Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

Pháp : Đời sống lứa đôi các ứng viên tổng thống bị phơi bày




                        Trang bìa tạp chí Le Nouvel Observateur


Nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp, theo truyền thống de Gaule, tôn vinh nhân vật “tổng thống” mang dáng dấp huyền thoại, như một hình tượng đơn độc, vượt khỏi đám đông. Bầu cử là dịp hội ngộ giữa “một nhà lãnh đạo” và “dân chúng”, đời sống riêng tư của người lãnh đạo được giữ kín. Tuy nhiên, cuộc tranh cử lần này diễn ra điều hoàn toàn ngược lại. Đời sống lứa đôi riêng tư của các cặp chính trị gia tranh cử được phơi bày trước công chúng, vì “nguyên tắc minh bạch”. “Chưa bao giờ các cặp đôi... lại có một vị trí quyết định đến như vậy trong một cuộc bầu cử tổng thống” ở Pháp.

Hơn ba tuần trước vòng một cuộc bầu cử, hình ảnh ứng cử viên Emmanuel Macron – được xem là người có nhiều triển vọng lọt vào vòng hai cuộc bầu cử - chiếm trọn trang nhất nhiều tuần báo cuối tháng 3/2017. Le Point, trên nền chân dung nghiêm nghị của ứng cử viên, đặt câu hỏi : “Liệu ông ấy có thực sự mạnh ?”.

Còn L’Express, ngược lại, đưa hình ảnh Macron dáng dấp trẻ trung, nghịch ngợm cùng hàng tựa “Macron, con người mờ ảo đang tiến bước" (“Tiến bước” cũng chính là tên của phong trào chính trị do Emmanuel Macron khởi xướng hồi năm ngoài). Ứng cử viên Macron bị nhiều nghi ngờ từ phía hữu như là kẻ “thừa kế trá hình” của chính phủ mãn nhiệm Hollande, và từ phía tả, như một “đại diện giấu mặt” của cánh hữu.


“Những điều tuyệt hay - những điều tệ hại”

Tuần báo Le Nouvel Observateur (L’Obs) thì dành sự chú ý đặc biệt cho việc “các cặp đôi” ứng cử viên tổng thống hoặc tổng thống, nổi lên trên mặt tiền của sân khấu chính trị, như một hiện tượng mới tại Pháp. “Cặp đôi trong chính trị. Những điều tuyệt hay, những điều tệ hại” là tựa đề của L’Obs. Chúng tôi xin giới thiệu.

Đời sống của các cặp đôi được mổ xẻ tường tận, dù người trong cuộc có thích hay không. Có thể bởi vì “hơn là một cương lĩnh”, điều đó cho phép công chúng hiểu được “một tính cách”, một con người. Trước đây, cố tổng thống Mitterand từng giấu kín mối quan hệ với người tình, một phần bởi không khí văn hóa thời ấy, nhưng cũng bởi vì bà Danielle, người vợ chính thức của Mitterand, đã giúp ông duy trì hình ảnh của một huyền thoại cánh tả, nhờ các hoạt động tích cực của bà trong lĩnh vực nhân đạo…

Còn hiện nay thì sao ? Thông điệp nào mang lại sự thăng hoa trong quan hệ giữa ứng cử viên Macron với người vợ Brigitte Trogneux, nhiều hơn ông đến 24 tuổi ?

“Trái tim tình nhân”, “trái tim nước Pháp”

Theo L’Obs, “điều thứ nhất, đối với Macron không gì là không thể. Nếu chàng thanh niên 16 tuổi mới chập chững vào đời, đã biết cách chinh phục được trái tim của cô giáo dạy kịch, một phụ nữ có chồng…, thì ông – một người tập sự trong chính trị - cũng sẽ biết cách chinh phục được trái tim nước Pháp. Điều thứ hai là, người thanh niên đó không sợ phá rào, thậm chí còn thích điều này, anh ta bất chấp các quy định sẵn có…”. Cặp đôi Emmanuel-Brigitte Macron nhắc lại cặp Nicolas và Cécilia Sarkozy hơn thập niên về trước, với xu hướng “phá bỏ mọi ranh giới (truyền thống) giữa cái công và cuộc sống riêng tư”.

Ngược với Macron là Fillon. Ứng cử viên cánh hữu hoàn toàn nằm trong “truyền thống che giấu kiểu Mitterand”. Một gia đình truyền thống “rất hoàn hảo”, chồng nghị sĩ Paris, vợ nuôi dạy năm người con ở tỉnh, cưỡi ngựa và đi lễ Chủ Nhật tại một tu viện... Cho đến khi hình ảnh tan vỡ, bê bối đồng tiền lộ diện (trong nghi án việc làm giả)…

L’Obs nhấn mạnh, cho dù người ta có thể phê phán truyền thông xâm chiếm đời sống riêng tư của các thủ lĩnh chính trị, nhưng không nên quên rằng người vợ, người tình “hiếm khi không có ảnh hưởng”. Người tình của Mitterand năm nào, một quản thủ, chuyên về điêu khắc thế kỷ XIX, đã có vai trò quyết định trong dự án xây dựng bảo tàng nổi tiếng Orsay, chống lại quan điểm của bộ trưởng Văn Hóa thời đó.

“Sau 8 giờ tối, vẫn là tổng thống”

L’Obs điểm lại hơn mười năm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của truyền thông theo phong cách “People” Anh-Mỹ, chuyên soi vào đời tư của các nhân vật tiếng tăm (mà nhiều người gọi là báo “lá cải”). Cặp Macron giờ đây không ngần ngại nhờ đến tư vấn của nữ hoàng săn ảnh Michèle Marchand, để hình ảnh được quảng bá, trong lúc người phóng viên đã táo gan công bố bộ ảnh về vợ của bộ trưởng Nội Vụ Sarkozy, đi dạo với người tình tại New York hồi năm 2005, trên tuần báo “Paris Match” bị sa thải.

Bà chủ của tuần báo Closer, người được đánh giá là “một trong những nhân vật gây lo sợ nhất cho giới chính trị”, tóm tắt sự thay đổi này như sau : “Hiện nay, sau 8 giờ tối, người ta vẫn tiếp tục là ứng cử viên tổng thống hoặc tổng thống. Trong những năm 1970 không phải là như vậy”. “Closer” là nơi đăng tải những hình ảnh gây chấn động, chẳng hạn về mối tình bí mật giữa tổng thống Hollande và nữ tài tử Julie Gayet.

Vai trò vợ/chồng tổng thống Pháp : câu hỏi để ngỏ

Cuối cùng thì một vấn đề chủ yếu khác đặt ra là : vợ hoặc chồng của ứng cử viên đắc cử tổng thống Pháp sẽ có vai trò gì ? Mẫu hình của Macron là vợ chồng tổng thống tiền nhiệm Mỹ Barack Obama, một vai trò rõ ràng của phu nhân tổng thống (không nhận lương của Nhà nước – như một phát biểu của ông Macron khi còn làm việc tại Phủ tổng thống), minh bạch, công khai.

L’Obs nêu trường hợp hoàn toàn khác : ứng cử viên phong trào “Nước Pháp Bất Khuất” Jean-Luc Mélanchon, với tuyên bố “…độc thân, tôi sẽ là một tổng thống rẻ hơn” cho nước Pháp.

L’Obs cũng chú ý đến người chồng “đại sứ đặc biệt của Marine Le Pen”. Louis Aliot – phó chủ tịch của phong trào Mặt Trận Quốc Gia (phong trào mà bà Le Pen là chủ tịch) – đóng một vai trò quan trọng trong sự thăng tiến của vợ.

Nhà Le Pen – Aliot gần như không bao giờ xuất hiện trên truyền thông. Vai đã được phân rõ : Vợ tuyến đầu, chồng tuyến sau. Ông Louis Aliot tuyên bố nếu vợ đắc cử sẽ rút lui hoàn toàn khỏi đời sống chính trị, chấp nhận “một cái chết về mặt xã hội”. Trên thực tế, chồng của bà Le Pen rất có thể sẽ phụ trách hồ sơ những người từng chiến đấu cho quân đội Pháp thời thực dân tại Algeri.

L’Obs không quên gia đình ứng cử viên tổng thống Đảng Xã Hội Benoit Hamon. Lần đầu tiên vợ của ứng cử viên chấp nhận trả lời phỏng vấn báo chí. Người phụ nữ 41 tuổi, phụ trách các “hoạt động lobby” của tập đoàn LVHM, thuộc sở hữu của người giàu nhất nước Pháp, đứng trước áp lực phải giải trình trước công chúng, bởi nghề nghiệp của bà bị coi là mâu thuẫn với cương lĩnh lên án giới lobby, “các thế lực của đồng tiền” của người chồng ứng cử viên. Bài trả lời phỏng vấn L’Obs mang tựa đề “Benoit làm chính trị, còn tôi thì không”.

Pháp : Ba kịch bản hậu bầu cử

Viễn cảnh chính trị Pháp hậu bầu cử ngổn ngang trăm mối. L’Obs giới thiệu ba kịch bản, theo quan điểm của nhà kinh tế chính trị học Daniel Cohen.

Trước hết, tác giả nhấn mạnh là : “giống như tất cả các xã hội phát triển mạnh, nước Pháp là nạn nhân của sự đảo lộn chính trị lớn, trong đó có sự trỗi dậy của phong trào dân túy. Vai trò của các đảng phải – vốn được tạo ra để dung hòa các lợi ích đối kháng – bị tan rã trong bối cảnh các tình cảm oán giận dâng cao”.

Kịch bản thứ nhất trong bối cảnh này : sự phân hóa thành bốn khối không thể dung hòa. Khối “tả của tả” chủ yếu tập trung vào vai trò của Nhà nước ; “hữu của hữu”, thu hút phiếu bầu của giới doanh nhân, giới thợ, “cánh trung” ; với hạt nhân là các nhóm xã hội khá giả và “cánh cực hữu” thu hút các tầng lớp thường dân. Việc có được các đảng phái chiếm đa số cầm quyền là điều “ngày càng khó, thậm chí không thể”.

Kịch bản thứ hai : sự trỗi dậy của phong trào Macron, nhằm chuẩn bị cho sự ra đời của một đảng mới kiểu New Labor nước Anh. Cánh hữu xây dựng được một đối lập “rõ nét”.

Kịch bản thứ ba : cả tả và hữu đều không gượng dậy được từ các mâu thuẫn nội bộ, để trở thành đối lập chính trị. Đảng đối lập duy nhất có thể là phong trào Le Pen.

Dù sao chăng nữa, tác giả cũng thừa nhận là trong bối cảnh hiện nay “hoàn toàn không thể dự đoán được kịch bản nào là có khả năng nhất”.

Macron : Một “cánh trung” mới ?

Cục diện chính trị tại Pháp hiện nay khiến nhiều người nghĩ đến nền Đệ Tứ Cộng Hòa (1946 - 1958). Bài phân tích của nhà báo François Reybaert trên L’Obs - “Liệu có phải nền Đệ Tứ Cộng Hòa đang trở lại ?” – cho rằng : cũng giống như “những người cánh trung” năm xưa, ứng cử viên Macron đang tìm cách thành lập một liên minh vượt qua ranh giới tả hữu, để cưỡng lại các xu thế cực đoan.

Tuần báo L’Express giải mã “hiện tượng Macron”, bằng cách đối chiếu hai cách nhìn đối lập nhau, về hiện tượng “cánh trung chính trị mới” của nước Pháp. Ngược lại, nhà sử học Jean-Pierre Rioux trên L’Express không đồng tình với quan điểm nói trên. Ông khẳng định : “Macron không phải là nhà chính trị cánh trung”. Chuyên gia về lịch sử đương đại Pháp nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa Macron và nhà triết học quá cố Paul Ricoeur, với cuộc chiến không mệt mỏi “chống lại mọi thái độ xuôi tay chấp nhận số phận”, và truyền thống cải cách lâu đời trong đảng Xã Hội, với đại diện là Michel Rocard.

Về triển vọng của phong trào Macron, L’Express đưa ra nhiều góc nhìn của giới chuyên gia điều tra dư luận. Chủ tịch của Viện Pollingvox cho rằng phong trào “có thể tan rã bất cứ lúc nào”, do “chủ trương hòa giải những mặt đối nghịch”, Macron có nguy cơ “phải đối mặt với rất nhiều đối thủ”. Tổng giám đốc Viện IPSOS nhận xét, thách thức hiện nay của phong trào là phải chứng minh được với cử tri là một con đường thứ ba “không tả, không hữu” là khả thi. Hiện tại khoảng 25% người Pháp chấp nhận điều này.

Trong khi L’Express tập trung làm rõ các nội dung trong cương lĩnh tranh cử của Macron, và giải mã thế nào là tính chất “không tả, không hữu” của ứng cử viên, thì Le Point có một loạt bài giới thiệu về “cỗ máy sản xuất các dân biểu của phong trào ‘Tiến bước’”, “thành phố Lyon, cơ sở thực nghiệm của phong trào Macron” hay quan điểm về lịch sử nước Pháp của ứng cử viên… và cuộc phỏng vấn đương sự về “ba dự án cải cách lớn” trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên.


Le Courrier điểm mặt giới truyền thông ủng hộ Trump

Điểm mặt giới truyền thông hậu thuẫn cho tân tổng thống Mỹ Donald Trump là chủ đề chính của Le Courrier International tuần này. Tờ báo chạy tựa : “Những báo đài hoạt động vì Trump”.

Để giúp độc giả Pháp ngữ hiểu được rõ hơn những gì làm nên ảnh hưởng lớn của tân tổng thống Mỹ trong công luận, Le Courrier tuần này sưu tầm và biên dịch nhiều bài viết, hay trích đoạn bài từ một số báo trụ cột của truyền thông theo xu hướng bảo thủ tại Hoa Kỳ, tiêu biểu là các báo The Daily Caller, American Affairs, Infowars, Washington Examiner. Có tờ ra đời từ những năm 2000, có tờ chỉ vừa mới ra mắt. Le Courrier dành bài riêng để giới thiệu trang mạng Breibart, cũng như đài Fox News cực kỳ bảo thủ, có lượng độc giả rất lớn. Mục đích của các kênh truyền thông ủng hộ Trump là reo rắc "những thông điệp gây lo sợ, về tình trạng nước Mỹ, đe dọa khủng bố, nhập cư ngầm"....

Cho dù quan điểm của các bài viết trên báo chí thân Trump không phù hợp với quan điểm của nhiều độc giả, Le Courrier nhấn mạnh : đến với các góc nhìn khác là điều cần thiết để thoát khỏi “cái thế giới quen thuộc” mà mỗi người vốn thường bị cầm tù.


Tim đập vì Châu Âu

Cũng Le Courrier International giới thiệu một mạng lưới xã hội vì “sự thống nhất châu Âu”, vừa được lập cuối năm ngoái. Hiệp hội mang tên “Pulse of Europe” (tạm dịch là “Tim đập vì Châu Âu”) của một cặp người Đức đã phát triển được cơ sở tại 60 thành phố, thuộc 8 nước Châu Âu.

Cú sốc Brexit và việc Donal Trump trở thành tổng thống Mỹ khiến cặp vợ chồng Sabine và Daniel Roder quyết định hành động. Kể từ giữa tháng Giêng, cứ mỗi chiều chủ nhật, hàng ngàn người ủng hộ đổ về quảng trưởng mang tên thi hào Goethe ở Francfort (Đức) để vận động Châu Âu đoàn kết.

Tiếng nói của phong trào Tim đập vì Châu Âu đã được chuyển đến Hà Lan trước kỳ bầu cử Quốc Hội. Video về “Pulse of Europe” được truyền khắp Hà Lan vào ngày bầu cử. Nhiều người tin tưởng phong trào đã góp phần cho chiến thắng, trước chủ nghĩa dân túy.

Tiếp theo Hà Lan, “Pulse of Europe” dự định sẽ tới Pháp. Đích nhắm của phong trào là giới trẻ, trường học. Một giáo viên có em ở Luân Đôn tâm sự : Khi tôi biết được Brexit thì đã quá muộn. Xuống đường để làm gì, khi mọi sự đã rồi ? Bởi vậy mà cô tham gia “Pulse of Europe”.

“Hoàng đế” Trung Hoa bổ nhiệm lãnh đạo Hồng Kông

Trở lại châu Á, hiện tượng chính quyền Trung Quốc gây áp lực buộc Hồng Kông phải bầu một lãnh đạo mới “rất mất lòng dân” được nhiều báo phân tích. Le Courrier International giới thiệu thêm góc nhìn của tờ Pingguo-Ripao, tức nhật báo Quả Táo (Apple Daily), một tờ báo Hồng Kông có phong cách đại chúng, thường xuyên thách thức Bắc Kinh.

Theo báo Quả Táo Hồng Kông, với việc ép bằng được các “đại cử tri” bỏ phiếu cho ứng viên Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), gạt đi người được lòng dân chúng là John Tsang (Tăng Tuấn Hoa), Bắc Kinh “đã tước của Hồng Kông một cơ hội tìm lại được sự yên bình, để tiến lên”.

Chiến thắng trên vương quốc hàng nhái

Trung Quốc, quốc gia nổi tiếng với các mặt hàng giả, hàng nhái, tranh đoạt bản quyền. Thế nhưng, một công ty Pháp đã thành công trong việc đăng ký bản quyền đối với mặt hàng giày thể thao mang nhãn hiệu Trung Quốc Feiyue (“Phi Dược”). “Phi Dược” vốn là tên một loại giày được sử dụng nhiều trong giới võ thuật cổ truyền Trung Quốc.

Le Courrier giới thiệu góc nhìn của báo South China Morning Post, thừa nhận nỗ lực của công ty của ông Patrice Bastian, đã khiến mác giày “Phi Dược” trở thành một sản phẩm bán chạy trên thị trường quốc tế. Giày của công ty Bastian được bán với giá đắt hơn mác hàng cùng tên do công ty Trung Quốc sản xuất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét