Nguồn: First council meeting of
SEATO, History.com
Vào ngày này năm 1955, trong cuộc
họp hội đồng đầu tiên của Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO), Ngoại trưởng
John Foster Dulles tuyên bố Mỹ cam kết bảo vệ khu vực khỏi sự xâm lăng của cộng
sản. Cuộc họp và sự tham gia của Mỹ vào SEATO đã trở thành cơ sở để nước này hoạt
động tích cực hơn tại Việt Nam.
SEATO được thành lập tại Manila
năm 1954, trong một cuộc họp mà Dulles đứng ra kêu gọi. Sau đó, Mỹ, Anh, Pháp,
Úc, New Zealand, Thái Lan, Pakistan và Philippines trở thành các thành viên của
tổ chức phòng thủ khu vực này. Mỹ thành lập SEATO chủ yếu là để phản ứng trước
“tình hình đang xấu đi” tại Đông Nam Á.
Trước đó vào năm 1954, Pháp, dù cố
gắng giành lại quyền kiểm soát các thuộc địa cũ kể từ năm 1946, cuối cùng đã đồng
ý rút khỏi Việt Nam, nước đã rơi vào cảnh chia cắt. Lực lượng cộng sản của Hồ
Chí Minh giành quyền kiểm soát miền Bắc và dự kiến tổ chức tổng tuyển cử thống
nhất đất nước trong vòng hai năm.
Các nhà hoạch định chính sách của
Mỹ tin rằng miền Bắc Việt Nam là “quân cờ domino” đầu tiên rơi vào tay cộng sản
ở Đông Nam Á, và các nước khác trong khu vực cũng sẽ sớm bị đe dọa bởi sự kiểm
soát của cộng sản. Dulles chỉ ra rằng cộng sản Trung Quốc sẽ là mối đe dọa
chính đối với hòa bình và an ninh trong khu vực. Trung Quốc phản ứng bằng cách
tuyên bố rằng SEATO là một phần trong công cuộc “xâm lược các quốc gia châu Á của
Mỹ.”
SEATO lại càng trở nên quan trọng
hơn đối với Mỹ khi tình hình cuối cùng buộc quân đội Mỹ phải đến miền Nam Việt
Nam vào năm 1965. Thật không may cho các quan chức Mỹ, chỉ có một vài thành
viên SEATO tích cực ủng hộ các hành động của nước này. Úc, New Zealand, Thái
Lan và Philippines gửi binh sĩ hoặc viện trợ, nhưng Anh, Pháp, và Pakistan thì
đã từ chối tham gia. Cuối cùng, Pháp, Pakistan, và Úc đã rút khỏi tổ chức.
SEATO dần lu mờ trong chính sách của Mỹ ở châu Á trong những năm 1970 và chính
thức ngừng hoạt động vào năm 1976.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét