Hàng không mẫu hạm tự đóng của Trung Quốc. (Hình: Hoàn Cầu
Thời Báo)
Ngày 26 Tháng Tư vừa qua, xưởng đóng tàu hải quân ở cảng Ðại
Liên bên bờ biển Hoàng Hải đã tưng bừng làm lễ hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm
đầu tiên hoàn toàn đóng tại Trung Quốc, chưa được đặt tên và mới chỉ gọi là “loại
001.”
Chiếc tàu còn cần phải được trang bị thêm trong ba năm nữa,
tới 2020 mới có thể bắt đầu chạy thử rồi chính thức đưa vào hoạt động. Tiếp
theo đó, theo kế hoạch, cho đến năm 2025, Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng các hàng
không mẫu hạm loại 002 rồi 003.
Trên căn bản, hàng không mẫu hạm 001 là kiểu được cải tiến từ
hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, chiếc đầu tiên trong lực lượng hải quân hiện đại
của Trung Quốc ngày nay. Nguyên thủy Liêu Ninh là hàng không mẫu hạm Varyag thuộc
lớp Kuznetsov do Liên Xô chế tạo từ 1985 nhưng chưa hoàn thành khi giao lại cho
Ukraine năm 1991. Tới năm 1998, Ukraine bán Varyag cho Trung Quốc rồi tới năm
2011 chiếc tàu được tân trang ở công xưởng Ðại Liên thành một hàng không mẫu hạm
mang tên Liêu Ninh và bắt đưa vào đầu hoạt động từ năm 2012.
Các hàng không mẫu hạm loại 001 và 002 sẽ chỉ sử dụng nhiên
liệu quy ước cho động cơ turbin, tới chiếc 003 mới dùng năng lượng nguyên tử.
Trung Quốc đã có kỹ năng về lò phản ứng hạt nhân cho tàu ngầm nguyên tử, cho
nên sẽ không gặp nhiều khó khăn khi dùng loại năng lượng này trên các hàng
không mẫu hạm tương lai.
Theo dự tính, Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng hàng không mẫu hạm
với nhịp độ khoảng mỗi 5 năm có thêm một chiếc mới. Rút kinh nghiệm của Pháp,
hiện nay có một hàng không mẫu hạm nguyên tử duy nhất là chiếc Charles de
Gaule, nếu ngưng chế tạo thêm, khi tái sản xuất sẽ rất khó khăn và tốn kém.
Giống như Liêu Ninh, sân bay của 001 và 002 có một đường hạ
cánh xéo và đường cất cánh uốn cong lên 12 độ kiểu đường nhảy trượt tuyết
(sky-jump); còn 003 sẽ dùng máy phóng như hàng không mẫu hạm của hải quân các
nước Tây Phương. Về mặt kỹ thuật, máy bay cất cánh bằng “sky-jump” không mang
được nhiều nhiên liệu và vũ khí nặng như phóng lên bằng máy phóng (catapult), đồng
thời nhịp độ cất cánh của các máy bay cũng chậm hơn.
Trong lịch sử hàng hải, các tàu chiến càng ngày càng được
trang bị súng lớn hơn, nhưng thời đại của các chiến hạm mang nhiều súng lớn và
có vỏ tàu bọc thép dày, được gọi là thiết giáp hạm, đã chấm dứt vào đầu Thế Chiến
2. Năm 1941, hai chiến hạm kiểu ấy của Hải Quân Anh, HMS Prince of Wales và HMS
Repulse, bị các máy bay Nhật cất cánh từ Sài Gòn dễ dàng đánh đắm ngoài khơi
phía Ðông Malaysia.
Chiến hạm chủ lực trong một hạm đội bây giờ là hàng không mẫu
hạm, và Hải Quân Mỹ hiện nay có 10 chiếc, không nước nào khác có hơn một chiếc.
Như thế, trong tương lai, Hải Quân Trung Quốc chắc chắn sẽ đứng ở hàng thứ nhì,
sau Mỹ.
Vai trò của hàng không mẫu hạm Trung Quốc
Một số chuyên gia hải quân cho rằng, bây giờ, hàng không mẫu
hạm cũng sắp đến lúc hết thời. Các loại phi đạn có thể phóng đi từ những căn cứ
ở xa và đánh trúng mục tiêu rất chính xác, không cần phải có hàng không mẫu hạm
để đem máy bay đến gần mới có kết quả, vừa tốn kém, vừa nguy hiểm. Chính Trung
Quốc đã nhiều lần khoe khoang, và mới đây loan báo thử nghiệm thành công “hỏa
tiễn diệt hàng không mẫu hạm.” Theo Trung Quốc, DF-21 (Ðông Phong) là loại hỏa
tiễn đạn đạo đặt trên xe di động có tầm bắn xa gần 2,000 dặm, mang đầu đạn 500
kg thuốc nổ quy ước, và được điều khiển chính xác đánh trúng mục tiêu. Chỗ yếu
của hàng không mẫu hạm là dù chưa bị đánh đắm, sân bay bị tổn hại sẽ không còn
sử dụng cho máy bay xuất phát hay trở về.
Vì lý do ấy, để tự vệ, các hàng không mẫu hạm Mỹ bao giờ
cũng hoạt động trong khuôn khổ một hải đội tác chiến với nhiều tàu phụ trợ gồm
các tuần dương hạm và khu trục hạm trang bị các hệ thống điện tử có khả năng
phát hiện và hướng dẫn hỏa tiễn phòng không tiêu diệt máy bay hoặc hỏa tiễn tấn
công của địch.
Ngoài ra, sử dụng hàng không mẫu hạm là rất tốn tiền. Không
kể phí tổn chế tạo mỗi chiếc lên tới hàng tỷ đô la, chi phí về nhân sự 3,000 thủy
thủ và nhân viên không quân các loại, là hết sức tốn kém, đồng thời, có mức rủi
ro cao trong chiến đấu. Tuy nhiên, hàng không mẫu hạm vẫn có giá trị cho nhiều
sứ mạng khác và chưa đến lúc là lỗi thời cho dù sẽ không phải là vũ khí cho một
cuộc chiến tranh trực diện.
Các chuyên gia quân sự đều tin là Hải Quân Trung Quốc không
nhắm mục tiêu chiến đấu vào Hải Quân Mỹ. Mặc dù đã bành trướng đáng kể trong ít
năm gần đây, sẽ còn rất lâu lực lượng hải quân của Trung Quốc mới có thể trở
thành đối thủ của Hải Quân Mỹ trong một trận chiến tranh toàn bộ. Trên mọi
phương diện, Hải Quân Trung Quốc vẫn còn thua kém Mỹ, về trình độ huấn luyện
cũng như khả năng và kinh nghiệm chiến đấu, và phải nhiều chục năm nữa mới có
thể thu ngắn khoảng cách này.
Dù Trung Quốc nói rằng hàng không mẫu hạm Liêu Ninh trong
tình trạng sẵn sàng chiến đấu, hiện nay, nó chỉ có giá trị là một phương tiện
huấn luyện cho hải quân và không quân trên chiến hạm với khoảng 25 máy bay chiến
đấu J-15 Thẩm Dương chế tạo tại Trung Quốc. Trên nhiều mặt kỹ thuật, Liêu Ninh
chỉ được coi là tương đương với USS Midway của Mỹ vào thời kỳ chiến tranh Việt
Nam, và bây giờ Midway đã được giải nhiệm để trở thành một bảo tàng viện ở San
Diego.
Do đó không hơn không kém, Liêu Ninh mới chỉ là vũ khí khoa
trương để gây áp lực với các nước chỉ có quân lực yếu quanh vùng Biển Ðông. Với
2,500 thủy thủ và không quân, vận tốc 32 hải lý/giờ, tầm hoạt động của hàng
không mẫu hạm là 4,000 dặm trong thời gian 65 ngày. Nếu được điều động đến những
vùng biển xa không có sẵn căn cứ, như Ấn Ðộ Dương hay Châu Phi, nó cần được sự
tiếp tế nhiên liệu và những nhu cầu khác. Trung Quốc sẽ chỉ vượt khỏi các hạn
chế này khi có hàng không mẫu hạm nguyên tử, loại 003 như kế hoạch của họ.
Vậy thì trong ngắn hạn, một hay hai hàng không mẫu hạm Trung
Quốc hiện nay chỉ thích ứng cho các mục tiêu giới hạn. Về lâu về dài, khi có
thêm một số hàng không mẫu hạm nữa, nó sẽ trở thành sức mạnh chính để yểm trợ
cho giấc mộng Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu thế giới.
Song song với chiến lược Nhất Ðới Nhất Lộ đang được Trung Quốc
phát động, hàng không mẫu hạm là nhu cầu thiết yếu cho sự thành công của sáng
kiến ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét