Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

Câu chuyện Luân Đôn



Lê Phan


Thử tưởng tượng một người sống ở một thành phố từ hơn hai thập niên nay, đã coi thành phố đó là nhà của mình, bỗng nhiên nhiều lần nghe người khác bảo tại sao dám sống ở một thành phố loạn lạc và đầy chết chóc cũng như đã bị xâm lăng bởi Hồi Giáo? Đó chính là kinh nghiệm của tôi trong những ngày mới đến Little Saigon.

Một người bạn học cũ sau khi thăm hỏi đã bảo tôi “Tôi chả dám sang Luân Đôn đâu, đầy người Hồi Giáo, họ chiếm hết thành phố ấy rồi.”

Tôi ngạc nhiên hỏi “Ai bảo bạn vậy. Tôi sống ở Luân Đôn tôi đâu có thấy chuyện đó.” Nhưng người bạn tôi có vẻ vẫn không tin, khăng khăng bảo sẽ không đi Luân Đôn. Chưa hết, chỉ một ngày sau, tôi lại được hỏi bởi một người khác “Sống ở Luân Đôn chắc sợ lắm hả?” Khi tôi hỏi lại thì người đó trả lời “Toàn là người Hồi Giáo thôi, ai mà dám ở.”

Tôi đã viết về tin dỏm, tin giả, về hậu sự thật nhưng khi những điều đó xảy ra cho chính mình thì quả thật khó tả sự ngạc nhiên. Điều còn làm tôi lo sợ hơn nữa là những gì tôi, một người dân Luân Đôn, đã sống ở đó trên hai thập niên, nói ra, có vẻ không được tin trong khi những điều nói sai của những người khác không biết đã có tới Luân Đôn chưa, lại được tin.

Luân Đôn, khác với nhiều thủ đô khác trên thế giới, vốn đã có thời là thủ đô của một đế quốc mà “mặt trời không bao giờ lặn.” Luân Đôn vì vậy quả thật có rất nhiều sắc dân. Ngồi trên xe bus chẳng hạn, quý vị có thể nghe đủ thứ ngôn ngữ của thế giới, có khi thỉnh thoảng cả tiếng Việt.

Nhưng hình ảnh Luân Đôn mà hai người quen kia đưa ra là hình ảnh hoàn toàn bịa đặt, là một thứ tin dỏm tệ hại nhất.

Xin phép được trích một đoạn từ một địa chỉ trên Internet. Sau khi mở đầu với “Goodbye London, it was nice knowing you,” bài trên website informationliberation.com viết: “Sadiq Khan Hồi Giáo ‘con trai của một anh tài xế xe bus Pakistan,’ vừa được bầu lên làm đô trưởng. Ông ta tranh cử với nghị trình là có ‘quá nhiều người da trắng’ đang làm trong chính phủ và hứa hẹn phân chia tài sản. Đám dân chúng Hồi Giáo khổng lồ dồn phiếu cho ông ta. Đối thủ Do Thái của ông ta Zac Goldsmith con rể của dòng họ Rothschild và là con của nhà tỷ phú tài chánh Sir James Goldsmith, ông ta cố gắng liên hệ Khan với bài Do Thái và cáo buộc ông ta là ‘ủng hộ những kẻ cực đoan’ nhưng không ai cần nghe vì họ đều là người Hồi Giáo.”

Sự thật là ông Sadiq Khan sở dĩ đã thắng cử ở Luân Đôn là vì ông không chỉ được sự ủng hộ của cộng đồng Hồi Giáo mà còn vì ông được sự ủng hộ của toàn thể dân chúng Luân Đôn trong đó có bản thân chúng tôi. Ông Khan không tranh cử theo luận điệu “có quá nhiều người da trắng” nhưng quả ông có hứa hẹn tìm cách giảm thiểu bất công xã hội bởi ông là đại diện của đảng Lao Động, đảng đối lập ở Anh. Ông Khan đã chiếm được một số phiếu lớn nhất cho tất cả các chính trị gia trong lịch sử Anh vì ông không tranh đấu chỉ cho người Hồi Giáo mà cho một Luân Đôn tiến bộ và hòa đồng tôn giáo. Nếu ông chỉ có được số phiếu Hồi Giáo thì ông đã thua ông Goldsmith vì tuy là tôn giáo thiểu số lớn nhất số người theo Hồi Giáo chỉ chiếm có 12.4% dân số thủ đô. Thuộc cánh trung hữu của đảng Lao Động, ông chủ trương ủng hộ ở lại Liên Hiệp Âu Châu và chống Brexit, cũng như đa số dân chúng thủ đô Luân Đôn.

Báo chí quốc tế tập trung vào sự việc ông là một tín đồ Hồi Giáo nhưng đối với dân chúng Luân Đôn ông trước hết là một chính trị gia Lao Động. Ông đã tuyên thệ nhậm chức trong một nghi thức liên tôn tổ chức ở Thánh Đường Southwark. Hành động đầu tiên của ông trong tư cách đô trưởng là tham dự lễ tưởng niệm nạn nhân của vụ thảm sát Do Thái ở một sân vận động ở miền bắc thủ đô. Trong khi vận động cho cuộc trưng cầu dân ý về ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu, ông đã tham dự cùng một khán đài với Thủ Tướng David Cameron của đảng Bảo Thủ để chứng tỏ một sự ủng hộ lưỡng đảng cho việc ở lại Âu Châu.

Theo sau sự thành công của Brexit, ông cả quyết là các công dân Âu Châu sống ở Luân Đôn sẽ tiếp tục được chào đón trong thành phố và ông cảm ơn cho sự đóng góp của họ cho thành phố. Ông ủng hộ chiến dịch “Chúng ta sát cánh nhau” của Sở Cảnh Sát Scotland Yard để chống lại kỳ thị chủng tộc theo sau cuộc trưng cầu dân ý và sau đó ủng hộ chiến dịch “Luân Đôn mở cửa” để khuyến khích các nhà kinh doanh, nghệ sĩ và các nhà trình diễn tiếp tục đến Luân Đôn mặc dầu Brexit.

Điều mỉa mai nhất là vì bỏ phiếu ủng hộ hôn nhân đồng tính khi còn là một dân biểu, đã có một cái fatwa từ một ông thầy imam tuyên bố ông không phải là một người Hồi giáo và ông đã phải được cảnh sát bảo vệ.

Như vậy phải nói ông là tiếng nói tiêu biểu của một trong những thành phố lớn nhất và quan trọng hàng đầu của thế giới. Cũng như các thành phố lớn khác như New York, Los Angeles hay Paris, Luân Đôn đa dạng và là nơi tôn giáo và sắc tộc hòa đồng.

Không ai chối cãi Hồi Giáo là tôn giáo thiểu số lớn nhất của Luân Đôn, nhưng điều xin nhấn mạnh là ở chữ thiểu số. Tính theo tỉ lệ thì người Hồi giáo chỉ mới chiếm có 12.4% dân số của thủ đô. Ở một vài quận, số người Hồi giáo lên đến 30% dân số như Newham hay Tower Hamlets. Nhưng sự việc này cũng không khác gì khu Little Saigon.

Theo thống kê năm 2011 của khảo sát American Community Survey, người Việt ở Westminster chiếm đến 37.1% dân số trong khi ở Garden Grove chiếm 31.1% dân số. Cũng như ở Little Saigon của chúng ta, ở những quận đông người Hồi Giáo thì ngôn ngữ, phong tục tập quán bộc lộ nhiều hơn.

Điều cũng đáng được nhắc lại là tuy cộng đồng Hồi Giáo ở Luân Đôn chiếm đến trên 12% dân số và là cộng đồng tôn giáo thiểu số lớn nhất, đây không phải là một khối thuần nhất như khối người Việt ở Quận Cam. Kể từ khi những người Hồi Giáo đầu tiên đến định cư ở Luân Đôn, vốn là những thủy thủ trên các con tàu mang lá cờ Anh, đến từ Bengal ở Ấn Độ và và đó là thời thế kỷ thứ 19. Nhiều tín đồ Hồi Giáo phục vụ trong quân đội Anh nhưng họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau trong nhiều đợt di dân và do đó ngay trong tôn giáo họ có nhiều khác biệt và đôi khi xảy ra xích mích, nhưng điều chính là họ không phải là một khối thuần nhất.

Cứ thử nhìn vào một trong những điều dễ phân biệt một cộng đồng nhất là thực phẩm, cộng đồng Hồi Giáo ở Luân Đôn đã rất đa dạng. Từ tiểu lục địa Ấn Độ chúng ta có các món cà ri nhưng quay sang vùng Trung Á, những tín đồ Hồi giáo ở đó lại thích loại thực phẩm của vùng Địa Trung Hải.

Ngôn ngữ cũng vậy. Có 14 ngôn ngữ chính được sử dụng trong cộng đồng Hồi Giáo như là ngôn ngữ chính của họ. Danh sách 14 ngôn ngữ này cho chúng ta thấy bao gồm các ngôn ngữ từ Trung Á đến các ngôn ngữ của khối Ả Rập, từ ngôn ngữ của tiểu lục địa Ấn Độ đến ngôn ngữ của Phi Châu.

Nếu tính về sắc tộc thì Luân Đôn vẫn còn là một thành phố mà 45% dân số là người Anh da trắng, cộng với 15% người da trắng thuộc các quốc gia khác, tức là số người da trắng vẫn chiếm đa số. Đứng thứ nhì trong các sắc tộc là người Ấn hay người gốc Phi Châu.

Và chính vì vậy mà Luân Đôn, mặc cho một thiểu số quan trọng theo Hồi giáo, vẫn là một thành phố của dân tộc Anh. Biểu tượng của Luân Đôn, khác với điều nhiều người cố bịa đặt, vẫn là tòa tháp Big Ben của Tòa nhà Quốc Hội tức là Điện Westminster, Thánh Đường St. Paul và Nhà thờ Westminster Abbey, nơi các vua Anh làm lễ đăng quang và cũng là nơi họ được chôn cất. Điện Buckingham nơi nữ hoàng cư ngụ, và pháo đài đồ sộ mà Vua William The Conquerer xây dựng ở ngay cửa ngõ vào thành phố cách đây 1,000 năm mang tên The Tower.

Cộng với Viện bảo tàng Anh Quốc nơi di sản thế giới được trưng bày và vào cửa tự do, Luân Đôn là một thành phố cổ kính rất đáng viếng thăm và hoàn toàn vẫn còn nằm trong tay người Anh, dầu cho trong đó có một thiểu số người British mang dòng máu Việt như chúng tôi.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét