Lê Quỳnh-Người Đô Thị
Diễn đàn khu vực các bên liên
quan về Mekong được tổ chức tại Luang Prabang - Lào vừa qua một lần nữa khẩn
thiết gióng lên tiếng chuông về những hạn chế của Ủy hội Sông Mekong trước mối
nguy bành trướng của Trung Quốc.
Xuất phát từ địa phận cố đô Luang
Prabang của Lào, dọc dòng chính sông Mekong, chúng tôi ngược lên “vùng eo” dự
kiến xây đập thủy điện Luang Prabang của đất nước này (với nhà đầu tư là tập
đoàn Dầu khí Việt Nam). Chuyến đi được quyết định nhanh, sau khi kế hoạch vào
khu vực Lào chuẩn bị xây đập thủy điện Pak Beng bị thất bại, do nơi đây đã bị
quân sự hóa.
Cả hai đập thủy điện Luang
Prabang và Pak Beng đều nằm trên dòng chính Mekong - trong số 11 dự án thủy điện
trên dòng chính hạ lưu sông. Phía trên thượng nguồn dòng chính,“một mình một
cõi”, Trung Quốc phát triển ồ ạt các bậc thủy điện bậc thang. Tới nay đã có 6
thủy điện hoạt động, tổng công suất 15.300MW, nằm trong tổng 15 thủy điện dự kiến
trên dòng chính, với tổng công suất 22.860MW - tức khai thác hết tiềm năng thủy
điện! Dòng chính sông Mekong từ Tây Tạng đổ xuống Biển Đông, đi qua sáu quốc
gia, trong tương lai gần bị “chặt khúc” bởi hàng loạt dự án đập thủy điện khổng
lồ, tác động nghiêm trọng đến môi trường, sinh thái, kinh tế, dân sinh...
Lào: người nghèo không lợi từ bán
điện
Bên nội đô Luang Prabang, lòng
Mekong rộng thênh thang, hai bên chủ yếu là rừng cây xanh mát, lác đác hoa rừng
tím trời.
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ trên
sông, chúng tôi dừng lại ở hang Pak Ou, nơi chứa hơn 4.000 tượng Phật cổ có từ
hơn 300 năm trước. Hơn một năm nay, hang Pak Ou được nhà nước Lào cho người dân
thuê, qua hình thức đấu thầu, để kinh doanh du lịch từ tháng 1 - 4 hàng năm.
Theo ông Van Kham, 53 tuổi, một trong những người dân đang kinh doanh du lịch
hang Pak Ou, từ ngày có thủy điện trên thượng nguồn, mùa khô thường bị thiếu nước
nuôi trồng; mùa lũ ngập nước nuôi trồng không được. Đi lại cũng khó khăn hơn,
nhiều nơi ghềnh thác nước xoáy lên xuống không còn theo quy luật. “Làm thủy điện
thì có điện bán, giúp đất nước giàu lên, nhưng không tốt cho chúng tôi”, ông
Van Kham bảo vậy.
Tại Diễn đàn nhân dân khu vực
Mekong hai năm gần đây, đại diện cộng đồng các nước hạ lưu sông Mekong, những
người trải nghiệm từng thay đổi nhỏ của mực nước sông cho biết họ không nghi ngờ
gì về việc những con đập gây tác hại nghiêm trọng tới thế hệ hiện tại và tương
lai. Báo cáo cho thấy, những tổn thất này thường bị coi nhẹ và lờ đi. Trong
khi, các yếu tố suy giảm sản lượng đánh bắt cá - nguồn sinh kế của người nghèo
- vốn không thông qua thị trường rất khó đo lường. Rất nhiều tác động như suy
giảm phù sa, sụt lún đồng bằng và mất đất nông nghiệp không phải là điều dễ
dàng nhận thấy.
Khu vực dự kiến xây thủy điện
Luang Prabang
Lào hy vọng thủy điện trên dòng
chính Mekong sẽ mang lại lợi ích về điện năng và thu nhập từ bán điện. Tuy
nhiên, theo Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược dòng chính Mekong (SEA), đất
nước này sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề xã hội khi những người mưu sinh
phụ thuộc vào sông Mekong bị mất sinh kế và di cư ra các đô thị để tìm việc làm
(khoảng 80% dân số Lào phụ thuộc vào nguồn thủy sản của sông Mekong). Việc khai
thác thủy điện tối đa (dòng chính và dòng nhánh) phá vỡ cân bằng sinh thái, cảnh
quan lớn trước mắt và lâu dài; nguồn cá tự nhiên sẽ bị tác động nghiêm trọng,
giao thông thủy bị cản trở.
Trong khi đó, cũng theo SEA, nếu
phân tích kỹ thì lợi ích thật sự từ thủy điện đối với Chính phủ và nhân dân Lào
không lớn. Đặc biệt, Lào không trực tiếp đầu tư, nên với cơ chế BOT, trong 25
năm đầu vận hành, Chính phủ Lào chỉ được hưởng 26-31% của tổng 2,6 tỉ USD thu
nhập từ 10 đập, tức 676-876 triệu USD/năm. Nền kinh tế Lào sẽ được kích thích
phát triển từ dòng tiền đầu tư vào các đập thủy điện này (khoảng 20 tỉ USD),
nhưng trong đó phân nửa sẽ được chi cho các trang thiết bị, công nghệ bên ngoài
nước Lào, kể cả bên ngoài khu vực. Lợi nhuận của các đập thủy điện ở Lào phụ
thuộc vào thời tiết và chế độ vận hành của các đập ở Trung Quốc...
Ủy hội Mekong và những hạn chế
pháp lý
Tại Diễn đàn khu vực các bên liên
quan về Nghiên cứu hội đồng và đập thủy điện Pak Beng, do Ủy hội Sông Mekong
(MRC) tổ chức tại Luang Prabang vào cuối tháng 2 vừa qua, Lào cam kết nỗ lực để
có tiến trình tham vấn hiệu quả và có ý nghĩa về dự án Pak Beng - thủy điện thứ
ba trên dòng chính Mekong. Cũng tại diễn đàn này, giới khoa học các bên tham
gia đóng góp ý kiến cho Nghiên cứu hội đồng (Council Study - CS) liên quan đến
quản lý và phát triển bền vững sông Mekong, bao gồm những tác động của các dự
án thủy điện trên dòng chính sông Mekong đi xuyên các quốc gia khu vực, do MRC
thực hiện.
Trao đổi với Người Đô Thị, ông Phạm
Tuấn Phan - Giám đốc điều hành Ban thư ký MRC cho biết: nghiên cứu đã được tiến
hành ba năm, dự kiến cuối năm nay hoàn thành. Đây là một nghiên cứu cho MRC có
thêm kiến thức, và để các nước thành viên (Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam -
PV) sử dụng kết quả, kiến thức đó hoạch định chính sách, ra những quyết định
phát triển trên dòng Mekong. Ông Phan cũng cho rằng, những khuyến cáo và cảnh
báo tác động nghiêm trọng của thủy điện theo nghiên cứu của SEA, dù do MRC thuê
đơn vị nghiên cứu của Úc làm, nhưng nói chính xác thì đó là ý kiến của các
chuyên gia, không phải quan điểm MRC.
Theo các chuyên gia, đây cũng có
thể được xem là một ghi nhận, khi theo khuyến nghị của SEA trước đây, MRC cần
tiến hành các nghiên cứu bổ sung tác động của hệ thống bậc thang đối với tất cả
các quốc gia (sinh thái, môi trường, sinh kế, an ninh nguồn nước, an ninh lương
thực, ổn định khu vực...). Tuy nhiên, hạn chế vai trò của MRC trong bàn cờ phát
triển bền vững sông Mekong là khó tránh khỏi.
Thẳng thắn, ông Phạm Tuấn Phan nhận
định, MRC không phải là một tổ chức có quyền điều hành, điều tiết, không có quyền
quyết định. Hiệp định Mekong 1995 cũng nêu rõ, MRC có vai trò thúc đẩy và phối
hợp sử dụng phát triển dòng Mekong phát triển bền vững; nó là một nơi, một sân
chơi, diễn đàn để cho bốn nước thành viên trao đổi, hợp tác với nhau. “Tôi cho
rằng, Hiệp định Mekong 1995 là hiệp định tốt nhất và hiệu quả nhất cho đến cả
thời gian này, và nó là hiệp định duy nhất cho lưu vực sông Mekong. Công ước
Liên Hiệp Quốc về sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi
giao thông thủy có hiệu lực vào tháng 8.2014 không có tác dụng gì với cả dòng Mekong
và Lan Thương (tên Trung Quốc gọi sông Mekong - PV), vì Việt Nam là nước cuối
nguồn và là nước duy nhất trong 6 nước ven sông Mekong phê chuẩn Công ước, còn
Trung Quốc thì bầu chống lại”, ông Phan nói. Quy trình Thông báo, tham vấn trước
và thỏa thuận (PNPCA) là tuân thủ bắt buộc với các nước thành viên MRC, theo
nguyên tắc của Hiệp định Mekong 1995 đối với các dự án thủy điện trên dòng
chính Mekong. Tuy nhiên, trước Pak Beng, bất chấp sự không đồng thuận từ Việt
Nam và Campuchia về những kết quả trong quy trình PNPCA đối với hai dự án
Xayaburi và Don Sahong, Lào vẫn tiến hành xây dựng hai thủy điện này. MRC cũng
khép lại quá trình tham vấn mà không có bất cứ công bố chính thức nào về quyết
định cuối cùng đối với hai dự án. Điều này cho thấy, nếu tiếp tục thực hiện
theo cách từng diễn ra, PNPCA không mang lại hiệu quả nào. Do vậy theo các tổ
chức, MRC cần đánh giá lại quy trình thực hiện PNPCA, trước khi đưa ra bất cứ
quyết định nào liên quan đến sử dụng tài nguyên nước trên dòng chính Mekong cho
việc phát triển thủy điện.
Nhiều năm qua, đã có nhiều ý kiến
cho rằng, việc xây dựng thủy điện trên dòng Mekong là quyền quốc gia, cần được
tôn trọng. Tuy nhiên,“sử dụng công bằng, hợp lý và không được gây hại” là
nguyên tắc đã được luật pháp quốc tế công nhận. Do đó, sự phát triển bền vững
lâu dài cho mỗi quốc gia nói chung, và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng là một
đòi hỏi chính đáng, được luật pháp quốc tế công nhận.
Mối nguy từ Trung Quốc
Trao đổi với Người Đô Thị tại Diễn
đàn khu vực các bên liên quan vào cuối tháng 2 vừa qua, GS. Guoqing Shi, Giám đốc
Trung tâm nghiên cứu quốc gia về tái định cư, Đại học Hohai, Trung Quốc cho rằng:
“Trước những thách thức lớn về biến đổi khí hậu, bây giờ Trung Quốc muốn quay lại
làm thủy điện vì mục tiêu bảo vệ môi trường”. Theo ông, thủy điện có những tác
động tích cực và tiêu cực, nhưng hiện nay việc xây dựng các thủy điện ở hạ lưu
trên dòng chính Mekong là tốt vì nó chỉ lấy và trả nước (điều tiết) trong một
ngày. Còn những thủy điện giữ nước trong vòng nhiều tháng, có khi cả năm của
Trung Quốc thì giúp chủ động cho việc điều tiết tưới tiêu, giảm lượng lũ mùa lũ
và xả nước mùa kiệt, tăng lượng nước mùa kiệt cho hạ lưu, có lợi không chỉ cho
Trung Quốc mà còn cho vùng hạ lưu.
Tuy nhiên, theo SEA, 11 thủy điện
trên dòng chính hạ lưu Mekong là những đập dâng có chế độ điều tiết ngày, nên
tác động tiêu cực rất lớn đến hệ sinh thái sông Mekong, đặc biệt là hệ sinh
thái thủy sinh, cá. “Đến năm 2020, trên toàn bộ dòng chính Mekong có thể có 20
đập thủy điện, trong đó Trung Quốc sẽ là chủ nhân của 11-12 đập. 11 thủy điện
trên dòng chính hạ lưu vực tùy mức độ sẽ phụ thuộc vào vận hành hệ thống đập ở
Trung Quốc. Có thể nói, Trung Quốc hoàn toàn chủ động sử dụng và chi phối đối với
các bậc thang thủy điện hạ lưu vực, đặc biệt các bậc thang Pak Beng, Luang
Prabang, Xayaburi”, TS. Đào Trọng Tứ - đại diện Mạng lưới sông ngòi Việt Nam
phân tích.
Còn theo các tổ chức phi chính phủ,
tổ chức phát triển quốc tế và khu vực, khi các con đập hình thành trên dòng
chính và hàng trăm đập trên dòng nhánh Mekong, điều này có thể dẫn đến giải tán
MRC, vì gần như không còn lý do gì để tổ chức này tồn tại.
Bài và ảnh Lê Quỳnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét