Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

Ngày Xuân Đất Lạ



Tưởng Năng Tiến

Từ làng nổi Koh K’ek tôi đi ghe ra Pursat, rồi bắt xe đò trở lại Phnom Penh. Dọc theo quốc lộ 5, thỉnh thoảng, có nơi bầy bán mai vàng. Nhìn những cành hoa vừa nhu nhú nụ, sao hơi thấy nôn nao. Tết đến rồi đa!

Vào đến thủ đô Nam Vang lúc chiều vừa tắt nắng. Ngang công viên Tượng Đài Độc Lập, đôi chỗ, thấy bán bóng bay. Những chùm bóng đủ mầu rực rỡ, to hơn kích cỡ bình thường, với hàng chữ Việt (Cung Chúc Tân Xuân – Chúc Mừng Năm Mới) khiến tôi không khỏi ngẩn ngơ:

 Không dưng thấy mắt hơi cay. Tôi đổ thừa tại khói xe nhưng lại nhớ đến lời kêu gọi thiết tha của ông Nguyễn Thiện Nhân hồi cuối năm trước: “Tất cả đồng bào Việt Nam ở nước ngoài nếu trong 40 năm qua chưa có dịp về nước thì nên về ... chắc chắn sẽ thấy nó phát triển.”

Năm nay, Ban Tuyên Giáo còn “tiếp sức” với ông Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc bằng nguyệt san Di Sản Việt Nam (Vietnam Heritage - December 2016-January 2017 ) với nội dung vô cùng phong phú. Tất cả những bài viết đều bằng Anh Ngữ, kèm nhiều hình ảnh sống động: đua thuyền, thổi cơm thi, đá gà, dựng nêu, múa lân, đốt pháo ...

Xem mà nhớ quê hương muốn ứa nước mắt luôn, và chỉ ước ao sao mình có thêm đôi cánh (hay được cấp cái visa) để bay về quê tức khắc. Nước Việt thiệt là nền nã, an bình, và phú túc.

Đọc đến trang cuối mới thấy một mẩu tin (“ Vietnam to slap higher fines on public urination”) ngăn ngắn, khiến độc giả – dù là người Việt – cũng phải bàng hoàng:

People who urinate in public will be fined VND1-3 million ($44-133) from February 1, 2017, according to a new government decree.

The fines have been raised significantly from the current $9-13.

Public urination is nothing strange in Vietnam, where there is an acute shortage of public toilets...

Data from Hanoi’s Department of Construction shows that the capital has 340 public toilets, but two thirds are located in residential areas and only 100 are situated along streets or at entertainment facilities.

Ho Chi Minh City faces the same problem with only 200 public toilets serving the needs of its 10 million residents and the 5 million foreign tourists that visit the city each year.

Úy, trời, đất, quỷ, thần, ơi ? Giữa Thủ Đô Của Lương Tâm Nhân Loại và Thành Phố Hồ Chí Minh (Quang Vinh) mà mười lăm triệu người phải dùng chung chỉ có hai trăm cái nhà vệ sinh công cộng thôi sao?

 
Ảnh: internet

Nếu thế, nếu có bệnh tiểu đường thì sống làm sao ở một đất nước mà khắp nơi đều có bảng ghi “cấm đái.” Đã thế, kể từ ngày 1 tháng 2 năm 2017 – theo luật lệ mới – mỗi lần tè bậy là có thể bị phạt đến 144 Mỹ Kim thì chịu đời sao thấu. Đ...mẹ, tiền (dollar) chớ bộ giấy lộn hay sao – mấy cha? Thảo nào mà nhà báo Lê Phú Khải  đã phải nặng lời: “Có lẽ không có ở đâu trên trái đất này có một chính quyền cư xử với dân ti tiện như vậy.”

Thế là “giấc mơ hồi hương” tan vỡ. Lại phải tiếp tục đi thôi, dù chưa biết sẽ đi đâu?  Thôi, cứ ghé đại chỗ nào làm vài ly cái đã:

Dừng chân nơi quán lạ
Thèm com chiều hương quê
Chị ơi thôi đừng đợi
Chiều nay em chưa về (tnt)

Chả quen biết ai ở Nam Vang, và cũng đã trải qua hai cái Tết chán ngắt ở Xứ Chùa Tháp rồi nên tôi nghe lời rủ rê của một người bạn đồng nghiệp (đang làm thông tín viên thường trực cho RFA, ở Thái Lan) bay sang Bangkok, rồi đi xe về vùng quê nghỉ chơi vài bữa.

Anh kết hôn với một cô giáo Thái, người vùng Chai Nat. Họ sống cách thủ đô chỉ chừng hai trăm cây số mà cảnh khung cảnh nơi đây an bình và trầm lặng khiến tôi cảm thấy ngỡ ngàng. Nhà hai người nằm cạnh bờ sông. Dòng sông (Chao Phraya) mà chỉ mới chỉ thoạt trông thôi tôi cũng đã “phải lòng” rồi: tĩnh lặng, hiền hoà và yêu kiều quá!

Tôi sinh trưởng ở cao nguyên, nơi chả có biển rộng hay sông dài gì ráo trọi. Suốt thời thơ ấu, tôi chỉ quen với những buổi sáng rừng tưng bừng (tiếng con vuợn hú) và những đêm trăng tà ngây ngất, hoang vu.

Mãi đến năm mười sáu – trong một chuyến giang hồ (vặt) đầu đời – khi đặt chân đến Tân Châu, tôi mới được nhìn thấy một nhánh sông Tiền đang cuồn cuộn cuốn mau dưới ánh nắng chiều lấp lánh. Tôi đoán đó là “Giòng An Giang” của Anh Việt Thu mà ca sĩ Ánh Tuyết đã khiến cho nhiều người thương mến:

Giòng An Giang sông sâu nước biếc
Giòng An Giang cây xanh lá thắm
Lả lướt về qua Thất Sơn
Châu Đốc giòng sông uốn quanh
Soi bóng Tiền Giang Cửu Long...

Cô thôn quê đang giặt yếm trên sông
Tiếng sáo vắng trên đồng lúa xanh tươi
Trâu lang thang, đôi cò trắng tung bay dập dìu.

Tôi không thấy cô gái Thái nào giặt yếm, hay phơi khăn, trên sông Chao Phraya cả. Cũng không nghe “tiếng sáo vắng trên đồng lúa xanh tươi” nhưng cò trắng và cò quăm thì (ôi thôi) không phải từng đôi mà dễ đến hàng ngàn, bay rợp cả bầu trời.

Thỉnh thoảng, tôi cũng bắt gặp vài cánh cò lạc lõng ở California nhưng đến Chai Nat thì mới nhìn thấy tận mắt – lần đầu – cảnh vật an bình mà mình chỉ được nghe qua tiếng đàn và giọng hát (trầm ấm) của Phạm Ngọc Lân:

Con cò lại bay trên đồng ruộng xanh
Tre già bảo nhau cúi đầu trầm ngâm
Cùng mùi khói rơm quen thuộc ...

Đồng xanh, cánh cò, khói rơm, và trâu bò dục mõ ... tuy cũng quyến rũ nhưng chính nét diễm kiều và hiền dịu của dòng sông Chao Phraya mới khiến cho tôi say đắm. Chợ họp không đông, ngay tại bến đò. Những con đò thưa khách, từ từ cặp bến rồi chầm chậm rời bờ. Dù không đón, cũng chả đưa ai, mà lòng cũng thoáng bâng khuâng.

Người dân Chai Nat đều có dáng vẻ chậm rãi và khoan thai y như con sông và bến đò của họ. Ở đây, rõ ràng, chả ai có việc gì phải vội. Tôi cũng thế, tôi cũng “chậm” lại (luôn) mà chả hiểu tại sao và tự lúc nào?

Sáng, chiều thơ thẩn đi dọc bờ sông. Nhìn nắng, nhìn nước, nhìn trời, nhìn mây, ngó lá, ngó hoa, ngó cây, ngó quả. Chao ơi, xứ sở gì mà thơ mộng và trù phú dữ vậy nè? Đu đủ, mía, xoài, vú sữa, chuối, dừa ... mọc tá lả khắp nơi – kể cả ở những khúc sông hoang dã. Thiệt là quá đã!

 Đã nhứt là đứng sau bất cứ búi tre, bụi chuối nào cũng có thể vạch quần tè mà không sợ làm bận mắt tha nhân. Tuy thế, đái bậy dường như chỉ là thói quen của người dân Việt (và người dân Miên nữa) chớ người Thái thì không.

Dọc theo bờ sông Chao Phraya, tại những khoảng cách nhất định, đều có những nhà vệ sinh chung. Tuy chỉ nhỏ nhắn thôi nhưng xinh sắn và sạch sẽ nên dân chúng không ai bị bệnh ... đái đường!

 
Ảnh chụp tháng Giêng 2017

Vợ chồng anh bạn còn cho tôi biết thêm rằng phong trào xây dựng nhà vệ sinh công cộng ở Thái Lan đã phát khởi từ hai mươi năm trước. Bởi thế, những chiếc ghế đá đặt phía trước cho khách nghỉ chân đều đã nhuốm rêu phong nhưng bồn tiểu và bồn cầu thì vẫn trắng tinh vì được thay thế định kỳ và cọ rửa thường xuyên.

Nghe mà lại nhớ đến lời khẳng định về sự “phát triển đất nước” của ông Nguyễn Thiện Nhân, và những với bài viết (dùng toàn những lời có cánh) trên Vietnam Heritage mà không khỏi thở dài!

Loài vật có thể tiểu tiện hay đại tiện bất cứ nơi đâu vì chúng không có ý thức gì về ngoại cảnh. Ép buộc con người phải sinh hoạt gần như cầm thú – trong những đô thị với hàng trăm ngàn người mới có một nhà vệ sinh chung – là điều chỉ có thể xẩy ra trong một chế độ bất nhân, nơi mà những kẻ nắm quyền “ăn không từ một thứ gì” – kể cả những cái cầu tiêu hay buồng tiểu.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét