Biên dịch và Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Nguồn: Alastair Crooke, “You Can’t Understand ISIS If You
Don’t Know the History of Wahhabism in Saudia Arabia”, The World Post,
27/10/2014.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Daesh (tên viết tắt bằng tiếng A-rập
của Nhà nước Hồi giáo IS) ở Iraq và Syria đã gây sốc tại phương Tây. Rất nhiều
người đã trở nên bối rối – và sợ hãi – trước mức độ bạo lực và sức hút rõ ràng
mà tổ chức này đã tạo ra đối với các thanh niên hồi giáo dòng Sunni. Hơn thế nữa,
phương Tây nhận ra sự chần chừ và mâu thuẫn của Saudi Arabia trước sự trỗi dậy
của IS là hành động gây khó chịu và khó có thể giải thích. “Liệu người Saudi có
hiểu được rằng chính IS cũng đang đe doạ tới họ hay không?”.
Cho tới hiện nay, có thể thấy rõ rằng giới tinh hoa thống trị
của Saudi Arabia đang bị chia rẽ. Một số người cho rằng IS đang chiến đấu chống
lại “ngọn lửa” của phe Shiite Iran bằng “ngọn lửa” của chính những người Sunni;
rằng một quốc gia hồi giáo Sunni mới đang hình thành tại trung tâm của vùng đất
mà họ cho là thuộc di sản lịch sử của người Sunni; và họ đã bị hấp dẫn bởi hệ
tư tưởng Salafi cứng rắn của Daesh.
Một số người Saudi khác lại sợ hãi, gợi nhớ lại lịch sử cuộc
nổi dậy chống lại Abd-alAziz của những người Ikhwan theo tư tưởng Wahhabism
(Wahhabist Ikhwan). Rất nhiều người dân Saudi cảm thấy cực kỳ khó chịu trước
các học thuyết cấp tiến của Daesh, và đã bắt đầu đặt vô số câu hỏi trước các định
hướng chính sách của chính phủ Saudi Arabia.
Hai căn tính của Saudi Arabia
Mối bất hoà và những căng thẳng bên trong nội bộ Saudia
Arabia về IS chỉ có thể được thấu hiểu bằng cách đào sâu tìm hiểu về hai căn
tính cố hữu, và dai dẳng, vốn nằm sâu bên trong cốt lõi hình thành nên bản sắc
tôn giáo của vương quốc này, cũng như nguồn gốc lịch sử của Saudi Arabia.
Một trong những xu hướng chính định hình nên bản sắc tôn
giáo của Saudi Arabia có liên quan mật thiết tới nhân vật có tên Muhammad ibn
‘Abd al-Wahhab’ (người sáng lập nên phong trào Wahhabi), và việc lợi dụng những
tư tưởng của phong trào tôn giáo cấp tiến, mang tư tưởng “hồi giáo thanh khiết”
và bất vị tha này của Ibn Saud (một thủ lĩnh cấp thấp – một trong nhiều những
lãnh đạo trong thời gian này không ngừng tấn công và cướp bóc các bộ tộc người
Badouin tại những sa mạc vùng Nejd).
Xu hướng thứ hai hình thành nên bản sắc tôn giáo phức tạp của
Saudi Arabia có liên quan tới quá trình định hình nên nhà nước Saudi Arabia hiện
đại của vua Abd-al Aziz vào những năm 1920: các cố gắng “uốn nắn” phong trào
Ikhwan và bản chất bạo lực của họ (với mục đích để được Anh và Mỹ công nhận là
một quốc gia-dân tộc về mặt ngoại giao); việc thể chế hoá các đặc trưng căn bản
của chủ thuyết Wahhabi; và sau đó là tận dụng thành công nguồn lợi có được từ
khai thác dầu mỏ bùng nổ vào những năm 1970 để định hướng làn sóng Ikhwan ra nước
ngoài – bằng cách lan truyền một loại cách mạng văn hoá, thay vì cách mạng bạo
lực, trên khắp thế giới Hồi giáo.
Nhưng thứ “cách mạng văn hoá” này không phải là một hình thức
cải cách có thể được kiểm soát một cách dễ dàng. Đó là một hình thức cách mạng
dựa trên lòng thù hận mang hơi hướng Jacobin của Abd al-Wahhab chống lại những
gì mục nát và sai lệch mà ông ta cảm nhận tồi tại ngay trong chính bản thân
mình – từ đó dẫn tới lời kêu gọi thanh tẩy Hồi giáo khỏi những kẻ dị giáo và những
kẻ thích sùng bái ảnh tượng.
Những kẻ mạo danh tín đồ Hồi giáo
Abd al-Wahhab là người có tính cách khắt khe và rất hay chỉ
trích, và là học trò của học giả Hồi giáo sống vào thế kỷ 14 có tên Ibn
Taymiyyah. Tác gia và nhà báo người Mỹ, Steven Coll, đã từng mô tả sự khinh miệt
của Abd al-Wahhab đối với “các quý tộc người Ai Cập và Ottoman có vẻ ngoài lịch
thiệp, với tính cách nghệ sỹ, thích hút thuốc lá và hasit (một loại thuốc lá chế
bằng lá thuốc non và đọt gai dầu ở Thổ Nhĩ Kỳ hay Ấn Độ…) cũng như hay đánh trống,
những người vốn thường xuyên di chuyển xuyên qua bán đảo Arabia để tới cầu nguyện
tại Mecca”.
Trong con mắt của Abd al-Wahhab, những quý tộc như trên
không phải là người Hồi giáo; họ chỉ là những kẻ lừa bịp giả danh là người Hồi
giáo mà thôi. Tương tự, ông ta cũng không cho rằng những người Ả-rập Bedouin địa
phương là người Hồi giáo. Họ khiến cho Abd al-Wahhab tức giận chỉ bởi vì họ tôn
thờ một số vị thánh, dựng lên các ngôi mộ bằng đá, và bởi vì sự “mê tín” của họ
(ví dụ như tôn thờ các ngôi mộ hay một số địa danh vốn có mối quan hệ đặc biệt
thiêng liêng với các vị thánh đó).
Tất cả những hành động này được Abd al-Wahhab gọi là bida –
bị cấm bởi Chúa trời.
Cũng giống như người thầy của mình là Taymiyyah, Abd
al-Wahhab tin rằng khoảng thời gian nhà tiên tri Muhammad sống ở Medina là khoảng
thời gian lý tưởng của một xã hội Hồi giáo chuẩn mực (the “best of times”), và
vì vậy mọi tín đồ Hồi giáo đều phải khao khát hướng tới tái hiện lại một xã hội
tương tự như thế (điều này cũng là một phần lý tưởng của phái Salafi).
Taymiyyah đã tuyên bố chiến tranh với những người theo hệ
phái Shiite, những người theo phái Sufi và toàn bộ triết học Hy Lạp. Ông ta
công khai phản đối việc viếng thăm ngôi mộ của nhà tiên tri và việc ăn mừng
ngày sinh nhật của Ngài, tuyên bố rằng mọi hành vi như vậy chỉ là một sự bắt
chước đơn thuần cách thức mà người Thiên chúa giáo tôn thờ Jesus như là Chúa
(tôn thờ ảnh tượng). Abd al-Wahhab loại bỏ những lời giáo huấn như trên vốn xuất
hiện trong giai đoạn đầu của Hồi giáo. Ông cho rằng bất cứ tín đồ nào “nghi ngờ
hay lưỡng lự” trước lời diễn giải đặc biệt này (không được tôn thờ ảnh tượng) đều
bị “tước đoạt quyền miễn trừ đối với tài sản và cả tính mạng” của bản thân tín
đồ đó.
Một trong những giáo lý chủ đạo từ học thuyết của Abd
al-Wahhab đã trở thành tư tưởng nền tảng của takfir. Dưới học thuyết takfir,
Abd al-Wahhab và những tín đồ của ông ta có thể gán cho bất cứ người Hồi giáo
nào tội danh ngoại đạo trong trường hợp họ thực hiện những hành động được cho
là làm tổn hại đến Thẩm quyền tối thượng (ở đây là nhà Vua). Abd al-Wahhab lăng
mạ tất cả những tín đồ Hồi giáo tôn thờ cái chết, các vị thánh và thiên thần.
Ông ta cho rằng những hành vi như vậy sẽ làm chệch hướng sự sùng bái tối cao mà
một tín đồ phải có trước Chúa và chỉ Chúa mà thôi. Hồi giáo Wahhabi vì thế cấm
tất cả tín đồ của mình thờ phụng các vị thánh, cấm cả việc thờ phụng những người
thân đã qua đời, cấm việc hành hương tới các ngôi mộ hay các thánh đường quan
trọng, cấm các lễ hội tôn giáo tôn vinh các vị thánh, cấm việc ăn mừng ngày
sinh nhật của nhà tiên tri Muhammad, và thậm chí cấm cả việc sử dụng bia mộ khi
chôn cất người chết.
Abd al-Wahhab yêu cầu mọi tín độ phải tuân thủ – một hình thức
tuân giáo biểu hiện trong mọi hình thức lý tính và hữu hình. Ông ta cho rằng tất
cả các tín đồ Hồi giáo sẽ phải tuyên bố trung thành với một lãnh đạo duy nhất
(chính là một Caliph – người đứng đầu nhà nước Hồi giáo nếu có). Những ai không
tuân theo quan điểm trên sẽ bị giết, vợ và con gái họ bị hãm hiếp, và tài sản bị
tịch thu, ông ta viết. Danh sách những kẻ bội giáo xứng đáng bị giết bao gồm
người Shiite, người Sufi, và những dòng Hồi giáo khác, những người mà Abd
al-Wahhab không xem là người Hồi giáo.
Đến đây thì chưa thể phân biệt được giữa những kẻ theo chủ
thuyết Wahhabi và IS. Rạn nứt chỉ xuất hiện sau này: kể từ khi học thuyết của
Muhammad ibn ‘Abd al-Wahhab’ về “Một Lãnh đạo, Một Thẩm quyền, Một Giáo đường”
(One Ruler, One Authority, One Mosque) được thể chế hoá – ba trụ cột này được sử
dụng để đề cập tới nhà vua Saudi Arabia, tới thẩm quyền tối thượng của chủ thuyết
Wahhabi (official Wahhabism), và sự kiểm soát của nó đối với “ngôn từ” (tức
giáo đường – the mosque).
Trong mối rạn nứt này, nhà nước Hồi giáo IS đã bác bỏ hoàn
toàn ba trụ cột mà dựa trên đó toàn bộ thẩm quyền Sunni được chống đỡ, và do đó
khiến IS, dựa trên các quy tắc tuân giáo Wahhabi, trở thành mối đe doạ nghiêm
trọng với Saudi Arabia.
Lịch sử ngắn gọn từ 1741 – 1818
Sự ủng hộ và truyền bá các tư tưởng cực đoan này của Abd
al-Wahhab đã khiến cho ông ta bị trục xuất khỏi ngôi làng nơi ông ta sinh ra –
và vào năm 1741, sau một thời gian lang bạt, al-Wahhab được thu nhận và nằm dưới
sự bảo vệ của Ibn Saud và bộ lạc của ông. Ibn Saud nhận ra trong các bài giảng
của Abd al-Wahhab cách thức để biến đổi truyền thống và các tục lệ của người
A-rập. Đó là con đường để giành lấy quyền lực.
Bộ lạc của Ibn Saud, dựa trên học thuyết của Abd al-Wahhab,
bây giờ có thể làm những gì mà họ vốn luôn làm: tấn công các ngôi làng xung
quanh và cướp bóc tài sản. Chỉ là từ bây giờ, họ không chỉ tấn công và cướp bóc
dựa trên giới hạn truyền thống A-rập, mà là dưới ngọn cờ jihad. Ibn Saud và Abd
al-Wahhab cũng đã tái định nghĩa lại khái niệm martyrdom (tử vì đạo) dưới danh
nghĩa của jihad, bởi vì jihad cho phép những ai tử vì đạo được phép đi thẳng
lên thiên đường.
Vào thời kỳ đầu, họ đã chinh phục được một vài cộng đồng địa
phương và áp đặt sự cai trị của mình lên những cộng đồng đó. (Những người bị
chinh phục có hai lựa chọn: cải đạo sang Wahhabism hay là chết.) Cho tới năm
1790, Liên minh đã kiểm soát hầu hết bản đảo A-rập và liên tục cướp bóc Medina,
Syria và Iraq.
Chiến lược của họ – giống hệt như IS ngày ngay – là ép buộc
những dân tộc bị chính phục phải phục tùng. Mục tiêu là lan truyền nỗi sợ hãi.
Vào năm 1801, Liên minh tấn công thánh địa Karbala ở Iraq. Họ đã thảm sát hàng
ngàn người Shiite, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Nhiều đền thờ Shiite bị phá huỷ,
bao gồm đền thờ Imam Hussein, người cháu trai bị giết của nhà tiên tri
Muhammad.
Một sĩ quan người Anh, Trung uý Francis Waren, người đã quan
sát sự kiện vào khoảng thời gian đó, viết rằng: “Chúng cướp phá khắp thành phố
[Karbala], và phá huỷ ngôi mộ của Hussein…giết chóc cả ngày, với những trường hợp
đặc biệt man rợ, trên năm ngàn thường dân…”
Osman Ibn Bishr Najdi, sử gia của quốc gia Saudi đầu tiên,
viết rằng Ibn Saud đã tiến hành một vụ thảm sát tại Karvala vào năm 1801. Ông
ghi chép một cách tự hào về vụ thảm sát đó, nói rằng: “Chúng ta chiếm được
Karbala, giết và bắt cư dân của thành phố (làm nô lệ), sau đó ca ngợi thánh
Allah, Chúa tể của các thế giới, và chúng ta không hối lỗi về việc đó và nói rằng:
‘Đối với những kẻ vô đạo: sẽ là sự đối đãi tương tự như thế’”.
Vào năm 1803, Abdul Aziz tiến vào thánh địa Mecca, vốn đầu
hàng trong sự sợ hãi và hỗn loạn (số phận tương tự xảy đến với Medina). Những
tín đồ của Abd al-Wahhab đã đập bỏ những công trình lịch sử và tất cả các lăng
mộ, đền đài. Cuối cùng, họ cũng đã phá huỷ hàng thế kỷ những công trình kiến
trúc Hồi giáo được xây dựng gần Đại Thánh đường Mecca.
Nhưng vào tháng 11 năm 1803, một sát thủ người Shiite đã ám
sát vua Abdul Aziz (để trả thù cho vụ thảm sát Karbala). Con trai của Abdul
Aziz, Saud bin Abd al Aziz, nối ngôi và tiếp tục công cuộc chinh phục bán đảo
A-rập. Tuy vậy, những người đứng đầu của Đế chế Ottoman đã không còn có thể ngồi
yên và chứng kiến đế quốc của mình bị gặm nhấm từng chút một. Vào năm 1812,
quân đội Ottoman, bao gồm người Ai Cập, đã đẩy Liên minh ra khỏi Medina, Jeddah
và Mecca. Năm 1814, Saud bin Abd al Aziz chết vì bệnh. Người con trai không may
mắn của ông ta Abdullah bin Saud bị những người Ottoman bắt và mang về
Istanbul. Abdullah bin Saud bị hành quyết một cách khủng khiếp (một hành khách
tới Istanbul đã kể lại rằng Abdullah đã bị sỉ nhục trên đường phố Istanbul
trong vòng ba ngày, sau đó bị treo cổ và chặt đầu, đầu của Abdullah sau đó bị bắn
từ một chiếc đại bác, tai của ông ta bị cắt và bị đâm xuyên qua thân người).
Năm 1815, lực lượng Wahhabi bị nghiền nát bởi người Ai Cập
(thay mặt cho đế chế Ottoman) trong một trận chiến mang tính quyết định. Năm
1818, người Ottoman chiếm và phá huỷ thủ đô của Wahhabi là Dariyah. Quốc gia
Saudi đầu tiên sụp đổ. Tàn dư Wahhabi rút chạy về phía sa mạc để tái hợp, họ đã
ở đó trong im lặng suốt thế kỷ 19.
Lịch sử quay trở lại với IS
Không quá khó hiểu khi sự trỗi dậy của IS tại Iraq và Syria
hiện tại khiến cho nhiều người liên tưởng đến quá khứ như đã đề cập. Thật sự,
những đặc trưng của chủ nghĩa Wahhabi trong thế kỷ 18 đã không biến mất tại
Nejd, chúng đã quay trở lại khi Đế chế Ottoman sụp đổ cuối Thế chiến thứ nhất.
Nhà Al Saud – trong thời kỳ phục hưng của mình vào thế kỷ 20
– được dẫn dắt bởi Abd-al Aziz sắc sảo và khôn khéo về mặt chính trị, người đã
thống nhất các bộ lạc Bedouin luôn bị chia rẽ. Ông cũng đã chính thức phát động
phong trào Ikhwan Saudi theo tinh thần của Abd al-Wahhab và Ibn Saud trước đây.
Phong trào Ikhwan lúc này tái hiện lại bản thân phong trào
Ikhwan tiên phong trước đây, một phong trào dữ dội, sôi sục, bán độc lập tập hợp
những “nhà đạo đức” với tư tưởng cấp tiến cực đoan vốn đã thành công trong việc
xâm chiếm toàn bộ bán đảo A-rập trong những năm đầu thế kỷ 19. Với một phương
pháp tương tự, phong trào Ikhwan hiện tại đã lại một lần nữa chiếm được Mecca,
Medina và Jeddah trong giai đoạn 1914 – 1926. Abd-al Aziz, tuy vậy, đã bắt đầu
cảm thấy các lợi ích lớn hơn của mình bị đe doạ bởi chủ thuyết Jacobin mang
tính cách mạng được Ikhwan ủng hộ.[1] Phong trào đã quyết định nổi dậy – dẫn đến
một cuộc nội chiến kéo dài cho tới những năm 1930, khi nhà Vua đã dập dắt nó,
ông đã thảm sát toàn bộ các thành viên phong trào bằng súng máy.
Với vị vua này, Abd-al Aziz, những chân lý và xúc cảm giản
đơn của các thập kỷ trước đây đang bị xói mòn. Dầu mỏ được phát hiện tại bán đảo.
Anh và Mỹ tìm cách ve vãn Abd-al Aziz, nhưng đồng thời vẫn tiếp tục ủng hộ
Sharif Husain[2] trở thành nhà cai trị hợp pháp duy nhất của toàn bộ bán đảo
A-rập. Người Saudi lúc này cần phải phát triển một phương cách ngoại giao phức
tạp hơn.
Vì thế phong trào Wahhabi đã bị ép buộc phải thay đổi từ một
phong trào cách mạng dựa trên khái niệm jihad và xu hướng thanh tẩy tôn giáo
takfiri trở thành một phòng trào xã hội, chính trị và tôn giáo mang tính bảo thủ,
là một lời kêu gọi mang tính tôn giáo (da’wa) để hợp thức hoá các thể chế vốn
tăng cường lòng trung thành đối với gia đình hoàng gia Saudi và quyền lực tuyệt
đối của nhà vua.
Dầu mỏ giúp lan truyền chủ thuyết Wahhabi
Với việc phát hiện ra dầu mỏ và sự thịnh vượng mà nó mang lại
– học giả người Pháp, Giles Kepel đã viết, mục tiêu của Saudi là “truyền bá chủ
nghĩa Wahhabi ra khắp thế giới Hồi giáo…để Wahhabi hoá đạo Hồi, từ đó giảm thiểu
“sự đa dạng về quan điểm trong lòng tôn giáo” để biến nó thành “một tín ngưỡng
đơn nhất” – một phòng trào vượt lên khỏi sự chia rẽ giữa các quốc gia. Hàng tỷ
đô-la đã – và đang tiếp tục được sử dụng – để đầu tư vào hình thức quyền lực mềm
này.
Chính quá trình triển khai quyền lực mềm mạnh mẽ – cùng với
đó là khả năng của Saudi trong việc kiểm soát thế giới Hồi giáo Sunni phù hợp với
lợi ích của nước Mỹ, đồng thời truyền bá chủ nghĩa Wahhabi trong các lĩnh vực
giáo dục, xã hội và văn hoá trên khắp thế giới Hồi giáo – đã tạo ra sự phụ thuộc
về chính sách của phương Tây đối với Saudi Arabia, một sự phụ thuộc đã ngày
càng trở nên khó tách rời kể từ khi Abd-al Aziz gặp mặt Tổng thống Roosevelt
trên một tàu chiến Mỹ (trên đường trở về từ Thượng đỉnh Yalta) cho tới ngày hôm
nay.
Phương Tây nhìn vào vương quốc này, và ánh nhìn của họ bị hấp
dẫn bởi sự thịnh vượng; bởi quá trình hiện đại hoá hiện hữu trước mắt, và bởi sự
lãnh đạo chuyên nghiệp đối với thế giới Hồi giáo. Phương Tây đã chọn lựa giả định
rằng Vương quốc Saudi đã nương theo những đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống hiện
đại – và rằng quá trình kiểm soát thế giới Hồi giáo Sunni rốt cuộc cũng sẽ biến
đổi Vương quốc hướng tới phong cách sống hiện đại.
Thế nhưng phong trào Ikhwan Saudi và cách tiếp cận của nó đối
với Hồi giáo đã không biến mất vào những năm 1930. Nó chỉ tạm thời rút lui,
nhưng vẫn giữ nguyên sự kiểm soát của mình đối với nhiều bộ phận của hệ thống –
và theo đó là sự xuất hiện của hai căn tính Saudi mà chúng ta đang chứng kiến
hiện nay trong thái độ của nhà nước Saudi với IS.
Một mặt, IS là hiện thân toàn vẹn nhất của chủ nghĩa
Wahhabi. Mặt khác, IS lại là một tổ chức cực đoan theo một cách khác. Tổ chức
này có thể được xem như là một phong trào cải biên của chủ nghĩa Wahhabi đương
thời.
IS là một phong trào “hậu Medina”: tổ chức này xem trọng
hành động của hai vị Caliph đầu tiên, hơn là hành động của bản thân nhà tiên
tri Muhammad, tổ chức này cũng bác bỏ thẩm quyền cai trị của nhà Saudi.
Trong khi Hoàng gia Saudi phát triển, trong thời đại dầu mỏ,
trở thành môt thể chế ngày càng phình to hơn, thì sự hấp dẫn đến từ các thông
điệp Ikhwan lại ngày càng phổ biến (bất chấp chiến dịch hiện đại hoá của nhà
vua Faisal). “Cách tiếp cận của Ikhwan” đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều
đàn ông, phụ nữ và các tộc trưởng A-rập (sheikh) nổi tiếng. Bằng cách đó, Osama
bin Laden chính xác là một đại diện của xu hướng này.
Hiện tại, tính chính danh của nhà vua Saudi đang bị xói mòn
bởi chính IS. Quá trình này không bị xem là gây ra rắc rối, mà thay vào đó được
xem là sự quay trở lại nguồn gốc chính thống của truyền thống Saudi-Wahhabi.
Trong quá trình hợp tác giữa nhà Saudi và phương Tây trong
việc theo đuổi một số mục tiêu của ở khu vực (chống lại chủ nghĩa xã hội, chống
lại đảng Batth, chủ nghĩa Nasser, chống lại ảnh hưởng của Liên Xô và Iran), các
chính trị gia phương Tây đã nhấn mạnh những lựa chọn của mình đối với Saudi
Arabia (thịnh vượng, hiện đại hoá và ảnh hưởng), nhưng họ đã bỏ qua sự trỗi dậy
của Wahhabi.
Sau cùng, các phong trào Hồi giáo cực đoan được tình báo
phương Tây nhận định là công cụ quan trọng để loại bỏ sự hiện diện của Liên Xô
tại Afghanistan – và trong việc chống lại những lãnh đạo hay quốc gia Trung
Đông “không được ưa thích”.
Tại sao chúng ta phải ngạc nhiên, khi từ các chính sách của
phương Tây và Saudi dưới thời Hoàng tử Bandar[3] nhằm kiểm soát các nhóm nổi dậy
ở Syria chống lại Tổng thống Assad lại xuất hiện một phong trào tiên phong
trong việc tạo dựng sự sợ hãi và bạo lực theo phương châm Ikhwan: nhà nước Hồi
giáo IS? Tại sao chúng ta phải ngạc nhiên khi các nhóm nổi dậy “ôn hoà” ở Syria
ngày càng trở nên hiếm gặp hơn? Tại sao chúng ta lại lầm tưởng rằng các học
thuyết Wahhabi sẽ tạo ra những tín đồ Hồi giáo “ôn hoà”? Hay tại sao chúng ta lại
lầm tưởng rằng học thuyết “Một Lãnh đạo, Một Thẩm quyền, Một Giáo đường: quy phục
hay là chết” lại cuối cùng có thể dẫn tới ôn hoà hay sự khoan dung?
Hay có lẽ chúng ta ngay từ đầu đã không hiểu bất cứ điều gì
cả.
Alastair Crooke là cựu nhân viên của cơ quan tình báo MI6.
Tác giả cuốn sách: “Resistance: The Essence of Islamic Revolution”.
———————-
[1] Phong trào mang tính chất Jacobin: ám chỉ sự tương đồng
của Ikhwan tới chủ nghĩa Jacobin (Jacobinism) vốn hay sử dụng những hành động cực
đoan và đàn áp bạo lực. Những người Jacobin xuất hiện lần đầu tiên sau Cách mạng
Pháp (1788-1789).
[2] Sharif Hussein: là người đứng đầu Vương quốc hồi giáo
Mecca từ năm 1908 và sau đó là vua của Hejaz từ 1916 đến 1924. Lúc đó là thế lực
mạnh nhất bán đảo A-rập.
[3] Hoàng từ Bandar hay Bandar bin Sultan, một thành viên của
gia đình Hoàng gia Saudi. Ông là cựu đại sứ của Saudi Arabia tại Mỹ từ 1983 đến
2005. Ông là một trong những nhân vật quan trọng quyết định chính sách đối ngoại
của Saudi Arabia và phương Tây.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét