Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

Truyền thông Mỹ nhìn lại cách tường thuật chính phủ Trump



 V.Giang


Hình ảnh Tổng Thống Donald Trump trên trang nhất các báo phát hành tại London. (Hình: Jack Taylor/Getty Images)


WASHINGTON (NV) – Trong khi giới truyền thông phải tiếp tục điều chỉnh để thích ứng với cách thức hoạt động của Tổng Thống Donald Trump cũng như chính phủ mới, hai bức thư nội bộ mới được đưa ra tuần này cho thấy rõ hơn cuộc tranh luận bên trong các phòng tin tức khắp nước: làm thế nào để tường thuật về một vị tổng thống từng gọi truyền thông là “đảng đối lập.”

Theo Yahoo News, chủ biên hãng thông tấn Reuters, ông Steve Adler, trong thư gửi các ký giả nói rằng việc một tổng thống Mỹ gọi nhà báo “ở trong thành phần những kẻ bất lương nhất trên trái đất này” chẳng phải là điều thường thấy và sẽ đặc biệt cam go cho tất cả những người ở trong ngành truyền thông.

Ông Adler cho hay Reuters hoạt động “trong hơn 100 quốc gia, gồm cả nhiều nơi trong đó giới báo chí không được chào đón và thường xuyên bị tấn công.”

Ông bày tỏ sự hãnh diện về công việc của nhân viên tại các nơi như Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Ai Cập, Iraq, Yemen, Thái Lan, Trung Quốc, Zimbawee, và Nga,” những nơi mà nhân viên Reuters “gặp tình trạng kiểm duyệt, truy bức về pháp lý, không cấp chiếu khán và ngay cả đe dọa bạo lực.” Ông cho hay không biết là thái độ của chính phủ Trump với giới truyền thông sẽ gay gắt như thế nào nhưng hứa rằng “chúng ta sẽ phải theo những tiêu chuẩn mà chúng ta áp dụng ở những nơi khác.”

Ông Adler sau đó đưa ra một danh sách những điều nên và không nên làm khi tường thuật về chính phủ Trump.

Trong số những điều nên làm gồm có: tường thuật những gì liên hệ tới đời sống người dân và cho họ các dữ kiện đúng để họ tự có quyết định; phải nhanh nhẹn tháo vát hơn, nếu cánh cửa này đóng thì tìm cách mở cánh cửa khác, ra ngoài với dân chúng để tìm hiểu cách sống, cách suy nghĩ của họ, điều gì giúp họ điều gì không, và hành động chính phủ ảnh hưởng tới người dân như thế nào, chứ không phải với giới truyền thông.

Trong những điều không nên làm có việc không để bị dọa nạt, nhưng cũng không gây sự hay để vấn đề trở thành điều liên hệ đến nhà báo. Ðừng than phiền về khó khăn gặp phải khi tường thuật chính phủ mới. Và cũng đừng quá bi quan về môi trường làm việc vì đây là cơ hội để người ký giả sử dụng kinh nghiệm khi hành nghề tại các nơi khó khăn hơn gấp bội trên thế giới.

Trong khi đó, vào tối ngày Thứ Hai, 30 Tháng Giêng, chủ bút tờ Wall Street Journal, ông Gerard Baker, gửi email cho các nhân viên nói rằng nên ngưng gọi bảy quốc gia trong lệnh cấm của ông Trump là nơi có “đa số dân theo Hồi Giáo” mà nói rằng đây là những quốc gia có đe dọa khủng bố lớn cho Mỹ, vì đó chính là điều chính phủ thời Tổng Thống Obama từng khẳng định. (V.Giang)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét