Cảng Quy Nhơn, công sản giờ đã thành tài sản cá nhân. (Hình:
Báo Đầu Tư)
BÌNH ĐỊNH, Việt Nam (NV) – Thanh tra của chính phủ Việt Nam
sẽ vào Bình Định để xem xét việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, cảng biển lớn nhất
khu vực miền Trung.
Theo báo chí Việt Nam, cảng Quy Nhơn có hơn 20,000 kho, bãi
chứa container diện tích 48,000 mét vuông, hàng chục khối nhà vừa để làm việc,
vừa để ở, cùng với khoảng 300,000 mét vuông đất tại nhiều nơi trong thành phố
Quy Nhơn. Cảng Quy Nhơn còn có sáu cầu tàu trị giá hàng ngàn tỷ đồng cùng với
165 thiết bị chuyên dụng trị giá cũng cả ngàn tỷ đồng.
Cảng Quy Nhơn là một trong những khối tài sản của Tổng Công
Ty Hàng Hải Việt Nam, thường gọi tắt là Vinalines.
Vinalines là một trong những doanh nghiệp nhà nước nổi tiếng
tại Việt Nam vì kinh doanh như… phá: Thay vì phải phát triển vận tải biển, hỗ
trợ xuất cảng thì Vinalines vung tiền mua các phương tiện cũ mang về Việt Nam
thả… neo, biến những phương tiện đó thành các đống rác nổi. Chưa kể, trong vận
tải biển, tàu của Vinalines liên tục bị tạm giữ vì những lỗi lầm hết sức ngớ ngẩn
và lần nào cũng phải bồi thường hàng triệu đô la.
Từ năm 2007 đến 2010, Vinalines vung tiền đầu tư 14 dự án cảng
biển và cảng sông, ba cơ sở sửa chữa tàu biển nhưng dự án nào cũng dang dở hoặc
hoạt động không hiệu quả, cuối cùng trở thành điển hình về “lãng phí” với nhiều
dấu hiệu cho thấy có tham nhũng.
Từ năm 2013 đến 2015, Vinalines luôn luôn dẫn đầu khối tập
đoàn, doanh nghiệp của chính phủ Việt Nam về mức độ thua lỗ. Năm 2013 mức thua
lỗ của Vinalines khoảng 7,000 tỷ đồng. Đến năm 2015, mức thua lỗ giảm xuống còn
khoảng 3,350 tỷ đồng. Sở dĩ Vinalines giảm được hàng ngàn tỷ đồng thua lỗ vì được
chính phủ Việt Nam cho phép “cổ phần hóa” (bán bớt tài sản), lấy tiền trả nợ nhằm
giảm lỗ.
Cảng Quy Nhơn là một trong những khối công sản mà Vinalines
được phép cổ phần hóa để giảm lỗ.
Do cảng có nhiều lợi thế, triển vọng không nhỏ, thậm chí khi
nói với tờ Người Lao Động, ông Nguyễn Hữu Phúc, cựu tổng giám đốc cảng này, nhấn
mạnh cảng Quy Nhơn còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với an ninh, quốc
phòng. Tuy nhiên, đề nghị của một số viên chức như ông Phúc là giữ lại 51% cổ
phần cho quốc gia chứ không bán hết cho nhà đầu tư, không được lãnh đạo
Vinalines và Bộ Giao Thông Vận Tải chấp nhận.
Những người trong cuộc còn tiết lộ với báo giới, trong hai
năm từ 2013 đến 2015, một số doanh nghiệp đã ngỏ ý mua cảng Quy Nhơn với giá
2,000 tỷ đồng nhưng cũng bị từ chối.
Trong hai năm đó, cổ phần cảng Quy Nhơn được chia ra để bán
thành ba đợt. Sau đó, một công ty tư nhân có tên là Hợp Thành nắm được 86.23% cổ
phiếu. Đáng nói là công ty Hợp Thành chỉ phải bỏ ra 440 tỷ đồng!
Theo tờ Người Lao Động, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Hợp
Thành là ông Lê Hồng Thái, 43 tuổi. Ông này không phải là nhân vật xa lạ với
báo giới Việt Nam. Ông từng là thành viên hội đồng quản trị Tổng Công Ty Xây Lắp
Dầu Khí Việt Nam (PVC) vào thời điểm ông Trịnh Xuân Thanh là chủ tịch hội đồng
quản trị.
PVC là thành viên của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN). Thời
PVC gây ra thua lỗ hơn 3,000 tỷ đồng, ông Đinh La Thăng là chủ tịch hội đồng quản
trị của PVN. Khi công ty Hợp Thành mua cảng Quy Nhơn, ông Thăng là bộ trưởng
Giao Thông Vận Tải.
Một điểm thú vị khác là thương vụ này không chỉ được
Vinalines và Bộ Giao Thông Vận Tải ủng hộ mà còn được ông Nguyễn Văn Thiện, lúc
đó là bí thư Bình Định, hoàn toàn đồng ý.
Dù chỉ là bí thư địa phương, ông Thiện vẫn soạn văn bản thúc
bộ này “khẩn trương bán phần vốn còn lại cho công ty Hợp Thành – ‘nhà đầu tư
chiến lược’ – để có nguồn vốn đầu tư, nâng cấp, mở rộng cảng Quy Nhơn!”
Từ khi chính quyền Việt Nam tuyên bố sẽ cổ phần hóa các
doanh nghiệp nhà nước, các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng, nếu thiếu minh
bạch, tiến trình này sẽ bị lũng đoạn, tài sản quốc gia bị chuyển hóa thành tài
sản cá nhân một cách hợp pháp, nhưng có vẻ không ai thèm bận tâm. (G.Đ.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét