David Hutt, Asia Times, ngày 03/02/2017
(bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)
--------------------
Đảng Cộng sản
Việt Nam kỷ niệm sinh nhật lần thứ 87 trong khi đấu đá nội bộ giữa các
phe phái và áp lực kinh tế đang thử thách quyền lực độc quyền của đảng.
Đảng Cộng sản Việt Nam, lực lượng nắm quyền ở miền Bắc từ
năm 1954 và cả đất nước từ năm 1975, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 87 vào ngày
03/2. Trong khi đảng không đối mặt với thách thức nào về vị trí độc tôn của nó
thì việc đấu đá nội bộ, vấn đề quản trị đất nước và áp lực kinh tế đang thử
thách tính chính danh của nó trong việc xây dựng một quốc gia xã hội chủ nghĩa
và đảm bảo công bằng xã hội, như người sáng lập và lãnh tụ của đảng là Hồ Chí
Minh đã vạch ra.
Hôm nay, chế độ cộng sản Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng
tính chính danh của nó phụ thuộc vào việc phát triển kinh tế, ổn định chính trị
và quản trị minh bạch. Thật vậy, nó tuyên bố như vậy để bóp chặt dân chủ và đàn
áp giới bất đồng chính kiến. “Phong trào đối lập, nếu có tồn tại, vẫn không có
ảnh hưởng lớn [trong xã hội],” theo Benoît de Tréglodé, một chuyên gia về Việt
Nam cho biết. “Trong cuộc sống hàng ngày thì nỗi ám ảnh là với mức tiêu thụ,
làm giàu, và ngắn hạn.”
Trong khi hệ thống chính trị của Việt Nam nổi tiếng là bí
ẩn, đã có dấu hiệu gần đây của cuộc đấu đá giữa các phe phái và quan điểm phản
đối trong nội bộ đảng. Tại Đại hội lần thứ 12 của đảng vào tháng 01 năm 2016,
dịp mà các vị trí lãnh đạo và chính sách được quyết định cho năm năm tiếp theo,
các nhà lãnh đạo chuyển ưu tiên của họ từ “khả năng quản trị của chính phủ”
sang xây dựng “một đảng vững mạnh và trong sạch.” Đảng cũng lùi lại thời hạn
cho mục tiêu biến đất nước thành quốc gia công nghiệp hiện đại sau năm 2020 một
thời gian vì biết trước được những khó khăn về kinh tế.
Vào thời điểm đó, những tín hiệu và kết quả đã làm đảo lộn
các dự đoán của nhiều nhà bình luận rằng Nguyễn Tấn Dũng, người đã giữ chức vụ
thủ tướng trong hai khóa liên tiếp sẽ làm tổng bí thư của đảng. Mặc cho những
thành tựu cải cách kinh tế và ủng hộ từ phương Tây, Dũng và phe cánh được coi
là tiến bộ của ông đã không thể lật đổ đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
và phe bảo thủ hơn của ông này.
Các nhà phân tích và chuyên gia coi kết quả của đại hội là
một chiến thắng cho “phe bảo thủ” và “thân Trung Quốc” trước “phe cải cách” và
“thân Mỹ” của Dũng, phái ủng hộ và hứa sẽ tăng cường cải cách, kể cả cải cách
trong khu vực nhà nước vốn yếu ớt. Trong khi những đánh giá đó đã được minh
chứng là đúng, cuộc tranh giành quyền lực vẫn còn hiện diện trong một đảng vốn
cai trị đất nước bởi sự đồng thuận tập thể.
Sau cái chết của Tổng Bí thư Lê Duẩn vào năm 1986, quyền lực
chính trị ở Việt Nam đã tập trung vào Bộ Chính Trị. Tuy nhiên, trong tháng 10
năm 2012, Ban Chấp hành Trung ương của đảng đảo ngược quyết định của Bộ Chính
trị về việc kỷ luật Dũng về những quản lý yếu kém trong kinh tế trong bối cảnh
báo cáo về tham nhũng ở mức cao. Bảy tháng sau, Ban Chấp hành Trung ương bỏ qua
đề nghị của Trọng về việc bầu thêm hai thành viên của Bộ Chính trị là người của
Trọng và thay vào đó là bầu hai ứng cử viên của mình.
Chiến thắng của Trọng tại đại hội năm ngoái, tuy nhiên, đã
đem lại tái cân bằng quyền lực giữa các cơ quan chính của đảng trong khi tái
khẳng định uy quyền của tổng bí thư trước thủ tướng, chủ tịch và các vị trí
lãnh đạo khác. “Có sự phân chia rõ ràng trong ngôi thứ trong đảng trước khi đại
hội diễn ra,” theo Paul Schuler, một trợ lý giáo sư tại của đại học Chính phủ
và Chính sách công của Đại học Arizona.
Trọng đã nói về việc sắp xếp lại trong một cuộc phỏng vấn
của truyền thông nhà nước gần đây. “Bộ máy nhà nước được củng cố, đảm bảo sự ổn
định cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ,” Trọng cho biết trong một cuộc
phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam vào tháng 1. “Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp
hành Trung ương và Bộ Chính trị, hệ thống chính trị tham gia vào việc cải cách
xã hội và kinh tế."
Carlyle Thayer, một chuyên gia nổi tiếng về Việt Nam, dự
đoán hai tháng sau đại hội năm ngoái rằng “nhiều tướng lĩnh công an được đưa
vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị nhằm tăng cường khả năng chống
tham nhũng cũng như đàn áp các nhà hoạt động dân chủ.” Xu hướng này thể hiện ở
việc đưa cựu Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, một người theo đường lối cứng
rắn, lên nắm chức vụ chủ tịch nước.
Dự đoán của Thayer đã trở thành hiện thực khắc nghiệt. Trong
những tháng gần đây, nhiều nhà bất đồng chính kiến bị bắt còn các cuộc biểu
tình bị đàn áp, kể cả những cuộc xuống đường phản đối việc chính phủ không xử
lý thích đáng trong thảm họa môi trường do xả thải công nghiệp đã tàn phá môi
trường biển ở miền Trung của đất nước trong năm ngoái.
Trọng đã thực thi các chiến dịch chống tham nhũng, nhắm mục
tiêu là nhiều cán bộ cấp cao của đảng. Trong tháng 11, Ban Chấp hành Trung ương
đã cách chức Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng Bộ Công thương, khỏi vị trí bí thư
đảng của bộ vì cáo buộc “gia đình trị” và “không gương mẫu.”
Cựu quan chức cao cấp của đảng là Trịnh Xuân Thanh trốn khỏi
đất nước một tháng trước ngày 16/9/2016 khi chính phủ cáo buộc ông này đã hành
động “trái với các quy định của chính phủ” và gây “thiệt hại nghiêm trọng” cho
một công ty nhà nước. Tuy nhiên, một số nhà phân tích và nhiều blogger tự hỏi
liệu các cuộc thanh trừng này chỉ nhằm vào phe phái của cựu thủ tướng Dũng
trong một nỗ lực để đánh bóng hình ảnh của đảng trước công chúng.
Kinh tế được cho là thách thức lớn nhất của đảng. Đảng đã bị
một vố đau nhất trong tháng trước khi Tổng thống Mỹ mới nhậm chức Donald Trump
đã chính thức hủy bỏ Hiệp ước Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Người ta
ước tính rằng TPP sẽ làm GDP của Việt Nam tăng 11%, gần 36 tỷ USD, và tăng xuất
khẩu của Việt Nam lên 28% trong thập kỷ tới. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu
lớn nhất của ASEAN vào Mỹ.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng bình quân trên 6% trong thập kỷ
qua, các nhà phân tích cảnh báo rằng tăng trưởng gần đây đã được thúc đẩy bởi
gia tăng nợ quốc gia. Mức độ gia tăng nợ quốc gia đã vượt qua tăng trưởng của
nền kinh tế trong ba năm qua. Trong năm 2015, ví dụ, thâm hụt ngân sách của
Việt Nam đã tăng 14% lên 11,47 tỷ USD, bằng gần 6% của GDP. Nợ công hiện nay
dao động khoảng 62% của GDP.
Nếu không có TPP, Trọng đã đưa ra tín hiệu ông có thể tìm
đến Trung Quốc để nhận trợ giúp kinh tế. Tháng trước, Trọng thực hiện chuyến đi
đầu tiên của ông đến Bắc Kinh kể từ đại hội năm ngoái, cùng thời gian với
chuyến thăm mang tính hình thức của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến tạm biệt
Việt Nam. Nguyễn Minh Quang, một giảng viên tại Trường Giáo dục tại Đại học Cần
Thơ, cho biết rằng chuyến đi của Trọng có thể báo hiệu một sự tái hợp của phe
lãnh đạo thân Trung Quốc, nhưng động lực chính Trọng cho việc đi đến Bắc Kinh
có khả năng là về kinh tế.
Trọng đã nỗ lực để đẩy nhanh quá trình tư nhân hóa mà dân
trong nước gọi là “cổ phần hóa” các doanh nghiệp nhà nước mắc nợ và thường được
quản lý một cách yếu kém của Việt Nam để thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi không
phải là mới, việc bán tháo tài sản nhà nước trong những năm gần đây thường được
giới hạn để duy trì quyền kiểm soát của nhà nước. Việc thúc đẩy mới của Trọng
được nhìn nhận bởi các nhà phân tích như là sự thừa nhận tính mong manh trong
lĩnh vực bất động sản và ngân hàng và nhu cầu huy động vốn bên ngoài của thị
trường nợ để phát triển của Hà Nội.
Tuy nhiên, việc Trọng có thể đã củng cố vị trí của mình
trong Đảng Cộng sản cũng như việc đảng tiếp tục độc tôn trong chính trị sẽ phụ
thuộc vào thành tựu kinh tế và một hình ảnh sạch sẽ của đảng. Người dân Việt
Nam có thể không bầu ban lãnh đạo của đất nước nhưng giới lãnh đạo ngày càng trở
nên nhạy cảm với dư luận.
----------------------
David Hutt là một nhà báo ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Có
thể liên lạc với ông theo Twitter tại @davidhuttjourno.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét