Bản cáo phó từ gia đình cho biết: Linh cữu Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ được quàn tại Magnus Poirier, 6835 Rue Sherbrooke Est. Montréal, Québec.
Vẫn theo bản cáo phó, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ sinh năm Kỷ Tỵ, 1929 tại An Bình, Cần Thơ.
Theo Wikipedia, thuở nhỏ ông theo học tiểu học ở các trường Bassac, Nam Hưng và College de Cần Thơ. Năm 1946 ông sang Pháp tiếp tục bậc Trung học lấy bằng Tú Tài I và II.
‘Sau đó, ông theo học ở Đại học Sorbonne, Paris, đậu bằng cử nhân khoa học vào năm 1953 và bằng Cao học (Thạc sĩ) về Khoa học thiên nhiên (Sciences naturelles) vào năm 1956.
Năm 1957, ông về nước và được bổ nhiệm vào chức vụ Giám đốc Hải học Viện Nha Trang. Trong thời gian làm việc ở đây (1957-1962), ông đã thực hiện công trình nghiên cứu về rong biển Việt Nam và một phần của công trình nghiên cứu này được dùng cho luận án tiến sĩ khoa học mà ông đệ trình vào năm 1961 cũng tại Đại học Sorbonne.
Năm 1962, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Khoa Trưởng trường Đại học Sư phạm Sài Gòn và giữ chức vụ này đến 1963. Sau đó ông từ chức để phản đối cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng Phật giáo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Sau ngày 1 Tháng 11, 1963, ông giữ chức vụ Tổng Trưởng Giáo dục.
Năm 1964, ông trở về với công việc giảng dạy tại Viện Đại học Sài Gòn.
Tháng Ba, 1966, Viện Đại học Cần Thơ được thành lập, Giáo Sư Hộ trở thành viện trưởng đầu tiên.
Đầu năm 1970, ông trở lại Sài Gòn, tiếp tục công trình giảng dạy và nghiên cứu thực vật đến năm 1984. Sau năm 1984, Giáo Sư Hộ sang Pháp và từ đó ông sang Canada sinh sống. Tại đây, ông hoàn tất công trình nghiên cứu cây cỏ Việt Nam của mình.
Có thể nói Giáo Sư Hộ là người đầu tiên ở Việt Nam hoàn thành công trình nghiên cứu cây cỏ miền Nam và Việt Nam, đây là công trình có tầm cỡ khoa học lớn trong nước và trên thế giới.
Trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình, ông là tác giả của nhiều sách về thực vật học Việt Nam như Rong Biển Việt Nam (1969), Tảo học (1972), Sinh học thực vật (tái bản lần thứ tư, 1973), Hiển hoa Bí tử (tái bản lần thứ hai, 1975) và Cây cỏ miền Nam Việt Nam (An illustrated flora of South Vietnam: Nấm, khuyết thực vật và song tử diệp cánh rời và vô cánh; Quyển 1, 1972) và nhiều bài nghiên cứu có giá trị khác.
Quan trọng nhất là bộ Cây Cỏ Việt Nam, mô tả khoảng 10,500 loài cây có mặt trên toàn cõi nước Việt Nam.’
Theo website của Cựu Sinh Viên Đại Học Khoa Học Sài Gòn, Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ “được học trò mến phục không vì những chức vụ quan trọng mà Thầy đã có ngày trước hoặc các Huy Chương cao quí như Chương Mỹ Bội Tinh, Giáo Dục Bội Tinh, mà là vì tánh tình hiền hòa, chất phác, giản dị, sự tận tâm dạy dỗ học trò, những đóng góp khoa học lớn nhỏ trong mọi hoàn cảnh sống của Thầy, từ những bài viết đăng trên các tờ báo phổ thông đến những bộ sách quan trọng cho muôn đời học sinh, sinh viên Việt Nam. Đâu đó chúng ta cũng thấy tình nghĩa gia đình và lòng yêu nước vô bờ của Thầy.” (N.L)
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét