Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

Ngoại giao "đu dây" của Hà Nội


Chân Như, phóng viên RFA 


Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (trái) trong cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Bộ Ngoại giao Hà Nội hôm 13/1/2017.


Việt Nam về mặt lý thuyết tiếp tục kiên trì theo định hướng xã hội chủ nghĩa và duy trì đất nước trong nhóm cộng sản ít ỏi còn lại trên thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế chính quyền Hà Nội vẫn giao lưu với cộng đồng quốc tế để làm ăn và thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước trên thế giới, kể cả không đồng quan điểm chính trị. Thực chất mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam trong thời gian một năm qua ra sao?

Kiên định với CNXH

Hà Nội theo hướng tiếp nối và thay đổi trong chính sách ngoại giao trong năm 2016. Đó là nhận định của tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng - nguyên đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan trước đây.

Nhà ngoại giao này cũng cho rằng chính quyền Hà Nội luôn khẳng định bảo vệ độc lập dân tộc, giữ vững chủ quyền quốc gia gắn bó với hội nhập quốc tế. Việt Nam tiếp tục triển khai chủ trương này một cách toàn diện.

Mảng thay đổi chính là những bước đi chuẩn bị cho việc tân chính quyền mới của tổng thống Donald Trump tại Mỹ sẽ có những điều chỉnh chính sách đối với Châu Á - Thái Bình Dương và các vấn đề trong khu vực. Ông Đinh Hoàng Thắng có nhận định:

Trên thực tế, Việt Nam thừa nhận ngoại giao và nội trị là hai mặt của đồng tiền, nó là một chiến lược tích hợp trong một kỷ nguyên mà có nhiều bấp bênh có nhiều dự đoán có nhiều khó dự đoán trước nữa, đặc biệt là trong năm qua vấn đề dân chủ nhân quyền ngày càng quan trọng nhất là sau bộ luật Magnitsky được thông qua.

Trong khi đó, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, giám đốc Trung Tâm Minh Triết Việt, từ Hà Nội đánh giá, đối ngoại Việt Nam năm 2016 vẫn tiếp tục đường lối mà theo ông này gây “bất hạnh cho dân tộc Việt Nam”. Ông giải thích, chính sách đối ngoại của đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục “đu dây” và không rõ ràng với dân. “Nhiều điều họ không bàn được và dân muốn đối ngoại thế nào nói với họ họ cũng không nghe.

Phải thay đổi ra sao?

Tân chính quyền của tổng thống Donald Trump vừa bắt đầu nhiệm kỳ 4 năm từ hôm 20 tháng giêng vừa qua; cho đến lúc này chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ với Việt Nam ra sao thì chưa rõ ràng, nhưng giới quan sát đoan chắc sẽ khác với nhiệm kỳ của ông Obama. Giáo sư Nguyễn Khắc Mai đánh giá:

Tôi cho rằng nhân tố Mỹ luôn luôn là nhân tố có lợi cho Việt Nam trong các mối quan hệ có thể cân đối với Trung Quốc.

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nhận định, mối quan hệ tay ba Việt - Mỹ - Trung sẽ có tác động, “Tình hình căng thẳng trong quan hệ Mỹ Trung rồi đây sẽ làm cho chính sách cân bằng động mà còn mang tính cơ học của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn”.

Trung tuần tháng 1, cùng thời gian ngoại trưởng sắp mãn nhiệm của Hoa Kỳ John Kerry sang Việt Nam, thì ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm Trung Quốc.

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nhận định về chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng, “Qua chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng tôi thấy tinh thần chư hầu vẫn rất rõ và anh ký kết 15 văn kiện và trong đó thấy rõ chủ yếu sẽ tạo thế cho Trung Quốc nhiều hơn là Việt Nam sẽ đứng làm chủ.”

Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng nhận định về khía cạnh an ninh của Việt Nam sau khi có những thoả thuận với Bắc Kinh, “Việt Nam sẽ mua tên lửa của Ấn Độ, Việt Nam cứ giữ được vai trò trung tâm trong khối ASEAN hay không đặc biệt là vị thế của Việt Nam trong chiến lược Châu Á Thái Bình Dương của Mỹ và của các nước lớn khác thì nó vẫn còn có các vấn đề để mở.”

Một trong những đối tác quan trọng khác của Việt Nam là Nhật Bản. Chuyến thăm của thủ tướng Shinzo Abe tới Hà Nội trung tuần tháng 1 đã thắt chặt thêm quan hệ đối tác sâu rộng đôi bên bất chấp những tác động bên ngoài.

Theo Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, những người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam thừa nhận, môi trường chiến lược nổi lên nhiều thách thức chưa từng có và tác động trực tiếp đến các lợi ích an ninh và phát triển.  Do đó, Tiến sỹ Thắng cho rằng, Việt Nam cần có sự thay đổi về nhận thức và hành động.

Còn Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nêu yêu cầu phải giải quyết vấn đề nội lực của quốc gia và kỳ vọng, “Nói đối ngoại là phải kiếm tìm sức mạnh mới để ngăn chặn tội ác ca Trung Quốc ở Biển Đông.”

Nhiều ý kiến cho rằng chính sách đối ngoại của một quốc gia bao giờ cũng cần đặt trên căn bản quyền lợi đất nước là tối thượng; chứ không thể đi sau quyền lợi của đảng cầm quyền.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét