Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

'Phải bỏ Đảng để tiến bước và hy vọng'



Emmanuel Macron đã bỏ Đảng Xã hội để 'tiến bước' bằng lực lượng mới 


Thắng lợi tranh cử của Emmanuel Macron tại Pháp tạm thời ngăn được bước tiến của phe cực hữu nhưng cũng đặt ra câu hỏi về tương lai của Đảng Xã hội Pháp và phe tả châu Âu. Từng làm bộ trưởng trong chính phủ Francois Hollande, ông Macron đã phải vứt bỏ nhãn hiệu Đảng Xã hội để lập ra lực lượng riêng mới có thể thắng lợi. Đảng của một Macron trẻ trung chỉ có cái tên là 'En Marche' - Tiến Bước, và hứa trao cho quần chúng niềm Hy Vọng mà không cần nền tảng tư tưởng gì hết.

Sụt phiếu khắp nơi

Ngược lại, ứng viên kiểu cổ điển của của Đảng Xã hội, Benot Hamon, chỉ giành được có 6% phiếu trong vòng một bầu cử tổng thống, bằng một nửa số 12% phiếu bỏ cho Lionel Jospin hồi 2002.

Đây là một bước tụt lùi nghiêm trọng cho đảng lớn ở Pháp từng lấy cảm hứng từ phong trào Marxist.

Cũng tuần qua, tại cuộc bầu cử địa phương ở Anh, Đảng Lao động (Labour) thua thảm hại, mất 550 ghế trong các hội đồng địa phương về tay Đảng Bảo thủ.

Nhiều báo nói phe Lao động thua là vì cách điều hành của ông Jeremy Corbyn, người hồi trẻ từng viết bài cho tạp chí cộng sản Anh và cũng đã có lúc gọi Hamas và Hezbollah là "những người bạn".

Ở cả hai bờ Đại Tây Dương, sau thời kỳ hoàng kim Clinton - Blair, phe tả dần mất dân, mất ghế.

Từ Mỹ, Niall Ferguson, giáo sư chính trị người Scotland hiện giảng tại Đại học Stanford nói rằng nhìn lại cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, ta cũng không nên chỉ đổ lỗi cho bà Hillary Clinton.

Ông viết trên trang Sunday Times 08/05:

"Một chương trong lịch sử cánh tả đã khép lại. Vấn đề không phải là Clinton hay Corbyn mà phái dân chủ xã hội (social democracy) thực ra đã chết."

Từ Pháp, nhà phân tích chính trị Pascal Perrineau đồng ý:

"Một lực lượng chính trị có từ lâu như đang chết trước mắt chúng ta."

Thanh thiếu niên Pháp biểu tình ở Bordeaux tháng 3/2016 phản đối cuộc cải tổ thị trường lao động-Bản quyền hình ảnh NICOLAS TUCAT


Nhưng sự đi xuống của các đảng cánh tả châu Âu đã xảy ra không phải từ bây giờ.


Giã từ ý thức hệ



Brian Wheeler viết trên BBC News rằng phe tả châu Âu, một thời ủng hộ Liên Xô, đã mất đi nhiều sự ủng hộ cùng lúc khối cộng sản Đông Âu tan rã đầu thập niên 1990.



"Ý thức hệ Marxist khi đó không còn là thời thượng trong các trường đại học, và ngay cả trong các đảng cánh tả vẫn còn có cảm hứng muốn giành quyền tại Phương Tây, như đảng Lao động ở Anh."



Trước khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, một cây đa cây đề của phe tả châu Âu, Tổng thống thuộc Đảng Xã hội Pháp, Francois Mitterand, đã ký vào Luật 'Single Market Act' ở châu Âu, chấp nhận kinh tế thị trường.



Khi đã bỏ tư duy xã hội chủ nghĩa, 'bình quân cào bằng' kiểu cũ và chung sống với thị trường, phe tả muốn tăng thuế để điều tiết lại lợi tức xã hội, đảm bảo mạng lưới an sinh cho người lao động.



Nhưng với chủ nghĩa tư bản sang thế kỷ 21 trở thành dạng toàn cầu hóa, kiểm soát thuế và giữ việc làm trong khuôn khổ một quốc gia ngày càng khó.



Mặt khác, muốn có tiền để chi tiêu công cao thì nhà nước phải 'chung sống với doanh nghiệp', ra đường lối 'pro-business'.



Tony Blair ở Anh đã thấy sự mâu thuẫn này và đề ra Con đường Thứ Ba (Third Way), không phải tư bản, cũng chẳng theo chủ nghĩa xã hội.



Thắng cử của ông Blair chủ yếu nhờ uy tín cá nhân đã giúp Đảng Lao động Anh cầm quyền hơn hai nhiệm kỳ.



Nhưng mâu thuẫn nội bộ khiến phái 'thân doanh nghiệp' của Tony Blair và Gordon Brown thua trước phái cổ điển cứng rắn của Jeremy Corbyn và John McDonnell.


Xa rời quần chúng



Các phong trào xã hội dân chủ hình thành nhờ mối liên hệ truyền thống giữa tầng lớp lao động (working class), và đại diện của họ là các nhóm trí thức đô thị thiên tả.



Nhưng nay, mối liên hệ này đã không còn.



Giới trí thức thiên tả (ở Mỹ gọi là 'tự do' - liberal) ham đấu tranh vì quyền đồng giới, vì các nhóm nhập cư, và tự do thảo luận cao siêu hơn là bảo vệ người lao động bản địa.



Vì thoái lui trước làn sóng tự do kinh tế, khái niệm tự do dần dần được một số người thuộc phái tả hiểu là quyền bảo vệ các khoái cảm cá nhân.



Chẳng hạn, hợp pháp hóa cần sa là một khẩu hiệu của Benoit Hamon của Đảng Xã hội Pháp ra tranh cử tổng thống.



Quyền hút cần sa có thể làm hài lòng một số nhỏ văn nghệ sỹ và giới trẻ đô thị nhưng không phải là quan tâm hàng đầu của hàng triệu người thất nghiệp, nhất là người ở nông thôn, thành phố nhỏ.



Mặt khác, các đòi hỏi bảo vệ quyền của người tỵ nạn, hoặc di dân nhập cư là đúng đắn về mặt nhân đạo nhưng thiếu câu trả lời lấy đâu ra tiền nuôi họ nếu con số lên hàng trăm nghìn.

Có bảo vệ được việc làm?



Khủng hoảng tài chính thế giới 2008 đáng ra đã tạo cơ hội cho phe tả nhấn mạnh vào mặt trái của chủ nghĩa tư bản toàn cầu và đề xuất giải pháp.



Nhưng họ đã không làm được điều đó trong khi phe cực hữu, bài ngoại, mị dân lại giành tiếng nói.



Nhưng phe tả từ khi chấp nhận kinh tế thị trường đã không giành lại việc làm bị chuyển sang các nước Thế giới thứ ba.



Theo Niall Ferguson thì trong 28 nước hiện thuộc EU, các đảng phái tả vẫn có mặt trong 20 liên minh cầm quyền, nhưng chỉ là đối tác phụ và chỉ còn 8 thủ tướng thuộc Liên minh các đảng xã hội châu Âu (PES).



Các đảng trung tả tại những nước đông dân trong EU như Đức, Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha, Anh... đều thất cử những năm qua.



Chỗ đứng của cánh tả châu Âu vẫn còn, nhưng họ phải trở lại với dân chúng, bắt đầu lại từ công việc cấp cơ sở.



Thibaut Rioufreyt, nhà phân tích từ Lyon nhận định rằng Đảng Xã hội Pháp đang biến thành một liên minh của các chính trị gia cấp vùng.



Họ sẽ tiếp tục tồn tại nhưng phải thay đổi quan điểm, ông viết trên báo La Croix.



Tin mới nhất, hôm 9/05, cựu Thủ tướng Pháp thuộc Đảng Xã hội, Manuel Valls, tuyên bố Đảng này "đã chết" và ông bỏ Đảng để gia nhập hàng ngũ En Marche của Tân tống thống Macron.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét