Bản quyền hình ảnh Huw
Jones/Getty Images
Hiện nay, có nhiều thống kê cho rằng
Việt Nam nằm ở bậc khá cao trên thế giới về hạnh phúc. Điều đó không khỏi dẫn tới
tự mãn phần nào trong tư tưởng của nhiều người. Tuy nhiên, có mâu thuẫn nào đó giữa
trình độ phát triển, nền kinh tế, trình độ văn hoá v.v. của Việt Nam trong
tương quan với chỉ số hạnh phúc này. Phải chăng điều đó chứng tỏ những
tiêu chí phát triển của loài người và hạnh phúc có thể mâu thuẫn với nhau?
Rồi lại có những người nói rằng thực ra Tây cũng không phải hạnh phúc đâu, họ có đầy cái bất hạnh, và ta cũng không phải dở đâu, vì ta có đầy cái sướng. Điều này có thể xảy ra, nhưng không dễ tin cho lắm.
Ta thường gặp hai loại bộ chỉ số
hạnh phúc chính:
- Bộ chỉ số hạnh phúc chủ quan
(The Subjective Happiness Scale -SHS) hay Bộ chỉ số độ hài lòng với cuộc sống
(The Satisfaction with Life Scale - SWLS)
- Bộ chỉ số ảnh hưởng tích cực
tiêu cực (The Positive and Negative Affect Schedule - PANAS)
Tất cả các loại chỉ số đều là con
lai giữa hai loại bộ chỉ số này. Loại thứ nhất nói về độ hài lòng chủ quan của
một người với thời điểm hiện tại và quá khứ gần.
Loại thứ hai thống kê những yếu tố
bên ngoài có thể ảnh hưởng tốt hay xấu tới đời sống con người và cho rằng nếu
nhiều yếu tố tốt thì con người sẽ hạnh phúc hơn và nhiều yếu tố xấu thì con người
sẽ ít hạnh phúc hơn.
'Thận trọng'
Bản quyền hình ảnh
hadynyah/getty images
Với nhóm thứ nhất, nhận định chủ
quan của từng cá nhân không có cơ sở so sánh vì sự hài lòng của mỗi cá nhân có
thể hoàn toàn khác nhau.
Sự hài lòng của một đứa trẻ được
kẹo và một nhà khoa học mới phát minh ra một lý thuyết mới không thể là một.
Ngay cả khi thêm vào lời khai chủ quan những chỉ số mang tính vật lý thuần tuý
như nồng độ adrenaline, dopamine v.v. cũng không cải thiện được chất lượng
thông tin và khả năng so sánh.
Các hormone đều chỉ là triệu chứng
đi kèm theo cảm giác hạnh phúc chứ không phải định nghĩa hạnh phúc, hay là chỉ
số chứng tỏ hạnh phúc. Adrenaline có thể tăng cả trong trường hợp sợ hãi, hoặc
bệnh lý.
Nhóm thứ hai bao gồm những thông
tin khách quan hơn như thu nhập, môi trường, chính sách v.v. Những bộ chỉ số
này không trực tiếp đo hạnh phúc, mà đo những yếu tố được cho rằng sẽ ảnh hưởng
đến mức độ hạnh phúc.
Tuy nhiên, có thể thấy rõ là hai
người sống trong cùng điều kiện ngoại cảnh như nhau không có cùng độ hạnh phúc
như nhau. Tác dụng của những yếu tố ngoại cảnh tới từng người rất khác nhau,
như vậy tác dụng của ngoại cảnh đó tới từng dân tộc lại cũng rất khác nhau.
Tóm lại, nhóm thứ nhất tả về những
thứ rất khác nhau dưới cùng một tên là "hạnh phúc", nhóm thứ hai tả về
một loạt yếu tố có tác dụng rất khác nhau đến các loại hạnh phúc khác nhau kia,
như vậy thì làm sao gọi là có cơ sở so sánh được. Khi đã không cùng một cơ sở
so sánh thì mọi so sánh là khập khiễng.
Tuy vô nghĩa về mặt giá trị khoa
học, nhưng những chỉ số này đặc biệt có tính chất gây nghiện, nhất là đối với
những xã hội có tầm nhận thức thấp. Nó mang lại sự hài lòng một cách đáng
thương và nguy hiểm.
Vì thế, cần phải làm rõ vấn đề hạnh
phúc và rất thận trọng với những loại chỉ số này.
Chữ 'Phúc'
Chữ hạnh phúc bao gồm 'hạnh' và
'phúc' trong quan hệ nhân quả, tức là chỉ riêng cái loại 'phúc' do 'hạnh' mà đạt
được. Trong đó riêng chữ 'phúc' đã bao hàm rất lớn, là một cuộc sống tốt, đáng
mong ước nói chung, chứ không phải chỉ là một cảm giác sướng hay dễ chịu nhất
thời.
Về điểm này, Đông Tây từ xưa đều
thống nhất quan điểm. Người Hy lạp có khái niệm eudaimonia, với chính xác nghĩa
như "phúc do hạnh mà đạt".
Bản thân chữ Phúc có nhiều nội
hàm khác nhau trong từng nền văn hoá, nhưng nó vẫn là cái gì đó rất lớn. Trong
văn minh Nho giáo, mỗi con người chỉ là một mắt xích trong một chuỗi quan hệ
dòng tộc tử tổ tiên tới hậu duệ. Vì thế, chữ 'phúc' không chỉ bao gồm cuộc sống
tốt một đời, mà là cái tốt cho muôn đời tính theo dòng tộc.
Hạnh không phải là những hành động
đạo đức, tuân theo những luật lệ cụ thể, mà là cơ sở nội tại của đạo đức, là những
nền móng tiên nghiệm cho toàn bộ hệ thống đạo đức.
Mặc dù nhiều người cho rằng cơ sở
này là tiên nghiệm và làm thước đo cho tính đạo đức của mọi hành vi, nhưng ở mỗi
nền văn minh, cơ sở này được xác định khác nhau.
Có thể nói là có những cái cây đạo
đức khác nhau, xuất phát từ những bộ rễ khác nhau. Mặc dù vậy, khác với cái hạnh
phúc do cảm nhận chủ quan nhất thời của mỗi người tại mỗi thời điểm thì số lượng
các loại bộ rễ tiên nghiệm, các loại nền tảng đạo đức trên thế giới không có
nhiều.
Hạnh phúc dựa trên cái 'Biết'
Theo Aristotle thì một cuộc sống
tốt là cuộc sống phù hợp tối ưu với bản chất con người, và chỉ đạt được bằng tư
duy mạch lạc, khoa học, tức là làm gì cũng đúng lúc, đúng chỗ, có lý do
(perfect rationality).
Những đức hạnh quan trọng nhất
theo người Hy Lạp, là niềm tin vào vị trí đặc biệt cao quý của con người - là
trung tâm, thước đo của vũ trụ, vào sự bình đẳng giữa con người, và vào năng lực
cũng như nghĩa vụ của con người trong việc khám phá ra những quy luật của vũ trụ.
Một hành động được coi là có lý
do không phải vì nó sẽ dẫn tới một kết quả cụ thể nào, một lợi ích vật chất gì,
mà vì nó nằm trong vai trò cao quý của loài người nói trên.
Chúng ta hay nghe câu cửa miệng
"biết đủ là hạnh phúc". Tưởng là đơn giản, nhưng vấn đề là "biết"
chứ không phải "cảm thấy".
Tất nhiên, khoa học không phải
con đường duy nhất để dẫn đến cái 'biết'. Ta có thể tin là Phật khi giác ngộ
cũng biết, bằng con đường khác, nhưng chừng nào ta chưa phải là Phật thì chưa
thể nói là cảm nhận được về loại hạnh phúc đó.
Đạo giáo ở phương Đông về cơ bản
không khác nhiều so với quan điểm của người Hy Lạp, vì thế những quan điểm của
Đạo giáo rất giống thời kỳ Hy Lạp tiền Socrates.
Theo đạo giáo thì một người đức hạnh
là một người hành động thuận theo tự nhiên, nhưng để làm được việc đó thì phải
biết tự nhiên hành động thế nào. Chỉ có điều những phát kiến của Đạo Giáo về
lĩnh vực này thì không đi được xa như phương Tây.
Hạnh phúc trong Thiên Chúa giáo
Đối với Thiên Chúa giáo thì hạnh
phúc cuối cùng là được Chúa cho lên thiên đàng. Nhưng khi nào thì được lên
thiên đàng?
Theo Thomas von Aquin, một hành động
được coi là đức hạnh không phụ thuộc vào kết quả của nó, mà khi nó có một lý do
chính đáng, bởi vì Chúa sẽ xét theo lý do đó chứ không xét theo kết quả.
Thời Trung cổ, muốn như vậy thì
hãy làm theo gương Jesus (imitatio Christi), mà quan trọng nhất là tình yêu vô
bờ bến đối với tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo, xuất xứ, năng lực,
chủng tộc (bác ái).
Đến thời tư bản sau này, ta có lý
thuyết của Weber về hệ đạo đức Tân giáo (Protestant), cho rằng con người sẽ chỉ
có đức hạnh thông qua lao động không ngừng nghỉ, và chỉ với sự lao động đó, con
người mới được chúa đón vào thiên đàng.
Theo triết gia Thiên Chúa giáo
người Nga Soloviev thì cơ sở cho đạo đức Thiên Chúa giáo là sự xấu hổ, xuất
phát từ tội tổ tông truyền.
Chính trực giác về cảm giác xấu hổ
sẽ dẫn người ta biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm. Ta thường nói một việc
không đạo đức là một việc làm trái với lương tâm, cũng chính là nhờ vào cái
năng lực tiên nghiệm về việc cái gì là đáng xấu hổ, cái gì là không.
'Hạnh phúc nhờ hy sinh'
Theo như Nietzsche thì con người
không thể đạt tới hạnh phúc bằng cách trực tiếp hướng tới nó vì những nỗ lực nhằm
đạt những cảm giác sung sướng, hài lòng v.v. chỉ dẫn tới những tham vọng mông
muội.
Ngược lại, hạnh phúc chỉ đến với
những ai nỗ lực, khổ đau, trăn trở. Nó là phần thưởng cho những sự hy sinh cao
quý, sự dũng cảm từ chối con đường dễ dãi.
Theo Phật giáo thì hành động đức
hạnh được định nghĩa bằng bát chánh đạo, và kết quả của nó là cái phúc vĩnh hằng,
hay là trạng thái niết bàn, một trạng thái cân bằng tuyệt đối, không còn khổ. Bản
chất của đức hạnh này là năng lực buông bỏ, cũng có thể coi như tuệ căn, hay phật
tính, được cho là tiền nghiệm trong mỗi sinh linh, chẳng qua là có phát huy được
đến đâu thôi.
Nho giáo có rất nhiều khái niệm đạo
đức, đức hạnh, nhưng chốt lại đều từ một chữ Nhân. Tất cả những thứ khác như :
lễ nghĩa trí tín v.v. đều chỉ là công cụ, là triển khai cụ thể, nhằm đạt được
chữ nhân mà thôi.
Chữ nhân này lại gần như không có
nội hàm gì, vì nó chỉ là tính người chung chung. Đối với mỗi học trò, Khổng Tử
lại dạy một chữ nhân khác nhau, tuỳ thuộc vào năng lực và xuất phát điểm của
người đó.
Vì thế rất khó mà hiểu được khi
nào thì một hành động được coi là đức hạnh, khi nào thì không. Đó chính là lý
do để rất nhiều trường hợp, việc thực hành những nguyên lý đạo đức Nho giáo trở
thành cổ hủ, cứng nhắc.
Bản quyền hình ảnh Getty
Images
Theo Francoise Julien thì cơ sở đạo
đức của Nho giáo có thể được nhận ra ở quan điểm của Mạnh tử về "xích tử
chi tâm", có nghĩa là sự "mủi lòng". Sự "mủi lòng" này
gần giống với bác ái của Thiên Chúa giáo. Nó giống ở chỗ cũng cần phải có đối
tượng cho sự mủi lòng đó.
Tuy nhiên, sự mủi lòng hạn hẹp
hơn bác ái. Tinh thần bác ái có thể được áp dụng với mọi đối tượng, trong mọi
trường hợp, nhưng sự mủi lòng thì tiền giả định là đối tượng phải yếu đuối,
đáng thương. Để một người có thể hạnh phúc vì mủi lòng với kẻ khác thì luôn phải
có những kẻ bất hạnh để người ta phải mủi lòng.
Ngoài những khái niệm trên, những
nền văn hoá khác cũng có thể có những khái niệm về hạnh phúc khác. Có thể nói rằng
những nền văn minh khác nhau có khái niệm về hạnh phúc rất khác nhau, vì thế,
không thể so sánh những loại hạnh phúc này với nhau.
Việt Nam nằm trong ảnh hưởng
chính của Nho giáo, vì thế quan niệm về hạnh phúc khá mù mờ nên dễ bị lung lạc.
Tuy nhiên, nếu thực sự thấm nhuần quan điểm Nho giáo thì ít nhất cũng phải hiểu
được cái gì chắc chắn không thể là hạnh phúc.
Tất cả những gì ta hình dung
không phải góp phần vào thành tựu bền vững cho muôn thế hệ thì chắc chắn không
phải hạnh phúc. Một thứ chỉ có thể coi là hạnh phúc khi nó góp phần tạo phúc
cho con cháu đời đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét