Nguồn: Woodrow Wilson asks U.S.
Congress for declaration of war, History.com
“Thế giới phải là nơi an toàn cho dân chủ,” Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đã tuyên bố như vậy vào ngày này năm 1917, khi ông xuất hiện trước Quốc Hội để yêu cầu tuyên chiến với Đức.
Dưới thời Wilson, người từng giữ
chức Hiệu trưởng Đại học Princeton và Thống đốc bang New Jersey, sau đó trở
thành ông chủ Nhà Trắng vào năm 1912, Mỹ đã tuyên bố trung lập từ giai đoạn đầu
Thế chiến I (mùa hè năm 1914.) Ngay cả khi khi quân Đức đánh chìm tàu Lusitania
của Anh vào tháng 05/1915 – khiến 1.201 người thiệt mạng, trong đó có 128 người
Mỹ, gây ra sự phẫn nộ trên toàn nước Mỹ và buộc Wilson phải gửi lời cảnh báo mạnh
mẽ đến Đức – thì tới năm 1916, ông vẫn tái đắc cử Tổng thống nhờ nền tảng tranh
cử trung lập nghiêm ngặt. Cuối năm đó, Wilson thậm chí còn cố gắng làm trung
gian hòa giải giữa hai phe, Đồng minh Hiệp ước và Liên minh Trung Tâm. Việc này
được Đức hoan nghênh, nhưng cuối cùng lại bị Pháp và Anh bác bỏ.
Tuy nhiên, những tháng đầu của
năm 1917 đã chứng kiến việc người Đức vi phạm lợi ích trên biển của Mỹ, cụ thể
là việc hải quân Đức tiếp tục chính sách chiến tranh tàu ngầm không hạn chế vào
ngày 01/02 và vụ đánh chìm tàu hàng Housatonic của Mỹ hai ngày sau đó. Trong
cơn tức giận, Wilson đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đức ngay trong hôm ấy.
Hơn nữa, tình báo Anh đã giải mã và thông báo cho chính phủ Mỹ một thông điệp
bí mật do Ngoại trưởng Đức, Arthur Zimmermann, gửi cho Đại sứ Đức tại Mexico.
Cái gọi là “Bức điện Zimmermann” đã đề xuất một liên minh giữa Mexico và Đức
trong trường hợp nổ ra chiến tranh giữa Mỹ và Đức, đồng thời hứa sẽ hỗ trợ về
tài chính và trả lại lãnh thổ cho Mexico. Wilson đã ủy quyền cho Bộ Ngoại giao
công bố nội dung bức điện. Nó đã xuất hiện trên nhiều tờ báo Mỹ vào ngày 01/03,
gây ra một làn sóng chống Đức rất lớn trong dân Mỹ.
Khi chiến tranh tàu ngầm Đức vẫn
tiếp diễn mà không suy giảm, sự kiện ngày 01/04/1917 đã trở thành “giọt nước
làm tràn ly,” khi tàu vũ trang Aztec của Mỹ bị trúng ngư lôi gần thành phố
Brest (Pháp), khiến 28 thành viên trên tàu chết đuối. Ngày hôm sau, Wilson đã
ra trước Quốc Hội và tuyên bố thông điệp chiến tranh lịch sử của mình, nói rằng
ông đã cân nhắc đến cái giá của cuộc chiến. Thật đáng sợ khi đưa đất nước đang
hòa bình vào chiến tranh, vào những thảm họa khủng khiếp và thảm khốc nhất
trong tất cả các cuộc chiến, và tương lai của chính nền văn minh này cũng dường
như không chắc chắn. Dù có những rủi ro, Wilson cảm thấy Mỹ không còn có thể đứng
ngoài được nữa; trước sự xâm lăng của Đức, đất nước ông có nghĩa vụ đạo đức phải
tham gia và chiến đấu vì những nguyên tắc vốn dĩ là nền tảng lập quốc.
Wilson đã nói trong bài phát biểu
nổi tiếng của mình: “Chúng ta sẽ chiến đấu vì những điều mà ta luôn đặt gần
trái tim mình, vì dân chủ, vì quyền của những người đã phục tùng để có tiếng
nói trong chính phủ của họ, vì quyền và sự tự do của những nước nhỏ, vì sự thống
trị toàn cầu của sự hòa hợp giữa những dân tộc tự do vốn sẽ mang lại hòa bình
và an ninh cho mọi quốc gia và giúp cho thế giới cuối cùng cũng được tự do.”
Trong bài diễn văn này, Wilson đã thể hiện chủ nghĩa lý tưởng và sự nhiệt tình
đạo đức vốn là đặc trưng cho quan điểm của ông về vai trò của nước Mỹ trên thế
giới – quan điểm công chính một cách cực đoan đã giúp ông nhận được sự ca ngợi
từ một số người, đồng thời cả sự chỉ trích và chê bai từ những người khác trong
suốt cuộc đời và ngay cả khi ông đã qua đời (đặc biệt là sau khi “dự án” mà ông
thực hiện ở đoạn kết của thế chiến – Hội Quốc Liên – đã trở thành một thất bại.)
Đây đồng thời là quan điểm, dù tốt hay xấu, định hướng cho chính sách đối ngoại
Mỹ trong suốt nhiều thập niên, cho tới tận ngày nay.
Sang ngày 04/04, Thượng viện Mỹ
đã bỏ phiếu ủng hộ tham chiến, với tỷ lệ 82/6. Hai ngày sau đó, Hạ viện cũng đã
bỏ phiếu ủng hộ với tỉ lệ 373/50, và nước Mỹ chính thức bước chân vào Thế chiến
I.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét