Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

Robert Mugabe đã hủy hoại Zimbabwe như thế nào?



Nguồn: “How Robert Mugabe ruined Zimbabwe“, The Economist, 26/02/2017

 


Chủ nghĩa độc tài đơn thuần là không đủ cho Robert Mugabe; xây dựng chính sách ngông cuồng mới là điều quan trọng.

Vào năm 2016, khung cảnh thường thấy ở thủ đô của Zimbabwe là những công dân sợ hãi xếp hàng bên ngoài ngân hàng, chờ đợi đầy hy vọng để có thể rút tiền mặt. Đó là biểu hiện rõ ràng nhất của sự lo lắng về kế hoạch kinh tế mới nhất của Robert Mugabe. Trong tháng 11/2016, ngân hàng trung ương đã bắt đầu in một loại tiền mới, dưới hình thức “tiền trái phiếu”. Bề ngoài thì loại giấy bạc này có giá trị tương đương đồng đô la Mỹ, loại tiền tệ mà Zimbabwe đã sử dụng từ năm 2009 sau một đợt lạm phát ngoạn mục – nhưng không ai bị lừa. Đã có đủ điều kiện cho một thảm hoạ kinh tế nữa do Mugabe gây ra.

Zimbabwe đã từng có những nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, một ngành nông nghiệp phát triển bùng nổ và nguồn vốn con người dồi dào, nhưng trong suốt 37 năm qua, Mugabe đã làm phung phí gần như toàn bộ những nguồn lực đó. Gần một phần tư người dân Zimbabwe đang cần hỗ trợ lương thực và 72% trong số họ sống trong nghèo đói. Trong khoảng thời gian một thế hệ, Mugabe đã đảo lộn cả một quốc gia. Vậy ông ta đã làm Zimbabwe sụp đổ như thế nào?

Mugabe đã từng là một du kích quân Mác-xít. Ông lên nắm quyền vào năm 1980 sau khi đất nước này giành được độc lập từ Anh. Mugabe đã có một khởi đầu đầy hứa hẹn – kêu gọi hòa giải với người Zimbabwe da trắng, cải thiện việc tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khoẻ cho tất cả mọi người. Nhưng những chính sách ban đầu của ông ta bị làm lu mờ bởi những điều xảy ra tiếp theo. Để hỗ trợ chi phí cho nhiều kế hoạch khác nhau, Mugabe đã vung tay quá trán một cách điên cuồng – một thói quen mà ông đã tiếp tục trong suốt thời gian cầm quyền của mình. Và bởi ông nắm giữ quyền lực trong nhiều thập kỷ, sự cai trị của ông trở nên độc đoán, phi dân chủ và mang tính áp bức. Tất cả điều này đã gây ra những vấn nạn điển hình.

Tuy nhiên, cách thức mà Mugabe đã hủy hoại Zimbabwe là thông qua sự quản lý kinh tế hết sức yếu kém. Một bước ngoặt trong loạt những sai lầm của Mugabe là vào năm 2000, khi ông tiến hành cải cách ruộng đất “nhanh chóng” và khuyến khích việc tiếp quản một cách bạo lực các trang trại của người da trắng, khi đó vốn là xương sống của ngành nông nghiệp nước này. Phần lớn đất đai bị tịch thu được giao cho những nông dân da đen thiếu kinh nghiệm về hoạt động nông nghiệp hiện đại; nhiều người trong số họ được lựa chọn trên cơ sở mối quan hệ của họ với ông Mugabe và đảng của ông, Đảng Mặt trận Yêu nước Châu Phi Zimbabwe (Zanu-PF).

Các trang trại của Zimbabwe, cho đến lúc đó vẫn là điều ao ước của khu vực và là nguồn lực chính cho doanh thu xuất khẩu của nước này, bất ngờ trở nên sa sút – và đã khiến toàn bộ nền kinh tế bị sốc. Tình hình tài chính vốn đã căng thẳng, với việc ông Mugabe kéo Zimbabwe dính líu vào cuộc nội chiến ở Congo. Ngân hàng trung ương của ông bắt đầu in tiền nhanh hơn để trả nợ và bồi thường cho các cựu chiến binh, đối tượng được xem là một trụ cột quan trọng trong chính sách hỗ trợ của ông Mugabe, và để bù đắp cho mức giá cao hơn gây ra bởi sự thất bại của các trang trại.

Vòng xoáy ốc nhanh chóng vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Tại một thời điểm trong năm 2008, lạm phát đạt tỷ lệ 231.000.000%. Đồng tiền này có các tờ giấy bạc với mệnh giá lên tới 100 nghìn tỷ đô la Zimbabwe – nhưng chỉ tương đương 40 xu Mỹ vào lúc nó bị sụp đổ. Siêu lạm phát kết thúc khi đồng đô la Zimbabwe bị loại bỏ hoàn toàn để được thay thế bởi một hệ thống đa tiền tệ trong đó đồng đô la Mỹ chiếm ưu thế. Trong một thời gian ngắn, các xung lực kinh tế mang tính hủy hoại của ông Mugabe đã bị kiềm chế bởi một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với phe đối lập. Nhưng kể từ khi khôi phục quyền kiểm soát hoàn toàn vào năm 2013, ông đã trở lại với những thói quen cũ của mình.

Tuần cuối tháng 2/2017 vừa rồi, ông Mugabe đã tổ chức tiệc sinh nhật lần thứ 93 của mình. Ông nói rằng ông muốn giữ thêm một nhiệm kỳ năm năm khác trên cương vị tổng thống vào năm 2018. Ông cũng nói rằng “chỉ có Chúa biết” liệu có điều gì có thể ngăn cản ông. Trong khi Chúa chưa can thiệp, cuộc đấu tranh để mang lại thành công cho ông đã được nghiêm túc bắt đầu trong bí mật. Người vợ thứ hai của Mugabe, Grace – thư ký cũ và nhân tình – và phó tổng thống của ông, Emmerson Mnangagwa, được coi là những đối thủ hàng đầu. Thiếu vắng một người kế nhiệm được định trước, sự ra đi của Mugabe sẽ tạo ra một khoảng trống vốn thực sự có thể gây thêm những tai ương cho đất nước này. Dưới thời Mugabe, sự hỗn loạn kinh tế đã trở thành một đặc điểm thường trực của cuộc sống ở Zimbabwe. Nhưng cái chết của một vị bạo chúa sẽ vẫn không đủ để xóa bỏ di sản của ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét