Các nhân viên của cơ
quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) đang bắt giữ một nghi phạm tại Los
Angeles, ngày 07 tháng 02 năm 2017.
Vào năm 1966, Tổng thống Bill
Cliton ký ban hành Luật có tên là “Antiterrorism and Effective Death Penalty
Act” (tạm dịch là ‘Luật Chống Khủng bố và Thi hành Án Tử hình có hiệu lực’). Luật
này quy định những cư dân chỉ có thẻ xanh, chưa phải là công dân Mỹ, bị kết án
về những tội phạm trên đất Mỹ, bao gồm một số tội nhẹ, vẫn có thể bị cầm giữ
không được kháng cáo dù đã thi hành hoàn toàn bản án.
Luật mà Tổng thống Clinton trong
lễ ký kết gọi là một “đòn giáng” chống lại chủ nghĩa khủng bố bị nhiều người
xem là “ác độc”, như nhận xét của luật sư Tiến sĩ Tạ Văn Tài, nguyên giảng viên
trường Luật thuộc Đại học Havard (Hoa Kỳ). Ông nói: “Luật này rất ác độc vì lúc
đó ông Clinton phải nhượng bộ đảng Cộng hòa và đảng Cộng hòa rất khắc nghiệt đối
với những di dân chỉ có thẻ xanh. Không những chỉ có luật đó mà còn có luật
khác gọi là Illegal immigration reform and immigation responsibility act qui định
những thường trú nhân không được hưởng welfare một cách dễ dàng.”
Về phạm vi áp dụng của luật cũng
như những đối tượng chịu ảnh hưởng, luật sư Tài giải thích: “ Luật Chống Khủng
bố và Thi hành Bản án Tử hình Có Hiệu lực, muốn trục xuất những thường trú nhân
mắc tội đại hình, thứ hai là tội có khí giới, thứ ba là những tội về đạo đức
như là ăn trộm ăn cắp hai lần. Riêng tội đại hình gồm một loạt những tội đại
hình không phải là tội đại hình khi trước nhưng luật di dân định nghĩa là tội đại
hình như ăn trộm, làm giả hồ sơ, giấy tờ, buôn lậu xe hơi, đổi số xe, lái xe cẩu
thả gây thương tích cho người khác, đánh vợ đánh con, nhưng bị tù trên một năm
mới bị trục xuất.”
Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên tại
San Francisco cho biết thêm về trường hợp phạm tội liên hệ đến ma túy: “Những
người bị kết tội ở các tiểu bang do sử dụng ma túy không thôi thì chưa phải tội
bị trục xuất, nhưng giữ ma túy trong người với mục đích buôn bán, phân phối để
kiếm lời thì tội đó thuộc diện bị trục xuất nhưng để rõ chi tiết luật sư phải
nghiên cứu hồ sơ và đối chiếu với danh sách do cơ quan di trú đề ra mới biết tội
đó thuộc diện bị trục xuất hay không.”
Dù luật được ban hành vào năm 1996,
nhưng Washington phải thương thuyết về những thỏa thuận trục xuất với từng nước
một, chẳng hạn như Campuchia đã ký thỏa thuận với Hoa Kỳ vào năm 2002.
“Riêng về trường hợp Việt Nam thì
có thỏa ước ‘Hồi hương’ ngày 22 tháng 1 năm 2008 phân biệt hai loại: loại một
là những người qua Mỹ trước ngày bình thường hóa ngoại giao tức là trước ngày
12 tháng 7 năm 1995. Những người qua Mỹ trước năm này được xem là trốn chế độ cộng
sản, là người tị nạn. Sau đạo luật này họ vẫn là người tị nạn chính trị nên
không bị trục xuất về Việt Nam tuy rằng có thể trục xuất sang nước khác. Số người
này khoảng 5.000 người, còn những người sang sau khi Mỹ Việt bình thường hóa,
khoảng 1.500 người thì có thể bị trục xuất,” luật sư Tài cho biết.
Về thủ tục trục xuất những thường
trú nhân phạm tội, luật sư Nguyễn Hoàng Duyên tại San Francisco diễn giải chi
tiết:“Những người có thẻ xanh phạm tội thì tùy theo loại tội có thể thuộc diện
bị trục xuất, nhưng nói bị trục xuất không có nghĩa là vì người ta phạm tội thì
tống người ta đi. Không phải như vậy. Trước khi trục xuất những người đó, Sở Di
trú phải đưa những người đó ra tòa án di trú và luật sư của họ trình bày là tội
của họ có phải thuộc loại bị trục xuất hay không, và có những điều khoản nào,
những tiền lệ nào họ được giữ lại không bị trục xuất hay không. Nếu họ thắng họ
vẫn là người có thẻ xanh và nếu thua thì thẩm phán sở Di trú sẽ tuyên bố người
này bị trục xuất và người này vẫn có quyền kháng cáo lên tòa trên.”
Vẫn theo lời luật sư Duyên, sau
hiệp định hồi hương ngày 22 tháng 1 năm 2008, những người có thẻ xanh qua Mỹ
trước ngày 12 tháng 7 năm 1995 không bị trục xuất về Việt Nam nhưng tình trạng
di trú của họ không ổn định, nhất là trong những ngày sắp tới vì chính sách cứng
rắn đối với di dân của chính quyền Tổng thống Donald Trump:
“Bây giờ trong cộng đồng Việt Nam
mình hiện giờ như thành phố San Francisco cũng có vài ngàn người Việt Nam đã bị
tòa di trú Mỹ trục xuất rồi nhưng vì họ đã đến Mỹ vào năm 1991, 1992 chẳng hạn
thì theo thỏa ước đó Việt Nam không nhận họ lại, nên họ vẫn được ở lại San
Francisco, họ vẫn được cấp giấy phép đi làm để kiếm sống. Chỉ có điều là tình
trạng của họ không phải là thẻ xanh và vĩnh viễn họ không vào được quốc tịch,”
luật sư Duyên tiếp lời.
Những người chỉ trích cho rằng luật
căn cứ trên ‘những định nghĩa mơ hồ’ về ‘sự sa đọa đạo đức’, nới rộng những
tiêu chuẩn về tội phạm để có thể trục xuất người có thẻ xanh.
Giáo sư Hiroshi Motomura, một
chuyên gia về di trú và quốc tịch thuộc trường Luật trường đại học
California-Los Angeles, nói luật này không chỉ nới rộng phạm vi trục xuất, mà
còn hạn chế khả năng của thẩm phán di trú cho phép di dân được ở lại Mỹ căn cứ
trên hoàn cảnh cá nhân.
Hoàn cảnh cá nhân đó có thể bao gồm
việc người bị trục xuất chưa hề có mặt tại quốc gia sắp bị trục xuất về vì những
người này sanh ra tại các trại tị nạn, đến Mỹ khi còn nhỏ, và ngay cả không nói
được tiếng mẹ đẻ của mình nữa, nghĩa là sẽ gặp nhiều khó khăn để thích ứng với
môi trường xung quanh, theo lời dân biểu Keith Ellison thuộc tiểu bang
Minnesota.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét