Cao Huy Huân
Mấy hôm nay dư luận dậy
sóng vì phát ngôn gây sốc của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao
Đức Phát. Ý kiến này ngay lập tức bị dư luận và báo chí mổ xẻ nhiều chiều.
Chiều 1-4, khi Quốc hội
thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, kết
quả thực hiện Kế hoạch 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5
năm 2016-2020, và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020, ông Phát cho
rằng “Trong 5 tháng vừa qua chúng tôi lấy gần 6.000 mẫu phân tích thì số mẫu có
dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức
cho phép là 5,17%, số mẫu thịt có dư lượng thuốc kháng sinh, chất cấm vượt mức
cho phép là 1,92%. Như vậy là đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn, nhưng
nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn. Vì thế có vấn đề rất
lớn nên chúng tôi đang chỉ đạo là phải để làm sao giúp cho nhân dân biết được
và yên tâm để tiêu dùng và tiếp tục ngăn chặn sản xuất thực phẩm không an toàn”
(!?)
Phát ngôn có phần
“như đinh đóng cột” của ông Phát, dù
đúng hay sai về mặt nội dung, cũng có thể hiểu tại sao dân chúng, rất nhiều người,
ra sức “ném đá” ông trên các diễn đàn mạng. Ngay cả các tờ báo được nhiều người
cho là báo lề phải, vốn trung lập và phản ánh khách quan các chính sách, đường
lối cũng như tình hình Việt Nam, cũng lên tiếng chỉ trích ông Phát. Trong đó,
tác giả của tờ Lao Động giật ngay cái tựa bài rất đáng lưu tâm: “Ông quá coi
thường dân thưa ông Phát” (Bài báo này sau đó không hiểu vì lý do gì đã bị
chính tờ báo này gỡ xuống, nhưng trên trang báo Dân Trí vẫn còn đăng). Tác giả
không phải không có lý khi cho rằng ông Phát “coi thường” người dân. Bởi lẽ nếu
chỉ dựa vào báo cáo chưa rõ ngọn ngành, trích kết quả từ 6.000 mẫu thử và khẳng
định đa số thực phẩm đều “ổn” thì quả thật quá chủ quan. Đồng ý với tác giả bài
báo, tôi cũng cho rằng “Nhân dân không quan tâm đến các báo cáo của ngành ông bởi
vì nó xa lạ với những gì dân đang chứng kiến. Hiện thực mà nhân dân đang đối mặt
là thực phẩm bẩn tràn vào mâm cơm từng gia đình, đe dọa mạng sống từng người và
sức khỏe giống nòi”.
Hai vấn đề khác từ
phát ngôn ông Phát cho thấy sự thiếu tính toán và cân nhắc trong phát ngôn của
một người làm chức vụ Bộ trưởng. Thứ nhất, ông Phát không giải thích một cách
thuyết phục về báo cáo của mình (ở đâu, khi nào, với ai, điển hình cho khu vực
nào), chỉ cắt một lát cắt chủ quan để khẳng định đa số thực phẩm đều an toàn là
khác thường với thực tiễn. Dân chúng không nhìn báo cáo, hay nhất là những con
số khác với những gì họ va chạm và tiếp xúc mỗi ngày. Hãy xem các tờ báo lớn
hàng đầu của người Việt đã đấu tranh với thực phẩm bẩn suốt những năm qua như
thế nào? Hãy xem các vụ bê bối thực phẩm bẩn, chỉ riêng tại Hà Nội và Sài Gòn,
đã nhiều và nghiêm trọng đến mức nào? Vài hôm trước, các đoạn băng trên báo còn
cho thấy người ta tưới rau muốn bằng nhớt; thúc nước tăng trọng cho bò; tiêm
thuốc siêu nạc cho heo; tẩy hóa chất hàng lố lô chân gà; các xe container chất
đầy nội tạng heo, bò được tuồng vào các thành phố lớn, đến các quán nhậu, quán
ăn và cả mâm cơm của người dân.
Nói có vẻ vĩ mô hơn một
chút, nhưng cũng gần ngay trước mắt: thực phẩm Trung Cộng tràn vào Việt Nam, từ
củ cà rốt, củ khoai tây, mớ rau, đến trái cây. Các tuyến đường Hà Nội, Sài Gòn
bán đầy nho, táo, lê,... Trung Quốc. Dùng các máy móc thử độc thông thường cũng
phát hiện hàm lượng độc tố, chất hóa học vượt ngưỡng hàng trăm lần so với thông
thường. Người ta không dùng từ “tẩm thuốc” cho thực phẩm nữa, có người dùng từ
“chuyên môn” hơn là tắm, ngâm hay bao thuốc ngay từ khi có trái đến khi thu hoạch.
Những điều này không biết Bộ trưởng Phát có cho khảo sát, thu mẫu và điều tra
hay chưa? Muốn biết thực tế và hệ lụy hơn nữa, xin hãy cứ tìm đến các bệnh viện
để điều tra về số lượng người ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu, bị bệnh các loại
không ngoại trừ ung thư vì ăn phải thực phẩm bẩn trong nhiều ngày, nhiều tháng,
nhiều năm. Không biết ông Phát có tìm hiểu hay chưa?
Cái sai thứ hai của
ông Phát chính là thái độ và lời lẽ của ông (có thể) khiến người dân hiểu rằng
ông Phát đang “đá” trách nhiệm sang người dân. Thưa ông, tôi công bằng và khách
quan với ông, thậm chí chia sẻ với ông về trọng trách nặng nề của người làm bộ
trưởng, nhưng đó là con đường ông chọn và được dân tín nhiệm. Hàng chục triệu
dân không có nổi tấm bằng phổ thông, càng thiếu lắm các học hàm học vị cao cấp
như ngài Bộ trưởng, nên không có lý gì họ biết hết quan họ cái nào độc, cái nào
lành mà né ra. Thậm chí với cái bản năng duy lý của những người có thu nhập thấp,
họ phải ưu tiên hàng rẻ (có thể không ngon, nhưng phải an toàn).
Trách nhiệm của ông
không phải chỉ tạo ra một môi trường có nhiều hàng hóa sạch và an toàn như ông
trích dẫn từ báo cáo, mà quan trọng hơn nữa là phải loại trừ đến mức tối đa
hàng kém chất lượng, hàng không an toàn cho dân được nhờ. Nếu ngày nào dân còn
mắc bẫy thực phẩm bẩn thì trách nhiệm đó, không ai khác, chính ngài Bộ trưởng
phải nhận trách nhiệm, họa may người dân xem xét để có thể thông cảm cho ông.
Khi dân chúng đối mặt với thực phẩm bẩn tràn lan, khi các chương trình và chiến
dịch chống thực phẩm bẩn được các cá nhân, tổ chức cùng nhau tiến hành, thì ông
lại đi ngược với khẳng định lấy từ một lát cắt báo cáo thiếu thuyết phục. Dẫu
cho báo cáo ấy không có vấn đề về mặt khoa học, thì nó cũng có vấn đề về mặt nội
dung.
Dân chúng là những
người không biết về chính trị; càng không hiểu về khoa học. Họ không có nghĩa vụ
phải hiểu những vấn đề đó. Họ đóng thuế và bầu ra người làm lãnh đạo như ông,
là để thực hiện những công việc hợp lý, tạo ra một môi trường an toàn mà chính
họ cảm nhận được. Chứ không phải để người làm bộ trưởng phát ngôn khiến họ nổi
giận, thưa ông!
Nguồn: VOA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét