Phạm Chí Dũng
Nếu Hội nghị trung ương 14 sắp diễn ra có thể vẫn chẳng đi tới đâu về
thỏa hiệp nhân sự cho “tứ trụ’, thì tiến trình TPP cũng chẳng khá gì hơn…
TPP sang 2017?
Khác hẳn với thời điểm cuối những năm trước, cuối năm 2015 là một thời
đoạn chẳng vinh quang gì dành cho cho chính thể Việt Nam đang dày công xung đột
quyền lực trước đại hội 12: cùng với quyết định “ngưng các khoản vay ưu đãi” của
Ngân hàng thế giới cùng số nợ Việt Nam phải trả trong hai năm 2015 - 2016 lên đến
16 tỷ USD, một thất lợi lớn khác đã xảy đến: ngày 10/12/2015, Chủ Tịch
Thượng Viện Hoa Kỳ, TNS Mitch McConnell (Cộng Hoà, Kentucky), chính thức
công bố sẽ không đưa TPP ra biểu quyết cho đến sau ngày bầu cử Tổng
Thống và Quốc Hội vào đầu tháng 11 năm 2016, vì Quốc Hội chỉ làm
việc ngắn hạn sau đó, số phận của TPP sẽ phải chờ nhiệm kỳ Hành
Pháp và Quốc Hội mới, bắt đầu năm 2017.
Trong quá khứ của nửa cuối năm 2015, lưỡng viện quốc hội Mỹ đã từng
“hành” kha khá định chế TPA (quyền đàm phán nhanh) liên quan mật thiết đến TPP,
để sau đó chỉ thông qua TPA với một tỷ lệ thuận rất sít sao so với tỷ lệ nghịch.
Nếu khả năng Thượng viện Mỹ buộc
TPP hoãn đến 2017 xảy ra, việc Việt Nam tham gia ký kết vào ngày 4/2/2016 như một
thông báo mới đây của Bộ công thương - cơ quan trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt
Nam - sẽ chẳng mang ý nghĩa nào lớn lao.
Càng chậm càng tệ. Việc kéo lui thời hạn thông qua TPP sẽ càng làm cho
cơ hội “Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong TPP” trở nên mờ mịt,
trong lúc nền kinh tế Việt Nam đã đặt một chân bên bờ vực thẳm. Thậm chí được
coi là “nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới”, gạo Việt Nam lại đang có nhiều
nguy cơ biến mất tại thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn đang hy vọng chính quyền Obama có thể thuyết phục
Thượng nghị viện Hoa Kỳ bỏ phiếu thông qua TPP vào giữa năm 2016, trước khi Tổng
thống Obama kết thúc nhiệm kỳ.
Khác hẳn với cơ chế WTO mà Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 một
cách khá dễ dàng, TPP là quá trầy trật. Việc lần đầu tiên hiệp định này được gắn
với các điều kiện nhân quyền như tự do lập hội, công đoàn độc lập và tự do tôn
giáo càng khiến chế độ chưa mấy quen với quyền làm người hết sức lúng túng và
khó xử.
Trong thực tế, nếu TPP không được Quốc hội Mỹ thông qua trong năm 2016,
đây sẽ là một năm “trống rỗng”, thậm chí làm nguội lạnh thêm mối quan hệ vừa được
hâm nóng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, tính từ mốc chuyến công du Washington của người
đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2015.
Trong bối cảnh TPP bị hoãn, dân chủ và nhân quyền Việt Nam cũng ít nhiều
bị ảnh hưởng. Sẽ không thể sớm có việc triển khai định chế Công đoàn độc lập và
quyền tự do lập nghiệp đoàn cơ sở của công nhân. Thậm chí giới lãnh đạo và công
an Việt Nam có thể gia tăng đàn áp, bắt bớ đối với một số nhà hoạt động nhân
quyền trong nước như từng hành xử với luật sư Nguyễn Văn Đài vào tháng 12/2015.
Thời kỳ ‘lu mờ’ Mỹ - Việt?
Gần hai tuần sau khi luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài bị Bộ công an đột
ngột khởi tố và bắt giam, Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam mới ra thông cáo báo chí về
thái độ “quan ngại sâu sắc” và nói vụ bắt bớ này “đe dọa làm lu mờ sự tiến bộ của
Việt Nam về nhân quyền trong những năm gần đây”.
Độ trễ khá dài của tuyên bố này có vẻ khác thường so với thái độ phản ứng
nhanh chỉ sau vài ba ngày cũng của Đại sứ quán Hoa Kỳ vào những lần Việt Nam bắt
giam người bất đồng chính kiến trước đây.
Một cuộc trao đổi giữa Đại sứ quán Hoa Kỳ với bà Vũ Minh Khánh - vợ của
luật sư Đài, đã được nữ nhà báo Đoan Trang ghi lại, cho thấy ngay cả Đại sứ Ted
Osius cũng tỏ ra bất ngờ trước hành động đàn áp bất đồng chính kiến của Nhà nước
Việt Nam ngay vào thời điểm này. Ông Ted Osius còn gọi hành động đó là một sự
“phiêu lưu”.
Một năm trước cảnh tượng tống giam luật sư Đài, công an Việt Nam cũng bất
thần mở đợt tấn công cao điểm vào giới đấu tranh dân chủ nhân quyền vào tháng
12 năm 2014. Kết quả là có đến ba blogger là Hồng Lê Thọ, Nguyễn Quang Lập,
Nguyễn Ngọc Già bị bắt chỉ trong tháng 12 ấy. Không khí cần được mô tả là trước
đó vào tháng 10/2014, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách về dân chủ, nhân quyền
và lao động Tom Malinowski đã đến Hà Nội và “kéo” được tù nhân lương tâm nổi tiếng
Điếu Cày Nguyễn Văn Hải khỏi nhà tù. Tưởng như tình hình dân chủ đã được cải
thiện đáng kể; thế nhưng từ tháng 10/2014 đến tết nguyên đán năm 2015 đã như có
một khối băng chắn giữa hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam.
Còn vào cuối năm 2015, khối băng đó có vẻ cũng đang phục hình lại. Sau
chuyến công du Washington của Nguyễn Phú Trọng được giới tuyên giáo ca ngợi
“thành công vượt trên mong đợi”, giới lãnh đạo Việt Nam lại chìm vào cuộc tranh
đấu không ngừng nghỉ để tranh giành những cái ghế tại đại hội đảng 12. Từ tháng
9/2015 đến nay, hầu như không có sự kiện đặc biệt nào giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Lẽ dĩ nhiên, Hoa Kỳ có lẽ đã làm phần lớn những điều cần thiết để cải
thiện quan hệ Mỹ - Việt và cho dân chủ - nhân quyền. Những gì còn lại thuộc về
ý thức cùng hành vi của Bộ chính trị Việt Nam. Nhưng thái độ chây ì cố ý của Hà
Nội, cùng động lực lôi kéo lẫn đe dọa liên tục từ Bắc Kinh đã khiến giới lãnh đạo
Việt Nam một lần nữa trở nên bất nhất.
Khác hẳn với thái độ mềm mỏng có phần quá nhu hòa từ khi nhậm chức đại
sứ từ đầu năm 2015, ông Ted Osius đang tỏ ra cứng rắn hơn hẳn. Thậm chí ông còn
nói với vợ của luật sư Đài rằng ngoài TPP, Mỹ vẫn còn nhiều thứ để gây áp lực đối
với Việt Nam.
Những “thứ” gì?
“Đổi áo” hay “thay ruột”?
Nếu diễn ra đúng “quy luật” như khoảng thời gian cuối 2014 - đầu 2015,
quan hệ Mỹ - Việt chỉ “tan băng” trong quý 1 năm 2016. Khi đó đại hội đảng cầm
quyền lần thứ 12 cũng đã kết thúc và may ra có thể hình thành một dàn nhân sự
được điểm xuyết bởi vài khuôn mặt coi trọng lợi ích với phương Tây và do vậy
cũng tỏ ra tôn trọng nhân quyền hơn.
Theo tin mới nhất, Nhà Trắng vừa dự kiến sẽ thông báo lịch trình Tổng
thống Obama viếng thăm Cuba của trong vài tháng tới. Nếu chuyến đi này trở nên
hiện thực và thúc đẩy thêm tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba, điều
này có thể tác động đến giới lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, đặc biệt nếu “tứ trụ”
mới bao gồm những gương mặt ít bảo thủ hơn và cũng ít lệ thuộc Trung Quốc hơn.
Khi đó, có khả năng giới ngoại giao Hà Nội sẽ tiến hành “vận động” Obama sang
thăm Việt Nam, để bầu không khí Mỹ - Việt dần ấm lại.
Cũng mới đây, báo chí Mỹ đưa tin Tổng thống Obama có thể đến Việt Nam
vào tháng 5/2016.
Tháng Năm năm nay lại trùng với thời điểm Quốc hội Việt Nam bầu cử lại.
“Đổi áo” hay “thay ruột”?
Ngay trước mắt, kết quả bầu bán nhân sự đại hội 12 của đảng cầm quyền sẽ
phần nào giải mã đường lối đối ngoại của Việt Nam trong năm 2016 và mối quan hệ
với TPP hữu cơ đến mức nào.
Càng chậm càng chết. Một trong những ưu tiên trên hết của Bộ chính trị
mới tại Việt Nam là phải làm tất cả để TPP được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua càng
sớm càng tốt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét