Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

Pháp : Năm thách thức lớn đối với tân tổng thống

RFI




Ông Emmanuel Macron phát biểu tại Paris ngay sau khi thắng cử vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp, tối ngày 07/05/2017.REUTERS/Lionel Bonaventure
 


Tổng thống tân cử Pháp Emmanuel Macron sẽ phải tập hợp một đất nước bị chia rẽ sâu sắc và phải xử lý những hồ sơ lớn, từ thất nghiệp đến tái thúc đẩy tiến trình xây dựng châu Âu. Theo Stéphane Rozès, chủ tịch Văn phòng phân tích tư vấn Cap, được AFP trích dẫn, « vấn đề đầu tiên (của ông Macron) sẽ là phải có được một đa số (sau hai vòng cuộc bầu cử Quốc Hội, ngày 11 và 18/06), để ông có thể tiến hành cải cách ».



Giảm bớt các chia rẽ, đổ vỡ trong xã hội



Chính trị gia theo cánh trung, ủng hộ châu Âu 39 tuổi, kế thừa một đất nước bị chia rẽ, bởi vì trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống, ngày 23/04, đã có tới gần 50% số cử tri bỏ phiếu ủng hộ các phe phái chính trị cực đoan – chống châu Âu, chống toàn cầu hóa và giới tinh hoa.



Việc phân tích kết quả bỏ phiếu cũng cho thấy một nước Pháp bị chia rẽ thành hai, giữa các vùng đô thị, sung túc, thuận lợi, có tư tưởng cải cách hơn và các vùng nghèo khó – hay còn gọi là ngoại biên, theo từ ngữ của giới xã hội học – và đã ồ ạt ủng hộ phe cực hữu.



Đắc cử tổng thống với hơn 65% số phiếu, Emmanuel Macron biết rằng rất nhiều cử tri đã ủng hộ ông để cản đường phe cực hữu. Những lá phiếu này – nhằm « loại bỏ » cực hữu, chứ không phải là « chấp nhận » các ý tưởng Macron – không đồng nghĩa với sự lựa chọn trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng Sáu tới.



Theo chuyên gia Stéphane Rozès, sự phân chia Macron/Le Pen, một sự phân chia đối lập về bản sắc, quốc gia và hiện sinh chứ không phải là sự phân chia tả/hữu, có thể còn tiếp tục kéo dài trong cuộc bầu cử Quốc Hội.


Liệu Macron có được đa số tại Quốc Hội hay không ?



Emmanuel Macron cam kết vượt lên trên các đảng phái truyền thống, tả cũng như hữu, để tạo ra được một đa số mới trung dung sau cuộc bầu cử Quốc Hội tháng Sáu.



Ông Macron sẽ phải khai thác thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống để có được đa số tại Quốc Hội cùng với phong trào mới được thành lập của ông cách nay một năm – phong trào Tiến Bước !



Ông Macron tỏ ra tin tưởng rằng, với động lực của cuộc bầu cử tổng thống, người dân Pháp sẽ tiếp tục tin tưởng vào ông trong cuộc bầu cử Quốc Hội.



Tuy nhiên, cánh hữu bảo thủ, với gần 20% số phiếu ủng hộ ở vòng một cuộc bầu cử tổng thống, rất muốn phục hồi, trỗi dậy sau thất bại của ứng viên François Fillon, để buộc tân tổng thống phải chấp nhận tình trạng « chung cư », tức là tổng thống và phe đa số tại Quốc Hội không cùng chính đảng.



Bên cánh tả, đảng Xã Hội bị tan nát (chưa được 7% số phiếu ở vòng một), thế nhưng phe cực tả, với thủ lĩnh là Jean Luc Mélenchon, với số phiếu 19,6%, đang rập rình căng bẫy.



Vấn đề thất nghiệp



Giống như những người tiền nhiệm, ông Macron sẽ được đánh giá theo kết quả đạt được trong lĩnh vực việc làm, vào lúc nước Pháp có tỉ lệ thất nghiệp cao hơn 10% (tỉ lệ trung bình tại châu Âu là 8%).



Ông Macron đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng ban bố các sắc lệnh để cải cách thị trường lao động ngay từ mùa hè năm nay. Biện pháp này có thể dẫn đến các cuộc biểu tình, đình công phản đối mạnh mẽ. Tân tổng thống đắc cử đề ra mục tiêu giảm tỉ lệ thất nghiệp xuống còn 7% vào cuối nhiệm kỳ.



Chống khủng bố



Từ tháng Giêng năm 2015 đến nay, các loạt khủng bố trên lãnh thổ Pháp đã làm 239 người thiệt mạng. Đấu tranh chống khủng bố ở trong nước và ở nước ngoài là một trong những thách thức lớn đối với ông Macron, chính trị gia trẻ chưa có kinh nghiệm.



Xây dựng lại châu Âu



Emmanuel Macron đã hứa là cùng với Đức, thúc đẩy tiến trình xây dựng châu Âu, vốn bị lung lay sau vụ Brexit và cuộc khủng hoảng nhập cư.



Tân tổng thống đắc cử Pháp cho biết sẽ đề xuất một lộ trình trong vòng 5 năm, xây dựng một ngân sách thực sự cho khu vực đồng euro, một Liên Hiệp Châu Âu thực sự 27 thành viên trong lĩnh vực môi trường, công nghiệp và có chính sách trong lĩnh vực nhập cư.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét