Một nữ nghệ sĩ ba lê trình diễn
trước tháp Eiffel đã được tổ chức Greenpeace bất ngờ giăng biểu ngữ "Tự
do, Bình đẳng, Bác ái" để kêu gọi chống đảng Mặt Trận Quốc Gia, ngày
05/05/2017.
REUTERS/Gonzalo Fuentes
Bầu cử tổng thống Pháp là chủ đề
xuyên suốt của tất cả các nhật báo Paris hôm nay 05/05/2017, ngày cuối cùng của
cuộc vận động tranh cử theo luật định. Đặc biệt trong lãnh vực kinh tế xã hội,
ông Yves-Thibault De Silguy, cựu ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế, tiền tệ và
tài chính, báo động việc ra khỏi khu vực đồng euro theo chủ trương của đảng cực
hữu, sẽ dẫn đến hậu quả là lần đầu tiên trong lịch sử, nước Pháp bị phá sản.
Truyền thông đồng loạt cảnh báo
nguy cơ cực hữu
Trang nhất của Le Monde đăng ảnh
bà Le Pen đang chỉ tay với thái độ xấc xược và chạy tựa « Marine Le Pen : Chiến
lược dối trá ». Theo tờ báo trung dung này, thì cuộc tranh luận truyền hình tối
thứ Tư 3/5 là thô bạo chưa từng thấy, với vô số cáo buộc và đả kích cá nhân nhắm
vào ông Emmanuel Macron. Ứng viên của đảng Mặt Trận Quốc Gia đã tự đặt mình vào
vai thủ lãnh đối lập, thay vì một chính khách có thể trở thành tổng thống nước
Pháp. Chiến thuật cố tình này rõ ràng bắt chước ông Donald Trump. Ở trang trong,
Le Monde kê ra hàng loạt thông tin mà bà Le Pen nói chắc như đinh đóng cột, đều
là sai lạc.
Libération thiên tả đăng ảnh bìa
Jean-Marie Le Pen, cha của bà Marine và là người sáng lập đảng Mặt Trận Quốc
Gia (FN), chạy tựa « Bà ta không hề thay đổi ». Tờ báo nhận định : « Hung hăng
về hình thức và yếu kém về căn bản, Marine Le Pen trong cuộc tranh luận tối thứ
Tư đã làm sững sờ ngay trong chính phe của bà, đưa FN trở lại với cốt lõi của
chủ nghĩa cực đoan ».
« Sau khi Le Pen chìm nghỉm,
Macron ở thế thượng phong », tựa chính của Le Figaro. Theo tờ báo cánh hữu, là
người thua nặng trong cuộc tranh luận, ứng viên đảng cực hữu đã gieo rắc nghi
ngờ trong đảng của mình, đồng thời củng cố thêm hy vọng chiến thắng của đối thủ.
Tương tự, nhật báo kinh tế Les
Echos đưa tít trang nhất « Macron-Le Pen : Chiến thắng chủ nghĩa cực đoan »,
nhưng cũng nhận xét rằng phong trào chống lại FN ít rôm rả hơn nhiều so với năm
2002. Tờ báo công giáo La Croix báo động nguy cơ cực hữu sẽ thẳng nếu nhiều cử
tri không đi bầu, chạy tựa « Một cuộc bầu cử căng thẳng », trên nền đỏ chói.
Ra khỏi Châu Âu : Cơn ác mộng cho
nước Pháp
Trong mục diễn đàn của Le Figaro,
ông Yves-Thibault De Silguy, cựu ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế, tiền tệ và
tài chính, đánh động trước những nguy cơ khi ra khỏi khu vực đồng euro qua bài
viết « Cảnh báo cơn sóng thần euro ».
Cựu ủy viên châu Âu viết : « Tối
nay tôi gặp ác mộng : Marine Le Pen vừa đắc cử tổng thống, và hỏi tôi với tư
cách một người từng tham gia dự án đồng tiền chung, làm sao ra khỏi EU. Bừng tỉnh
giấc, tôi quyết định trả lời bà ấy ».
Ông giải thích : không thể ra tự
động ra khỏi Châu Âu. Euro được thành lập từ hiệp ước Maastricht, được nhân dân
các nước Châu Âu đồng thuận, trong logic xây dựng EU. Đây là một quá trình tuần
tự, mỗi giai đoạn được vượt qua khi nào hội đủ các điều kiện. Không thể đi ngược
lại, và điều này là logic, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng EU.
Tuy nhiên, cũng như Anh quốc,
Pháp vẫn có thể đề nghị ra khỏi EU, và như vậy mặc nhiên không còn trong khu vực
đồng euro. Paris có hai năm để hoàn tất thương lượng với Bruxelles. Trong thời
gian đó, cần phải tìm ra một hiệp định thương mại để tiếp tục xuất khẩu sang
các nước Châu Âu khác, giải quyết việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ, tư bản và
nhân lực. Phải thanh toán « hóa đơn », phù hợp với cam kết đóng góp của Pháp
cho EU trong những năm tới, vào khoảng 100 tỉ euro. Và phải tìm được cách thức
bảo vệ nền tài chính Pháp, vì sẽ không còn có được sự hỗ trợ của các đối tác và
Ngân hàng Trung ương Châu Âu.
Món nợ công to lớn của Pháp là
2.000 tỉ euro (30.000 euro trên đầu người), gần 100% GDP, sự khác biệt quan điểm
với Đức và chương trình chi tiêu đầy tham vọng của bà Le Pen sẽ khiến thị trường
tài chính nghi ngại.
Có nghĩa là những người cho nước
Pháp vay tiền (trên 60% chủ nợ là nước ngoài) sẽ hoang mang trước khả năng
thanh toán của Paris. Họ sẽ đòi hỏi gắt gao hơn, lãi suất tăng vọt làm tăng
thêm gánh nặng ngân sách. Pháp sẽ phải trả thêm 100 tỉ euro nợ công so với 40 tỉ
hiện nay (mỗi hộ gia đình phải gánh thêm 2.500 euro một năm).
Trong những điều kiện nào các đối
tác Châu Âu, nhất là Đức, chấp nhận giúp đỡ Pháp, nhất là khi Paris muốn ra khỏi
Liên Hiệp ? Đành rằng EU đã giúp Hy Lạp 300 tỉ euro, nhưng trọng lượng kinh tế
của Pháp lớn gấp 10 lần, vả lại Hy Lạp vẫn muốn ở lại khu vực đồng euro.
Chỉ còn có Quỹ Tiền tệ Quốc tế
(IMF). Muốn được cứu vãn, IMF sẽ có những đòi hỏi khắc nghiệt, đi ngược lại các
lời hứa tranh cử của bà Le Pen : siết chặt chi tiêu ngân sách, giảm các dịch vụ
công, giảm hưu bổng, cắt giảm các chương trình xã hội, tăng cường tư nhân hóa
và cạnh tranh…
Ngoài ra còn phải tính đến việc
các công ty Pháp phải nhập nguyên vật liệu và năng lượng với giá cao hơn rất
nhiều, do đồng quan Pháp mới tái xuất bị mất gia. Thị trường sẽ thu hẹp do ra
khỏi EU và thành lập hàng rào thuế quan. Hậu quả là doanh nghiệp mất tính cạnh
tranh, sản xuất thừa. Để hỗ trợ sức mua của người dân, bà Le Pen sẽ phải cho in
thêm giấy bạc, thế là lạm phát tăng vọt. Năng lượng đắt đỏ, đành phải định mức
cho các hộ dân. Để kiểm soát luồng vốn, sẽ phải phong tỏa tài khoản của các
công ty và cá nhân. Và đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, nước Pháp bị phá sản
!
Không đi bầu chính là bầu cho cực
hữu
« Chống vắng mặt », xã luận của
nhật báo công giáo La Croix kêu gọi. Trước vòng hai, các cuộc thăm dò dư luận đều
cho thấy Emmanuel Macron chiếm được thượng phong, nhưng vẫn còn một yếu tố bất
định : đó là số cử tri không đi bầu.
Như thường lệ, mỗi cuộc bầu cử đều
có một số công dân không đi bỏ phiếu vì thờ ơ hoặc lười biếng. Nhưng lần này số
người vắng mặt hoặc bỏ phiếu trắng còn do từ chối lựa chọn giữa hai ứng cử viên
còn lại, được ví von là giữa « dịch hạch và dịch tả ».
Sự chọn lựa không bầu cho ai cả
liệu có làm thay đổi kết quả bầu cử hay không ? Theo La Croix, không thể loại
trừ giả thiết này. Năm 2002, ông Jacques Chirac được cử tri mọi khuynh hướng ồ ạt
dồn phiếu cho, đạt 82,21% trước chủ tịch đảng cực hữu Jean-Marie Le Pen, và tỉ
lệ người đi bầu lên đến 80%. Ngày nay khoảng cách giữa hai bên đã ngắn lại, và
tỉ lệ vắng mặt lên cao. Như vậy đã tự động dành cơ hội chiến thắng cho Marine Le
Pen.
Năm 2016, hai cuộc bỏ phiếu lịch
sử đã đi ngược lại những dự báo trước đó, với tỉ lệ khít khao : cuộc trưng cầu
dân ý khiến Anh quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU) và chiến thắng của Donald
Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Nhiều cử tri của hai nước này sau đó đã
tỏ ra tiếc nuối là đã không đi bầu. Như vậy nếu vắng mặt Chủ nhật này khi tự nhủ,
kết quả đã biết trước, là rất bất cẩn ; và tối hôm đó có thể sẽ phải tự trách
mình « Tôi đâu có muốn vậy ». Tốt nhất là dù sao đi nữa nên có chọn lựa. La
Croix nhắc lại, trước đó tờ báo đã công khai cho biết sự lựa chọn của mình : bầu
cho Macron.
Một đảng và lãnh tụ « chưa trưởng
thành về chính trị »
Trong bài trả lời Libération, nhà
nghiên cứu Sylvain Crépon cho rằng đây là « một dạng chưa trưởng thành về chính
trị ». Việc cố thu hút các cử tri cực tả của ông Mélenchon, và gần cuối cuộc vận
động lại thay đổi ý kiến về Châu Âu, chứng tỏ Mặt Trận Quốc Gia không có văn
hóa cầm quyền.
Đảng này đang quay lại với chủ
trương cực đoan cũ, tập trung vào nuối tiếc quá khứ, chỉ trích trật tự xã hội
hiện tại, hơn là xây dựng một kế hoạch cho tương lai. Bà Marine Le Pen tỏ ra
không có khả năng vượt qua giai đoạn đối lập.
Hiện nay 63% cử tri FN tự cho
mình thuộc cánh hữu, một phần ba cánh trung, còn cánh tả chỉ 5%. Muốn phát triển,
FN cần chú ý tranh thủ cử tri của ứng viên Những Người Cộng Hòa, ông François
Fillon, trong khi đó bà Le Pen lại vận động cả hai, thậm chí nghiêng về cánh tả
nhiều hơn – chỉ muốn nhảy vào nắm quyền ngay lập tức mà không có chiến lược dài
hơi.
Tỉ lệ phiếu bầu vòng hai sẽ xác định
khả năng giành phiếu của FN trong cuộc bầu cử Quốc Hội sau đó. Khả năng hình
thành được một nhóm 15 dân biểu tại Hạ Viện không có gì là xa vời, và bà Le Pen
có thể gây náo động tại Quốc Hội cũng như trên truyền thông, nhưng viễn cảnh
trung và dài hạn vẫn chưa rõ. Trước mắt, chưa ai có thể thay bà đứng đầu FN, dù
số phiếu Chủ nhật tới có đáng thất vọng đi nữa, vì những tiếng nói bất đồng
trong nội bộ đảng không được lắng nghe.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét