Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

Bạo lực gia đình vẫn chưa giảm ở Việt Nam






    Một phụ nữ là nạn nhân bạo hành gia đình. AFP photo
 

Bạo lực gia đình vẫn là một vấn nạn tại Việt Nam và nạn nhân phần lớn là phụ nữ. Mặc dù nhiều tổ chức, hiệp hội được thành lập để giúp phụ nữ ứng phó với vấn nạn này nhưng các con số liên quan đến bạo lực gia đình vẫn không thuyên giảm.



Vậy nguyên nhân vì sao bạo lực vẫn tiếp tục xảy ra, và các biện pháp được thực hiện chưa thực sự hiệu quả, cũng như những giải pháp nào phụ nữ cần làm để giải quyết tình trạng này?



Đánh đập vợ con



Thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Việt Nam cho thấy trong 5 năm trở lại đây, số vụ bạo lực gia đình được ghi nhận khoảng 20.000 vụ/năm. Chỉ riêng trong năm 2015 có 31 phụ nữ, 7 trẻ em bị người thân giết hại. Số liệu báo cáo của các tổ chức phi chính phủ năm 2014 cũng cho thấy cứ 2-3 ngày lại có một người bị giết liên quan đến bạo lực gia đình, mà nạn nhân đa phần là phụ nữ và trẻ em.



Chúng tôi có dịp trò chuyện với một phụ nữ (xin được giấu tên), chị đã lập gia đình và sống cùng người chồng vũ phu đã ngót nghét 3 chục năm. Bản chất nóng nảy của ông chồng cộng với thói quen rượu chè be bét, đã biến cuộc sống của chị và các con thành địa ngục. Chị chia sẻ về cuộc sống hàng ngày của mình:



Cứ rượu vào câu cà ra câu kê rồi chửi bới: bố mày không thích ăn thứ nọ, bố không thích ăn thứ kia! Ông ấy không thích cho may vá, không thích cho làm đầu, không thích cho nói chuyện với ai kể cả đàn ông hay đàn bà. Ông ấy chửi thì nhìn ông ấy, thế là ông ấy đáp luôn cái bát vào mặt. Cãi ông ấy một câu thì ông ấy đấm, tát vào mặt luôn.



Chị cho biết con cái chị rất sợ bố, tuổi thơ của chúng là những ký ức khi bố vác gậy đuổi mẹ, mang thau chậu để bố nôn ói sau những trận nhậu “không say không về”. Rồi những tiếng hò hét, chửi rủa, đập bàn ghế, bát đũa, dọa sẽ đốt nhà để mẹ con chị không còn chỗ ở. Chị nói, bây giờ đứa con gái đầu lòng của chị đã lớn rồi nhưng thỉnh thoảng vẫn gặp ác mộng thấy bố đánh mẹ, tỉnh dậy giữa đêm và bật khóc.



Một lần người con trai thứ hai của chị thấy bố uống quá nhiều rượu, rồi lại sinh chuyện mắng chửi mẹ nên ngăn cản bố thì tai họa ập đến:



Nó bảo bố uống ít thôi bố đừng uống nhiều, uống nhiều vào lại lắm điều. Thế là ông ấy đứng dậy đáp bát, ghè mâm ra, rồi cầm dao định chém nó.



Những câu chuyện phụ nữ phải chịu đựng cuộc sống bạo lực có lẽ còn nhiều. Những câu chuyện đó làm người nghe thấy thương tâm, đau buồn cho kiếp phụ nữ, nhưng cũng phần nào oán trách vì tại sao sống giữa cảnh bạo hành, ngược đãi như vậy lại không tìm cho mình lối thoát. Chúng tôi đặt ra câu hỏi này với người phụ nữ trên và được chị giãi bày:



Bây giờ sống với nhau mấy chục năm trời rồi thì cũng phải nghĩ cho con cho cái sau này. Mình hy sinh đi để cho con cái có một nền tảng gia đình, sau này chúng nó đỡ lang thang, đỡ khổ. Hơn nữa, giờ già rồi sức khỏe không còn nữa, đi ra ngoài sống làm sao được.



Từ quan niệm trọng nam khinh nữ



Trước tình hình bạo lực gia đình ngày càng diễn biến phức tạp ở Việt Nam, chúng tôi trao đổi với Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng viện nghiên cứu Phát triển Xã hội, để được biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:



Bạo lực Việt Nam liên quan rất nhiều đến vấn đề bất bình đẳng giới. Quan niệm trọng nam khinh nữ tồn tại từ xa xưa nhưng hiện vẫn còn rất phổ biến. Quan niệm đó cho rằng người đàn ông là người có quyền duy trì tôn ti trật tự trong gia đình, và phụ nữ phải nghe lời. Trong thực tế người phụ nữ Việt Nam rất mạnh mẽ và đóng góp rất nhiều cho kinh tế gia đình, xã hội, người phụ nữ Việt Nam đã tiến bộ rất nhiều trong những thập kỷ qua. Tuy nhiên nam giới lại không có được những thay đổi cùng nhịp, cho nên tôi cho rằng nam giới cảm thấy bị thách thức bởi phụ nữ và họ cảm thấy quyền lực của họ đang bị đe dọa. Có thể vì thế mà họ sử dụng bạo lực để khẳng định quyền lực, vị thế của mình trong gia đình.



Ở các nước phương Tây, người phụ nữ được coi trọng và được bảo vệ một cách nghiêm túc hơn. Ở Mỹ nếu người phụ nữ bị chồng đánh, chỉ cần nhấc điện thoại gọi cảnh sát, chỉ vài phút sau người chồng sẽ bị gô cổ lôi về đồn. Tại Canada, nếu phụ nữ báo chính quyền là bị chồng tát một cái thôi, người chồng đó có thể phải ngồi tù từ 1-30 năm.



Ở Việt Nam, thỉnh thoảng người ta vẫn bắt gặp ngay giữa đường phố, giữa thanh thiên bạch nhật, cảnh tượng người chống đấm, đá, giật tóc, tát người vợ túi bụi nhưng hiếm thấy trường hợp nào được người đi đường can ngăn, mà đa số chỉ dừng xe đứng nhìn và thì thầm bảo nhau “chuyện gia đình người ta, xen vào làm gì”.



Khoảng 1 năm trước trên mạng xã hội, mọi người loan truyền đoạn video clip người chồng đánh vợ bán sống bán chết trước mặt đứa con nhỏ, liên tiếp đạp vào mặt, vào người mặc cho cô vợ đang mang bầu. Những bình luận phía dưới clip đó, bên cạnh nhiều sự thương cảm, có nhiều câu nói khiến người ta lo ngại về một xã hội đang bị vô cảm hóa: ‘chuyện này thiên hạ đầy, rồi thì chắc là ngoại tình rồi, ngoại tình thì nó đánh chết là đúng.’ Không hiểu luật pháp nào, đạo đức nào cho phép đàn ông đánh vợ đến mức độ đó để trả thù chuyện ngoại tình.



Việt Nam vẫn là một quốc gia với đa phần người dân sống ở vùng nông thôn. Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình năm 2010 cũng cho thấy vùng nông thôn Việt Nam là một trong những địa điểm mà nạn bạo hành gia đình xảy ra thường xuyên nhất. Cứ 10 người phụ nữ được hỏi thì 4 người cho biết họ không cảm thấy gia đình là nơi an toàn để sống.



Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nhận xét về thực tế này:



Đói nghèo cũng là một nguyên nhân làm cho mâu thuẫn căng thẳng hơn. Ngoài ra, cả phụ nữ và nam giới đều thiếu hiểu biết về quyền của mình. Thiếu kỹ năng sống để có thể hóa giải những xung đột nho nhỏ. Thay vì những xung đột nho nhỏ thì người ta lại đẩy lên thành những xung đột nghiêm trọng hơn, dẫn đến bạo lực. Một nguyên nhân khác nữa là cách giải quyết bạo lực gia đình ở Việt Nam nói chung và ở nông thôn nói riêng còn nhiều vấn đề, chẳng hạn như bây giờ người ta cứ sử dụng giải pháp hòa giải, khuyên nhủ người phụ nữ nên cam chịu, nhịn nhục để giữ hòa khí trong gia đình. Người ta thường đặt đứa con lên để làm mục đích hòa giải gia đình. Cho nên bạo lực không được giải quyết tận gốc rễ, mà chỉ lắng xuống rồi lại bùng lên.



Ngoài những nguyên nhân mà Tiến sĩ Khuất Thu Hồng đề cập bên trên, một lý do khác khiến nạn bao hành gia đình ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam là thói quen nhậu nhẹt, cà kê rượu chè, chén chú chén anh của nam giới, rồi kích bác nhau khiến con ma rượu vốn đã không làm chủ được bản thân, lại càng như lửa được thêm dầu. Chị Tuyết, một người dân ở Sài Gòn, cho biết câu chuyện xảy ra trong khu phố chị từng sinh sống:



Trước đây tôi sống trong khu phố, cũng là khu lao động, chồng về nhậu nhẹt xỉn rồi đánh vợ con, la hét. Mà chuyện đó chắc chắn không chỉ xảy ra ở khu phố đó. Đàn ông nhậu nhẹt về là hay đánh vợ con, không đánh thì chửi. Đó cũng là một hình thức bạo lực tra tấn tinh thần, khiến cả người vợ và con cái rất hoảng sợ.



Phụ nữ tự bảo vệ bằng cách nào?



Hiện tại nhiều tổ chức, hiệp hội bảo vệ quyền lợi của phụ nữ được thành lập, và hoạt động nhằm ngăn chặn nạn bạo hành gia đình. Tuy nhiên, để vấn đề này thực sự được giải quyết, trước hết đòi hỏi những người phụ nữ trong cuộc phải can đảm đứng lên và kiên quyết phản đối tình trạng này. Tiến sĩ Khuất Thu Hồng đưa ra những lời khuyên cho chị em phụ nữ, đặc biệt là những nạn nhân bạo hành gia đình:



Phụ nữ phải mạnh mẽ hơn nữa, phải hiểu rõ quyền của mình, đừng nghĩ là sự cam chịu của mình có thể giải quyết được vấn đề mà phải có sự trao đổi thẳng thắn. Đừng lo sợ rằng nếu mình cương quyết phản đối bạo lực thì sẽ ảnh hưởng đến tiếng tăm của gia đình và tương lai của con cái. Những đứa con mà cứ phải sống trong bạo lực gia đình thì cũng không tốt cho đưa trẻ đó. Xã hội, cộng đồng nên bảo vệ người phụ nữ, thay vì cứ ra sức khuyên người ta cam chịu để giữ hòa khí gia đình. Cần chấm dứt phương pháp giải quyết bạo lực bằng hòa giải.



Phụ nữ Việt Nam luôn có một nét đặc trưng không thể nhầm lẫn đó là đức hy sinh. Tuy nhiên, sự hy sinh cần phải được đặt đúng lúc, đúng chỗ thì mới phát huy được những điểm tích cực của nó. Nếu kết quả của đức hy sinh là sự nhẫn nhục chịu đựng khi bị chồng hành hạ, thì nó đã biến chất và trở thành sự thiếu hiểu biết và sẽ gây ra hậu quả vô cùng đáng tiếc cho chính bản thân và con cái. Vì vậy phụ nữ cần nhận biết rõ quyền lợi của mình và đứng lên đấu tranh để chính mình và các con được sống trong môi trường lành mạnh, an toàn và hạnh phúc.



Xin được nhắc lại thuật ngữ “bạo lực gia đình” được nhắc đến thường xuyên trong cuộc sống hàng này, tuy nhiên không phải nhiều người hiểu đúng những nội dung từ “bạo lực” được đề cập đến. Thường thì khi nhắc đến bạo lực gia đình, người ta nghĩ ngay đến cảnh tượng người chồng đánh vợ. Tuy nhiên, luật Phòng, chống bạo lực gia đình của Việt Nam đã quy định rõ, Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình.



Bạo lực gia đình gồm 4 hình thức chính là bạo lực thể xác, bạo lực tình dục, bạo lực tinh thần, và bạo lực xã hội. Trong đó, bạo lực thể xác là những hành vi như đấm, đá, tát,… tác động trực tiếp  đến sức khỏe nạn nhân. Bạo hành tình dục là ép quan hệ tình dục khi bạn đời không muốn. Hành vi loạn luân giữa cha và con gái, hoặc mẹ và con trai, giữa anh chị em cũng được xếp vào loại này. Bạo hành tinh thần là những hành vi như chửi bới, mắng nhiếc, im lặng không nói chuyện trong thời gian dài... Bạo hành xã hội bao gồm việc ngăn cản không cho tiếp xúc với gia đình, bạn bè, bao vây kinh tế nhằm hạn chế các hoạt động mang tính cộng đồng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét