Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2017

Giải cứu lợn, nghĩ mà rầu!

Thiên Luân



Hơn một tuần nay, vấn đề giải cứu lợn được bàn luận trên mọi diễn đàn. Không khí sục sôi hơn bao giờ hết, cứ như thời kháng chiến vào mùa chiến dịch.

Để “cứu lợn” cả hệ thống chính trị phải vào cuộc một cách quyết liệt. Thừa lệnh Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã gửi công văn hỏa tốc kêu gọi các Bộ ngành, địa phương và toàn dân tăng cường ăn thịt lợn. Đích thân ông Bộ trưởng còn đến làm việc với Tổ hợp Samsung Bắc Ninh để đề nghị tăng cường tiêu thụ thịt lợn. Bộ công thương cũng đã họp khẩn tìm kiếm giải pháp giải bài toán lợn hơi rớt giá. Ngành Công an cũng đã hướng ứng, đưa việc tiêu thụ thịt lợn vào chỉ tiêu thi đua. Với sự khẩn trương, quyết tâm cao độ ấy, có lẽ lợn sẽ được giải cứu.

Thực ra mà nói, việc “vỡ trận” của ngành nuôi lợn đã được tiên liệu từ nhiều năm trước. Có thời điểm giá lợn hơi lên đến đỉnh điểm (58.000đ/kg), chưa bao giờ nuôi lợn mang lại lợi nhuận cao như thế. Trước sức hút đó người dân, doanh nghiệp đổ xô xây trại nuôi lợn. Phong trào nuôi lợn nhanh chóng lan rộng khắp cả nước. Quy hoạch chăn nuôi lợn bị vỡ. Theo tổng hợp của Cục Chăn nuôi, đến cuối năm 2016, chưa kể các trang trại nhỏ, chỉ riêng số lượng các trang trại lớn và vừa đã lên tới con số 26 nghìn, tăng tới 23% so với năm 2015.

Trước tình hình đó, thay vì kiểm soát, quy hoạch, chấn chỉnh và khuyến cáo người dân thì các cơ quan chức năng lại thả cửa dẫn đến việc nuôi lợn tràn lan, mặc ai nấy làm, các trại lợn mọc khắp nơi. Hơn nữa, từ giữa năm 2016, khi giá lợn có xu hướng giảm, lẽ ra ngành chăn nuôi phải nắm bắt, đánh giá tình hình thị trường để định hướng sản xuất cho người nông dân. Nhưng họ chẳng làm gì cả, để đến hôm nay ngành nuôi lợn “vợ trận” họ mới nhốn nháo tìm cách giải cứu. Giải cứu bằng cách kêu gọi người toàn dân ăn thịt lợn. Chỉ vậy thôi cũng đủ để người dân cám ơn nhà nước đã quan tâm.

Xét toàn cục, trước tiên lỗi thuộc về cả cơ quan nhà nước, không có tầm nhìn, thất bại trong quản lý và hoạch định chính sách. Và tiếp đến là người dân, sản xuất chạy theo giá, không theo sát nhu cầu thị trường.

Thêm nữa, việc vỡ trận nuôi lợn là do sự đạo diễn từ phía thương lái Trung Quốc. Vẫn là chiêu trò cũ, ban đầu họ mạnh tay mua hàng với giá cao, tạo cầu ảo, kích thích người dân tăng đàn sau đó giảm mua, giảm giá, dừng mua để gây nên sự hổn loạn. Cái bẫy đã mắc nhiều lần nhưng chúng ta không rút ra được bài học, không tránh được là sao?

Giá lợn hơn rớt thê thảm, nhưng giá thịt sản phẩm vẫn cao như trước, vẫn bình ổn. Người chăn nuôi bán lợn hơi giá rẻ, người tiêu dùng ăn thịt giá cao.

Đang gắp miếng thịt lợn tưởng muốn rớt xuống đất, “một con lợn chịu tới 51 loại thuế phí”. Trước kia, chuyện quả trứng gánh 14 thứ thuế, phí đã thấy “hãi” nay nghe con lợn chịu tới 51 loại thuế phí mà không thể tin nổi. Thuế, phí gì mà kinh thế, tận thu gì mà khiếp thế.

Sao không giảm, bỏ bớt thuế, phí, bớt các khâu trung gian để giá thịt lợn giảm, giá lợn hơi tăng mà cứ kêu gọi người tiêu dùng chung tay này, chung tay nọ. Như vậy có khác nào lợi dụng để móc túi người dân.

Thật lòng mà nói, tôi nghĩ các ông lãnh đạo hô hào, kêu gọi vậy thôi chứ mấy ông chắc gì đã dám ăn thịt lợn mua ngoài chợ. Cũng là miếng thịt lợn, ngày trước mua về có thể chế biến ngay, chứ thịt lợn bây giờ mua về phải luộc qua một lần nước rồi mới dám nấu lên ăn. Và cũng không dám ăn nhiều. Vì sao? là vì, nuôi lợn bây giờ sử dụng chất tạo nạc, hóc môn sinh trưởng và lạm dụng kháng sinh. Để ức chế sự phát triển của vi khuẩn các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thường bổ sung kháng sinh liều cao với mong muốn vật nuôi không bị bệnh. Chưa hết, để phòng bệnh cho lợn người chăn nuôi còn mua thêm kháng sinh trộn vào thức ăn, nước uống. PGS.TS Lê Văn Thọ, ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết, một báo cáo khảo sát trên 94 trại chăn nuôi heo thịt gần đây cho thấy kháng sinh được sử dụng cao hơn mức quy định 2 - 4 lần. Hãy nghĩ đi, 10 ngày lợn tăng 20kg nhờ hóc môn sinh trưởng thì thịt sạch ở đâu? (theo Nông nghiệp Việt Nam)

Nuôi đã bẩn, khi giết mổ lại thêm một lần thịt lợn được làm bẩn. Việc tim thuốc an thần trước khi mổ là rất phổ biến, ngoài ra để giữ được miếng thịt để lâu bắt mắt, người ta còn ướp muối diêm và hàn the để tạo màu cho thịt, làm thức ăn giòn hơn, đồng thời ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Đó là chưa kể lợn chết, lợn bệnh bán trà trộn vào.

Quay trở lại vấn đề, cơn bão rớt giá lần này sẽ tàn phá nghiêm trọng ngành chăn nuôi lợn. Có lẽ, chưa có thời nào mà giá lợn rớt thê thảm đến vậy, giá 1 ký lợn hơi chỉ bằng 4 cốc trà đá. Vì lợn, nhiều hộ nông dân sẽ “tán gia bại sản” lâm vào cảnh nọ nần. Người trụ được cũng phải mất một thời gian dài mới phục hồi, nhưng với thị trường nhiều biến động như vậy không có gì là bảo đảm.

Giải “cứu lợn”, có làm được cũng chỉ là tức thời, còn về lâu dài phải tính toán sao cho cân đối cung cầu thì mới bình ổn giá cả, chứ cứ làm ăn theo kiểu phong trào, tự phát, may rủi như lâu nay thì còn vỡ trận dài dài. Và quan trọng nữa là sản phẩm sạch, thị trường .Và đây không chỉ là vấn đề chăn nuôi lợn mà là của cả ngành nông nghiệp.

Nghĩ mà rầu, Trung ương có Bộ Nông nghiệp, cấp tỉnh có sở Nông nghiệp, các huyện, thị xã có phòng Nông nghiệp, thậm chí xã cũng có cán bộ phụ trách nông nghiệp, rồi các viện, trung tâm nghiên cứu, lãnh đạo nhiều ông có cả bằng tiến sĩ… Lực lượng đông như thế, trình độ như thế, nhưng nền nông nghiệp cứ mãi loay hoay, mò mẫm “trồng cây gì, nuôi con gì”?.

Chúng ta thử làm phép so sánh để biết vấn đề của Nông Nghiệp Việt Nam là gì.

Việt Nam có tới 70% dân số, 40 % lao động trong lĩnh vực Nông nghiệp, đóng góp 3,44% vào tăng trưởng GDP (số liệu năm 2014). Trong khi, Nhật Bản chỉ 3% dân số làm nông nghiệp nhưng cung cấp đầy đủ cái ăn chất lượng cao cho hơn 127 triệu dân, lại còn dư để xuất khẩu. Israel một đất nước đất đai khô cằn, lực lượng lao động trong nông nghiệp chỉ chiếm 3,7% tổng lực lượng lao động trong nước, nhưng tự sản xuất được 95% nhu cầu thực phẩm. Nước Mỹ, 322 triệu người, lao động Nông nghiệp chỉ chiếm 1% nhưng tạo xuất nhập khẩu nông sản, ước tính chiếm 18% thị phần thương mại nông sản của toàn cầu.

Với đường lối phát triển nông nghiệp và tài lãnh đạo như hiện nay, không ai đoán định được tương lai của ngành Nông nghiệp Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét