Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Pháp sẽ ra sao sau bầu cử tổng thống vòng nhì?



Báo chí Pháp tràn ngập hình ảnh hai ứng viên hàng đầu lọt vào vòng nhì cuộc tranh chức tổng thống, Emmanuel Macron và Marine Le Pen. (Hình: AP Photo/Laurent Rebours)




Cuộc bầu cử tổng thống Pháp vòng một, ngày Chủ Nhật, 23 Tháng Tư, vừa qua có kết quả là trong số 11 ứng cử viên không ai đạt được đa số trên 50%, nên hai người chiếm nhiều phiếu nhất, ông Emmanuel Macron, 23.7%, và bà Marine Le Pen, 21.5%, sẽ phải tranh ở vòng bầu cử thứ nhì vào ngày 7 Tháng Năm.



Ðảng lớn thua đậm



Ứng cử viên của các đảng quen thuộc, hay là dòng chính, đều bị loại. Hai ứng cử viên còn lại trong vòng nhì đều là “lính mới,” chưa bao giờ có thành tích nổi bật, có quan điểm chính trị hoàn toàn khác biệt. Ông Emmanuel Macron, 39 tuổi, là người trung dung, trong khi bà Marine Le Pen, 48 tuổi, là người cực hữu.



Ba ứng cử viên sáng giá khác trong cuộc bầu cử là ông Francois Fillon, cánh khuynh hữu, đảng Cộng Hòa, chịu ảnh hưởng của cố Tổng Thống Charles De Gaule, chiếm 20.1% phiếu; ông Jean-Luc Melenchon, cánh tả, 19.62% phiếu; ông Benoit Hamon, đảng xã hội, đảng của Tổng Thống Francois Hollande, 6.35% phiếu.



Dự đoán chính xác



Các cơ quan thăm dò dư luận dự đoán rất chính xác về cuộc bầu cử này, trong đó, dự đoán vào vòng nhì là Macron-Le Pen gần như hoàn toàn sát với tỷ lệ phiếu bầu. Truyền thông Anh và Mỹ đều cho rằng vào thời đại mà dự đoán về trưng cầu dân ý Brexit và bầu cử Mỹ 2016 đều sai, thì đây là một kết quả rất đáng ca ngợi của các cơ quan thăm dò dư luận ở Pháp.



Tờ Washington Post ở Mỹ dẫn lời Giáo Sư Claire Durand trường Ðại Học Montreal, Canada, và là chủ tịch hiệp hội nghiên cứu về dư luận thế giới, nói rằng các cơ quan thăm dò dư luận Pháp đã làm việc rất tốt. Theo ông, trong cuộc bầu cử rất phức tạp và nhiều chia rẽ sâu sắc ở Pháp không dễ để có thể dự đoán, nhất là tới 25% cử tri đến ngày chót vẫn chưa chọn lựa dứt khoát.



Ði sâu vào chi tiết hơn, Giáo Sư Durand nhận xét rằng các thăm dò có chút ít lầm lẫn khi đánh giá hơi thấp về ứng cử viên Jean-Luc Melenchon và hơi cao về ứng cử viên Benoit Hamon. Bà Marine Le Pen thì lại được đánh giá hơi cao hơn thực tế, tuy nhiên, tất cả đều đúng, không có kết quả nào là “ngựa về ngược.” Chỉ có một điều, thăm dò dư luận hơi sai là đã dự đoán cử tri đi bầu năm 2017 ít hơn năm 2012. Năm nay, hơn 70% cử tri Pháp đi bầu trong vòng đầu.



Như thế, có lẽ cử tri Pháp khi được hỏi ý kiến đã trả lời thẳng thắn hơn cử tri Mỹ và Anh, một sự kiện đáng để suy nghĩ và là bài học kinh nghiệm cho các nhà thăm dò. Còn một khi đã thu được các dữ kiện một cách trung thực, thì vấn đề còn lại là công thức toán học, theo lời ông Durand.



Các cuộc thăm dò ý kiến cho vòng bỏ phiếu thứ hai, được công bố trước khi có kết quả vòng đầu, nói rằng, hoặc là Fillon hay Macron sẽ đánh bại Le Pen hay là Macron sẽ đánh bại Fillon. Chúng ta sẽ chờ xem trong ít ngày nữa.



Sẽ có thay đổi?



Trên một khía cạnh nào đó, kết quả bầu cử Pháp hôm Chủ Nhật vừa qua thể hiện sự sụp đổ của hệ thống chính trị lãnh đạo nước Pháp từ nhiều thập niên gần đây. Tuy nhiên, không có gì lạ nếu hiểu rằng đó là một nghịch lý vẫn tồn tại trong chính trị Pháp, vốn là quốc gia có truyền thống cách mạng, nghĩa là không bao giờ chấp nhận vừa lòng với thực tại và luôn luôn muốn hướng tới những gì mới. Tình trạng ấy khác ở Anh và Mỹ, hai cường quốc kinh tế mà dân chúng có mức sinh hoạt cao bậc nhất thế giới và thể chế dân chủ đã tồn tại vững bền từ lâu. Do đó, kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống Pháp như thế nào sẽ hứa hẹn những chuyển biến chưa thể dự đoán về tương lai của quốc gia này cả về mặt quốc nội cũng như vai trò ở Âu Châu và quốc tế.



Khác biệt lớn giữa hai ứng cử viên



Cuộc tranh cử Macron-Le Pen sẽ rất gay go quyết liệt với lập trường chính trị đối đầu giữa hai người. Bà Marine Le Pen là người quốc gia cực hữu, chủ trương chống di dân, chống toàn cầu hóa, và hứa hẹn sẽ đưa nước Pháp ra khỏi Liên Âu giống như Anh.



Ngược lại, ông Emmanuel Macron là người có chủ trương ôn hòa hơn và có thể kết nạp cả phái hữu và phái tả. Chiến thắng của ông Macron trong vòng đầu là một biểu hiện chứng tỏ chủ nghĩa dân túy không phải là một lực lượng không thể chặn đứng được. Ngay sau khi có kết quả bầu cử vòng đầu ở Pháp, thế giới cảm thấy nhẹ nhõm, đồng euro lên cao nhất từ năm tháng qua, và chỉ số STOXX 600 ở thị trường chứng khoán Âu Châu tăng 2%.



Tổng Thống Francois Hollande hôm Thứ Hai nói rằng bà Marine Le Pen là một đối thủ trong vòng bầu cử thứ nhì là một rủi ro cho nước Pháp. Nếu thắng cử, nữ chính trị gia cực hữu này sẽ đem đến những chia rẽ trầm trọng trong xã hội đa chủng tộc hiện nay, làm suy giảm vai trò của Pháp trong Liên Âu và quốc tế.



Hai bên bắt đầu “đánh”



Cuộc tranh cử vòng nhì đã khởi đầu, khi bà Le Pen nhấn mạnh về mối đe dọa của khủng bố Hồi Giáo quá khích và cho rằng đối thủ Macron rất yếu trong việc đối phó. Bà cũng hứa hẹn sẽ thu hồi hiệp ước mở cửa biên giới giữa các thành viên Liên Âu và trục xuất những người ngoại quốc có tên trong danh sách cần theo dõi của các cơ quan tình báo.



Ngược lại, ông Macron đưa ra kế hoạch nội an bao gồm việc tăng cường thêm 10,000 cảnh sát, lập các khám đường mới để có thể chứa thêm 15,000 tù nhân và tuyển dụng chuyên viên an ninh vào trong bộ tham mưu của mình.



Bà Le Pen cũng tố giác ông Macron là người của giai cấp ưu đãi xa rời quần chúng và những vấn đề của họ. Nhưng các quan sát viên cho rằng, bà cần tránh vết xe của ông bố Jean-Marie Le Pen, người sáng lập Mặt Trận Quốc Gia. Năm 2002, ông bất ngờ tiến vào vòng nhì cuộc bầu cử tổng thống, nhưng rồi bị thảm bại trước tổng thống cánh hữu Jacques Chirac, khi các đảng chính trị liên kết để ngăn chặn một đảng được coi là kỳ thị chủng tộc và tôn giáo.



Theo thăm dò dư luận, ông Emmanuel Macron có thể thu được ít nhất 61% phiếu bầu nhờ hai ứng cử viên đã bị loại, Francois Fillon và Benoit Hamon. Hai người này kêu gọi cử tri đã ủng hộ mình dồn phiếu cho ông Macron chống bà Marine Le Pen.



Với chiều hướng chung ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Anh và Mỹ, chủ nghĩa dân túy và quốc gia cực đoan đang lên, chưa thể biết nước Pháp có đi vào con đường này không. Tuy vậy, tại Âu Châu, chiều hướng chính trị này đã không được sự ủng hộ như trong các cuộc bầu cử ở Ý và Hòa Lan.



Macron và Le Pen là ai?



Ông Emmanuel Macron là một nhà đầu tư tài chánh, chính trị gia cánh trung, từng giữ chức bộ trưởng kinh tế trong chính quyền lần thứ nhì của Thủ Tướng Manuel Valls năm 2014. Ông từ chức năm 2016 để chuẩn bị ứng cử tổng thống. Ông là đảng viên đảng Xã Hội, nhưng tuyên bố rút khỏi đảng năm 2015 rồi thành lập phong trào chính trị phái trung dung “En Marche (“Tiến Lên”).



Theo định nghĩa, chính trị cánh trung là lập trường chấp nhận sư dung hòa giữa bình đẳng xã hội và trật tự xã hội, chống lại những chuyển biến chính trị quá mạnh mẽ về phía hữu cũng như tả. Chính trị gia cánh trung thường ủng hộ tới một chừng mực cơ hội bình đẳng và kinh tế tự do.



Bà Le Pen không phải là một chính trị gia mới mẻ, nhưng chưa từng giữ một chức vụ dân cử nào ở Pháp. Bà là thủ lãnh đảng Mặt Trận Quốc Gia do cha sáng lập. Mặc dù chính trị gia cực hữu này là mối lo ngại lớn cho nhiều giới, thắng lợi đi vào vòng nhì bầu cử tổng thống Pháp của bà không phải là điều ngạc nhiên mà chỉ là một tiến trình không thể tránh khỏi trong bối cảnh chính trị và xã hội nhiều khó khăn phức tạp của nước Pháp từ hai thập niên gần đây.



Nền chính trị đã tồn tại từ nhiều năm ở nước Pháp với các chính đảng bây giờ đều bị gạt ra ngoài sẽ đi vào một bước mới bằng sự thay đổi có trật tự và chừng mực hay đột biến và không thể dự đoán cuối cùng tổng thống Pháp là Emmanuel Macron hay Marine Le Pen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét