Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Bác sĩ phải chạy nhanh như vận động viên


 Chuyện Việt Nam: Hành hung bác sĩ
 *
Hoàng Linh ( Một Thế Giới)

 Một vụ bệnh nhân hành hung bác sĩ tại TP.Hải Phòng 

  “Làm bác sĩ phải chạy nhanh như vận động viên điền kinh!”. Một bác sĩ đã nói với tôi như vậy khi dư luận đang xôn xao về nạn bạo lực đang tác động vào ngành y.



Tôi đi khám bệnh theo Bảo hiểm y tế và thấy rõ 2 cảnh trái ngược: bác sĩ nhẫn nại thăm khám, giải thích cách dùng thuốc cho bệnh nhân trong khi số chờ khám quá đông bên ngoài thì cực kỳ căng thẳng vì chờ đợi. Làm sao giải quyết tình trạng này, tôi không biết và hỏi ban giám đốc bệnh viện. “Quá tải”, câu trả lời như cách nói thông thường, kèm cái lắc đầu ngao ngán.



Lần khác, một bác sĩ quen cũng nói như vậy trên mạng xã hội về trường hợp xảy ra nơi anh công tác: một bác sĩ bị mẹ của bệnh nhi tát, lãnh đạo bệnh viện thấy bà này dữ quá sợ sẽ đánh tiếp các bác sĩ khác nên lật đật chuyển con bà sang nằm phòng lạnh theo yêu cầu. Bà mẹ cùng bệnh nhi đến cấp cứu, bé sốt cao, sau đó chuyển lên phòng khám nhi rồi làm thủ tục nhập viện. Có lẽ bà mẹ nóng ruột vì thủ tục lòng vòng nên thiếu kềm chế tát bác sĩ. Lãnh đạo sợ quá chuyển cả nhà vào phòng có máy lạnh, tivi để hạ hỏa.



"Anh thấy không? Khi đụng vào công an thì người đó bị khép tội chống người thi hành công vụ, thế nhưng khi họ xúc phạm những người đang cố gắng để cứu thân nhân của họ khỏi lưỡi hái tử thần thì họ lại vui vẻ như cày xong thửa ruộng. Biết sao bây giờ, mình đã chọn rồi mà, nhớ hồi sinh viên, các thầy có nói đùa rằng, đã học y là nhất định phải trở thành 1 vận động viên điền kinh giỏi, nhỡ có gì còn bỏ chạy, nhưng đâu phải lúc nào cũng chạy kịp", vị bác sĩ nói.



Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, đã có hàng chục vụ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vào bệnh viện hành hung, đe dọa y, bác sĩ, gây rối làm mất an ninh trật tự tại bệnh viện. Thậm chí, một số đối tượng còn lợi dụng các sự cố y khoa để đe dọa, tống tiền… bác sĩ và bệnh viện.



Cũng theo ông Khuê, các vụ xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), bệnh viện tuyến trung ương (chiếm 20%). Đối tượng bị tấn công, hành hung chủ yếu là bác sĩ (chiếm 70%), tiếp đến là điều dưỡng (chiếm 15%).



Mới đây nhất, trưa 16.4, một bác sĩ ở Bệnh viện Thạch Thất đã bị người nhà bệnh nhân dùng ly thủy tinh đánh vào đầu bất tỉnh, máu bác sĩ chảy xuống bệnh án của bệnh nhi mà bác sĩ đang cố gắng điều trị để bé mau khỏi bệnh.



Trước đó, khoảng 9 giờ tối 13.4, bé trai Cấn Ngọc T. (sinh ngày 22.6.2016) được gia đình đưa đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất trong tình trạng nôn, đi ngoài phân lỏng. Dù bé tỉnh nhưng mệt, thể trạng gầy, môi se, mắt trũng, khát nước, sốt khoảng 37,5 độ, họng viêm đỏ. Việc điều trị mang lại kết quả khá tốt nhưng cũng có dị biến.



Khoảng 12 giờ 30, bác sĩ trưởng kíp trực Lê Quang Dương sau khi khám bệnh nhân đã giải thích tình trạng bệnh lý của cháu bé với bố và mẹ bệnh nhân. Khi bác sĩ Dương trình bày, giải thích tình hình bệnh nhi, gia đình không có ý kiến thắc mắc. Nhưng lúc bác sĩ Dương đọc hồ sơ bệnh án, bố của bệnh nhân hỏi bác sĩ về việc chuyển viện, bác sĩ đang giải thích thì bố bệnh nhân dùng cốc thủy tinh ném vào đầu bác sĩ gây thương tích. Bác sĩ Dương bất tỉnh, ông bố này vẫn tiếp tục chửi bới, cầm ghế hành hung bác sĩ nhưng được người nhà ngăn cản.



Phía người nhà bệnh nhân cũng lên án bệnh viện không tiếc lời.



- Nhiều khi, phải người trong cuộc mới nắm rõ sự tình. Đành rằng các trường hợp người nhà hành hung bác sĩ là sai, nhưng nhiều bác sĩ bây giờ cũng rất vô cảm với bệnh nhân, chưa kể đến cái vấn nạn bác sĩ, y tá nhũng nhiễu, cầm phong bì rồi mới chịu thực hiện nhiệm vụ.



- Con của con sốt đến 40 độ C. Khi vào khám, đã đăng ký dịch vụ nhưng cũng vẫn phải chờ. Trời Sài Gòn nắng nóng, con thì sốt, ói. Lúc ngồi ghế chờ cháu bé đã ói mà con không kịp ra nhà vệ sinh, vì nhà vệ sinh cách đó khoảng 50m. Phản xạ tự nhiên con bế cháu chạy tới ngay cái bồn rửa tay của phòng bác sĩ đang khám. Chú biết không, bà ta chửi con như tát nước vào mặt là "sao cô dơ dáy vậy, cô không biết sạch sẽ là gì hả...". Lặng lẽ, bối rối và rất ức nhưng chỉ biết ôm con mà khóc vì con mình đang bệnh, đang cần người ta. Sau đó chú lao công vội chạy lại hỗ trợ lau chùi mà không nói gì. Bác sĩ cũng có tuổi rồi chứ không phải trẻ, nhưng không biết thông cảm và thái độ kiểu đó thử hỏi làm sao có thiện cảm được chú.



Người đánh bác sĩ ở Bệnh viện Thạch Thất sẽ bị xử lý nhưng cho dù xử lý thật nặng hoặc “khoan hồng” thì tình trạng bạo lực trong bệnh viện cũng sẽ không giảm. Trình độ ứng xử kém, nôn nóng của người nhà bệnh nhân và sự quá tải khám chữa bệnh chính là nguyên nhân. Mà nguyên nhân này, ai cũng thấy, ngành y đề ra nhiều giải pháp nhưng cuối cùng… vẫn vậy.



Không chỉ có trong bệnh viện mới có chuyện bạo lực nên có ý kiến vui là giờ nên học sống chung với bạo lực: “Chào anh, bây giờ ngành nào cũng có bạo lực trong môi trường làm việc. Chỗ công ty em làm, không vừa lòng là công nhân đánh, như báo cũng đưa nhiều rồi đó ạ, hay nhân viên không được tăng lương đâm sếp... Mấy chuyện đánh sưng mặt, phù mỏ giờ nhiều ạ, không riêng gì ngành nào đâu. Học cách chấp nhận và sống chung thôi...”, một người bạn viết cho tôi.



Vậy thì không chỉ bác sĩ, mấy ngành khác cũng nên học chạy như vận động viên điền kinh thôi! Bạo lực xã hội đã đến mức đó sao?



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét