ căn cứ trên nhiều tài liệu, chúng ta
được biết dưới thời nhà Lý (1010-1225), có rất nhiều bộ lạc và tù trưởng ở vùng
châu thổ, không xa kinh thành Thăng Long, như Phong Châu thời Hai Bà Trưng (Sơn
Tây), Phú Lương (sông Hồng).
Untitled 2
Phần giải thích câu ca dao trong Việt Nam phong sử
Đối với câu
dị bản Tiếc thay cây quế Châu Thường/ Để cho thằng Mọi thằng Mường nó leo! thì
có thể nhận thấy rằng, câu phong dao này đã biến đổi hình thức trên đường Nam
tiến để thích ứng với địa phương phong thổ. Câu này từ miền Bắc vào vùng Thanh
– Nghệ – Tĩnh với cây quế có vỏ đỏ (đan quế) mọc nhiều ở hai châu Thường Xuân
và Trịnh Vạn (Thanh Hóa), thường gọi là quế Thanh, vừa dày vừa thơm, danh tiếng
lâu đời nhất và được triều đình dùng làm cống phẩm.
Cũng theo cụ
Nguyễn Văn Mại, câu phong dao đề cập đến sự kiện công chúa Huyền Trân chính là
câu sau:
Tiếc thay hột gạo trắng ngần
Đã
vò nước đục laị vần lửa rơm.
Và được ông
bình giải:
“Trần Anh
Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành Chế Mân. Từ triều đình tới đồng
nội, văn nhân thường mựơn việc Chiêu Quân cống Hồ (Chiêu Quân nhà Hán gả cho
Hung nô) làm thơ quốc cấm mà châm biếm.
Đến khi Chế
Mân chết, vua Anh Tông sai Trần Khắc Chung sang đưa công chúa về nước, Khắc
Chung bèn tư thông với công chúa.
Đầu tiên Khắc
Chung với chức Ngự sử Đại phu, được thăng làm Nhập nội Hành khiển Thượng thư Tả
Bộc xạ, về sau được ban tước Quan nội hầu và thăng chức Thiếu bảo Đồng Trung
thư, Bình chương sự. Khắc Chung làm quan mà không có công trạng gì.
Hưng Nhượng
Vương Trần Quốc Tảng mỗi lần gặp Trần Khắc Chung liền mắng: “Tên họ của người
này chẳng lành cho nhà nước, có phải chăng nhà Trần sắp mất vì người này chăng
?” (Trần Khắc Chung có nghĩa là nhà Trần phải cáo chung ).
Trần Khắc
Chung thường sợ mà né tránh Trần Quốc Tảng.
Câu phong dao
này tiếc công chúa Huyền Trân với tư dung quý báu như vàng ngọc, mà phải gả làm
vợ cho vua Chiêm Thành, lại bị viên quốc sứ (Trần Khắc Chung) tư thông.
Gạo trắng chỉ
công chúa Huyền Trân; nước đục chỉ vua Chiêm Thành; lửa rơm chỉ Trần Khắc
Chung.
Nay vì công
chúa đã lấy viên tù trưởng mà không được cùng một người trọn kiếp, còn Trần Khắc
Chung phụng sứ giao hảo với lân quốc, lại làm những hành vi ô nhục xấu xa, cho
nên người đương thời thấy tiếc cho việc ấy. Còn gả cho Trần Khắc Chung hẳn
không đáng trách.
Nhưng kế cao
khống chế nước láng giềng của triều nhà Trần, không khỏi giẫm lên dấu xe trước
của nhà Lý, cũng là đáng tiếc vậy.”(Việt
Nam phong sử, sđd, tr 90).
Nếu những điều
giải thích ở trên là phù hợp thì chúng ta thấy rằng, chính sách gả cưới, hôn
nhân từng là một sách lược của một vài triều đại, và được áp dụng khá sớm, ít
nhất cũng từ thời nhà Lý. Những nàng công chúa chính những đặc sứ ngọai giao của
triều đình ; họ trở thành những sứ thần đi giao hảo, hình thành nên mối quan hệ
tốt đẹp với các nước láng giềng, tạo điều kiện cho sự phát triển của đất nước…
Tài liệu tham khảo:
– Nguyễn Văn Mại, Việt
Nam phong sử, Phủ QVK đặc trách Văn hóa, SG, 1972.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét