Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

Minh bạch, công bằng và sòng phẳng?


Bất bình đẳng giữa người dân và chính quyền!


Vừa qua, tại cuộc họp báo chính phủ thường kỳ, ông Mai Tiến Dũng, chủ nhiệm văn phòng chính phủ có ý kiến nói về vấn đề liên quan đến vụ việc Đồng Tâm nguyên văn như sau: “Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.” Chúng ta ở đây được hiểu là chính quyền.


Ông Mai Tiến Dũng nói tại cuộc họp báo chính phủ thường kỳ, 5/2017
Từ trước đến nay, nhận trách nhiệm là lãnh đạo duy nhất của dân tộc Việt Nam, các thế hệ lãnh đạo Đảng luôn tuyên bố: “ Chính quyền là của dân, do dân và vì dân. Ở Việt Nam người dân được hoàn toàn làm chủ”.

Nhiều người thắc mắc, nói như ông Dũng thì lại quá là trái với tuyên bố truyền thống của Đảng, là bất bình đẳng giữa người dân và chính quyền. Vậy thì phải được hiểu ra sao đây.

Câu nói của ông Dũng làm ta nhớ lại ý câu nói bất hủ của ông nguyên chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng trên diễn đàn quốc hội ngày nào: “Quốc hội là dân, quốc hội sai là dân sai. Kỷ luật quốc hội là kỷ luật dân sao được”.

Trong bất cứ đất nước dân chủ hiện đại nào thì Hiến pháp cũng đều tôn trọng quyền con người, trong đó có việc người dân được làm mọi việc mà pháp luật không cấm, còn chính quyền thì chỉ được thực hiện những điều mà pháp luật cho phép. Quy định thì như vậy nhưng ở bất cứ nơi đâu trên quả đất này, lẽ phải luôn thuộc về kẻ mạnh, vậy thì làm sao có được sự bình đẳng giữa người dân và người đại diện của chính quyền đây. Nếu thực sự bình đẳng thì chắc sẽ không mấy người phải bỏ tiền và của ra để chạy cho bằng được một chân công chức, để lo lót thăng quan, tiến chức. Vậy thì rõ ràng ông Dũng nói không sai, ít ra là nó đúng với thực tế đời sống của người dân Việt Nam đã và đang sống trên mảnh đất hình chữ S này.

Sai lầm trong cải cách ruộng đất, Hồ Chí Minh đã đại diện cho chính phủ xin lỗi toàn dân. Những người chỉ đạo và thực hiện chính bị kỷ luật cảnh cáo, mất chức và mãi sau này sau “giải phóng” miền Nam mới được phục hồi lên chức to trở lại, không có ai là người phải chịu trách nhiệm hình sự cả.
Tiếp theo là vụ nhân văn giai phẩm, vụ xét lại, các nạn nhân cũng chỉ nhân được lời xin lỗi, còn những kẻ trực tiếp gây ra không hề bị làm sao. Thậm chí ồn ào nhất là không truy tố những kẻ chủ mưu trong vụ án chính trị vu khống đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nếu kể ra thì nhiều và dài lắm, nhất là các vụ án liên quan đến an ninh chính trị. Nếu có xảy ra chính biến, thay đổi chính quyền thì người ta kêu gọi đừng mang đại bác bắn vào quá khứ, hãy rộng lượng tha lỗi cho những kẻ tội đồ trước đây với người dân vì lòng vị tha.

Hơn hai thập kỷ trở lại đây, khi thông tin đã không thể bưng bít được như ở Bắc Triều Tiên, người dân đất Việt được cởi mở hơn tý chút trong việc phát ngôn chính kiến của mình. Nhiều người dân bị xử lý oan sai nhờ mạng xã hội lên tiếng nên đã được phục hồi danh dự. Tuy nhiên người buộc tội, bắt giam người khác trái pháp luật, tạo chứng cứ giả, ép cung, bỏ tù không thông qua tòa án… mà vẫn đương chức, nhởn nhơ ngoài pháp luật còn nhiều. Không hiểu người ta xây dựng Bộ Luật Tố tụng hình sự để làm gì, còn có ý nghĩa gì nữa không.

Luật quy định chỉ được tạm giam có vài tháng, có gia hạn thêm ít nhiều nhưng không có nghĩa là có thể vận dụng luồn lách để tạm giam người ta kéo dài đến hàng năm trời khi không thể tìm ra chứng cứ thuyết phục để buộc tội. Điều này đã gây nên áp lực cho chính cơ quan điều tra, nếu không buộc tội cho họ có án tù thì phải đền bù cho những tháng ngày họ bị tạm giam.

Tiêu cực đã xảy ra từ lý do quá đỗi vô lý này, cán bộ điều tra buộc phải dùng đến hình thức tra tấn để lấy được lời khai nhận tội của bị can như thời trung cổ, mặc dù trong thâm tâm họ biết rằng bị can vô tội. Với các quan bị tố cáo có tội, yêu cầu phải có chứng cứ rõ ràng mới bị khởi tố điều tra bị can (Ví dụ: tướng Phạm Huy Ngọ, Trịnh Xuân Thanh, …), còn với dân thì bị bắt tạm giam ngay để điều tra (Ví dụ: Ông Chấn,ông Nén, Cụ Kình và mấy người dân ở Đồng Tâm…). Khi buộc phải thả cụ Kình và 3 người dân ở Đồng Tâm ra, cơ quan bảo vệ pháp luật Hà Nội lúng túng, không chịu nhận lỗi mà lại cho là họ đã nhận tôi, dối trá một cách trơ trẽn.

Bởi vậy, nếu nói đại diện chính quyền sai ở Đồng Tâm mà cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thì tôi tin rằng kết quả điều tra đúng đắn sẽ chẳng bao giờ đến với người dân. Pháp luật nắm trong tay, người ta muốn uốn cong kiểu nào chẳng được, đến con đường Trường Chinh to lớn là thế ở Hà Nội, người ta cũng đã làm cho nó cong mềm mại được cơ mà.


Vụ tranh chấp đất ở xã Đồng Tâm, sai lầm lớn nhất phải nói thuộc Bộ Quốc phòng. Khi dự án làm sân bay Miếu Môn không khả thi thì ngoài phần diện tích đất chuyển đổi mục đích sử dụng hợp lý cho an ninh quốc phòng thì diện tích đất còn lại phải trả về cho địa phương. Địa phương sẽ phải có phương án cho dân thuê lại đất để canh tác, tránh lãng phí. Vậy mà hơn 30 năm, người ta để đất hoang hóa một cách vô tội vạ. Ai là người để xảy ra thực trạng này chắc thanh tra không muốn làm rõ, quá khứ rồi, bỏ qua.

Sự chênh lệch giữa diện tích mà quân đội đang muốn chiếm giữ với diện tích thật trong giấy cấp đất chính thức lên tới hàng chục ha nói lên điều gì, không thể nói là sai sót do đo đạc mà lại quá lớn như vậy được. Rõ ràng chưa thanh tra thì cũng đã rõ ai sai rồi.

Tại sao Viettel lại cần đến diện tích đất lớn như vậy, có thật sự đất được sử dụng cho mục đích quốc phòng hay không khi đây là doanh nghiệp kinh doanh viễn thông, tin học và bưu chính? Diện tích đất cấp cho dự án làm sân bay Miếu Môn còn quá lớn sao lại phải lấy đất cánh đồng Sênh bờ xôi, ruộng mật mà dân đang canh tác, lấy đi nguồn sống của họ.

Hy vọng nhiều câu hỏi mà bà con thôn Hoành, xã Đồng Tâm đặt ra sẽ được thanh tra Hà Nội làm rõ. Minh bạch, công bằng và sòng phẳng liệu có được các quan thanh tra lần này không bị mờ mắt, vì những phong bì đầy đặn hấp dẫn từ đâu đó, mà tôn trọng hay không.

Một chuyện lạ mới xảy ra hôm trước ở thành phố HCM. Côn đồ vào tận nhà riêng của công dân để hành hung, và liều lĩnh đưa lên mạng xã hội để khoe khoang thành tích một cách công khai. Xem phim Hàn Quốc thấy đánh nhau là cả nạn nhân và côn đồ đều bị bắt về đồn. Kẻ côn đồ muốn khoe khoang chiến tích sẽ phải vào tù ngay nếu không thỏa thuận được với nạn nhân mức đền bù và xin lỗi.

Đó là ở nơi công cộng, còn nếu đến nhà riêng thì tù mọt gông. Chưa biết nạn nhân là ai, họ vẫn là công dân bình thường dù có bị ghét bỏ thế nào chăng nữa, họ không phải là tội phạm vì chưa bị Tòa án luận tội. Đám dư luận viên thì ồn ào chúc mừng kẻ côn đồ trên mạng xã hội, chúng luôn thích cổ động dùng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn.

Chỉ có những kẻ mọi rợ mới xông vào nhà riêng của người ta mà đấm đá như vậy, nhất là lại với phụ nữ tay yếu, chân mềm. Những kẻ cổ vũ, ủng hộ đám này cũng khốn nạn không kém, vậy mà chúng luôn tự vô ngực là những người yêu nước chân chính. Chính quyền mà sử dụng cái đám này thì chế độ chắc nhanh chóng gần đến ngày sụp đổ hơn.

Không chờ phải đi bệnh viện khám thương tích, chỉ riêng việc đột nhập nhà riêng hành hung người có bị thương dù nhẹ đi nữa cũng đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm để khởi tố theo luật hình sự được rồi.
Chuyện lạ là công an quận 2, thành phố HCM không những không khởi tố hay triệu tập mà lại “mời” các bị can đến giãi bày. Đến tội phạm cũng có sự phân biệt trong ngôn từ của báo chí lề phải. Không biết với bọn côn đồ này có cần “Minh bạch, công bằng và sòng phẳng” không nhỉ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét