Hàng loạt vụ kiện và lệnh toà được ban ra sau khi Tổng thống
Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh di trú ngày 27/1 vừa qua, khiến cho một số độc giả
thắc mắc hệ thống toà án ở Mỹ hoạt động như thế nào.
Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết này. Trước hết, hãy cùng điểm qua những diễn biến cho đến nay, ngày 6/2:
Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết này. Trước hết, hãy cùng điểm qua những diễn biến cho đến nay, ngày 6/2:
Ngày 27/1: TT Donald Trump ký sắc lệnh cấm nhập cảnh với
công dân 7 nước Hồi giáo trong 90 ngày, đình chỉ chương trình nhận người tị nạn
trong 120 ngày, đình chỉ vô thời hạn chương trình nhận người tị nạn Syria, và một
số nội dung khác. Sắc lệnh có hiệu lực ngay lập tức.
Ngày 28/1: Hàng trăm người từ 7 nước Hồi giáo đáp xuống các
sân bay ở Mỹ bị an ninh sân bay giữ lại và làm thủ tục trục xuất, vì sắc lệnh
trên.
Các luật sư trợ giúp cho các hành khách này nộp đơn kiện
habeas lên các toà địa hạt liên bang.
9:00 tối cùng ngày, thẩm phán toà địa hạt liên bang ở New
York tuyên không được trục xuất các hành khách này, nghĩa là đình chỉ một phần
sắc lệnh của Trump. Các lệnh tương tự cũng được một số toà địa hạt khác ban ra
trong ngày 28 và 29/1.
Ngày 30/1: Tổng chưởng lý bang Washington nộp đơn kiện TT
Trump lên Toà liên bang thuộc địa hạt Tây bang Washington (United District
Court for the Western District of Washington). Lưu ý: bang Washington ở miền
Tây nước Mỹ khác với thủ đô Washington D.C ở miền Đông.
Ngày 3/2: Thẩm phán James L. Robart của Tòa án Liên bang thuộc
Địa hạt phía Tây bang Washington đã ban hành lệnh hạn chế tạm thời (temporary restraining
order) đối với sắc lệnh cấm nhập cảnh mà tổng thống Donald Trump đã ký ngày
27/1/2017. Lệnh này là tạm thời, trong thời gian chờ xét xử vụ kiện.
Theo đó, tòa yêu cầu chính quyền liên bang, bao gồm các ban
ngành liên quan, phải lập tức ngưng việc thực thi các điều khoản 3(c), 5(a),
5(b), 5(c), và 5(e) của sắc lệnh. Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ Hoa Kỳ
phải cho phép những người tị nạn hay di dân đã có visa tiếp tục được nhập cảnh
vào Mỹ và tạm ngừng lệnh cấm đối với công dân từ 7 quốc gia bị nêu tên trong sắc
lệnh của Trump.
Điều quan trọng nhất về lệnh hạn chế tạm thời của thẩm phán
Robart, là nó có hiệu lực trên toàn quốc (nationwide basis).
Ngày 4/2: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (Department of State) tuyên bố
sẽ tiếp tục công nhận 60.000 visas nhập cảnh vào Mỹ vốn đã bị huỷ trước đó do sắc
lệnh của Trump. Cùng ngày, Bộ An ninh Nội địa (Department of Homeland Security)
cũng tuyên bố sẽ tạm ngừng thi hành sắc lệnh cấm nhập cảnh.
Cũng vào ngày 4/2/2017, các luật sư đại diện cho chính phủ
liên bang từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã nộp đơn kháng cáo và đồng thời cũng nộp một
đơn yêu cầu khẩn cấp (emergency stay order) tại Toà Phúc thẩm Hoa Kỳ Khu vực Số
9 (U.S. Court of Appeals of the 9th District) về việc ngừng thi hành lệnh hạn
chế tạm thời của thẩm phán Robart. Điều này có nghĩa là phía chính quyền Trump
muốn được tiếp tục thực thi sắc lệnh cấm nhập cảnh trong lúc chờ vụ kiện được
xét xử.
Ngày 5/2: Toà Phúc thẩm Khu vực Số 9 đã bác yêu cầu tạm thời
đình chỉ hành chính (administrative stay) quyết định của thẩm phán Robart trong
khi chờ giải quyết đơn yêu cầu khẩn cấp của chính phủ Trump. Do đó, lệnh hạn chế
tạm thời của thẩm phán Robart là văn bản pháp lý có giá trị cao nhất tại thời
điểm hiện tại liên quan đến sắc lệnh cấm nhập cảnh.
Hệ thống toà án Mỹ
Để hiểu được cơ chế vận hành của toà án Mỹ trong tình huống
nêu trên, chúng ta cần hình dung trong đầu cấu trúc hệ thống của nó. Hãy xem sơ
đồ giản lược sau đây.
Sơ đồ giản lược về hệ thống toà án Mỹ, được Việt hoá từ sơ đồ
của Bryan Toth.
Vì sắc lệnh di trú này liên quan đến luật liên bang, nên
chúng ta sẽ chỉ cần chú ý đến Toà Địa hạt Liên bang (Federal District Courts)
và Toà Phúc thẩm Khu vực (Federal Courts of Appeals) thôi.
Hệ thống toà án ở cấp liên bang của Mỹ chia toàn bộ lãnh thổ
thành 94 địa hạt tư pháp (judicial district), mỗi địa hạt như vậy có một toà địa
hạt liên bang, tổng cộng 94 toà. Mỗi bang có từ 1 đến 4 toà địa hạt như thế
này. Các toà địa hạt chỉ có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ liên quan đến luật
liên bang. Các đơn kiện đầu tiên của các hành khách bị giữ ở sân bay chính là nộp
cho các toà này.
Đơn kiện của tiểu bang Washington cũng nộp lên một toà cùng
cấp ở địa hạt Tây Washington.
Có 13 toà phúc thẩm khu vực. Sơ đồ sau của Federal Bar
Association cho thấy rõ 11 khu vực, cộng thêm toà phúc thẩm khu vực thủ đô
Washington D.C, và toà chuyên dụng liên bang (federal circuit). Ở đây, chúng ta
cần quan tâm đến khu vực số 9 ở miền Tây nước Mỹ, nơi có tiểu bang Washington
(WA).
Sau đây, chúng ta sẽ cùng nhau giải đáp hai thắc mắc:
Một, tại sao một toà địa hạt, chỉ là một trong 94 toà được
phân bổ xuống các địa phương, nghe na ná như toà cấp tỉnh ở Việt Nam, mà lại có
thể đình chỉ sắc lệnh của cả Tổng thống?
Hai, tại sao lúc đầu toà địa hạt Brooklyn ở New York đã ra lệnh
đình chỉ sắc lệnh rồi mà sau đó toà địa hạt Tây Washington lại phải ra một lệnh
nữa, rồi sau đó Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh Nội địa mới dỡ bỏ các thủ tục cấm
nhập cảnh? Nói cách khác, lệnh của toà New York khác gì lệnh của toà
Washington?
Câu hỏi thứ nhất: Tại sao “toà tỉnh” dám đá cả lệnh Tổng thống?
Rất đơn giản. Đây không phải là “toà tỉnh”. Những toà đã ra
các lệnh cho đến lúc này đều là toà liên bang.
Tên nó là toà địa hạt, nghe có vẻ hơi “địa phương”, hơi “nhà
quê”. Đúng ra để “cân” được với Tổng thống thì phải là Toà Tối cao Liên bang (Tối
cao Pháp viện Hoa Kỳ) chứ? Không.
Điều khác biệt giữa luật Mỹ và luật Việt Nam là Mỹ có hai hệ
thống luật song song: luật liên bang và luật tiểu bang.
Nếu vụ việc dính đến luật tiểu bang thì lúc đó “toà tỉnh” mới
có thẩm quyền xét xử. Còn sắc lệnh của Tổng thống Trump liên quan đến Hiến pháp
và hệ thống luật di trú liên bang cực kỳ đồ sộ của Mỹ, chỉ có toà liên bang mới
được xử.
Khi ra toà liên bang thì trước hết phải qua được cửa toà địa
hạt đã, vì đó là nơi có thẩm quyền xét xử sơ thẩm.
Toà địa hạt là một toà liên bang đặc trách một khu vực địa
lý gọi là địa hạt tư pháp, như đã nói ở trên. Các vụ việc liên quan đến luật
liên bang phát sinh trong khu vực địa lý đó thì chuyển lên toà địa hạt tương ứng.
Điều đó không có nghĩa toà địa hạt là “toà tỉnh”, càng không có nghĩa là phán
quyết của toà chỉ có giá trị trong phạm vi địa hạt đó.
Bên cạnh đó, Bộ Luật Tố tụng Dân sự Liên bang (Federal Rules
of Civil Procedures) cũng cho phép các nguyên đơn yêu cầu tòa ban hành lệnh hạn
chế tạm thời trong thời gian diễn ra vụ kiện. Thủ tục này tương tự với biện
pháp khẩn cấp tạm thời trong luật tố tụng hành chính Việt Nam. Mục đích của biện
pháp khẩn cấp tạm thời là để tránh gây ra những thiệt hại vĩnh viễn cho các
đương sự trong quá trình xét xử.
Câu hỏi thứ hai: Các quyết định của toà địa hạt New York và
toà địa hạt Washington khác nhau thế nào?
Để hiểu sự khác nhau này, chúng ta cần lưu ý: toà án Mỹ chỉ
giải quyết những gì nguyên đơn yêu cầu, không hơn.
Đối với lệnh Toà Địa hạt Brooklyn, New York:
Khi hàng trăm hành khách bị giữ lại tại các sân bay, các luật
sư đã đại diện cho một số hành khách nộp một đơn kiện habeas theo thủ tục khởi
kiện tập thể (class action).
Đơn kiện habeas hay habeas corpus dùng để kiện ra toà trong
các vụ giam giữ người trái pháp luật, áp dụng với cả người nước ngoài trên lãnh
thổ Mỹ. Nguyễn Ái Quốc, khi bị giam giữ ở Hong Kong thời kỳ 1931-1933, đã nộp
đơn kiện habeas corpus lên toà án Anh và thắng kiện.
Trong đơn kiện, các nguyên đơn yêu cầu:
– ra lệnh thả các nguyên đơn;
– ra lệnh ngừng trục xuất theo sắc lệnh của Trump;
– tuyên bố việc giam giữ nguyên đơn là vi phạm pháp luật.
Đây là điều bạn cần lưu ý: trong lúc chờ vụ án được xét xử,
vốn sẽ mất nhiều thời gian, nguyên đơn đề nghị toà ra lệnh tạm cấm trục xuất những
ai đã đến sân bay ở Mỹ rồi.
Đó là tình huống khẩn cấp, do đó Toà địa hạt Brooklyn nhận
đơn buổi chiều thì tối ra lệnh tạm cấm trục xuất luôn.
Lệnh này chỉ có giá trị tạm thời, thường là dưới 15 ngày.
Sau đó, nguyên đơn có thể xin gia hạn. Toà Brooklyn không thể làm gì hơn vì các
nguyên đơn chỉ yêu cầu có thế.
Bạn có thể nghe nói là trong ngày 28 và 29/1, một số toà địa
hạt khác cũng ra các lệnh tương tự. Vậy chẳng nhẽ lệnh của toà Brooklyn không
có giá trị toàn liên bang hay sao mà mỗi toà phải ra một lệnh riêng? Không phải
như vậy.
Do tình hình khẩn cấp là có hàng trăm hành khách bị giữ ở
sân bay, các luật sư đã nộp cùng một lúc nhiều đơn kiện habeas ở nhiều toà địa
hạt khác nhau, nơi có các sân bay, để tăng cơ hội được xử nhanh và thắng kiện.
Các toà sau đó liên tiếp ra các lệnh riêng vì trong tình hình khẩn cấp đó họ
không chờ nhau được, hơn nữa cũng chưa chắc họ biết có toà khác đã ra lệnh
tương tự trước đó.
Đối với lệnh toà Washington:
Nguyên đơn ở đây là tiểu bang Washington, đại diện là Tổng
Chưởng lý (tức Bộ trưởng Tư pháp bang) Bob Ferguson, sau đó bang Minnesota cũng
tham gia đơn này. Nội dung đơn kiện của họ hoàn toàn khác, cụ thể:
– Đề nghị toà tuyên sắc lệnh của tổng thống Trump là vi hiến
(vi phạm các Tu chính án số 1, số 5 và số 14).
– Đề nghị toà tuyên sắc lệnh cấm nhập cảnh vi phạm một số đạo
luật liên bang, ví dụ như Đạo luật về Di trú và Quốc tịch (Immigration and
Nationality Act), Đạo luật về Thủ tục Hành chính (Administrative Procedure
Act), và Đạo luật thực thi Công ước chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc (Foreign
Affairs Reform and Restructuring Act-Denial of Convention Against Torture
Relief).
Trong lúc chờ đơn kiện trên đây được xét xử, Tổng Chưởng lý
Washington đề nghị toà ra một lệnh đình chỉ thi hành sắc lệnh di trú của Tổng
thống Trump trên toàn quốc.
Toà Địa hạt Tây Washington đã đồng ý với đề nghị này, dựa
trên 4 tiêu chí do Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ xác định trong các án lệ trước đây:
1) Nguyên đơn có cơ hội thắng kiện cao (very likely to
prevail on the merits);
2) Sắc lệnh cấm nhập cư có thể sẽ gây ra những nguy hại vĩnh
viễn và không thể cứu vãn (permanent and irreparable harm) đến cư dân và các
doanh nghiệp của hai tiểu bang đứng đơn kiện;
3) Nguyên tắc của luật công bình nghiêng về phía nguyên đơn
(equity tips in plaintiffs’ favor); và
4) Lệnh này cần ban hành vì lợi ích công (the injunction is
in the public interest).
Thẩm phán Robart còn đồng ý với các nguyên đơn là lệnh hạn
chế tạm thời cần phải được áp dụng trên toàn nước Mỹ vì Quốc hội đã từng đưa ra
hướng dẫn – dựa trên Hiến pháp – là luật về Quốc tịch cần thống nhất (an
uniform rule of Naturalization).
Ngoài ra, chiếu theo nguyên tắc tiền án lệ (stare decisis)
thì thẩm phán Robart cũng cần tuân theo phán quyết của một án lệ năm 2015: “Các
luật về di trú cần phải được áp dụng triệt để và thống nhất trên toàn nước Mỹ
(the immigration laws of the United States should be enforced vigorously and
uniformly)”. Đó chính là quyết định từ án lệ Bang Texas kiện Chính phủ Hoa Kỳ,
809 F. 3d 134.
Thẩm phán liên bang James L. Robart của Toà Địa hạt Tây
Washington trong phiên xử bang Washington kiện Trump (CNN.com)
Chỉ sau khi có lệnh này của toà, Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh
Nội địa Mỹ mới tiến hành gỡ bỏ toàn bộ các thủ tục cấm nhập cảnh mà TT Trump
ban hành. Tức là coi như chưa từng có cái sắc lệnh đó trên đời, cho đến khi có
một phán quyết khác.
Một diễn biến nữa là sau khi Toà Địa hạt Tây Washington ra lệnh
này, phe Trump đã kháng cáo lên Toà Phúc thẩm Khu vực số 9, trong đó có đề nghị
toà phúc thẩm tạm đình chỉ quyết định của toà địa hạt. Tuy nhiên, Toà Phúc thẩm
đã bác đề nghị này của phe Trump.
—
Đến đây, vụ án ở toà Brooklyn sẽ tiếp tục phải chờ xét xử.
Riêng vụ án ở toà Tây Washington thì rẽ làm hai nhánh:
– Nhánh 1: Toà Tây Washington sẽ tiếp tục vụ kiện xem sắc lệnh
của Trump có vi hiến và vi phạm các đạo luật khác hay không. Sau đó, bên thua
có thể kháng cáo lên Toà Phúc thẩm Khu vực số 9 rồi cuối cùng là lên Tối cao
Pháp viện Hoa Kỳ.
– Nhánh 2: Lệnh của Toà Địa hạt Tây Washington về việc tạm
đình chỉ thi hành sắc lệnh của Trump đã bị kháng cáo lên Toà Phúc thẩm Khu vực
số 9. Trong thời gian ngắn sắp tới, Toà phúc thẩm sẽ xem xét đơn kháng cáo này.
Sau đó, bên thua có thể kháng cáo tiếp lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, các khả năng trên đều có thể thay đổi tuỳ thuộc
tình hình thực tế. Có thể nhánh 1 sẽ phải chờ nhánh 2 trong một số giai đoạn.
Nguồn: http://luatkhoa.org/2017/02/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét