Tu viện dòng Mến
Thánh Giá Thủ Thiêm đang đứng trước nguy cơ bị đập bỏ (Ảnh Nguyễn
Vĩnh Nguyên)
Đứng từ bến Bạch Đằng, quận 1,
TP.HCM ngày nay nhìn sang bên kia sông Sài Gòn, vẫn còn có thể thấy tiền cảnh
ngôi nhà thờ nhỏ xinh, có tháp chuông thấp và dãy nhà ngói cổ kính của Hội
dòng Mến Thánh Giá gợi cảm giác yên bình. Nhưng kỳ thực, số phận của quần thể
kiến trúc tôn giáo có tuổi đời một thế kỷ rưỡi này bị đe dọa từ khi đồ án xây dựng
Thủ Thiêm được nhà chức trách phê duyệt.
Sẽ bị san bằng?
Những tuyến đường mới đã được ủi
thông, những công trình mới được đổ móng trên khu vực bãi bồi Thủ Thiêm, vùng vệ
tinh chiến lược của Sài Gòn, nơi mà lòng đất đầm lầy còn ôm trong mình nhiều di
chỉ các xưởng đóng tàu thời nhà Nguyễn và phế tích cảng Bến Nghé, kiến trúc cảng
thị cổ cư dân xóm Tàu Ô năm xưa.
Báo Thanh Niên thuật lại quá
trình làm đường và xây móng của khu đô thị mới Thủ Thiêm theo kiểu coi rẻ di sản:
"Hàng trăm các loại hình cọc gỗ, mảnh thuyền, trong đó đáng chú ý là hệ thống
cọc gỗ có chiều dài 3-4 m, đường kính thân khoảng 40-50 cm được vót đầu nhọn
mang dáng dấp của những cọc gỗ chiến trận Bạch Đằng hiện đang trưng bày trong Bảo
tàng Lịch sử - TP.HCM. Đây có thể là những cọc gỗ được sử dụng trong các trận
thủy chiến thời chúa Nguyễn đánh Chân Lạp và là chiến trận của Tây Sơn đánh
nhau với Nguyễn Ánh - Gia Long. Hay những thân cây gỗ đường kính 50 cm, dài 5-6
m, trên một đầu có lỗ mộng đục hình chữ nhật như những cây cột cái của kiến
trúc cổ, có dấu tích của những căn nhà cổ dọc bến sông, cùng với đó là nhiều
dãy cọc gỗ đóng gia cố hệ thống bến xưa của Bến Nghé có cấu tạo theo hàng dọc
chạy dài hàng chục mét cũng đã phát lộ".
Và cũng để giải phóng mặt bằng, một
cuộc quật mồ trên danh nghĩa "khảo cổ" rất chóng vánh đã diễn ra tại
Lăng Thành Hoàng An Khánh, thuộc khuôn viên Đình An Khánh vào tháng 4-2014 do
Trung tâm bảo tồn di tích TP.HCM phối hợp với Bảo tàng Lịch sử và Khoa Giải phẫu
- Trường đại học Y Dược TP.HCM tiến hành. Di cốt của một vị thành hoàng, mà giới
chuyên môn cho rằng có thể đó là một vị tướng quân triều Nguyễn đã có công khai
hoang lập ấp, trấn giữ những đồn lũy và xưởng tàu thời đầu thực dân dọc cánh tả
sông Bến Nghé đã được quật lên, phân tích và báo cáo kết quả đúng thủ tục và
quy trình.
Như đã nói, cuộc khảo cổ đình An
Khánh thực ra chỉ là một hình thức ngụy trang cho việc quật mồ vị thành hoàng
này mang đi hoàn táng nơi khác, nên diễn ra rất chóng vánh, vội vàng. Một vài
thông tin khảo cổ được ném ra công luận thiếu trách nhiệm và sự tường tận, thuyết
phục; nên không tránh khỏi sự bất kính đối với tiền nhân.
Lịch sử, hồ sơ khoa học của vị tiền
nhân có công đức với vùng đất tiếp tục rơi vào bóng tối không âm không vọng cho
những công trình hãnh tiến mọc lên.
Tiếp sau đó là vụ cưỡng chế chùa
Liên Trì, dãy trường nam (của các cha cố tổ chức từ thời Pháp) bên cánh trái
nhà thờ Thủ Thiêm đã diễn ra một cách vô cảm, bất chấp phản ứng của những tín
đồ và các tu sĩ.
Đến nhà thờ Thủ Thiêm
Trước tết Nguyên Đán, những thánh
lễ ở nhà thờ giáo xứ Thủ Thiêm vẫn diễn ra bình thường. Trong các thánh lễ, cha
xứ cũng không nhắc đến chuyện số phận của ngôi nhà thờ này. Nhưng có một không
khí âm ỉ lan rộng trong lòng giáo dân và các vị tu sĩ ở đây. Trước đó, trên
Facebook lan truyền một thông điệp của Tổng lãnh sự quán Canada tại TP.HCM, đặt
ra câu hỏi (nhưng cũng là trả lời): "Bạn nghĩ có nên phá hủy một di sản
còn lâu đời hơn cả Canada?". Tổng lãnh sự quán Canada tại TP.HCM nêu lập
luận và truy vấn: "Theo kế hoạch phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm tại
quận 2, chính quyền TP Hồ Chí Minh có dự định phá dỡ Tu viện Dòng Mến Thánh Giá
Thủ Thiêm và nhà thờ Thủ Thiêm để nhường chỗ cho khu đô thị mới. Tu viện được
thành lập tại Thủ Thiêm vào năm 1840, nghĩa là đã ở đó được 177 năm (trong khi
Canada vừa bước sang tuổi 150 năm nay). Bạn nghĩ thế nào nếu chúng ta hòa nhập
những công trình mang tính lịch sử như thế này vào các khu đô thị mới thay vì
phá dỡ chúng?"
Bản quyền hình ảnh Nguyễn
Vĩnh Nguyên Nhà thờ Thủ Thiêm
nhìn về trung tâm TP.HCM
Một lần nữa, sau vụ đại sứ quán
Phần Lan lên tiếng bảo tồn một số hạng mục nội thất của Thương xá Tax, thì tổ
chức ngoại giao nước ngoài đặt tại TP.HCM quyết liệt lên tiếng bảo vệ những
di sản Sài Gòn xưa.
Nhưng trong một cơn lên đồng đập
phá từ não trạng phát triển đầy bệnh hoạn thì những cuộc đấu tranh trên cùng
sức ép dư luận, giới chuyên môn không làm thay đổi được gì. Thậm chí, đã có
những vụ việc can thiệp di sản mà báo chí chính thống bị chỉ đạo lờ đi, không
được nhắc đến.
Số phận những dãy nhà Hội dòng Mến
Thánh Giá Thủ Thiêm cùng ngôi nhà thờ đã là nhân chứng, biểu tượng một thế kỷ
rưỡi về đời sống thanh bình ở một vùng dân cư bên sông, giáp với quận trung tâm
Sài Gòn chưa biết sẽ về đâu. Nhìn cái cách di dời Lăng Thành Hoàng An Khánh,
chùa Liên Trì hay khu trường nam không gớm tay, thì nhiều người cho rằng, chuyện
san bằng một công trình kiến trúc tâm linh hơn một thế kỷ thì không khó tránh
khỏi.
Đô thị vô hồn, nhân bản vô tính
Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát
triển là vấn đề muôn thuở, ở nhiều quốc gia, nhiều thành phố, không riêng gì Việt
Nam. Nhưng sự khác nhau nằm ở chỗ trình độ xử lý và tầm nhìn phát triển, trang
bị hiểu biết nhân văn của chính quyền, giới quy hoạch và giới đầu tư mỗi nơi mỗi
khác. Ở đâu chính quyền, nhà quy hoạch và giới đầu tư hãnh tiến, trọc phú, thiển
cận, lạm quyền và tư lợi thì ở đó mâu thuẫn trên trở nên gay gắt một mất một
còn (và mất, bao giờ cũng là di sản, bởi di sản, nói cho cùng, không sinh ra
nhiều tiền cho bằng các trung tâm thương mại hiện đại). Nhưng ở đâu có sự tiến
hóa, văn minh trong phát triển đô thị nhân văn, tôn trọng tiếng nói công luận
và giới chuyên gia thì không những hóa giải được sự mâu thuẫn kể trên, mà còn
kiến tạo được không gian đô thị bền vững, theo nghĩa, vừa sinh ra sự sung túc vật
chất, vừa đảm bảo giàu có về yếu tố tinh thần cho cư dân, cho sắc vóc đô thị
tương lai.
Nói đâu xa, nhìn qua Phú Mỹ Hưng,
một đô thị kiểu mẫu ra đời trước Thủ Thiêm khoảng 20 năm để thấy bài học của những
đô thị nhân bản vô tính là gì. Trên đồ án quy hoạch, Phú Mỹ Hưng hiện đại như
những khu đô thị thời toàn cầu hóa mà ta có thể gặp ở Singapore, Thượng Hải,
Đài Loan… Nhưng, Phú Mỹ Hưng ngay từ đầu không quy hoạch không gian tôn giáo
cho cư dân, nên trong gần 20 năm qua, cư dân ở đô thị kiểu mẫu này đã phải đến
những vùng lân cận để lễ chùa, đi lễ nhà thờ mỗi chủ nhật. Lâu dần, giáo dân
đông, nhưng không có điều kiện lập nên giáo xứ, những người công giáo đã tìm
cách thiết lập một nhà nguyện nhỏ nằm trong một trường học mầm non (Mỹ Phước) để
lễ lạc cuối tuần. Những người tín đồ Tin Lành Hàn Quốc sang đây sinh sống, làm
việc cũng lấy văn phòng công ty làm nhà thờ để tập trung sinh hoạt tôn giáo tạm
bợ. Sự mở mang nhiều không gian thương mại xa xỉ nhưng thiếu vắng không gian
tâm linh khiến những cư dân tưởng đủ đầy sung túc trở nên nghèo nàn trong sinh
hoạt tinh thần. Phú Mỹ Hưng đã tốn rất nhiều chi phí cho việc đầu tư phục dựng
không gian sinh hoạt mang tính bản địa như chợ phiên, đường hoa xuân… để người
dân gắn bó với hồn nơi chốn.
Bản quyền hình ảnh Nguyễn
Vĩnh Nguyên Hội dòng Mến Thánh
Gía Thủ Thiêm có tuổi đời hơn một thế kỷ rưỡi
Từ đó cho thấy không phải là
việc cứ bứng mô hình bất cứ một đô thị nhân bản vô tính rồi đặt vào đâu cũng
được, mà cần có tầm nhìn sâu hơn về lịch sử, nhân văn, giá trị văn hóa bản địa.
Phú Mỹ Hưng lẽ ra là bài học để
Thủ Thiêm rút kinh nghiệm trước khi quá muộn. Nhưng có vẻ như chính quyền, những
nhà quy hoạch và giới đầu tư đô thị này đã không chịu thấy (cho dù việc rút
kinh nghiệm ở Thủ Thiêm có vẻ như rất dễ dàng- những di tích như đình, nhà thờ
có bề dày lịch sử đã sẵn, chỉ cần biết bảo tồn, không cần phải xây mới!).
Lạ lùng thay, bên cạnh ý định
"giải phóng mặt bằng" các công trình di sản tôn giáo, văn hóa dân
gian thì bản quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm cũng không có một công trình sinh
hoạt tâm linh, tôn giáo nào cho cư dân cả.
Trở lại câu chuyện nhà thờ Thủ
Thiêm và Hội dòng Mến Thánh Giá. Khi tôi ngồi viết những dòng này, thì có tin
chính quyền thông báo cho xe đến kéo đổ ngôi trường nữ bên cánh phải nhà thờ
(trước 1975 có tên là trường Trung học thánh Anna; sau 1975 chính quyền mượn cơ
sở xây dựng làm trường Tiểu học Thủ Thiêm) thuộc phần đất của Hội dòng Mến
Thánh Giá Thủ Thiêm.
Tiếng kèn ma quái lại rúc lên
trên phần đất tôn nghiêm bên những đầm lầy, lau sậy và những building đang lên
móng, hiện thực hóa những bản quy hoạch đô thị vô hồn và vô tri.
Nói thêm, nhà thờ Thủ Thiêm có
khoảng trên 2.000 phần tro cốt của giáo dân nhiều đời. Cuối năm rồi, khi hay
tin nhà thờ sẽ bị giải tỏa, nhiều Việt kiều đã về nước xin rước di cốt người
thân mang đi nơi khác, số còn lại chưa biết sẽ ra sao. Người sống phấp phỏng cùng
người đã khuất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét