Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Thống kê và công bố là… hoàn thành nhiệm vụ


 Trân Văn


Ðứng đầu là tử vong do tai nạn giao thông (chiếm gần 45%), trung bình trên 15.000 người tử vong/năm



Cho đến nay, dù Việt Nam có hẳn một ủy ban chuyên trách về an toàn giao thông với sự tham gia của nhiều ngành ở tất cả các cấp nhưng rủi ro trong giao thông vẫn là vấn nạn nan giải, thường xuyên gây bàng hoàng, tạo thêm âu lo, căng thẳng vì đủ thứ tổn thất cả về nhân mạng lẫn tài sản.



Trong 20 năm vừa qua, điều duy nhất khiến công chúng Việt Nam nhớ xứ sở của mình có một ủy ban chuyên trách về an toàn giao thông là những thống kê có so sánh hàng quý, hàng năm, về số vụ tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương, thiệt hại tài sản mà ủy ban này công bố mỗi quý, mỗi năm, suốt từ 1997 đến nay.



Vài năm gần đây, ngoài việc thống kê có so sánh và công bố các số liệu liên quan đến tai nạn giao thông, ủy ban chuyên trách về an toàn giao thông của Việt Nam làm thêm được một việc nữa là… thăm hỏi, chia buồn, chi tiền hỗ trợ các nạn nhân, thân nhân của những người chẳng may gặp tai nạn giao thông.



***



Cả hệ thống ủy ban chuyên trách về an toàn giao thông lẫn công an, báo giới cùng bỏ qua một chi tiết quan trọng trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra vào sáng 7 tháng 5 ở thị xã Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, khiến 13 người thiệt mạng, 32 người bị thương: Trước khi đâm vào xe khách, chiếc xe vận tải gây ra tai nạn này đã “đánh đèn, bóp còi liên tục rồi lao vụt qua một xe tuần tra của cảnh sát giao thông.”



“Đánh đèn, bóp còi liên tục rồi lao vụt qua” xe tuần tra của cảnh sát giao thông là một chuỗi những hành động hết sức bất thường. Tuy nhiên trong trường hợp hết sức bất thường này, nhóm cảnh sát giao thông đang tuần tra bảo vệ trật tự, an toàn giao thông của Công an tỉnh Gia Lai lại vẫn tiếp tục cuộc “tuần tra” theo hướng ngược lại cho đến khi nhận được tin báo về tai nạn thì mới cho xe quay đầu, tới điểm xảy ra tai nạn để… giải quyết hậu quả.



Không chỉ đại tá Phạm Văn Uấn, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông của Công an tỉnh Gia Lai xem việc tổ tuần tra không làm gì cả là bình thường vì… xe tuần tra đang đi ngược chiều với xe vận tải! Hệ thống ủy ban chuyên trách về an toàn giao thông cũng xem đó là điều bình thường nên chỉ yêu cầu kiểm tra ma túy trong máu tài xế xe vận tải thêm một lần nữa, sau khi kết quả kiểm tra lần đầu không tìm thấy ảnh hưởng của ma túy…



Giới hữu trách đã công bố các số liệu trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình của xe vận tải gây ra tai nạn. Theo đó, xe vận tải này đi xuyên qua thành phố Pleiku với tốc độ bình thường, sau khi ra tới ngoại ô thì ngừng lại một phút và từ đó tốc độ tăng dần. Lúc đến Trạm thu phí Đức Phong, xe vận tải đạt tốc độ hơn 60 km/h, không ngừng lại mà húc gãy thanh chắn của trạm thu phí này… Xe vận tải tiếp tục đổ dốc với tốc độ tăng dần và đi thêm 20 cây số nữa, lách qua một chiếc xe đò đi cùng chiều rồi lấn qua dải phân cách vào chiều ngược lại đâm vào một xe đò khác!



Khả năng chiếc xe vận tải hiệu Chenglong do Trung Quốc sản xuất năm 2014 bị trục trặc kỹ thuật đã không được xét tới.



Chưa rõ tại sao và dựa vào đâu “một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai” (tờ Người Lao Động không dẫn tên) lập tức loại trừ ngay “các nguyên nhân xe tải đứt phanh, kẹt chân ga, trục trặc kỹ thuật.” Nếu đem các số liệu trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình của xe vận tải gây ra tai nạn đặt bên cạnh tình tiết xe vận tải “đánh đèn, bóp còi liên tục rồi lao vụt qua” xe tuần tra của cảnh sát giao thông thì khả năng tài xế thực hiện chuỗi hành động bất thường như thế nhằm cầu cứu, cảnh báo là rất lớn.



Tai sao có thể dễ dãi xác định cảnh sát giao thông vô can khi không hành động trước những tình huống hết sức bất thường, có đầy đủ các dấu hiệu đe dọa an toàn giao thông như “đánh đèn, bóp còi liên tục rồi lao vụt qua”?



Nếu xem an toàn giao thông là mục tiêu tối thượng tại sao Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có thể làm ngơ chuyện Trạm thu phí Đức Phong không cấp báo, cảnh sát giao thông không hành động?



Qua vụ tai nạn giao thông thảm khốc này, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có nên nhận trách nhiệm nghiên cứu, đặt định qui định, qui trình về cấp báo – tiếp nhận – ứng phó lập tức với những tình huống bất thường, đe dọa an toàn giao thông để những người tham gia giao thông ứng xử cho phù hợp (ví dụ như tấp vào lề, nhường đường cho những xe đột nhiên mở đèn cấp cứu, bóp còi,…) và để cảnh sát giao thông xử lý cho đúng cách?



***



Không tính chuyện xưa, chỉ kể chuyện nay thì cũng đủ để thấy hệ thống các ủy ban An toàn giao thông của Việt Nam vẫn chỉ kiên trì với vai trò thống kê có so sánh, công bố các số liệu về tai nạn giao thông và… thăm hỏi, hỗ trợ các nạn nhân, thân nhân của họ.



Cuối tháng trước, tờ Lao Động kể rằng, trước một khúc quanh trên tỉnh lộ 17, theo hướng từ Bắc vào Nam, tại đoạn chạy ngang xã Nam Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh có một tấm bảng chỉ dẫn - nếu muốn đến huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh thì đi thẳng. Tuy nhiên nếu đi thẳng theo chỉ dẫn thì xe sẽ chỉ chạy được vài trăm thước là hết đường, trước mũi xe là một cái vực, dưới đáy vực là một dòng suối lớn.



Phóng viên tờ Lao Động đã thử kiểm tra chiều ngược lại và phát hiện trước khúc quanh theo hướng từ Nam ra Bắc cũng có một tấm biển chỉ dẫn xe cộ rẽ phải nếu muốn đến huyện Hương Khê và thực chất là rẽ vào đường cụt để đâm xuống vực vừa kể. Video clip do tờ Lao Động đưa lên Internet cho thấy một điểm đáng lưu ý là mặt đường cụt được kẻ vẽ, chia lane rất cẩn thận. Thậm chí phần mặt đường sát miệng vực còn được sơn một mũi tên hướng dẫn… đi thẳng.



Một phụ nữ có nhà ngay tại khúc quanh, bảo với phóng viên tờ Lao Động rằng, cả hai tấm biển chỉ dẫn người lái xe vào chỗ chết đã được dựng lên từ năm 2015, sau khi tỉnh lộ 17 được cải tạo, mở rộng. Rất nhiều xe đã rẽ vào đường cụt rồi tài xế phải đạp thắng gấp. Sau đó họ vừa cho xe quay đầu, vừa chửi thề. Bà nói thêm rằng hai tấm biển chỉ dẫn ấy chẳng khác gì một cái bẫy đẩy người khác vào chỗ chết nhưng chẳng ai bận tâm.



Điều duy nhất mà ông Hoàng Minh Việt, Phó Ban An toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh, thực hiện khi biết chuyện là… hứa xem xét.



Dù hứa xem xét một chuyện đã tồn tại suốt hai năm là rất tệ nhưng vẫn chưa tệ bằng không đoái hoài chuyện cần xem xét ngay.



Trong tháng trước và đầu tháng này, có hai cảnh sát giao thông thiệt mạng vì chặn xe vi phạm giao thông.



Tối 16 tháng 4 năm 2017, thiếu tá Lê Quang Minh, làm việc tại Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đồng Nai bị một xe vận tải cán chết. Báo chí thuật rằng, do xe vận tải này không chịu dừng lại theo lệnh của mình nên có “một người mặc thường phục” chở thiếu tá Minh đuổi theo. Đến Trạm thu phí cầu Đồng Nai, thiếu tá Minh buộc tài xế xuống làm việc nhưng anh ta không nghe mà lái xe đi tiếp. Thiếu tá Minh nhảy lên, bám vào kiếng chiếu hậu của xe tải rồi tuột tay rơi xuống và bị xe tải cán ngang người.



Trước sự kiện đó, một độc giả của VnExpress tên là Hòa Hoàng bình luận: Trách tài xế mười phần thì cũng trách anh cảnh sát giao thông năm phần, tại sao phải đu bám phương tiện trong khi có rất nhiều hình thức khác để xử lý người vi phạm. Công bằng mà nói thì chính anh cảnh sát giao thông coi thường tính mạng mình, cộng thêm hành vi coi thường pháp luật của tài xế thì mới xảy ra cơ sự đó.



Không chỉ có Hòa Hoàng, Nguyễn Tiến Lực - một độc giả khác cũng cho rằng những hành động kiểu như bám cần gạt nước, đu kính chiếu hậu... là coi thường tính mạng bản thân và coi thường cả tính mạng người điều khiển phương tiện. Nguyễn Tiến Lực thắc mắc, tại sao không làm như nước ngoài - ghi hình phạt nguội. Không nộp thì tăng tiền phạt. Chây ì thì truy cứu trách nhiệm hình sự.



Chỉ tính riêng VnExpress đã có hàng trăm ý kiến như thế với hàng ngàn người like nhưng ủy ban chuyên trách về an toàn giao thông không bận tâm.



Có lẽ chỉ có Bộ Công an Việt Nam và báo giới mới xem chuyện công an, cảnh sát giao thông lao ra chặn đầu xe cộ, nhảy lên bám vào các xe đang di chuyển trên đường là “anh hùng”.



Sau khi báo giới “phong thánh”, Công an thành phố Hà Nội tưởng thưởng một thượng sĩ tên là Nguyễn Việt Anh, làm việc tại Đội Cảnh sát giao thông số 3 của Phòng Cảnh sát giao thông vì chặn đầu một chiếc taxi bằng cách phóng người, nằm soài trên capot, bám vào cần gạt nước, gây áp lực khiến tài xế taxi phải ngừng hẳn, từ tháng 6 năm 2007 đến nay, công an, cảnh sát giao thông liên tục “biểu diễn tinh thần trách nhiệm” theo kiểu đó. Không chỉ có hàng trăm thường dân thiệt mạng vì công an, cảnh sát giao thông “biểu diễn tinh thần trách nhiệm” bằng cách chặn đầu, rượt đuổi không cần thiết mà trong nhiều trường hợp, chính công an, cảnh sát giao thông cũng thiệt mạng.



Khoảng hai tuần sau khi thiếu tá Minh uổng mạng, trưa ngày 2 tháng 5 năm 2017, hạ sĩ Võ Duy Khánh, làm việc tại Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế bị trọng thương rồi chết khi chặn một thanh niên chạy xe hai bánh gắn máy quá tốc độ.



Gọi việc chặn đầu, rượt đuổi một số phương tiện vi phạm luật lệ về giao thông giữa thanh thiên, bạch nhật là “biểu diễn tinh thần trách nhiệm” có thể bị xem là “thiếu thiện chí” với công an Việt Nam song làm sao có thế gọi khác khi trong nhiều trường hợp khác, an toàn giao thông bị đe dọa thật sự thì công an, cảnh sát giao thông lại vắng mặt?



Tinh thần trách nhiệm của công an, cảnh sát giao thông ở đâu khi đoạn tiếp giáp giữa hai huyện Long Thanh (tỉnh Đồng Nai) và Tân Thành (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) trên quốc lộ 51 bị hàng ngàn thanh niên chặn lại suốt từ 1 giờ sáng đến 3 giờ sáng ngày 1 tháng 5 để hàng trăm thanh niên khác đua xe – phát trực tiếp trên facebook, biến những người trên các xe hơi, xe vận tải trở thành khán giả bất đắc dĩ, khiến nhiều người đi qua đoạn đường này vào thời điểm đó dúm dó vì sợ?



Công an, cảnh sát giao thông ở đâu khi những cuộc đua xe táo tợn như thế diễn ra ở nhiều nơi khác trên khắp Việt Nam?



Và có lẽ chỉ có hệ thống các ủy ban an toàn giao thông như ở Việt Nam mới xem những chuyện như vừa kể là nhỏ, không đáng phải bận tâm điều chỉnh. Có lẽ cũng chỉ ở Việt Nam người ta mới xem rủi ro trong giao thông nói riêng, các loại “tai bay vạ gió” khác nói chung là chuyện… “Trời kêu ai nấy dạ!”. Ai cũng có thể bị “Trời kêu” và dù không muốn cũng phải “Dạ!”. Không ai thắc mắc tại sao “Trời kêu” người Việt quá nhiều như vậy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét