Từ những cửa biển Đà Nẵng, Sài
Gòn, Vũng Tàu, Cam Ranh, Nha Trang sau những ngày tháng Tư, mùa bão lửa, năm
1975. Mẹ lạc cha. Vợ xa chồng. Anh mất em. Những đứa bé bị bỏ quên đứng khóc
trên đường phố. Những chuyến hải hành vô định trên biển Đông trùng trùng gió
bão. Đói khát. Lo âu. Bà mẹ quỳ lạy những tên hải tặc để xin tha cho đứa con
gái chỉ mười lăm tuổi ốm o bịnh hoạn của bà. Nước mắt và những lời van xin của
mẹ không lay động tâm hồn của những con người không còn một chút lương tri. Tiếng
niệm Phật. Lời cầu kinh. Không ai nghe. Không có Chúa và không có Phật. Ở đó,
trên bãi san hô của đảo Koh Kra, phía nam vịnh Thái Lan, chỉ có những thân thể
trần truồng, máu me nhầy nhụa, chỉ có tiếng rên của những con chim nhỏ Việt Nam
bất hạnh và giọng cười man rợ của bầy ác điểu Thái Lan.
Bắt đầu từ đó.
Từ trại tỵ nạn Camp Pendleton, ,
Palawan, Laem Sing, Pulau Bidong, Sungai
Besi, Bataan, Whitehead, Phanat Nikhom, Galang. Những địa danh xa lạ đã trở nên
thân thiết. Ngửa tay cầm chén gạo tình người. Thank you, merci, danke, gracias.
Tuổi hai mươi, ba mươi, và ngay cả năm mươi, bảy mươi mới bắt đầu tập nói. Những
câu tiếng Anh bập bẹ, những dòng chữ Pháp, Đức, Tây Ban Nha ngập ngừng.
Bắt đầu từ đó.
Từ những buổi chiều âm thầm nhìn
qua bên kia biển, anh tự hỏi, phải chăng chấm đen cuối chân trời đó là quê
hương. Cành hoa hồng được thả trôi trên biển để nhớ nhau trong ngày cưới. Con
búp-bê được nhẹ nhàng đặt trên mặt nước xanh trong ngày sinh nhật của con. Vợ
đã chết và con đã chết trong một lần vượt biển sau anh.
Bắt đầu từ đó.
Từ đêm giao thừa đầu tiên. Không
bánh chưng xanh. Không rượu nồng pháo nổ. Không một lời chúc tụng của bà con.
Chỉ có tiếng hú của cơn bão tuyết dội vào khung cửa kính. Hai ngọn nến nhỏ, một
bó hương thơm và những giọt nước mắt nhỏ xuống trong đêm giao thừa cô độc. Em
bé mười ba tuổi lần đầu tiên tập cúng mẹ mình. Cúng về đâu và lạy về đâu. Trong
lòng Biển Đông sâu thẳm, mẹ có còn nghe được tiếng khóc của đứa con đang lạc
loài trên đất lạ.
Bắt đầu từ đó.
Từ hành lang phi trường Tân Sơn
Nhất, người lính già HO gạt nước mắt chào tạm biệt thân nhân, tạm biệt quê
hương, nơi một lần máu mình đã đổ. Ra đi, mang theo những tên tuổi, những địa
danh đã hằn sâu trong ký ức. Ra đi, để lại sau lưng tuổi thanh niên trong ngục
tù xiềng xích. Ra đi, để lại bao đồng đội, chiến hữu, anh em đang tiếp tục đếm
những ngày dài bất hạnh trên quê hương.
Bắt đầu từ đó.
Tiếng guốc không còn khua trên đường
phố. Hàng cây sao đã héo. Hàng me xanh đã tàn. Hàng phượng vĩ không còn đỏ thắm.
Những trụ đèn khuya trước cổng trường không còn ai đứng đợi. Những ô cửa của lớp
học và của đời người đã đóng. Và cả một quê hương thân yêu cũng chừng như đã chết.
Ra đi.
Ra đi.
Và từ đó chúng ta đi. Cảnh đời
tuy có khác nhau. Tuổi tác tuy có khác nhau. Thời điểm tuy có khác nhau. Nhưng
chúng ta, những người Việt Nam may mắn còn sống sót, cùng mang một nỗi đau
chung: nỗi đau Việt Nam.
Nỗi đau lớn dần theo mỗi ngày biệt
xứ. Nước mắt của những bà mẹ Việt Nam khắp ba miền góp lại chắc đã nhiều hơn nước
sông Hồng. Xương trắng của cha anh nếu chất lại chắc đã dài và cao hơn cả dãy
Trường Sơn.
Hôm nay, cơn bão lửa dù chưa qua
hết nhưng với ý chí vươn lên, những người Việt Nam may mắn còn sống sót, thay
vì ngồi thở ngắn than dài cho số phận, đã dìu nhau đứng dậy, dìu nhau đi lên, sống
một cuộc sống tích cực, làm những công việc tích cực cho bản thân, cho gia
đình, cho đất nước. Nhờ thế, sau đêm tối trời của vận nước và đời mình, đa số
chúng ta đã tìm được một cành mai hy vọng ở xứ người. Để từ đó làm điểm khởi
hành lên đường đi dựng lại Mùa Xuân Dân Tộc.
Hôm nay, đau buồn vẫn chưa nguôi
nhưng sức sống không phải vì thế mà ngừng lại. Những thuyền nhân tí hon trên những
chiếc ghe bằng gỗ mong manh ngày xưa bây giờ đã lớn. Các em đã thành những kỹ
sư, bác sĩ tài ba, những khoa học gia lỗi lạc trong nhiều ngành. Ai đã dạy em
nên người? Cha mẹ. Vâng. Thầy cô. Vâng. Nhưng còn hơn thế nữa, còn từ trong
dòng máu Việt Nam.
Hôm nay, những con nước nhỏ dưới
chân cầu đã trôi ra biển rộng. Nhưng không phải vì thế mà tan loãng trong đại
dương bát ngát như hàng triệu con nước khác. Trái lại, những giọt nước từ sông
Hồng, sông Hương, sông Ba, Thu Bồn, Trà Khúc, Cửu Long, Vàm Cỏ, vẫn hẹn một
ngày bốc thành hơi, bay về tưới mát ruộng đồng xứ Việt thân yêu đã nhiều năm đại
hạn.
Tất cả, một ngày không xa sẽ rơi
vào quên lãng, sẽ tan biến đi theo chu kỳ sinh, trụ, dị, diệt của nhân sinh.
Không quan trọng. Điều quan trọng, trong giờ phút còn có mặt, còn được góp phần,
xin làm một que củi nhỏ để ngọn lửa hy vọng, tình người, tình đất nước, trong
lòng mỗi chúng ta, đừng tắt.
Cám ơn.
Trần Trung Đạo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét