Trần Huỳnh Duy Thức, sinh năm
1966 là một doanh nhân và là một nhân vật bất đồng chính kiến tại Việt Nam. Ông
Thức đã bị nhà nước Việt nam phạt 16 năm tù với tội danh hoạt động nhằm lật đổ
chính quyền nhân dân.
Đầu Xuân mới, trên mạng internet
xuất hiện bức thư ngỏ của ông Trần Huỳnh Duy Thức, gửi cho Tổng BT Nguyễn Phú
Trọng để góp ý với nhà nước về những nguy cơ và chính sách phát triển quốc gia.
Trong lúc, sau tết Nguyên Đán
Đinh Dậu, trên mạng xã hội facebook hiện tượng các cá nhân "đấu tranh dân
chủ" chửi bới, tố cáo lẫn nhau bùng nổ. Đó là chuyện người nọ tố kẻ kia với
đủ chuyện, với nhiều nội dung khác nhau. Sở dĩ cụm từ "đấu tranh dân chủ"
buộc phải để trong ngoặc kép vì cũng vì không muốn lạm dụng ý nghĩa của nó.
Cho đến lúc này ở Việt Nam hầu như
có rất ít những người có thể được xếp vào danh sách những nhà đấu tranh vì dân
chủ. Đơn giản vì đa số chưa nghĩ và hiểu được như ông Trần Huỳnh Duy Thức về vấn
đề đấu tranh dân chủ.
Hầu hết những người mang danh đấu
tranh vì (cho) dân chủ ở Việt Nam và các tổ chức chính trị của người Việt ở nước
ngoài cũng mắc cái nhược điểm trầm trọng này, họ không hiểu và không phân biệt
được thế nào là đối lập chính trị và chống đối.
Việc ông Trần Huỳnh Duy Thức viết
bức thư ngỏ gửi cho Tổng BT Nguyễn Phú Trọng để góp ý với nhà nước về những
nguy cơ và chính sách phát triển quốc gia. Đó là một hành động mang tính đối lập
có ý nghĩa và cần thiết trong giai đoạn lúc này.
Từ năm 2013, GS. Nguyễn Đình Tấn,
Giám đốc Viện Xã hội học thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí
Minh khi trả lời phỏng vấn của BBC đã khẳng định, "Đảng CS không đối thủ
vì đối lập yếu". Đó là đánh giá chính xác về thực trạng của lực lượng đối
lập trong nước, tuy vậy đánh giá của GS. Nguyễn Đình Tấn đó có phần hơi ưu ái,
vì thực chất ở Việt Nam hiện nay chỉ tồn tại dạng các đối lập dưới hình thức cá
thể, nghĩ là ít hơn 2 người.
Còn đa phần những người hoạt động
xã hội hay đấu tranh thì chủ yếu là các hoạt động mang tính chất chống đối,
song họ lại nhầm tưởng đó là họ đã và đang đấu tranh vì một tương lai dân chủ
cho đất nước. Đa số trong số họ vẫn chưa hiểu được rằng, tổ chức đối lập trước
hết phải có tính cách tập thể của một tổ chức, có chính kiến bất đồng với đảng
cầm quyền và tồn tại một cách hợp pháp. Trong đó các chính kiến bất đồng ấy phải
được cương lĩnh hóa theo một tiêu chuẩn chính trị.
Đó chính là lý do cho đến hôm
nay, một hệ thống chính trị đối lập cần thiết phải có vẫn chưa được hình thành
để thực thi cái trọng trách của nó, đó là giám sát các hoạt động của nhà nước
và đưa ra các giải pháp buộc chính quyền phải tự điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp
vì lợi ích của đất nước.
Trước đây, ở Việt Nam đã từng có
các nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng như các ông, bà BS Nguyễn Đan Quế,
Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân...., sau này là Trần Huỳnh Duy
Thức, Lê Quốc Quân, Cù Huy Hà Vũ... Nhưng tại sao chỉ có ông Trần Huỳnh Duy Thức
đã bị lãnh một bản án nặng nề hơn cả? Đó là vì hành động hoạt động có tổ chức
theo đúng bài bản của một tổ chức chính trị đối lập, đây là một trong những
thách thức hàng đầu đối với chính quyền cộng sản lúc đó.
Còn nhớ, ngày 17 tháng 12 năm
2012 tại Hội nghị Công an Toàn quốc cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định,
"không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập", đó là các tổ chức
chính trị đối lập chống phá và đi ngược lợi ích của đất nước và nhân dân. Tuy
nhiên, việc Hội Nhà báo Độc lập của ông Phạm Chí Dũng ra đời vào tháng 7/2014,
nghĩa là sau chỉ thị của Thủ tướng Dũng chưa đến 2 năm, rồi tiếp tục tồn tại và
phát triển với những kết quả đáng quan tâm.
Hiện tượng Hội Nhà báo Độc lập của
ông Phạm Chí Dũng cần được học hỏi và tiếp tục nhân rộng.
Cần phải hiểu, đối lập có ba đặc
điểm đó là: có sự bất đồng về chính trị, có tính tập thể và có tính cách hợp
pháp được pháp luật công nhận. Trong hoàn cảnh Việt nam hiện nay, để có tính
cách hợp pháp được pháp luật công nhận là điều hết sức khó, song không có nghĩa
là không thể. Chính vì thế nó phải được coi trọng và là vấn đề mấu chốt, phải
trở thành mục tiêu trước mắt, đồng thời bằng mọi cách phải đạt được.
Một khi khi chính quyền đã chấp
nhận các tổ chức Xã hội Dân sự độc lập như thế, cũng có nghĩa là một cách họ đã
gián tiếp thừa nhận các tổ chức hội, nhóm dù trong điều kiện chưa có Luật về Hội.
Và tiếp tục như thế, về lâu dài là họ đã thừa nhận đối lập tức là thừa nhận tự
do chính trị.
Việc một số người thích nói chuyện
chính trị, hay có các hành động đả phá, chống đối thậm chí khiêu khích cũng như
việc phản đối các chính sách, chủ trương của và đảng CSVN. Đó chỉ là những cá
nhân chống đối, không phải là đối lập và thực sự các đối tượng đó hoàn toàn
không hề gây nguy hiểm đối với chế độ. Đây chính là lý do có một số trường hợp
các cá nhân chống phá nhà nước một cách hết sức quyết liệt, nhưng chính quyền lờ
đi không xử lý. Bởi vô tình các nhân vật này đang làm cho bức tranh nhân quyền ở
Việt nam thêm sắc màu và trở nên càng sinh động hơn trong con mắt người phương
tây. Điều này hoàn toàn có lợi cho nhà cầm quyền cộng sản.
Nói về yếu tố then chốt của một
cuộc cách mạng mang tính thay đổi, Lê Nin đã nói đó là, "Tổ chức, tổ chức
và tổ chức...". Việc những người được gọi là các nhà hoạt động xã hội, người
đấu tranh... trong lúc này do mất phương hướng, sinh ra chia rẽ bè phái cánh nọ,
hội kia lộn tùng bậy là hệ quả của việc thiếu tính tổ chức. Dẫu rằng, họ có chịu
ảnh hưởng của một vài tổ chức chính trị từ nước ngoài, song các tổ chức ấy cũng
chưa hiểu và chưa có các đối sách phù hợp trong tình hình hiện nay.
Họ theo đuổi một cuộc đấu tranh
nhằm để giải thể độc tài, lật đổ cộng sản nhưng họ vẫn chưa trả lời được câu hỏi:
họ lấy gì để giải thể cộng sản trong lúc này? Trong lúc trên thực tế, sự ủng hộ
của người dân trong nước nghiêng nhiều về phía chính quyền hiện tại và đồng thời
giành rất ít cho những người tranh đấu cũng như các tổ chức chính trị ở nước
ngoài.
Tình trạng hầu hết những người tham
gia đấu tranh hay ủng hộ dân chủ chưa hiểu hết vấn đề thế nào là đối lập chính
trị, tổ chức chính trị đối lập là gì kể cả về nội dung và hình thức hiện tại là
một thách thức lớn đối với tiến trình dân chủ hóa cho Việt Nam. Nên hiểu rằng
các hành động chửi bới, nói xấu nhà nước hay kẻ cả kích động bạo loạn lật đổ chỉ
là biểu hiện chống đối chính quyền, và nó càng không phải là hành động góp phần
cho công cuộc vận động dân chủ.
Đối lập khác với chống đối. Đối lập
không hoàn toàn có nghĩa là chống đối mà đối lập sẽ phát huy vai trò của nó
trong việc hợp tác với chính quyền trên tin thần xây dựng. Trước hết phải tạo
được lòng tin, sự vô hại hay kể cả sự thân thiện đối với chính quyền. Nếu khi
lãnh đạo đảng CSVN tin tưởng và thấy sự cần thiết của đối lập chính trị, không
gây nguy hại thì chắc chắn họ sẽ phải tự thay đổi, chấp nhận sự tồn tại của tổ
chức đối lập. Khi đó, các tổ chức đối lập đóng vai trò hợp tác với chính quyền
trong việc giám sát, kiểm tra... để tạo điều kiện cho họ tự điều chỉnh.
Còn nhớ, ngay từ cuối năm 2010,
trong lúc phong trào đấu tranh dân chủ còn rầm rộ (chứ không nguội lạnh như bây
giờ), tôi đã từng đánh giá (viết) "Đến lúc này, kết quả của phong trào đấu
tranh dân chủ vẫn là một con số không tròn trĩnh". Khi ấy đã có người lồng
lên và phán rằng "Nếu không phải đặc công đỏ thì sao dám viết như thế?".
Sau 6 năm nhìn lại, đến hôm nay nếu
như ta nhận xét rằng, "Đến lúc này, kết quả của phong trào đấu tranh dân
chủ ở Việt Nam là một chữ U (là 1/2 số 0) thì sao nhỉ?"
Chính trị là một bộ môn khoa học,
không thể coi chính trị là một trò chơi ngẫu hứng. Những người đấu tranh dân chủ
ở Việt Nam lâu nay không hiểu được điều đó. Nếu không có sự thay đổi về nhận thức
thì tôi mãi chẳng bao giờ có hy vọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét