Thứ Tư, 8 tháng 2, 2017

Niềm vui của người khốn khổ

FB Luân Lê


 Image may contain: 1 person, sitting


Khoảng 50 bạn trẻ sinh viên Nhật Bản đang chờ máy bay tại sân bay Chiang Mai, Thái Lan ngồi một cách ngay ngắn, không gây ra tiếng động, chăm chú mỗi người một cuốn sách để đọc một cách say sưa - ảnh 1, 2 và 3. Người Nhật đã có tinh thần cải cách triệt để từ thời Minh Trị với tinh thần "võ sỹ đạo" bằng trách nhiệm quốc dân một cách cao nhất. Và với nền giáo dục ấy, họ đã biến nước Nhật từ một nước thuần Á châu, nghèo nàn tài nguyên nhiên thiên, hàng trăm năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng Nho Giáo của Trung Quốc, nhưng với một cuộc cách mạng duy tân bằng "Thoát Á Luận" cũng như "Khuyến Học" của (nhóm) ông Fukuzawa, họ đã vươn mình trỗi dậy trở thành một cường quốc không chỉ đứng đầu châu Á mà còn ngang tầm thế giới, khiến cả giới Tây phương phải thán phục.

Trong khi đó, ở Việt Nam, đàn ông chúng ta quả là bê tha và với tư tưởng khá nhỏ mọn. Chỉ ngày ngày quây quần vui thú bên gia đình, gặp gỡ bạn bè và bù khú nhậu nhẹt, từ sáng tới trưa, từ trưa tới tối - ảnh 4 và 5. Những người trẻ khác thì trà chanh chém gió, thất nghiệp cũng chẳng bận tâm gì tới xã hội vì nghĩ thân mình lo chưa xong. Nhưng họ đâu hiểu, một xã hội mà không đào tạo tốt những con người đi học, ra trường không có nơi để làm việc, thì đó là lỗi phần lớn thuộc về chính phủ khi đã không tạo đủ công ăn việc làm cho người dân của mình.
 Image may contain: one or more people, people sitting and crowd

Hơn nữa, chưa bao giờ tôi thấy người Việt chúng ta thích thú đối với việc đọc sách, thậm chí còn coi những kẻ đọc sách chăm chỉ là "mọt sách" và dè bỉu "đứa đấy thì làm gì cho đời". Họ có thể say sưa với nhau trên bàn nhậu và kể cho nhau nghe những câu chuyện vô cùng hấp dẫn, rồi về làm khổ vợ con, hoặc có khi đó là buổi cuối cùng họ còn có mặt trên đời trước khi về được đến căn nhà nhỏ bé của mình.

Tôi nghĩ, không ai không đọc sách mà thành công.

Ngay cả nhà bác học Edison, một người không bằng cấp và cũng chẳng được đi học từ tấm bé, nhưng để sáng chế ra hàng ngàn phát minh cho nhân loại, ông ấy thừa nhận rằng mình đã đọc đến hàng nghìn cuốn sách một cách miệt mài và say mê. Và vì thế ông nói: Thế giới là sách. Nếu không đọc sách nghĩa là ngừng tư duy. Và không đọc sách thì chúng ta trở nên tầm thường.

Bill Gates cũng là một người thành công mà ai cũng biết đến với lòng ái mộ nhất định. Và Ông ấy cũng chỉ có một triết nghiệm dành cho những người khác dưới một sự mô tả dè xẻn khiêm tốn chính mình: Ngày còn nhỏ tôi có rất nhiều ước mơ, và thường thì phần nhiều trong số chúng đã trở thành hiện thực nhờ vào việc tôi chăm chỉ đọc sách.

Bà Marri Curie, từ nhỏ đã say mê đọc sách tới mức mà mọi người xung quanh chế giễu bằng những hành động trước mặt, thậm chí mẹ bà gọi xuống ăn cơm nhưng tuyệt nhiên không thấy bà ấy lên tiếng hay đả động gì, chỉ vì Bà ấy đang không thể dừng lại việc đọc những trang sách đầy kiến thức trên tay mình.

Vì thế, sách tồn tại không bao giờ là vô ích, ngay từ khi khởi đầu.

Sách ra đời là một phát minh vĩ đại của nhân loại. Nó bắt nguồn từ Trung Quốc, kể cả việc làm ra tờ giấy đầu tiên trên thế giới cũng là từ người Trung Hoa, máy in xuất hiện bắt nguồn cũng từ đất nước này.

Và sách đã trở thành một phương tiện quan trọng cũng như thông minh nhất để con người lưu trữ và truyền tải thông tin, kiến thức qua những trang giấy nhỏ bé, trước khi chiếc máy tính khổng lồ đầu tiên của thế giới ra đời cách nay khoảng một thế kỷ. Thế giới này đã thay đổi và những nhà khoa học trên trái đất nhỏ bé và hữu hạn này đều có thể làm nên điều gì đó là nhờ chúng, những cuốn sách, chứ không phải trên bàn nhậu.

Sách tồn tại không thể vì một lý do vô lý nào đó để người ta có thể coi thường và xem nhẹ sự có mặt của nó trong suốt hàng ngàn năm ghi dấu cho trí tuệ nhân loại. Nếu muốn làm một việc gì đó có ích cho xã hội loài người, chắc hẳn họ không thể chỉ viết những suy nghĩ của mình trên cát hay vào hư vô, hoặc tìm kiếm tư liệu qua những hạt gạo ủ men và chất vào trong chai.

Nhưng người Việt chúng ta hiếm khi nào coi đọc sách là một hành vi bình thường của một con người. Đọc sách gần như là điều gì đó đáng bị dè bỉu và thường bị đem ra đánh giá tiêu cực trong con mắt xếch xỉa hơn bất cứ hành vi nào khác trong số những thứ bất thường đang tồn tại đầy rẫy mà người ta mặc nhiên nó là lẽ thường trong xã hội này. Dù với những mong muốn tốt đẹp và với cái nhìn bao dung nhất, nhưng tôi cũng chỉ có thể thừa nhận một sự thật đau xót rằng, chúng thực đã đi ngược lại gần như hoàn toàn với chuẩn mực chung của con người, của nhân loại, của văn minh thế giới.

Chúng ta, có thể dùng những bữa nhậu để dạy dỗ con cái hay không? Có thể dùng những câu chuyện trong bàn tiệc với đám người cùng chụng đầu tuý luý với nhau để kể cho bọn trẻ nghe về cuộc đời hay không? Chúng ta có thể lê la quán xá, chẳng thèm đọc sách để rồi chỉ quát nạt chúng rằng "đi học đi" rồi mặc chúng lớn lên như một cây cỏ hoang dại trong chính ngôi nhà và sự ngu dốt của chúng ta hay không? Chúng ta có thể tìm từ bàn nhậu một người đủ trí tuệ và nhân cách để học hỏi và rồi nâng cao nhận thức của mình cũng như tích luỹ dành cho những đứa trẻ của mình làm hành trang lớn lên làm người tử tế và đầy đủ nhận thức hay không?

Những phát kiến chỉ đến từ việc học tập và lao động, những thành phẩm đến từ trong nhà xưởng, những phát minh đến từ phòng thí nghiệm, những tri thức chỉ có thể tìm kiếm từ những trang sách nhạt ngắt và đáng bị dè bỉu kia. Chứ chúng ta không thể xây dựng quốc gia bằng những kẻ ham mê rượu chè và đắm chìm trong men say của những niềm vui từ những chiếc ly đầy chất lỏng mụ mị đang dần làm suy nhược dân tộc vốn nghèo nàn và ngày càng suy kiệt của chúng ta.

Người Mỹ vẫn đang vĩ đại, nhưng họ vẫn răn mình mỗi ngày bằng việc đối mặt trực diện với nhiều điều còn chưa tốt, họ còn nặng lời để chỉ ra rằng nước Mỹ đang què quặt và kém cỏi. Vậy mà chúng ta vẫn còn ru cho nhau nghe khúc ca về một đất nước hạnh phúc và đáng sống, gần như hơn tất thảy phần còn lại của nhân loại.

Phải chăng bởi vì, trong những cái đầu rỗng tuếch, chỉ có chỗ để mơ màng về những cuộc vui?




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét