Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

Ba gia đình Việt vượt biên 'sắp được phỏng vấn'

 VOA



Từ trái sang: Bà Trần Thị Thanh Loan, Trần Thị Phúc và Trần Thị Lụa. (Ảnh: Facebook Đôn An Võ)


Ba phụ nữ Việt và gia đình vượt biên đang bị giữ tại Indonesia sắp được cơ quan tị nạn LHQ phỏng vấn. Hãng tin ABC của Australia ngày 20/2 cho biết gia đình của ba người phụ nữ Việt Nam này sắp được các phái viên của LHQ từ Thái Lan sang phỏng vấn trong tuần này.


Tuy nhiên VOA chưa liên lạc được với bà Trần Thị Lụa, một trong ba người phụ nữ trong chuyến vượt biên từ Bình Thuận, để xác nhận thông tin này.



Hôm 10/2, bà Lụa cho VOA biết chiếc tàu chở ba gia đình có tất cả 16 người đã chết máy. Bà Lụa cho biết tàu của họ bị va vào đá và sau đó được người dân và cảnh sát ra cứu và đưa vào bờ. Bà nói trong đoàn có 12 trẻ em.



Bà Lụa yêu cầu các tổ chức quốc tế giúp đỡ để tất cả những người vượt biên trong đoàn được sang Úc hoặc đưa đến một nước thứ ba.



VOA đã đưa tin khi bà Lụa tìm đường vượt biên sang Úc lần thứ nhì vào ngày 31/1, tức Mùng 4 Tết Đinh Dậu. Hai phụ nữ còn lại là Trần Thị Thanh Loan và Trần Thị Phúc.



Ba phụ nữ này trước đây đã vượt biên sang Úc và bị trục xuất về Việt Nam vào năm 2015. Ngày 22/4/2016, Tòa án tỉnh Bình Thuận tuyên phạt họ tổng cộng hơn 6 năm tù giam theo điều 275 về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Khi đó bà Trần Thị Thanh Loan bị tuyên 36 tháng tù giam, ông Hồ Trung Lợi (chồng chị Loan) 24 tháng tù giam, bà Trần Thị Lụa 30 tháng tù giam.



Bà Lụa nói với truyền thông Australia ABC rằng “thà bị bắn chết” còn hơn là bị trả về Việt Nam lần nữa.



Chính phủ Australia từng tuyên bố sẽ hợp tác với Việt Nam để “bắt giữ và khởi tố những người tổ chức đưa người vượt biên trái phép và ngăn chặn hành vi kinh doanh nguy hiểm dựa trên sinh mạng của con người”.



Tổ chức phi chính phủ No Right Turn nói rằng việc bà Lụa bị tuyên án 30 tháng tù sau khi bị trục xuất vào lần trước “cho thấy rằng bà đã phải đối mặt với nỗi sợ hãi vì bị đàn áp, và cần phải được cấp quy chế tỵ nạn. Và điều này cho thấy rằng trước đây Australia đã đẩy bà trở lại nơi bà bị đàn áp. Rõ ràng rằng Australia không còn quan tâm đến nghĩa vụ của mình theo Công ước về người tị nạn.”








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét