VOA
Lệnh cấm di trú của Tổng thống Trump.
Một tuần sau khi được ban hành và có hiệu lực tức thời, sau
đơn kiện của hai bang Washington và Minnesota, sắc lệnh đã bị thẩm phán liên
bang, James Robart, ra lệnh tạm đình hôm 3/2.Sắc lệnh này đã khơi mào những cuộc
biểu tình trong và ngoài nước, tạo ra tình trạng hỗn loạn tại các phi trường quốc
tế của Mỹ, và thổi bùng cuộc chiến pháp lý với hàng loạt các đơn kiện, đưa sắc
lệnh của Tổng thống ra tòa. Từ cá nhân những người bị ảnh hưởng, các thành phố,
tiểu bang, các cựu quan chức cao cấp đến các tổng chưởng lý của các tiểu bang,
cho đến cả trăm tập đoàn doanh nghiệp đều đã lên tiếng phản đối sắc lệnh di dân
đưa nước Mỹ vào tầm ngắm của công luận quốc tế.
Tổng thống nói sắc lệnh này nhằm bảo vệ an ninh, an toàn cho
nước Mỹ, hạn chế các phần tử Hồi giáo quá khích vào Hoa Kỳ. Ông Trump tuyên bố
thẩm phán Robart sẽ phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra tấn công khủng bố và đồng
thời lên án phán quyết của thẩm phán Robart “đẩy đất nước vào tình trạng nguy
hiểm.”
Ngược lại, phe phản đối cho rằng sắc lệnh này vi hiến, phân
biệt đối xử dựa trên tôn giáo, và có thể khiến Hoa Kỳ hay dân Mỹ dễ bị tấn công
hơn.
Luật sư Ted Laguatan ở San Francisco, một trong số 29 luật
sư được Đoàn Luật sư California chính thức xác nhận là Chuyên gia về Luật Di
trú liên tiếp trong hơn 25 năm qua, nới với VOA Việt ngữ:
“Từ góc độ một luật sư, tôi tin rằng sắc lệnh của ông Trump
là phi pháp, vi phạm một số điều khoản trong Hiến pháp, điều khoản nói về bảo vệ
công bằng, được xét xử đúng trình tự, và điều khoản về bảo vệ quyền tự do tôn
giáo. Tôi tin rằng lập luận của các tổng chưởng lý các bang đưa ra chống lại sắc
lệnh di trú là chính đáng.”
“Mỹ là nước của di dân, do di dân xây dựng và làm cho vĩ đại.
Tất cả những người ở đây đều là con cháu của các thế hệ di dân. Nếu ông Trump
thắng kiện, nước Mỹ sẽ tiếp tục chia rẽ sâu sắc. Lệnh cấm này ảnh hưởng đến nhiều
người, nhiều khía cạnh cuộc sống, công ăn việc làm lẫn nền kinh tế. Lệnh cấm của
ông Trump rõ ràng đi ngược lại con người,” luật sư Laguatan nhấn mạnh.
Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9 của Hoa Kỳ ở San
Francisco chiều ngày 7/2 nghe lập luận từ các luật sư trong Bộ Tư pháp và các
luật sư phản đối đại diện cho hai bang Washington-Minnesota để quyết định xem
có nên giữ hay hủy lệnh cấm di trú của Tổng thống.
Tòa cho biết phán quyết có thể sẽ không có ngay trong ngày,
nhưng sẽ có nội trong tuần này.
Luật sư Laguatan nói nếu Tòa cho giữ nguyên sắc lệnh của Tổng
thống Trump, nước Mỹ sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng biểu tình, căng thẳng hơn những
gì từng thấy từ cuộc bầu cử Tổng thống hôm 8/11 tới nay.
Vẫn theo Chuyên gia về Luật Di trú Mỹ, dằng co pháp lý sẽ
không dừng lại ở Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9 tại San Francisco, nơi ông hành
nghề, mà sẽ tiếp tục đi thẳng lên Tòa Thượng thẩm, và ông dự kiến là Tòa Tối
cao sẽ giữ nguyên phán quyết của Tòa Phúc thẩm.
“Ở Tòa Thượng thẩm sẽ là bước cuối cùng, luật cuối cùng, trừ
phi Quốc hội ra luật mới. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Trump hiện nay với cả
Thượng lẫn Hạ viện đều do phe Cộng hòa của ông Trump kiểm soát, tôi không cho rằng
Quốc hội sẽ ra luật mới ảnh hưởng tới quyết định của Tòa Tối cao, trừ phi ông
Trump phải rời chức hay phe Dân chủ, chứ không phải là phe Cộng hòa, kiểm soát Quốc
hội,” vị luật sư kỳ cựu về di trú tiếp lời.
Luật sư Laguatan cho biết trong trường hợp chính quyền thua
kiện tại Tòa Thượng thẩm, Tổng thống Trump không thể làm gì hơn để đảo ngược
phán quyết của Tòa, cũng không thể ban hành một sắc lệnh nào tương tự như thế.
Cách duy nhất, có chăng, phải là một đạo luật do Quốc hội ban hành.
Từ đầu tuần, người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc, Sean Spicer,
đã tuyên bố chính phủ tự tin sẽ chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý gay go hiện
nay và nhấn mạnh rằng: “Tổng thống có quyền hạn lớn để bảo vệ sự an toàn của
nhân dân và các định chế quốc gia, liên hệ tới những ai được quyền nhập cảnh.”
Ai thắng ai thua, chưa thể đoán trước. Nhưng những gì đang
diễn ra là biểu hiện rõ ràng của một hệ thống kiểm soát và cân bằng của thể chế
dân chủ Mỹ, nơi Quốc hội nắm quyền lập pháp, Tổng thống nắm quyền hành pháp,
Tòa án nắm quyền tư pháp: Tam quyền phân lập, kiểm tra chéo và hạn chế quyền lực
của nhau để tránh sự độc tài hay lộng quyền.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét