Ngạn ngữ Anh có
câu “Một tấm hình bằng ngàn lời nói,” ý muốn nói là nhiều ý kiến phức tạp có thể
được diễn dịch với chỉ một tấm hình, hoặc hình ảnh của một đề tài có thể gửi được
ý nghĩa và bản chất hữu hiệu hơn là lời nói diễn tả.
Hôm ngày Lễ Lao
Động Quốc Tế vừa qua, hình ảnh một cô nữ hướng đạo mới có 16 tuổi, khuôn mặt
vui tươi, đối đầu với một tên đầu trọc trong một cuộc biểu tình chống biểu tình
của phe tân Phát Xít ở thành phố Brno của Czech, được loan truyền trên
Internet.
Cô Lucie Myslikova, một sinh viên điện ảnh và hoạt hình, còn mặc đồng
phục đối đầu với một tên biểu tình đầu trọc. Cuộc biểu tình được tổ chức ngày 1
Tháng Năm bởi một đảng tân Phát Xít tên là Đảng Công Nhân Cho Công Lý Xã Hội.
Cô Lucie, khi được đài BBC hỏi chuyện bằng điện thoại, trả lời: “Tôi không thấy
sợ. Tôi đến dự cuộc biểu tình chống biểu tình như là một người cương quyết thay
đổi sự việc. Tôi thấy có lý lắm trong việc tìm cách thay đổi thế giới quanh
tôi.”
Cô thêm: “Tôi
nghĩ giới trẻ nên tham gia vào những việc như thế này. Họ phải ý thức chuyện gì
đang xảy ra. Nếu quý vị hỏi tôi là việc đối đầu với đám đầu trọc phải để cho
người lớn tuổi hơn – nhưng chúng tôi, những người trẻ hơn, sẽ sống lâu hơn nhiều.”
Cô Lucie giải
thích là cuộc tranh luận với người không biết tên này là về dân tị nạn và di
dân. Cô nói cô bảo với ông là các quốc gia có nhiệm vụ giúp đỡ những ai chạy trốn
chiến tranh và loạn lạc, và rằng trong trường hợp đó biên giới không hiện hữu.
Ông ấy bảo cô là cô sẽ bị hiếp bởi những người mà cô tìm cách cứu.
Cô tâm sự với
đài BBC: “Điều quan trọng đập vào tôi là một số người nay bảo tôi là ‘quá
khích,’ rằng bài Phát Xít nay không hiểu tại sao trở thành ‘quá khích.’ Theo
tôi đó là tột đỉnh của sự phi lý.”
Phải nói năm nay
là năm của những tấm hình đối đầu nổi tiếng. Cô Saffiyah Khan ở thành phố
Birmingham mà tấm hình cười vào mặt một người đại diện cho nhóm Phát Xít mang
cái tên Liên Đoàn Bảo Vệ Anh (English Defence League-EDL), đang tổ chức một cuộc
biểu tình ở thành phố Birmingham hồi Tháng Tư, cũng là một tấm hình lịch sử. Cô
tâm sự với đài BBC: “Đôi khi cười quan trọng hơn là la hét. Và tôi đã la lối
nhiều lắm, tôi không có ảo tưởng gì về việc đó, nhưng rất nhiều lúc nụ cười là
một thông điệp mạnh mẽ hơn nhiều.”
Cô Saffira kể lại
là cô đã bước tới sau khi một phụ nữ khác bị bao vây. Cô tiếp: “Sự hung hăng của
ông ấy chúng ta thấy rõ qua tấm hình. Tôi không nói gì mấy với ông, và tôi
không nhớ ông nói gì với tôi. Nhưng tôi nghĩ hình ảnh sau đó đã tóm tắt lại
chuyện gì xảy ra vì ông đang dí tay vào mặt tôi. Nó không phải là một cuộc đối
đầu vui vẻ gì.” Đảng EDL bảo là cô làm gián đoạn một phút mặc niệm cho nạn nhân
của cuộc tấn công khủng bố. Cô Saffira bảo tấm hình chứng tỏ là họ nói sai. Cô
nói: “Không có một phút mặc niệm khi tôi có mặt ở đó. Đó chỉ là một cách để họ
bôi nhọ tôi vì tình hình cho thấy tôi có lý.”
Tấm hình được
chia sẻ nhiều ngàn lần. Cô Saffira bảo “hoàn toàn không cố tình, nó đã trở
thành một tấm hình đầy sức mạnh, và thật là kỳ lạ khi nó được nhiều người chia
sẻ đến thế. Nó đã đem lại hy vọng về cộng đồng và về sức mạnh của những người
chống lại EDL. Khi người ta thấy một thiếu nữ, còn khá trẻ, sẵn sàng đối đầu với
EDL, nhiều người sẵn sàng giúp đỡ và ủng hộ.”
Trước đó, hồi
Tháng Bảy, 2016, ở Baton Rouge, tiểu bang Louisiana, Hoa Kỳ, những cuộc biểu
tình phản đối việc một người đàn ông da đen bị cảnh sát bắn chết đang diễn ra đằng
đằng sát khí. Trong bầu không khí ngày càng gia tăng căng thẳng sắc tộc, và giữa
sự tranh luận về chuyện có vẻ như cảnh sát Hoa Kỳ đã được quân sự hóa, một tấm
hình cũng đã bằng ngàn lời nói. Tấm hình lần này được chụp bởi ông Jonanthan
Bachman, một phóng viên nhiếp ảnh từ New Orleans, lúc đó đang làm việc cho hãng
thông tấn Reuters. Tấm hình cho thấy cô Leshia Evans, một thiếu nữ mặc cái áo đầm
tha thướt bình tĩnh đối đầu với hai cảnh sát viên mặc nhiều lớp áo giáp, và có
vẻ đang xông tới cô.
Tấm hình được chụp
ngay bên ngoài sở cảnh sát thành phố. Ông Bachman trả lời BBC qua email, viết rằng:
“Cảnh sát được kêu ra để giải tỏa xa lộ Airline nơi những người biểu tình đang
chặn đường… Họ đuổi được hầu hết những người biểu tình ra bên lề. Tôi đang đứng
bên lề đường chụp hình những người biểu tình tranh luận với cảnh sát. Tôi nhìn
sang bên vai phải của tôi và thấy phụ nữ này bước xuống đường. Cô đang chứng tỏ
sự kháng cự. Cô không nói gì cả và không chịu nhúc nhích. Rõ ràng là cảnh sát
phải bắt cô ta.”
Reuters sau đó
nói là cô bị bắt giữ. Rồi thì cô Evans đích thân lên Facebook để nói là cô “còn
sống và an toàn. Tôi cảm tạ những lời cầu chúc và tình thương, nhưng đây là
hành động của Thượng Đế và tôi chỉ là vật truyền tải.”
Jami West nhận
xét trên Facebook: “Nhìn vào bộ dạng, cô hoàn toàn thăng bằng, hùng mạnh, đứng
thẳng và hoàn toàn vững vàng với hai chân đặt vững chãi trên mặt đất. Nhìn vào
đường thẳng từ đỉnh đầu xuống chân, cô chỉ được bảo vệ bởi sức mạnh của bản
thân cô. Ngược lại, các cảnh sát viên có dụng cụ bảo vệ tạm thời và sẽ được cởi
ra vào cuối ca. Họ đã bị đẩy lùi, bị bất ngờ. Và có vẻ như đang bật ngược lại
vì sức mạnh của cô. Đây là một tấm hình huyền thoại. Nó từ nay sẽ đi vào lịch sử
và vào các cuốn sách về mỹ thuật.” Nhà báo Shaun King, phóng viên công lý của tờ
New York Daily News gửi lời phê bình này trên Facebook và thêm: “Hoàn toàn
đúng. Bạn nói hết rồi.” Riêng ông Shaun King có 560,000 người theo.
Trở lại câu chuyện
của Lucie, Vladimir Cicmanec, cùng đi biểu tình với cô và là người chụp tấm
hình này, nói bị ảnh hưởng bởi những tấm hình đã được loan truyền của những người
dám chống lại Phát Xít và bạo lực. Vladimir, tự nhận là một thảo chương viên và
một phóng viên tài tử, giải thích: “Tôi không thấy cuộc đối thoại từ đầu – tôi
đang nhìn về hướng khác, bỗng một ông bạn vỗ vai tôi – nhưng tôi chỉ cách họ có
vài mét. Ngay lập tức tôi nhớ đến hình cô thiếu nữ ở Birmingham và tự nhủ – đây
sẽ là một hình ảnh lý thú. Thành ra tôi chụp lia lịa.”
Vladimir chỉ ra
là cuộc biểu tình của đám tân Phát Xít đã bị cuộc biểu tình của những người chống
Phát Xít bao vây vì đông hơn gấp đôi.
Lucie, riêng cô,
không sợ cho sự an toàn của mình. Cô bảo với đài BBC: “Ngay cả nếu có gì xảy ra
cho tôi, vết thương vật chất sẽ sớm lành. Nhưng nếu tôi giữ im lặng hay nếu tôi
quyết định không tham gia, nó sẽ để một vết thương trong tôi mà sẽ không bao giờ
lành.”
Xin ngả mũ chào
thán phục tuổi trẻ anh hùng và quả thật “một tấm hình bằng vạn lời nói.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét