Lê Vĩnh
Tuần lễ đầu trung tuần tháng 2 năm 2017, một số thành viên
Hoàng Sa FC đã đi đến thôn Tổng Chúp, Cao Bằng (cách Hà Nội 300km) để thắp
hương cho 43 đồng bào đã bị lính Trung Cộng thảm sát một cách man rợ. Cuộc thảm
sát này là một sự kiện được kể lại nhiều nhất trong cuộc chiến tranh biên giới
phía Bắc khởi đầu vào mờ sáng ngày 17 Tháng 02, 1979.
Không có đến cả một con đường mòn dẫn vào, những anh chị em
đó đã phải lội suối băng rừng, men theo những bụi tre um tùm để đến được nơi dường
như đang rơi vào quên lãng, cũng như cuộc chiến biên giới phía bắc năm đó đã bị
quên lãng từ mấy thập niên qua.
Thành viên Hoàng
Sa FC thắp hương tại thôn Tổng Chúp - Xã Hưng Đạo, Huyện Hòa An, Thành phố Cao Bằng
- nơi diễn ra cuộc thảm sát của quân Trung Quốc với 43 phụ nữ và trẻ em. Sau đó
quân Trung Cộng đã vứt xác họ xuống giếng nước. Ảnh: FB Hoàng Sa FC
Cuộc chiến chống ngoại xâm phương Bắc của dân tộc trong lịch
sử cận đại
Cuộc chiến biên giới phía Bắc là một cuộc chiến đặc biệt mà
Cộng Sản Việt Nam (CSVN) phải đương đầu.
Nói là cuộc chiến đặc biệt vì so với các cuộc chiến khác
thì: 1) Hai cuộc chiến tranh Đông Dương trước đó là hai cuộc chiến đã tạo ra
nhiều tranh cãi. Thậm chí, sau khi được lịch sử soi sáng thì đó chỉ là những cuộc
chiến tranh núi xương sông máu không cần thiết đã làm suy kiệt sinh lực quốc
gia; 2) Cuộc chiến biên giới Tây Nam chống lại Cam Bốt chỉ là cuộc chiến giữa
những người cộng sản anh em trở mặt với nhau tạo thêm những vết thương cho dân
tộc Việt chưa kịp hồi sức sau chiến tranh; 3) Trong khi cuộc chiến biên giới
phía Bắc đích thực là cuộc chiến chống ngoại xâm phương Bắc của người Việt Nam
trong lịch sử cận đại.
Điểm đặc biệt khác của cuộc chiến biên giới phía Bắc là sự yếu
kém, thất bại của lãnh đạo đảng CSVN về lượng định tình hình trước cuộc chiến,
về chiến thuật trong cuộc chiến và sai lầm về ý đồ của TQ trong giữa cuộc chiến.
Sự thất bại và yếu kém này của lãnh đạo đảng Cộng Sản càng cho thấy sự chiến đấu
anh dũng tuyệt vời của quân dân các tỉnh biên giới phía Bắc trước sự tấn công
khốc liệt và áp đảo của quân đội TQ.
Sai lầm trong lượng định tình hình
Từ hai năm trước khi nổ ra cuộc chiến năm 1979 đã có những
trận chiến nhỏ giành giật dọc biên giới giữa phía Việt Nam và Trung Quốc. Càng
đến gần ngày xẩy ra cuộc chiến thì càng có thêm những dấu hiệu chuẩn bị chiến
tranh từ Trung Quốc rõ ràng hơn, nhưng dường như tất cả đều không được lãnh đạo
đảng CSVN để ý tới hầu chuẩn bị.
Tháng 6, 1978, Bắc
Kinh thông báo việc đóng cửa các tòa lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Nam Ninh
và Côn Minh.
Đến Tháng 11, 1978
thì TQ cắt đứt các tuyến đường xe hỏa giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Cũng Tháng 11,
1978, Đặng Tiểu Bình thăm Thái Lan, Malaysia và Singapore. Tại những nơi
này Đặng đều nói với chủ nhà rằng, Việt Nam là tên du côn, phải “dạy cho Việt
Nam một bài học”, và rằng, Trung Quốc sẽ dùng vũ lực nếu Việt Nam tấn công
Cam Bốt.
Ngày 28 Tháng 1,
1979, Đặng thăm Hoa Kỳ. Tại Mỹ Đặng tuyên bố rằng: “Trung Quốc không thể cho
phép Việt Nam gây rối loạn khắp nơi”. Họ Đặng cũng lập lại lập trường kiên định
đứng về phía Cam Bốt chống lại Việt Nam. Báo chí Mỹ loan tải sớm muộn gì thì một
cuộc chiến giữa hai nước cộng sản sẽ nổ ra.
Sau 3 ngày thăm Mỹ,
họ Đặng đến Nhật. Tại Nhật, Đặng tuyên bố: “Để trừng phạt Việt Nam, dù có gặp
những nguy hiểm cũng phải hành động.” Nói về việc Việt Nam đánh Cam Bốt, Đặng
nói huỵch toẹt ra rằng: “Không trừng phạt kẻ xâm lược (tức VN), sẽ tạo ra những
nguy hiểm phản ứng dây chuyền”. Họ Đặng coi Việt Nam là thứ vô ơn nên còn nhấn
mạnh rằng, nếu không có “bài học cần thiết” thì chẳng còn cách nào hiệu quả để
đối phó với “loại người vô ơn như thế”.
Cũng khoảng thời
gian này, hãng thông tấn TASS của Liên Xô đưa tin một lực lượng rất lớn quân đội
Trung Quốc đang áp sát biên giới Việt–Trung.
Song song với những
sự kiện trên là những hoạt động quân sự. Từ Tháng 10, 1978 đến đầu Tháng
2,1979, nhiều đại đơn vị quân đội TQ thuộc các quân khu Côn Minh, Quảng Châu,
Thành Đô đã được điều động đến biên giới Việt Nam. Thậm chí quân đoàn 20 của
quân khu Vũ Hán, cách biên giới 1200 km, cũng được điều về biên giới VN. Báo
chí Tây Phương nhận định rằng, Trung Quốc phải tốn từ 2 đến 3 tháng để điều động
lực lương khổng lồ vừa kể.
Song song với các
cuộc điều quân vừa kể, từ Tháng 10, 1978 cho đến ngày 15 Tháng 2, 1979, TQ liên
tục tung ra hàng loạt những hoạt động dò thám các đơn vị quân đội VN, vừa để
thu lượm tin tức tình báo, vừa để đánh lạc hướng sự chú ý trong các hoạt động
quân sự của TQ.
Sai lầm về chiến thuật
Do sai lầm trong lượng định tình hình, thậm chí vẫn tin tưởng
vào “tình hữu nghị anh em” của hai nước Cộng Sản, nên Việt Nam gần như không hề
chuẩn bị gì cho cuộc chiến này.
Vì thế, Việt Nam đã hoàn toàn bị bất ngờ khi toàn lực lượng
Trung Quốc gồm 300.000 binh sĩ (các tài liệu của CSVN ghi là 600.000 binh sĩ
TQ), 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối, hỏa tiễn (chưa kể hơn 200 tàu
chiến của hạm đội Nam Hải và 1.700 máy bay phía sau) tấn công vào suốt biên giới
1.400 cây số của 7 tỉnh địa đầu phía Bắc.
Khi cuộc chiến nổ ra thì Thủ Tướng Phạm Văn Đồng và Đại
Tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham Mưu Trưởng, đang thăm viếng Cam Bốt. Về lực
lượng quân sự thì Việt Nam đã đưa quân sang Cam Bốt. Một thành phần quân đội
khác cũng đã được giải ngũ về làm kinh tế.
Ảnh: Internet
Theo thuật lại của một blogger thì ngày 16 Tháng 2, 1979
(trước hôm cuộc chiến mở màn 1 ngày) một đại tá Quân đội NDVN đã nói chuyện với
một đơn vị quân đội ở Lạng Sơn rằng, “có cho kẹo TQ cũng không dám đánh VN”.
Trong những năm gần đây đã có nhiều bài vở rất chi tiết về
diễn tiến cuộc chiến, vì thế không cần lập lại ở đây, mà chỉ cần nêu ra một vài
điểm quan trọng để cho thấy những sai lầm chiến thuật của phía lãnh đạo Việt
Nam.
Trước khi TQ mở cuộc tấn công, phía Việt Nam đã có ít nhất 5
sư đoàn đang ở miền Bắc. Nếu 5 sư đoàn này được điều động lên biên giới để sẵn
sàng phòng thủ và ứng chiến thì, nhờ địa hình hiểm trở của vùng núi non biên giới
cùng kinh nghiệm chiến đấu, Quân Đội Nhân Dân Việt Nam có thể cầm chân các lực
lượng TQ ở biên giới để chờ quân tiếp viện.
Nếu lực lượng Việt Nam được chuyển từ Nam ra Bắc tuần lễ sau
đó được đưa lên tiếp ứng cho biên giới, quân đội TQ đã không thể tiến sâu vào
lãnh thổ Việt Nam và đạt được những mục tiêu họ mong muốn. Đồng thời, khi TQ
lui binh, các lực lượng Việt Nam có lực lượng để phản công mạnh mẽ, tập kích bọc
hậu, gây thiệt hại rất lớn cho đối phương.
Nếu không sai lầm chiến thuật trong cuộc chiến, ngoài sự hạn
chế tổn thất quân sự, các làng mạc, thành phố ở vùng địa đầu giới tuyến sẽ
không bị tàn phá hoặc bị san bằng như đã xẩy ra. Đặc biệt, nếu phía Việt Nam có
sự chuẩn bị thì dân chúng đã được di tản trước để lánh nạn, tránh được những cuộc
tàn sát khi quân TQ tiến vào.
Sai lầm về ý đồ của TQ
Một vài diễn tiến dưới đây xẩy ra trong thời gian đầu cuộc
chiến cũng cho thấy sai lầm chiến thuật của lãnh đạo Việt Nam khi nhận định sai
lầm về ý đồ của TQ.
Ngày 21 Tháng 2, khi trận chiến đang diễn ra khốc liệt, Liên
Xô đưa một tuần dương hạm và một khu trục hạm tiến về bờ biển Việt Nam. Đồng thời
Liên Xô cũng lập cầu không vận chuyển quân đội Việt Nam và vũ khí ra bắc.
Lo ngại Liên Xô can thiệp, hai ngày sau Đặng Tiểu Bình tuyên
bố sẽ giới hạn bước tiến quân của TQ trong vòng 50 cây số phía dưới biên giới
và sẽ rút quân trong vòng 10 ngày tới.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận định những tuyên bố đó của Đặng
Tiểu Bình là sự đánh lạc hướng. Từ đó họ tin rằng cuộc chiến sẽ kéo dài và TQ
có ý định tấn công Hà Nội. Vì vậy, phía Việt Nam, thay vì đưa quân lên biên giới,
thì dồn lực lượng xây dựng phòng tuyến Sông Cầu để phòng thủ Hà Nội. Cùng lúc
đó, những nguồn tin thân cận của giới chóp bu đảng CSVN tiết lộ, Bộ Chính Trị
đã có ý định dời đô về phía Nam.
Các lực lượng Việt Nam ở biên giới bị trải mỏng để chống trả
lực lượng tấn công áp đảo của TQ lớn gấp 6 đến 10 lần mà không được chi viện.
Đây là điểm nổi bật về sự anh dũng và kiên cường của quân dân vùng biên giới.
Sáng Ngày 5 Tháng 3, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành mục
tiêu của cuộc trừng phạt, chiến thắng vẻ vang, và quyết định rút quân. Lui binh
là một trong những chiến thuật khó nhất trong quân sự, tuy nhiên Việt Nam không
đủ lực lượng để có thể thực hiện được những cuộc phản công hay tập kích ào ạt.
Cùng Ngày 5 Tháng 3, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng của CSVN
phát lệnh “Tổng Động Viên”.
Tuy TQ rút quân, nhưng Việt Nam đã mất một số lãnh thổ vùng
ven biên. Những trận đánh lẻ tẻ giữa hai bên vẫn tiếp diễn suốt 10 năm sau đó.
Đến cuối thập niên 80, lãnh đạo đảng CSVN quay sang thần phục TQ. Từ đó họ lại
tiếp tục một sai lầm khác. Đó là sai lầm trong việc giấu giếm lịch sử.
Sai lầm trong việc giấu giếm lịch sử
Báo VNExpress ngày Chủ Nhật, 21 Tháng 2, 2016 có bài phỏng vấn
một người dạy sử là Giáo Sư Vũ Khương Ninh. Bài phỏng vấn này tiết lộ nhiều điều
sai lầm về tư duy của lãnh đạo đảng CSVN trong môn sử và môn văn.
Theo Giáo sư Vũ Khương Ninh thì trong một thời gian dài đảng
Cộng Sản chỉ coi lịch sử, văn học như công cụ để giáo dục tư tưởng mà không phải
là một khoa học, do đó họ đã chỉ đạo viết và cắt xén theo ý của lãnh đạo đảng.
Chẳng hạn như trong các sách lịch sử dạy học sinh, sự kiện về
trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 không được đề cập đến, vì lúc đó đảng chưa
công bố sự kiện này. Hoặc trận chiến biên giới phía bắc năm 1979, từ năm 2000
đã được các giáo sư dạy sử viết khá dài và chi tiết. Nhưng được chỉ đạo vì lý
do "quan hệ tế nhị với nước bạn” nên nội dung bị sửa đi sửa lại. Từ 4
trang rốt cuộc chỉ còn 11 dòng.
Bởi vậy, cho đến nay ngay cả những giáo viên dưới 55 tuổi
cũng chỉ biết mù mờ về các sự kiện lịch sử bị đảng Cộng Sản che giấu. Chỉ những
ai quan tâm, tự tìm hiểu từ những nguồn không nằm trong sự kiểm soát của đảng
thì mới biết. Giáo viên còn như vậy thì học sinh không biết và không thích môn
sử chỉ là hệ quả tất yếu.
Kết luận
Từ khi internet trở nên phổ cập, đặc biệt là sự tương tác rộng
lớn của các trang mạng xã hội, người dân đã dễ dàng tự tìm hiểu để biết sự thực
lịch sử.
Từ đó, theo truyền thống văn hoá của người Việt Nam (*), những
năm gần đây dân chúng đã tự động tổ chức tưởng niệm những sự kiện lịch sử Hoàng
Sa năm 1974, trận chiến biên giới năm 1979 và Gạc Ma năm 1988.
Một phần vì ý đồ che giấu lịch sử, phần khác là để duy trì sự
kiểm soát và lãnh đạo mọi sinh hoạt trong xã hội, nhà cầm quyền đã ra sức ngăn
chặn, phá phách những buổi tưởng niệm này.
Tuy nhiên, với sự khai mở tâm trí do internet đưa tới, quần
chúng đã dần dần hiểu biết về quyền con người, về luật pháp. Tư đó, quần chúng
vừa dũng cảm thoát ra khỏi sự sợ hãi, vừa chuyển sự sợ hãi về phía nhà cầm quyền
qua những việc làm hợp pháp. Biến sự đàn áp của nhà cầm quyền thành phi pháp.
Trong đó có việc tự tổ chức những sự kiện lịch sử.
---
Tài liệu tham khảo
(1) Tổng quát về trận chiến biên giới phía bắc năm 1979, Lê
Vĩnh, http://www.viettan.org/Tong-quat-ve-tran-chien-bien-gioi.html?artsuite=0
(2) Đừng Bốc Phét Nữa, Trần Hồng Tâm,
https://songle2015.wordpress.com/2013/10/10/tran-hong-tam-dung-boc-phet-nua-ve-tuong-vo-nguyen-giap/
(3) GS Vũ Dương Ninh: ’SGK dứt khoát không được né tránh cuộc
chiến tranh biên giới phía Bắc’,
http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/gs-vu-duong-ninh-sgk-dut-khoat-khong-duoc-ne-tranh-cuoc-chien-tranh-bien-gioi-phia-bac-3358153.html
(*) Theo tập tục văn hoá Việt Nam, những người có công với
dân, với nước được dân chúng tự động lập đền, miếu thờ tự. Sau đó rất lâu, có
khi hàng thế kỷ, các vị vua chúa đời sau mới sắc phong chức tước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét