Lê Thiên
Những chuyện về mối
quan hệ giữa Cộng sản Việt Nam (CSVN) và Cộng sản Trung Hoa (CSTH) là loại truyện
dài nói hoài không hết. Cũng vậy, đối với chuyến “thăm” Việt Nam từ ngày 27 tới
31/3/2016 của tướng Trung Cộng Thường Vạn Toàn, báo chí đã đề cập tới nhiều vẫn
chưa dứt. Chúng tôi cũng vậy, tuy đã đóng góp hai bài về vấn đề này, vẫn chưa
muốn ngừng.
Ngày 28 tháng Ba,
ta-Tàu
Dưới tiêu đề Quân đội
Việt-Trung ‘giao lưu hữu nghị’, bản tin của BBC ngày 30/3//2016 cho biết “Các
nguồn tin chính thức cho hay ngày 28/3, cuộc Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên
giới Trung-Việt lần thứ ba đã diễn ra tại Lạng Sơn, Việt Nam…
Bản tin nhấn mạnh:
“Cũng trong ngày 28/3, khoảng 4.500 cựu chiến binh Trung Quốc từ 26 tỉnh từng
tham gia chiến tranh biên giới đã về thành phố Phòng Thành Cảng, khu tự trị dân
tộc Choang tỉnh Quảng Tây, để dự lễ tưởng niệm chiến tranh biên giới
Việt-Trung.”
Chủ trì cuộc hội
đàm giao lưu hữu nghị là “Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường
Vạn Toàn và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh”.
Quả vậy! Ngày
28/3/2016, bên này biên giới (tỉnh Lạng Sơn) tiến hành giao lưu hữu nghị rầm rộ;
bên kia (tỉnh Quảng Tây) người ta cũng rầm rộ lễ tưởng niệm chiến tranh biên giới
Việt-Trung… mà lẽ ra phải là 17/2 (17/2/1979 ngày diễn ra chiến tranh biên giới
Việt-Trung) chứ đâu phải 28/3!
Tướng Việt theo chân
tướng Tàu … xem bắn đạn thật?
Một chi tiết không thấy
BBC nói tới, nhưng được báo Quân Đội Nhân Dân của CSVN ngày 30/3/2016 khai báo:
“Sáng 30-3, Đại tướng Phùng Quang Thanh cùng Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc
phòng Việt Nam đã lên đường sang Trung Quốc dự các hoạt động Giao lưu hữu nghị
quốc phòng biên giới Việt-Trung lần thứ 3, tại Bằng Tường, Trung Quốc.”
Cũng theo báo này,
“cùng đi với Bộ trưởng Phùng Quang Thanh có đại diện lãnh đạo các cơ quan Bộ Quốc
phòng, tổng cục, các quân khu, quân chủng, binh chủng, Bộ đội Biên phòng… được
nhân dân huyện Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây đón”. Chuyện lạ? Lịch thăm VN của
BTQPTQ ghi rõ là từ ngày 27 đến 31/3/2016 kia mà! Cớ sao bỗng dưng Phùng Quang
Thanh có mặt ở Quảng Tây ngày 30/3/2016, cùng với Thường Vạn Toàn. Hóa ra Thường
Vạn Toàn bỏ ngang chương trình tại VN và dắt đám Phùng Quang Thanh sang Tàu bàn
chuyện cơ mật đảng sự và quốc sự! Để khỏi bị “thế lực thù địch” dòm ngó quấy rối,
xuyên tạc à?
Đoàn đại biểu quân sự
của VN lại được dắt “tới thao trường xem trình diễn kỹ năng chiến đấu, biểu diễn
võ thuật, tác chiến chống khủng bố, bắn đạn thật… do Trung đoàn 3, Bộ đội Biên
phòng Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây thể hiện. Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Phùng
Quang Thanh đã biểu dương và khen ngợi các đội trình diễn.” Thật không hiểu nổi!
Mà lại “xem trình diễn… bắn đạn thật” đấy! Lạ chưa? Quy luật an toàn bảo vệ yếu
nhân áp dụng thế nào đây ngay trên lãnh thổ Trung Cộng? Để mặc cơ quan quân sự
Tàu cho binh lính họ “trình diễn kỹ năng chiến đấu bằng… bắn đạn thật” xem ra
là trò chơi chống quy luật an ninh khá liều lĩnh đấy! Tờ QĐND của CSVN có ý
phóng đại sự kiện để tô điểm vị thế của Phùng Quang Thanh trên đất Tàu, trước mặt
tướng Tàu chăng? Khoe khoang kiểu đó e chỉ làm hạ vị thế, nhân cách và trình độ
nhận thức của Phùng Quang Thanh và đoàn tùy tùng của ông ấy mà thôi! Phải
không?
Nghĩa vụ trồng cây
bên Tàu
Cũng chính báo
QĐND/CSVN tường thuật: “Tiếp đó, Đại tướng Phùng Quang Thanh cùng Đoàn đại biểu
cấp cao BQPVN tới thăm Đại đội 13, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 3, Bộ đội Biên phòng
Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, cùng trồng cây hữu nghị Việt-Trung tại đơn vị.”
Lại một điều khó hiểu
nữa đối với đám dân dã người Việt như chúng tôi đây. Lẽ nào Đại tướng Phùng
Quang Thanh cùng Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam lại hạ mình “tới
thăm một đại đội của TC, và trồng cây hữu nghị” tại cái đơn vị Đại đội nhỏ bé
này?
Đề cập tới chuyện trồng
cây bên Tàu, Ts Trần Công Trục trao đổi với BBC ngày 01/4/2016, nêu rõ: “Tại
Trung Quốc sáng 26/3 cả thảy 9 Thượng tướng, thành viên Quân ủy trung
ương Trung Quốc sau cải cách đồng loạt hiện diện trong lễ Nghĩa vụ
trồng cây tại xã Tôn Hà khu Triều Dương, Bắc Kinh, vắng mỗi ông Tập Cận
Bình – Chủ tịch Quân ủy và ông Thường Vạn Toàn – Bộ trưởng Quốc phòng.
Hai ông đều đi công du nước ngoài.”
Thường Vạn Toàn không
có mặt ở Bắc Kinh để làm “nghĩa vụ trồng cây”, thì mặc kệ ông ấy chu toàn nghĩa
vụ mình nơi khác trên đất nước ông ta. Phùng Quang Thanh và Nguyễn Chí Vịnh có
được “lên chương trình” trước về nghĩa vụ trồng cây của hai ông trên đất Tàu, với
người Tàu, như người Tàu trong thời điểm này không?
Như vậy, đưa ra cái
chuyện “nghĩa vụ trồng cây” bên Tàu để quả quyết với BBC ngày 01/4/2016 rằng “Bộ
trưởng Quốc phòng TQ thăm VN là ‘có tính toán!’” Trần Công Trực hẳn là có thâm
ý!
Rải thảm đỏ đón Tàu Cộng
Tháng Mười Một năm
ngoái, khi người dân Việt Nam tỏ ý ngờ vực về chuyến thăm của Tập Cận Bình
((5&6/11/2015), TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ
CSVN tung một bài báo dài đầy lý luận “biện chứng” rằng “mặc dù dư luận có những
suy nghĩ khác nhau về chuyến thăm này, nhưng cá nhân tôi đánh giá cao chuyến
thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc.” Bởi lẽ Ts Trần Công Trục vững tin vào “THIỆN
CHÍ” của phía Trung Quốc, vào “căn cứ PHÁP LÝ” của vấn đề Biển Đông và đặc biệt
vào “Tinh thần CẦU THỊ” của Tập Cận Bình. Với ông Trục, đó là “cửa ngõ đầu tiên
của đối thoại” và từ đó ông lên tiếng hô hào người Việt Nam “không nên để những
phản ứng mang nặng cảm xúc tồn tại dai dẳng trong dư luận ở trong và ngoài nước
như hiện nay khiến công chúng hoài nghi, tạo điều kiện cho những kẻ cơ hội
chính trị lợi dụng để tiến hành các hoạt động phá hoại, lật đổ hay thực hiện
các động cơ chính trị đen tối.”
Theo ông Trục, “cách
tiếp cận né tránh sự thật lịch sử, ‘đậy lại quá khứ’…như hiện nay đang gây ra hệ
lụy, tạo mầm mống ung nhọt trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như
việc tạo cớ cho các lực lượng chính trị lợi dụng để chống phá ở mỗi nước.” Ôi!
Lại cũng thế lực thù địch! Trút hết tội lỗi lên đầu các lực lượng chính trị thù
địch, Trần Công Trục kết luận chắc nịch: “Vì vậy, tôi nguyện được làm người rải
thảm đỏ để chào đón các vị khách quý đến Việt Nam!”
Tâm đắc với ý tưởng của
mình, Trần Công Trục quyết định chọn câu Tôi nguyện được làm người rải thảm đỏ
để chào đón các vị khách quý đến Việt Nam làm tiêu đề bài báo của mình đăng
trên Giáo Dục Việt Nam ngày 28/10/2015.
Sập hầm chông họ Tập
Tập Cận Bình thăm Việt
Nam trong hai ngày: 05 và 06/11/2015. Không phải Trần Công Trục, mà cả Đảng và
Nhà nước CSVN đã trải thảm đỏ đón rước họ Tập. Tập Cận Bình tung bài ca “hữu
nghị” 16 chữ vàng và 4 tốt, buông ra những lời hoa mỹ thắm thiết tình đồng chí
keo sơn khiến Quốc Hội CSVN hí hửng thỉnh mời Tập Cận Bình ban huấn từ, huấn dụ
giữa Quốc Hội!
Vietnamnet ngày
06/11/2016 (qua bài Ông Tập Cận Bình: Việt Nam – Trung Quốc cần xuất phát từ đại
cục để xử lý bất đồng) ghi nhận: “Viện dẫn nhiều ngạn ngữ nói về tình ‘anh em’
trong quan hệ Việt – Trung, bài phát biểu trước 500 đại biểu Quốc hội Việt Nam
của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc cho rằng, láng giềng khó tránh va chạm
nhưng hai bên cần xuất phát từ đại cục để xử lý bất đồng.” Họ Tập đưa ra thuyết
“tiểu cục, đại cục” hấp dẫn đến nỗi cán lớn cán nhỏ vỗ tay rào rào, nhiệt liệt
hoan nghênh THIỆN CHÍ cũng như tinh thần CẦU THỊ của Đảng trưởng Đảng CSTQ anh
em: “Hai bên cần kiên trì xuất phát từ đại cục quan hệ hai nước thông qua hiệp
thương hữu nghị và hòa bình, kiểm soát và xử lý bất đồng một cách thỏa đáng, đề
phòng quan hệ chệch hướng. Khi đại sự đã được coi trọng thì tiểu sự sẽ không
khó giải quyết.”
Nào ngờ, ngày hôm
sau, 07/11/2015, vừa rời Việt Nam và đặt chân lên Singapore, Tập Cận Bình lập tức
đổi giọng, dõng dạc khẳng định, “những hòn đảo trên Biển Đông là thuộc lãnh thổ
Trung Quốc kể từ thời cổ xưa và chính phủ nước này phải có trách nhiệm bảo vệ
chủ quyền và quyền lợi hàng hải của mình.” (Báo An Ninh Thủ Đô ngày 7/11/2015 –
Ông Tập Cận Bình ngang nhiên tuyên bố các đảo ở Biển Đông là của Trung Quốc).
Thế là Trần Công Trục tắt tiếng! Ông và Đảng
của ông không ngờ sập vào hầm chông của họ Tập. Nay đến phiên Thường Vạn Toàn
thăm VN, ông Trục cẩn trọng hơn và nhanh chóng đổi giọng, cảnh báo “chuyếng
thăm Việt Nam của Thường Vạn Toàn là “có tính toán” trong khi Phùng Quang Thanh
và Nguyễn Chí Vịnh, ngược lại, đã hết lời ca ngợi chuyến thăm ấy thành công rực
rỡ.
Chuyến thăm “có tính
toán”
Trần Công Trục chỉ ra
hàng loạt những mưu toan tính toán của phía Tàu Cộng, bởi vì ông “chưa thấy
thiện chí nhìn thẳng sự thật lịch sử với thái độ khách quan, sòng
phẳng và cầu thị từ các nhà lãnh đạo Trung Quốc.”
Ông Trục chua chát:
“Dường như họ chỉ muốn tìm cách khuyên răn chúng ta ‘khép kín’ để quên đi
quá khứ, muốn chúng ta ‘duy trì hiện trạng’ còn họ thì ‘lấn tới tương
lai’”. “Ngoại giao họ nói một chuyện, thực tế họ làm một nẻo” – Ông Trục cho biết
– “Những tuyên bố hết sức mỹ miều hoàn toàn ngược lại với tính toán và hành động
thực tế của họ”.
Theo Trần Công Trục,
“cuộc chiến biên giới do TC khai chiến ngày 17/2/1979, đến nay chờ dịp BTQP/TC
sang VN 17/3/2016 Trung Cộng mới tổ chức lễ tưởng niệm.” Ông Trục bảo đó cũng
là “một sự tính toán” của phía Trung Cộng!
Trần Công Trục còn chỉ
ra một tính toán khác của TC là “ngay trong ngày 30/3 khi Bộ trưởng Quốc phòng
hai nước còn đang hội đàm ở Quảng Tây, thì ông Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại
giao Trung Quốc công khai thừa nhận thông tin báo giới phản ánh tuần trước,
Trung Quốc đã bố trí bất hợp pháp tên lửa chống hạm YJ-62 ở đảo Phú Lâm, Hoàng
Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).”
Lại nữa, có hai điều ẩn
giấu trong “tính toán” của TC mà Ts Trần Công Trục dẫu không khai ra, người dân
Việt Nam cũng đã biết từ lâu. Hai điều ấy theo nguyên văn bài báo của ông Trục
là:
“1) Thêm một lần nữa
tìm cách ngăn cản Việt Nam không được khởi kiện Trung Quốc như Philippines
đã làm, nhất là ngày ra phán quyết của PCA đang đến gần;
2) Cản trở khả năng
Việt Nam hợp tác quân sự với Hoa Kỳ, như việc đặt kho hậu cần tại Việt
Nam mà một số quan chức Mỹ đã tiết lộ, hoặc tìm kiếm việc truy cập
cảng Cam Ranh…”
Đúng! Người dân VN
“phải hết sức tỉnh táo trước bài toán ‘đại cục – tiểu cục’ mà các nhà
lãnh đạo Trung Quốc đang triển khai”.
Ts Trần Công Trực hỏi:
“Ngư dân Việt Nam vẫn bị tấn công ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa – một phần
lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp.
Trung Quốc vẫn tiếp tục quân sự hóa Biển Đông thì lấy đâu ra lòng tin và
cơ sở củng cố quan hệ hai nước?”
Rồi ông Trục lại đề
nói tới thế lực thù địch. Nhưng khác với trước, lần này ông Trục nhắm vào Trung
Cộng thay vì hàm hồ tấn công đồng bào của ông: “Người dân Việt Nam mong muốn
các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng, cách tốt nhất để ‘phản bác luận
điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch’ là giải quyết một cách sòng
phẳng, khách quan, cầu thị theo đúng tinh thần luật pháp quốc tế các
tranh chấp, bất đồng giữa hai nước trên Biển Đông và nhìn nhận đúng
đắn, khách quan về các sự kiện lịch sử, chứ không phải tìm cách lảng
tránh, che đậy nó để ‘thế lực thù địch’ nào đó lợi dụng.”
Cú đấm của Lê Văn Lai
Mới đây, ngày
02/4/2016, giữa Quốc Hội CSVN, đại biểu QHCS Lê Văn Lai (Quảng Nam) nói rằng,
ông rất ngạc nhiên khi trong tất cả các báo cáo của Chính phủ, của các cơ quan
hữu quan đều “đánh giá là chúng ta đảm bảo chủ quyền an ninh quốc gia.” Cơ quan
hữu quan là của ai, chẳng phải là cơ quan cao nhất của đảng và của nhà nước
CSVN sao? Vậy mà, ông Lai buộc lòng phải thắc mắc: “Đảm bảo chủ quyền an ninh
quốc gia thế nào, trong khi đó người ta nắn từ đảo ngầm thành đảo nổi. Người ta
xây sân bay. Người ta kéo pháo hạm. Người ta đưa máy bay tiêm kích. Người ta o
ép dân, cướp bóc, thậm chí giết chóc. Người ta sắp tuyên bố những điều xâm phạm
đến chủ quyền như nhận dạng hàng không, dùng các chuyến bay cắt ngang chuyến
bay truyền thống được quốc tế thừa nhận của Việt Nam.”
Ông Lai bộc trực:
“Tôi cố gắng ép suy nghĩ của mình để đồng thuận với đánh giá là chúng ta đảm bảo
chủ quyền quốc gia, nhưng nói thật với các đại biểu là tôi ép không nổi. Những
hành vi đó không thể có từ nào khác hơn là sự xâm hại nghiêm trọng đến chủ quyền
của quốc gia. Không biết chúng ta đánh giá xâm phạm chủ quyền quốc gia là những
hành vi nào? Những hệ lụy nào? Những hành động nào?”
Rồi ông dẫn chứng,
“chủ quyền lãnh thổ của chúng ta bị xâm phạm với tần suất 20 năm/lần. Năm 1956
lấy Đông Hoàng Sa. Năm 1974 lấy Tây Hoàng Sa. Năm 1988 lấy đảo Gạc Ma. Năm 2014
kéo giàn khoan vào biển Đông.” Ông Lai lại hỏi: “Chúng ta cứ nghiễm nhiên ngồi
đây để đánh giá là chúng ta đảm bảo chủ quyền quốc gia. Liệu điều đó có đúng
hay không? Đánh giá như thế thì liệu chúng ta đưa ra các quyết sách, phản đối,
đối kháng của chúng ta có phù hợp không?”
Có người cho lời phát
biểu của ông Lai là lời nói của một đại biểu cuối mùa. Nhưng, theo chúng tôi,
những điều ông Lai đưa ra trước công luận trong bối cảnh Bộ Trưởng QP Tàu Cộng
Thường Vạn Toàn “thăm” VN giữa lúc Đảng CSVN rộng ràng bố trí phe ta củng cố
quyền đảng trị, hủy hoại Đất Nước, thì đó là những điều đáng ghi nhận và trân
trọng. Tuy nhiên, theo chúng tôi, về Hoàng Sa, ông Lai nói chưa rõ. Vì sao?
Nỗi đau Hoàng Sa – Hiềm
Hán, hận Hồ
Ông Lê Văn Lai nhắc:
“Năm 1956 lấy Đông Hoàng Sa. Năm 1974 lấy Tây Hoàng Sa.”
Quả thật, năm 1956,
Trung Cộng đoạt phía Đông Hoàng Sa. Nhưng năm 1974, Tàu Cộng cướp TRỌN Hoàng Sa
(chứ không phải chỉ “lấy Tây Hoàng Sa”) sau khi xua quân bắn giết dã man các
chiến sĩ Hải Quân VNCH đang trấn giữ nơi đó vốn thuộc chủ quyền lãnh hải Việt
Nam. Vào thời điểm đó, tập đoàn Cộng sản Hà Nội đã câm như hến! Đứng ngoài nhìn
vỗ tay hoan hô là khác.
Từ năm 1956, trước
khi Tàu Cộng cướp Đông Hoàng Sa (cũng trong năm 1956), Ung Văn Khiêm của Bộ Ngoại
Giao CS Hà Nội đã đến tận Bắc Kinh, nhìn nhận Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa
& Trường Sa của Việt Nam) thuộc lãnh hải Trung Cộng. Hai năm sau, năm 1958,
Phạm Văn Đồng lại dùng Công hàm Ngoại giao chính thức xác nhận chủ quyền của TC
trên hai quần đảo ấy!
Thế nên khi TC đánh
chiếm Hoàng Sa năm 1974, CS Hà Nội coi đó là hành động chính đáng của Bắc Kinh,
nên đã im tiếng. Ngày nay, khi TC liên tục lấn chiếm, bồi lắp, nâng cấp, tăng
cường quân sự hóa ở Hoàng Sa, Trường Sa của VN thì CSVN chỉ biết khua môi ỡm ờ
chiếu lệ. Còn QH thì hết khóa này tới khóa khác, hết kỳ họp này tới kỳ họp
khác, vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông vẫn bị lờ đi khiến ĐB Trần Đình Long
(Đăk Nông) lo ngại và đặt câu hỏi: “Hàng ngày ngư dân ta vẫn bị Trung Quốc xua
đuổi đe dọa ngay trên vùng biển Trường Sa. Tại sao Quốc hội không có nghị quyết
chính thức về vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa, trong khi Mỹ và các nước EU đều chính
thức có ý kiến?…” (Dân Trí, 04/4/2016, QH phỏng thơ…)
Vì những lẽ trên,
ngày nay khi đặt câu hỏi cho đám quan chức CSVN “hầu Hán, hùng hay hèn?” người
dân Việt Nam khó mà dằn lòng trong nỗi uất ức “hiềm Hán, hận Hồ” đè nén tâm tư
bấy lâu nay!
Nguồn: ANHBASAM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét