Tòa nhà Bộ Tư pháp Việt Nam
Dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi có quy định đặt ra khả năng
xử lý hình sự đối với luật sư về tội không tố giác tội phạm, nếu khi hành nghề
biết được thân chủ đã có hành vi phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc một
trong các tội đặc biệt nghiêm trọng khác mà không tố giác. Quy định này đang gây ồn ào và bị giới luật sư phản đối gay
gắt do trái ngược với các quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Đây có thể hiểu như là một bước nhằm kiện toàn hoàn thiện hệ
thống tư pháp theo đường hướng phương cách mà các nhà làm luật muốn.
Có thể hình dung là vào một lúc nào đó, một cơ quan ban
ngành tư pháp nào đó, họ thấy rằng luật sư không tố giác thân chủ là không được
nên lọc ra vấn đề này và đưa ra quy định ấn định như một nội dung công việc cần
thực hiện.
Vấn đề này chắc chắn đã trải qua những cuộc họp sơ bộ của
các ban ngành tư pháp và đã cơ bản được nhất trí nên mới đưa vào văn bản dự thảo
luật.
Nhưng tôi cho rằng đây chỉ là những việc làm có tính hình thức
râu ria mà thay vì đụng đến những vấn đề bản chất nhất của hệ thống tư pháp.
Tôi cho rằng Đảng cộng sản, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp Trung
ương cần nhìn thẳng vào vấn đề bản chất nhất của nền tư pháp hiện nay và có giải
pháp thực hiện.
Ngày hôm (29/5) qua tôi có buổi làm việc tại Viện kiểm sát
nhân dân huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang về một vụ án hình sự. Quá trình làm việc
tôi tranh thủ hỏi thì được biết, người kiểm sát viên đã có chục năm công tác
nhưng mức lương cùng các khoản phụ cấp anh được nhận một tháng chỉ là khoảng 8
triệu đồng.
Nửa năm trước tôi có dịp làm việc Tòa án huyện Thanh Oai thuộc
thành phố Hà Nội, cũng khi trao đổi công việc thì anh thẩm phán kiêm Phó chánh
án tòa cho biết, tổng thu nhập lương và phụ cấp của anh vào khoảng 9 triệu đồng.
Đó là mức lương của người đã mười mấy năm công tác, hết thư ký rồi đến thẩm phán
rồi được bổ nhiệm làm Phó chánh án.
Để viết bài này tôi hỏi thêm một người bạn học cùng đại học
giờ cũng đã là thẩm phán của một huyện thuộc tỉnh Phú Thọ thì được biết, tổng
lương và phụ cấp của bạn tôi chỉ khoảng 7 triệu đồng, đó là mức lương của người
đã chục năm công tác.
Đó thực sự là mức lương quá thấp của giới cán bộ tư pháp và
tôi thấy rất buồn và cám cảnh cho cái sự quan tâm đầu tư của nhà nước cho ngành
tư pháp. Tôi so sánh áng chừng với mức lương của một chuyên viên ngân hàng hay
một chuyên viên pháp chế doanh nghiệp làm việc chục năm thì thu nhập của họ có
lẽ là cao gấp đôi mức lương mấy vị cán bộ tư pháp.
Điều này ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới chất lượng hoạt động
của ngành tư pháp. Mặc dù tôi không muốn đưa ra những lời đánh giá vô căn cứ,
và không muốn làm tổn thương gây hại đến giới tư pháp. Nhưng mọi người có thể
hình dung là với một mức lương thấp như vậy thì làm sao họ có thể yên tâm công
tác, và làm sao học có thể giữ được sự công tâm khách quan trước những cám dỗ
kinh tế trong khi giải quyết các vụ án?
Tôi không biết các ngành tư pháp đánh giá tổng kết mỗi năm
thế nào, nhưng bản thân tôi khi tham gia các vụ án thì đặc biệt ở cấp huyện,
không một vụ án nào mà tôi không thấy có vấn đề về sai trái. Không sai trái về
năng lực chuyên môn nghiệp vụ thì sai trái do có dấu hiệu tiêu cực.
Tôi cũng không biết các ban ngành đánh giá sự quan tâm đầu
tư cho giới tư pháp thế nào, nhưng tôi cho rằng mức lương là sự đánh giá thực
chất nhất cho thấy mối ưu tiên đầu tư, đó là bộ mặt của nền tư pháp, là tầm vóc
vị thế thực chất của nền tư pháp.
Kém quan tâm
Tôi cho rằng mức lương thấp của giới tư pháp cho thấy sự coi
nhẹ và kém quan tâm đối với ban ngành lĩnh vực tư pháp.
Giới tư pháp do đặc thù nghề nghiệp đáng ra cần được hưởng một
mức lương cao hơn thay vì cào bằng với các khối hành chính sự nghiệp khác. Vì một
quyết định của họ có thể lấy đi một mạng người hoặc định đoạt số năm tù của một
đời người. Thực tế nhiều người sẽ rất vui mừng nếu đưa được tiền cho cán bộ tư
pháp.
Ở các nước như Mỹ, Châu Âu mức lương thẩm phán rất cao, điều
đó giữ cho họ được công tâm khách quan, là những yếu tố quan trọng cốt yếu của
tư pháp.
Sự kém quan tâm có thể đánh giá qua số lượng các văn bản nghị
quyết chủ trương chính sách về lĩnh vực tư pháp so với các lĩnh vực khác, những
văn bản làm việc sẽ cho thấy mức độ dành thời gian hay mối bận tâm của các ban
ngành dành cho lĩnh vực tư pháp.
Hay sự kém vị thế của tư pháp thể hiện ở việc rất ít những
lãnh đạo đảng cộng sản và nhà nước cao cấp trưởng thành từ những cán bộ tư pháp
lâu năm như thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên thi hành án.
Sự coi nhẹ kém quan tâm đầu tư cho tư pháp có lẽ xuất phát từ
hệ thống của một nhà nước thoát ra từ chiến tranh. Lúc ban đầu còn bom đạn thì
chỉ coi trọng về quân đội công an mà tư pháp gần như bị bỏ rơi, có thời kỳ ở Việt
Nam xóa bỏ Bộ tư pháp, xóa bỏ trường luật, cho tới khi phát triển kinh tế thị
trường thì quan tâm tới những ngành lĩnh vực sản xuất kinh doanh làm ra tiền.
Như tôi thấy thì suốt mấy chục năm qua mảng tư pháp luôn bị
xếp kém ưu tiên. Sự quan tâm nếu có thì nó cũng theo cái cách nhằm đạt đến mục
đích khác. Khi phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế thì từ thực tiễn
đặt ra nhu cầu việc xử lý giải quyết các tranh chấp giao dịch làm ăn phát sinh
và vấn đề tội phạm liên quan nên tư pháp mới được giao việc và trả lương.
Ngành tư pháp chưa được coi trọng như một hệ thống không thể
thiếu cho quản trị quốc gia và kiến tạo phát triển.
Việc tạo ra môi trường an toàn ổn định cho kinh doanh làm ăn
lâu nay mới chỉ được nhìn thấy dưới góc độ ổn định chính trị và từ đó đề cao
vai trò của quân đội và công an. Đó thực ra chỉ là yếu tố đối ngoại bên ngoài,
còn ở trong nước tư pháp mới là ngành giữ vai trò chính trong việc tạo lập môi
trường an toàn cho các quyền tài sản và quyền công dân, các nguồn lực cho phát
triển kinh tế.
Ở các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Hàn Quốc chúng
ta thấy là ngành tư pháp giữ một vai trò to lớn khủng khiếp nếu so với quyền hạn
của tư pháp Việt Nam. Ở Hàn Quốc vừa rồi tư pháp đã xử lý bắt giam cả Tổng thống,
còn ở Mỹ thì Tổng thống cũng đang bị tư pháp tìm kiếm phanh phui xử lý sai phạm.
Vậy một quyền tư pháp lớn mạnh và một nền kinh tế phát triển,
thì cái nào là nguyên nhân kết quả của cái nào? Tôi cho rằng đó là hai cái song
hành với nhau mà ở Việt Nam thì người ta chưa nhìn ra một nền kinh tế thị trường
phải song hành với một nền tư pháp đủ tính năng hiệu quả, trong khi đây đang là
lúc cần nhận ra nhất.
Các vấn đề nền kinh tế đang gặp phải như giải quyết nợ xấu,
phá sản doanh nghiệp, hay dự án đắp chiếu đều có dấu ấn kém cỏi của ngành tư
pháp không thực hiện được vai trò.
Và một lượng lớn tài sản và quyền công dân đang bị vướng vào
những mớ bòng bong trói buộc nhưng người ta cũng chẳng buồn đưa ra nhờ tư pháp
giải quyết, và đó mới là cái tai hại ẩn chìm cho phát triển kinh tế.
Cho nên những tranh cãi ồn ào về dự thảo quy định buộc luật
sư phải có trách nhiệm tố giác thân chủ, nó chỉ là cái trái khoáy được tạo ra
nhằm kích động sự ồn ào che mờ đi các vấn đề thực chất nhất của nền tư pháp và
các vấn đề khác của đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét