Muốn
chuyển đổi, một cách ôn hoà và tiệm tiến, chế độ độc tài toàn trị hiện hành
sang chế độ dân chủ, trước hết là tất cả mọi người, đi đầu là các trí thức có
tư duy độc lập, phải mạnh dạn mở miệng, trung thực và thẳng thắn, bình tĩnh và
cầu thị, thảo luận để đặt lại các giá trị (mà chế độ này đã xáo trộn rối bời)
cho đúng chỗ. Đây là một cuộc đấu tranh vô cùng gian nan trầy trật, đòi hỏi
không những lòng dũng cảm mà cả sự kiên nhẫn, khôn khéo.
Nhờ
sự dũng cảm, kiên nhẫn, khôn khéo của một số trí thức tiên phong tiêu biểu,
cuộc đấu tranh đã đạt được những thành quả rất căn bản, mở ra bước đột phá mới
đầy triển vọng cho giai đoạn kế tiếp.
Xin
dẫn chứng về hai trường hợp : Phan Châu Trinh và Phan Khôi.
Phan
Châu Trinh từng bị những người lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam coi (một cách
miệt thị) là phần tử cải lương, là lầm đường lạc lối. (Tố Hữu, ủy viên Bộ chính
trị đảng CSVN buông lời trịch thượng đối với bậc tiền bối : “Phan Châu
Trinh lạc lối trời Âu”).
Nhìn
Phan Châu Trinh theo con mắt Tố Hữu đã được giáo khoa hoá, suốt một thời
gian dài nhiều thế hệ học sinh Việt Nam trên miền Bắc từ 1954 và trên cả nước
từ 1975 đều được nghe giảng về Phan Châu Trinh như thế.
Nhưng
tình hình nay đã khác. Hàng chục năm qua, nhờ nỗ lực của các nhà nghiên cứu
lịch sử nghiêm túc với những công trình thực sự khoa học đã xuất bản chính thức
tại các NXB của nhà nước hoặc chỉ mới công bố trên mạng internet (xin mạn phép
đặc biệt lưu ý bạn đọc về công trình “Tìm hiểu quan niệm chính trị
của Phan Châu Trinh” của nhà nghiên cứu Mai Thái Lĩnh đã công bố trên
Talawas năm 2007), Phan Châu Trinh đã được nhìn nhận lại.
Và
mới đây, Phan Châu Trinh đã được chính thức tôn vinh, trong lễ ra mắt của Viện
Phan Châu Trinh tại Hội An, là NHÀ KHAI SÁNG của dân tộc.Vâng, NHÀ KHAI
SÁNG, danh xưng ấy hoàn toàn xứng đáng với nhà chí sĩ họ Phan Quảng Nam khi mà hầu
như tất cả mọi người Việt Nam yêu nước đều đồng thuận thừa nhận rằng Hơn
một trăm năm trước, trong tình thế cực kỳ hiểm nghèo và trăn trở tìm đường cứu
nước, Phan Châu Trinh là người đầu tiên đã nhận ra rằng mối họa lớn nhất của
dân tộc lúc bấy giờ không chỉ là mất độc lập, mà còn nguy cấp hơn nhiều, là lạc
hậu nặng nề về văn hóa và văn minh so với đối thủ mới của mình và với thế giới,
bởi chính lạc hậu là nguyên nhân khiến nước ta mất độc lập, dân ta lâm vào vòng
nô lệ thảm khốc.Từ đó, ông thống thiết nói : “Đồng bào ta, người nước ta, ai mà
ham mến tự do, tôi có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, đó là ‘CHI BẰNG
HỌC!’”. Ông chủ trương một cuộc khai dân trí rộng lớn và căn bản trong điều
kiện toàn cầu hóa mà ông cũng là người đầu tiên nhận ra.(…) Có như vậy thì độc
lập được giành lại, dù bằng cách nào, mới thật sự có ý nghĩa và mới có thể bền
vững.(…) ngày nay ta đã có được độc lập sau mấy cuộc chiến tranh khốc liệt và
anh hùng, song nhận thức sáng rõ và mạnh mẽ của vị tiền bối anh minh của chúng
ta vẫn còn nguyên giá trị, những nan đề sinh tử ông từng sáng suốt phát hiện và
báo động cho dân tộc vẫn còn nguyên tính thời sự, thậm chí theo cách nào đó
càng nóng bỏng cấp thiết hơn ( trích diễn từ của nhà văn Nguyên Ngọc, chủ tịch Hội đồng Viện Phan Châu Trinh tại lễ ra mắt
của Viện).
Học
giả Phan Khôi, chủ nhiệm báo Nhân văn, thì bị chế độ này, với việc dựng ra vụ
án Nhân văn – Giai phẩm, huy động tổng lực công cụ báo chí độc quyền không ngớt
xúc phạm, đả kích, bôi nhọ, và đầy đoạ cho đến lâm chung trong lặng lẽ
đầy uất hận, dù ông đã đi với Việt Minh ngay từ ngày thành lập chế độ dân chủ
cộng hoà. Nhưng Phan Khôi chỉ đi với Việt Minh chứ không tán thành cộng sản.
Cần
nhắc lại một sự kiện mà tất cả những người Việt Nam yêu nước không được phép
quên: năm 1945, sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, Phan Khôi được Mặt trận
Việt Minh mời ra dự và phát biểu tại cuộc mít-tinh lớn ở Đà Nẵng chào mừng ngày
tuyên bố độc lập, trên diễn đàn ông đã thẳng thắn nhấn mạnh rằng mình tán thành
độc lập dân tộc chứ không tán thành cộng sản vì điều kiện kinh tế của
Việt Nam không phù hợp với con đường cộng sản (Xin đọc phần “Phan
Khôi niên biểu” trong sách “Chương dân thi thoại” do NXB
Đà Nẵng tái bản năm 1996).
Có lẽ
những người lãnh đạo đảng cộng sản
Việt Nam đã để bụng thâm thù Phan Khôi ngay từ hồi đó. Thảm trạng đất
nước hiện nay đã chứng tỏ tiếng nói của Phan Khôi cách đây 72 năm là lời cảnh
báo đích đáng, đanh thép cất lên sớm nhất đối với chế độ này.
Học giả Phan Khôi
Mới
đây, tại lễ trao giải Văn hoá Phan Châu Trinh lần thứ 10 của Quỹ văn hoá Phan
Châu Trinh, Phan Khôi đã được chính thức tôn vinh là DANH NHÂN VĂN HOÁ VIỆT NAM
thời hiện đại.
Thật
vui mừng khi thấy các giá trị bị chế độ này vùi dập được đặt lại đúng chỗ xứng
đáng, ngay nhãn tiền, giữa lòng chế độ này. Sự tôn vinh vừa kể trên đối với
Phan Châu Trinh và Phan Khôi làm nức lòng tất cả những người Việt Nam yêu nước,
yêu dân chủ tự do. Một hệ giá trị đích thực đã được xác lập, khẳng định một
cách chính thức/chính thống, ngang nhiên đối sánh với cái hệ giá trị giả mà chế
độ độc tài toàn trị suốt bao năm qua ra sức nhào nặn và tô vẽ. Trong sự đối
sánh ngoạn mục mà chúng ta đang chứng kiến, một cách tự nhiên, theo một lô-gích
không gì cưỡng nổi, cái hệ giá trị giả của chế độ cứ từng ngày tróc lở rệu rã
và tự trút xác vào bãi rác của lịch sử. Đối với cuộc đấu tranh cho dân chủ tự
do, đây là một bước thành công rất quan trọng. Công đầu thuộc về Quỹ Văn hoá
Phan Châu Trinh, một tổ chức xã hội dân sự có bề dày hoạt động đã trên 10 năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét