Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

Giảm lỗ bằng cách móc túi dân!?





Thông tin cập nhật đến thời điểm này là hiện đã có tới 64 quốc gia công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

Thật buồn cười, làm gì có nền kinh tế thị trường nào mà người ta sẵn sàng đưa ra những đề xuất xâm phạm thô bạo nguyên tắc thị trường, chà đạp quyền lợi của người tiêu dùng nhưng vẫn được cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, xem xét, trong khi đáng ra phải lập tức bác bỏ.

Đó là chuyện đang xảy ra ở lĩnh vực hàng không. Một thị trường có ba doanh nghiệp, gồm Vietnam Airlines, Jestar Pacific Airlines và Vietjet Air, thì có đến hai doanh nghiệp thực chất là doanh nghiệp nhà nước, dù mang tiếng đã cổ phần hoá. Vietnam Airlines là doanh nghiệp nhà nước, sở hữu tới 70% cổ phần của Jetstar.

Khi Jetstar đề xuất Cục Hàng không xem xét áp giá sàn vé máy bay, tức giới hạn mức giá thấp nhất bắt buộc tất cả các hãng không được bán giá thấp hơn, ngay lập tức Vietnam Airlines vỗ tay hùa theo, đề nghị áp giá sàn và tăng giá trần thêm 5%. Tiếp theo, Cục Hàng không Việt Nam - vẫn lại là nhà nước, đưa vào dự thảo giá dịch vụ hàng không để xem xét, nghiên cứu, lấy ý kiến.

Tôi không tin người ta lại ngu dốt đến mức đề xuất và xem xét áp giá sàn ở một thị trường đã có sự cạnh tranh. Hành vi xâm phạm trắng trợn nguyên tắc thị trường này bộc lộ không thể rõ hơn về tình trạng các doanh nghiệp nhà nước quen thói độc quyền, ỷ lại vào vai trò nhà nước để ngăn cản sự phát triển của thị trường hòng thu lợi cho mình. Chính Vietnam Airlines đã khẳng định nếu đề xuất trên được áp dụng, doanh thu của họ có thể tăng thêm 2.500 tỉ đồng. Mà nói đúng ra là đặc quyền đặc lợi giúp họ có thể móc túi của người tiêu dùng tới 2.500 tỉ đồng mỗi năm. Nạn nhân bị móc túi có thể là anh chị và tôi.

Doanh nghiệp nhà nước, một thời gian dài được tạo điều kiện mọi mặt, đặc biệt về chủ trương chính sách nhưng đã bộc lộ khả năng quản trị yếu kém, bộ máy cồng kềnh, hoạt động lãng phí, kém hiệu quả đến mức đang dần làm cạn kiệt nguồn lực quốc gia. Quen thói độc quyền, nên khi có sự tham gia của tư nhân, họ lập tức bộc lộ sự kém cỏi trong cạnh tranh. Bằng chứng là từ khi có sự tham gia của Vietjet Air, thị phần của Vietnam Airlines đã giảm liên tục từ 74,6% năm 2011 xuống chỉ còn 42,5% vào giữa năm 2016. Còn Jetstar thì thị phần vẫn lẹt đẹt suốt mấy năm qua, lỗ luỹ kế đến tháng 9-2016 đã 3.568 tỉ đồng. Có lẽ, đây là lý do khiến họ đề xuất áp sàn giá vé.

Trong khi đó, đơn vị bán vé giá rẻ, đang phản đối đề xuất áp giá sàn là Vietjet Air lại đạt được mức lợi nhuận tới 2.496 tỉ đồng chỉ trong năm 2016.

Tôi có việc sắp phải đi xa và vừa mua vé của Vietjet Air. Tôi ủng hộ một doanh nghiệp muốn duy trì nguyên tắc cạnh tranh thị trường và người tiêu dùng được lợi. Chẳng có lý do gì tôi lại mua vé của những hãng hàng không có biểu hiện coi thường người tiêu dùng như Vietnam Airlines và Jetstar.

Tôi nghĩ rằng, các anh chị hãy lên tiếng và có hành động phản ứng với ý đồ móc túi người tiêu dùng và đi ngược nguyên tắc cạnh tranh. Dung dưỡng cho họ thì trong tương lai sẽ còn nhiều câu chuyện tương tự có thể xảy ra.

Về phía Cục Hàng không Việt Nam, nếu chấp thuận đề xuất áp giá sàn thì các anh chị đang chứng minh rằng, 64 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường kia là những đánh giá hết sức ngớ ngẩn. Thay vào đó, họ phải công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mới đúng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét