Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân tại điện
Elysées, Paris, ngày 14/05/2017.RFI/Pierre René-Worms
Ngày Chủ Nhật 14/05/2017, ông Emmanuel Macron nhậm chức tổng
thống Pháp và chính thức trở thành chủ nhân mới của điện Elysée. Bà Brigitte
Macron, người luôn sát cánh bên ông Macron trong suốt chiến dịch tranh cử tổng
thống Pháp 2017 trở thành đệ nhất phu nhân Pháp. Trong những ngày này, các
phương tiện truyền thông không chỉ bàn luận nhiều về tân tổng thống Emmanuel
Macron, mà còn rất quan tâm đến vai trò và đặc quyền của « Đệ Nhất Phu Nhân
Pháp » / « Première Dame de France » nói chung, và đặc biệt là đệ nhất phu nhân
Brigitte Macron.
Theo truyền thống, phu nhân tổng thống thường chỉ giữ vai
trò là bà chủ của điện Elysée, là người tổ chức các buổi chiêu đãi và quyết định
việc trang trí. Trong một phóng sự, phóng viên báo Le Monde cho biết : « Người
đầu tiên thể hiện vai trò trước công chúng là bà Michèle Auriol, vợ của Vincent
Auriol, tổng thống đầu tiên của nền Đệ Tứ Cộng Hòa. Bà sống cùng chồng tại điện
Elysée sau Thế Chiến II. Bà ấy sắp xếp chỗ ăn ở cho gia đình và tháp tùng chồng
trong các chuyến công du. »
Trong chuyến thăm Mỹ của vợ chồng tổng thống Vincent Auriol
(nhiệm kỳ tổng thống 1947-1954), bà Michèle Auriol được người Mỹ gọi là « First
Lady », dịch sang tiếng Pháp là « Première Dame ». Chính danh xưng đệ nhất phu
nhân giúp phu nhân của các tổng thống kế nhiệm tổng thống Vincent Auriol có
thêm vai trò mới. Chẳng hạn, đệ nhất phu nhân Yvonne De Gaulles thường kín đáo
tư vấn cho chồng, đệ nhất phu nhân Claude Pompidou phụ trách việc hiện đại hóa
và trang hoàng lại điện Elysée …
Bà Danielle Mitterrand là đệ nhất phu nhân đầu tiên tự chủ
xây dựng các dự án riêng với nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền, chẳng hạn quỹ
France-Libertés. Các đệ nhất phu nhân sau này cũng tham gia vào nhiều hoạt động
xã hội : đệ nhất phu nhân Bernadette Chirac nổi tiếng với quỹ từ thiện Pièces
d’Or, bà Carla Bruni thành lập quỹ xóa mù chữ, phòng chống sida còn bà Valérie
Trierweiler - khi còn là bạn gái của tổng thống François Hollande - tham gia tổ
chức từ thiện mang tên đệ nhất phu nhân Danielle Mitterrand.
Bà Bernadette Chirac, phu nhân tổng thống Jacques Chirac,
người có 12 năm kinh nghiệm làm « đệ nhất phu nhân Pháp » đúc kết : « Đệ nhất
phu nhân phải học cách thu xếp thời gian để phục vụ mọi người dân Pháp. Cống hiến,
cống hiến và cống hiến ». Chính nhờ sự cống hiến đó, bà Bernadette Chirac đã tạo
cho mình một vị thế đặc biệt và trở thành một trong những nhân vật được người
dân Pháp yêu quý, nể trọng.
Tuy nhiên, « đệ nhất phu nhân Pháp » lại không phải chức
danh chính thức được pháp luật thừa nhận. Hiến Pháp nước Cộng Hòa Pháp không hề
nhắc tới « đệ nhất phu nhân » hay « vợ của tổng thống ». Trong các quy định
chính thức, cho tới giờ mới chỉ có văn bản luật công bố ngày 03/04/1955, có một
điều đề cập tới quyền lợi của vợ của một cựu tổng thống : Trong trường hợp một
cựu tổng thống Pháp qua đời, người vợ góa sẽ được hưởng 50% số lương hưu hàng
tháng của chồng.
« Không phải là chức danh », « không được nhắc đến trong Hiến
Pháp », « không có trong quy định », « không theo quy chế pháp lý », « không được
định nghĩa rõ ràng », « chỉ là vị trí danh dự », « không có vai trò chính thức
», « chỉ là theo truyền thống », « chỉ được gọi theo thói quen từ nhiều năm nay
», « chỉ mang tính biểu tượng », « chỉ mang tính nghi thức, lễ tân » ... là những
gì các chuyên gia và báo chí nói về « đệ nhất phu nhân Pháp ».
Mặc dù không có quy định về vai trò chính thức và quyền lợi
công khai của đệ nhất phu nhân nhưng các đệ nhất phu nhân Pháp thường được bố
trí một văn phòng làm việc trong phủ tổng thống, có ê kíp trợ lý, thư ký, lái
xe và vệ sĩ riêng. Đệ nhất phu nhân Anne-Aymone Giscard d’Estaing là người đầu
tiên có văn phòng riêng tại điện Elysée. Vợ của cựu tổng thống Nicolas Sarkozy
có ê kíp 8 người trợ giúp. Còn bà Valérie Trierweiler, khi còn là bạn gái tổng
thống Pháp François Hollande, có một ê kíp trợ lý 5 người.
Nhiều đệ nhất phu nhân trong nhiệm kỳ tổng thống của chồng vẫn
theo đuổi sự nghiệp riêng. Chẳng hạn, bà Bernadette Chirac là dân biểu hội đồng
thành phố Sarran, rồi trúng cử dân biểu trong nhiều nhiệm kỳ ở hội đồng tỉnh Corrèze,
nơi tổng thống Jacques Chirac bắt đầu sự nghiệp chính trị. Bà Carla Sarkozy tiếp
tục sự nghiệp ca hát và phát hành một album nhạc trong nhiệm kỳ tổng thống của
chồng, còn bà Valérie Trierweiler hàng tuần vẫn viết bài cho chuyên mục văn học
của báo Paris Match.
Tranh luận về chức
danh « đệ nhất phu nhân Pháp »
Trừ các nước theo chế độ quân chủ, có lẽ không có nước nào
ban hành quy chế đặc biệt cho phu nhân tổng thống. Tại Mỹ, chức danh « đệ nhất
phu nhân » cũng không được ghi trong Hiến Pháp, nhưng vai trò của đệ nhất phu
nhân Mỹ thì đã được công chúng ghi nhận. Đệ nhất phu nhân thường xuất hiện bên
cạnh tổng thống trong các sự kiện Nhà Nước. Theo truyền thống, các đệ nhất phu
nhân Hoa Kỳ thường chủ trì và tham gia và các hoạt động từ thiện.
Còn tại Pháp, hiện vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau về vị
trí, vai trò của đệ nhất phu nhân. Đặc biệt, dưới thời tổng thống François
Hollande, đã có tranh luận gay gắt về đặc quyền của « Đệ Nhất Phu Nhân ». Bà
Valérie Trierweiler không kết hôn với tổng thống Hollande, bà chỉ là bạn gái của
tổng thống. Có thể gọi bà Valérie Trierweiler là « Đệ Nhất Phu Nhân » được
không ?
Rồi tới vụ tai tiếng liên quan đến việc bà Valérie
Trierweiler đăng tin trên Tweeter ủng hộ đối thủ của bà Ségolène Royal trong cuộc
tranh cử Quốc Hội tháng 06/2012, trong khi bà Ségolène Royal đã từng chung sống
nhiều năm và có 4 người con với ông Hollande và được tổng thống Hollande ủng hộ
trong kỳ bầu cử Quốc Hội. Sau vụ này, cuộc tranh luận về vai trò của Đệ Nhất
Phu Nhân lại được đặt ra. Bà Valérie Trierweiler vốn đã không được cảm tình của
người dân Pháp lại càng bị dân chúng phản đối.
Năm 2015, vụ bê bối liên quan tới chuyện tình cảm của tổng
thống Pháp với diễn viên Julie Gayet trong khi ông vẫn đang chung sống với bà
Valérie Trierweiler lại làm dấy lên cuộc tranh luận về vị trí đệ nhất phu nhân.
Nhưng có lẽ lý do khiến dư luận phản đối nhất liên quan đến
vấn đề tài chính : Mọi chi phí cho hoạt động của đệ nhất phu nhân đều lấy trực
tiếp từ ngân quỹ của phủ tổng thống Pháp.
Điện Elysée đã phải chi 60.000 euro/tháng cho các hoạt động
của bà Carla Bruni, vợ của cựu tổng thống Nicolas Sarkozy. Còn vào năm 2013,
chi phí cho văn phòng của bà Valérie Trierweiler là 33.000/tháng. Đây là những
số tiền quá lớn đối với người dân Pháp.
Tương lai nào cho phu
nhân Brigitte Macron ?
Cho đến hôm nay, tổng thống Macron vẫn chưa công bố chính thức
về vai trò đệ nhất phu nhân của bà Brigitte mặc dù trong quá trình vận động
tranh cử, ông Macron đã nhiều lần nói nếu đắc cử tổng thống, ông sẽ hợp thức
hóa chức danh đệ nhất phu nhân, nhưng bà Brigitte sẽ không có lương lấy từ nguồn
thuế của dân. Phát biểu nhân ngày 08/03/2017 tại rạp Antoine - Paris, ông
Macron khẳng định : « Nếu tôi đắc cử, bà ấy sẽ không bị che khuất mờ nhạt,
không ẩn sau một Tweet, bà ấy sẽ không ẩn náu hay trốn tránh đâu đó. Bà ấy sẽ ở
bên tôi, vì bà ấy đã luôn như vậy. »
Thực ra, không lâu sau khi ông Emmanuel Macron được bổ nhiệm
làm bộ trưởng Kinh Tế Pháp, bà Brigitte đã thôi việc ở một trường học danh tiếng
ở Paris để hỗ trợ chồng. Dù không nhận lương của chính phủ, không có chức vụ
chính thức, nhưng bà Brigitte thường xuyên có mặt trong ê kíp làm việc của bộ
trưởng, tham gia vào các cuộc họp liên quan tới lịch làm việc của ông Macron, tổ
chức cho ông các bữa ăn để bàn chuyện công việc… Năm 2016, khi ông Emmanuel
Macron từ chức bộ trưởng Kinh Tế để chuẩn bị ra tranh cử tổng thống, trong bài
phát biểu lần cuối trước các nhân viên văn phòng bộ trưởng, ông cũng không quên
nhắc tới công lao của vợ mình, gọi bà ấy là một thành viên thực sự của văn
phòng bộ trưởng.
Còn trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Emmanuel
Macron, bà Brigitte cũng hỗ trợ chồng rất nhiều. Nhà báo phân tích chính trị
Ruth Elkrief của kênh truyền hình BMFTV nhận xét: « Mỗi khi Macron được phỏng vấn,
bà ấy (Brigitte) không đứng ngay sát bên. Bà ấy đứng bên ngoài, cách xa một
chút. Bà ấy quan sát rồi sau đó đưa ra ý kiến… như một chuyên gia về hình ảnh,
hình ảnh mà ông ấy muốn thể hiện ».
Nhà báo Candice Nedelec, tác giả cuốn sách « Gia đình Macron
» khẳng định : « Bà ấy có ý định tham gia vào vài lĩnh vực. Đặc biệt bà rất
quan tâm đến những vấn đề liên quan đến trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ và giáo dục.
Bà ấy đã từng là giáo viên và có nhiều ý tưởng. Một số điểm trong chương trình
tranh cử của Emmenuel Macron xuất phát từ ý tưởng của vợ ông ấy ».
Ba ngày trước vòng hai bầu cử, chính ông Macron phát biểu :
« Có một điều gì đó ở chức tổng thống liên quan tới cả người chồng và người vợ
và theo một cách nào đó. Tôi sẽ đảm nhận chức vụ và tôi nghĩ bà ấy cũng sẽ thế
! ».
Liệu tân tổng thống Emmanuel Macron có hợp thức hóa chức
danh « đệ nhất phu nhân Pháp » như ông đã từng hứa ? Liệu bà Brigitte Macron có
được hưởng vị trí và quyền lợi gì khác so với vợ của các tổng thống tiền nhiệm
? Liệu giới chính trị và dân chúng có ủng hộ quyết định của tân tổng thống và
các hoạt động của đệ nhất phu nhân Brigitte Macron ? Chúng ta hãy cùng chờ xem
!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét