Theo VnExpress
Nếu anh cho rằng thân chủ của mình có dấu hiệu phạm tội, là
luật sư, anh có tố cáo không? Đó là câu hỏi cốt lõi cho nhiều cuộc tranh luận tại Quốc hội,
trên truyền thông và trong giới luật những ngày này. Rất nhiều lập luận phức tạp,
nhưng chỉ xoay quanh một câu hỏi. Câu trả lời của tôi, là không. Chắc chắn là không.
Tôi muốn bắt đầu câu trả lời từ những nguyên tắc lập quốc cơ
bản. Nhà nước được nhân dân dựng nên, được nhân dân trao cho phối hợp thực hiện
các quyền, trong đó có quyền tư pháp - hiểu đơn giản quyền công tố, là đưa công
dân ra xét xử. Cùng với đó, Hiến pháp được Quốc hội, đại diện cho nhân dân soạn
ra để giới hạn quyền lực của bộ máy nhà nước, không để nhà nước vượt quá quyền
hạn, xâm phạm vào những quyền con người cơ bản của công dân. Và như thế - một hệ
thống quan hệ nhà nước - nhân dân ra đời, hoạt động với một mục đích đơn giản
nhất: phục vụ nhân dân - những người đã dựng nên nhà nước.
Nhưng trong thực tế, bất chấp các quyền hiến định, trước quyền
lực to lớn của nhà nước, nếu bị nhà nước thực hiện quyền công tố, mỗi cá nhân
không hề có cách gì kháng cự. Và vì thế, chế định luật sư ra đời.
Về bản chất, luật sư phải được đặt ở vị trí đối trọng với
quyền công tố của nhà nước. Nếu luật sư đứng cùng phía với nhà nước trong quá
trình công tố thì trước hết luật sư không cần phải tồn tại làm gì. Và quan trọng
hơn, nguyên tắc lập quốc cơ bản cũng đã bị phá bỏ, tính cân bằng nhà nước -
nhân dân không còn.
Những quan điểm ủng hộ luật sư tố cáo thân chủ đã dựa trên một
khái niệm rất cao cả: “Nghĩa vụ công dân”.
"Công dân” là để chỉ trạng thái tồn tại của cá nhân
trong quan hệ nhà nước - nhân dân. "Nghĩa vụ công dân” tức là nghĩa vụ làm
đúng vai trò của mình trong quan hệ đó. Đối với công dân nói chung, nghĩa vụ đó
có thể là bầu cử - lập ra nhà nước của mình; giám sát nhà nước của mình hoạt động.
Còn với tư cách luật sư, làm đúng “nghĩa vụ công dân” là phải luôn luôn giữ
mình đúng với vai trò luật sư, luôn luôn ở thế đối trọng với quyền công tố của
nhà nước, bảo vệ khách hàng của mình. Nếu đứng về phía nhà nước trong quá trình
công tố thì chính luật sư đang vi phạm nghĩa vụ của họ.
“Thân chủ của tôi vô tội” luôn luôn là kết luận và tâm niệm
của một luật sư chân chính. Bởi vì chỉ một khoảnh khắc luật sư buộc tội thân chủ,
thì có nghĩa anh đã không còn là luật sư nữa rồi. Nếu luật sư không còn là luật
sư, thì nền tư pháp sẽ đi theo một chiều duy nhất: công tố - kết tội - thi hành
án.
Trong thực tế hoạt động, những gì luật sư biết ngoài hồ sơ
phần lớn là từ lời khai của thân chủ. Sẽ là ấu trĩ khi chỉ từ những lời khai đó
mà bắt luật sư phải tư duy để kết tội thân chủ. Đó là lối tư duy “trọng cung
hơn trọng chứng” - thứ đã hơn một lần làm tư pháp của chúng ta mắc sai lầm. Những
lời nói, không đủ là cơ sở kết tội bất kỳ ai, đặc biệt là khi trước mặt anh ta
là một luật sư - người buộc phải đề cao nguyên tắc suy đoán vô tội. Một nền tư
pháp coi trọng bằng chứng, thậm chí sẽ không dễ dàng chấp nhận cả những lời thú
tội, chưa bàn đến các suy đoán.
“An ninh quốc gia” là một khái niệm nữa mà những người tranh
luận nhắc tới. Cảm giác nguy hại mà nó tạo ra là rất lớn. Và như thế, thật dễ
dàng để buộc tội luật sư nếu: “vì luật sư không tố cáo thân chủ mà an ninh quốc
gia bị xâm phạm”.
Tôi tin rằng, để bảo vệ "an ninh quốc gia", để
"an ninh quốc gia" không bao giờ có thể bị xâm phạm, trước hết, nhà
nước bao gồm toàn bộ bộ máy của mình phải làm đúng với nguyên tắc lập quốc cơ bản:
Phục vụ nhân dân. Lúc đó sẽ không có kẽ hở nào cho những kẻ có ý đồ xấu lợi dụng,
và quan trọng hơn, lúc đó chính nhân dân với sức mạnh to lớn của mình, sẽ đứng
lên bảo vệ nhà nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét