Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016

Sẽ không có hy vọng gì ở Hội nghị Trung ương 14?



Việt Dũng, cộng tác viên Dân Luận

 
Trò chơi quyền lực sẽ còn căng thẳng cho tới tận phút chót theo nhận định của Việt Dũng. Hình minh họa.

Nội bộ ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt nam có sự chia rẽ sâu sắc là điều không phải bàn cãi, những diến biến của cuộc đấu đá giữa các phe trong cung đình trong những ngày này xuất hiện trên mạng internet với tần suất dày đặc hơn bao giờ hết, đã cho thấy điều đó. Đó không chỉ là các tin tức thuộc dạng tuyệt mật được "xì" ra kiểu ăn miếng trả miếng một cách tưởng như rất vô tình từ các bên, cũng như các hoạt động hay phát biểu về đối ngoại, đối nội của các nhân vật đứng đầu các phe phái. Việc ông Đinh Thế Huynh đột ngột xuất hiện để phản bác thông tin về sự can thiệp của nước ngoài vào nội bộ lãnh đạo Việt nam từ phía Chính phủ là bằng chứng rõ ràng nhất.

Điều đó đã cho thấy mâu thuẫn giữa 2 phe trong đảng, đó là phe "bảo thủ" thân Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng và một bên là phe "cải cách" thân phương Tây của ông Nguyễn Tấn Dũng, đã hết sức sâu sắc. Đây là mâu thuẫn về chủ trương, chính sách và đường lối giữa các thế lực chính trị trong đảng.

Theo kế hoạch, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương khóa 14 sẽ khai mạc vào đầu tuần tới, với nội dung chính là, Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét và biểu quyết thông qua để xác định 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt: Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội cho Đại hội Đảng CSVN khóa 12. Đây là phần việc mà Hội nghị Trung ương 13 đã phải gác lại để giao cho Bộ Chính trị, tiếp tục chuẩn bị nhân sự trường hợp đặc biệt, đó là là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá 11 quá tuổi, tái cử, để đảm nhiệm chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Vấn đề quan trọng này, đã bị TBT Nguyễn Phú Trọng cố tình trì hoãn và không đưa ra bàn bạc tại Hội nghị Trung ương 13, vì lúc đó phe của Nguyễn Phú Trọng biết chắc rằng nếu đưa ra thì kế hoạch nhắm đến chức Tổng Bí thư Đảng khóa 12 của các nhân vật như Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang sẽ thất bại hoàn toàn. Ngược lại, sẽ tạo cơ hội cho ông Nguyễn Tấn Dũng giành lấy chiếc ghế Tổng Bí thư, là điều là phe của ông Nguyễn Phú Trọng không bao giờ muốn và quyết tâm phá cho bằng được. Đây cũng là nguyên do chuyến thăm vội vã Trung quốc của ông Nguyễn Sinh Hùng, ngay sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương 13 và đã gây ra biết bao tai tiếng.

Sự thất bại của phe ông Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị Trung ương 13, được thấy qua việc hàng loạt các ứng cử viên Bộ Chính trị thuộc phe Đảng giới thiệu bị loại, cho dù Ban Chấp hành Trung ương cũng thống nhất danh sách giới thiệu của Bộ Chính trị, song đối với nhân sự mới giới thiệu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư Khoá 12 cho dù cơ bản thống nhất nhưng cũng có sự khác biệt. Đó là: "Danh sách Bộ Chính trị giới thiệu đã không được Ban Chấp hành Trung ương chấp nhận gồm 03 trường hợp: Hồ Mẫu Ngoạt, Đào Mộng Dung, Thuận Hữu. Có 07 trường hợp Bộ Chính trị giới thiệu không quá bán hoặc không giới thiệu nhưng tại HNTW 13 được Trung ương giới thiệu thêm. Trong đó, có 04 trường hợp được Trung ương bỏ phiếu tín nhiệm gồm: Phạm Bình Minh, Trương Thị Mai, Nguyễn Văn Bình và Lương Cường; 03 trường hợp còn lại không được quá bán là: Đinh La Thăng, Nguyễn Chí Vịnh và Võ Trọng Việt."

Những cái đó đã chứng tỏ có những trường hợp Bộ Chính trị giới thiệu nhưng Ban Chấp hành Trung ương không chấp nhận, ngược lại Trung ương giới thiệu nhiều trường hợp nằm ngoài giới thiệu của Bộ Chính trị và đạt kết quả. Ban Chấp hành Trung ương đã chứng tỏ rằng quyền quyết định thuộc về họ và kết quả này phản ánh vị thế của Ban Chấp hành Trung ương nổi trội hơn sự chỉ đạo của Bộ Chính trị. Điều đó khiến cho phe của ông Nguyễn Phú Trọng cho dù nắm đa số trong Bộ Chính trị hiện nay, vẫn hết sức lúng túng và vai trò của Ban Chấp hành Trung ương là hết sức quan trọng trong việc quyết định nhân sự lãnh đạo của Đại hội Đảng lần thứ 12. Có nghĩa là phe nào nắm giữ được đa số số lượng Ủy viên Trung ương sẽ giành được thắng lợi.

Vào thời điểm hiện nay, có tin nói rằng ông Trọng sẽ ở lại giữ chức vụ Tổng Bí thư của Đại hội 12 và ông Dũng phải ra đi, chỉ là một tin đồn thiếu cơ sở nhằm che đậy sự thất bại và yếu thế của phe ông Nguyễn Phú Trọng. Cộng với các hoạt động đối ngoại liên quan đến vấn đề Biển Đông của phía Chính phủ, các phát biểu tỏ ra kiên quyết, mạnh mẽ hơn bao giờ hết của người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng như của báo chí đã cho thấy phe ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn đứng vững. Tuy vậy khả năng ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ giữ chức vụ Tổng Bí thư của Đại hội 12 là điều cực kỳ khó khăn là hoàn toàn khó trở thành hiện thực. Rất có thể ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ chọn giải pháp lùi vào trong hậu trường để giải tỏa các bế tắc, khi mà đối phương đang bủa vây ông ta hết sức nặng nề. Vì thế kết quả của Hội nghị Trung ương 14 cũng không có bước tiến bộ đáng kể về công tác nhân sự lãnh đạo chủ chốt và 2 phe sẽ tạm thời chấp nhận để vấn đề này sẽ được ngã ngũ vào Hội nghị trù bị diễn ra vào ngày 19/01/2016.

Trước đây ít ngày, "lá bài" có nên để Đại hội 12 tiến hành bầu trực tiếp 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt: Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội ở kỳ đại hội toàn thể, đã được đặt ra trong các cuộc họp của Bộ Chính trị gần đây. Điều này được khẳng định trong bức thư của ông Lê Đức Anh gửi ông Tổng Bí thư và Bộ Chính trị yêu cầu việc thực hiện tập trung dân chủ trong Đảng và tư cách, năng lực của vị trí Tổng Bí thư Khóa XII trước nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia Dân tộc. Đây là vấn đề đáng chú ý, vì nếu như Ban CHTW thông qua ý kiến này với đa số, thì cũng có nghĩa là Hội nghị Trung ương sẽ phế bỏ quyết định 244/QĐ/TW, quy định Quy chế bầu cử ứng cử tại Đại hội Đảng lần thứ 12 của Bộ Chính trị.

Vì trong lúc này, đa số các Ủy viên TW Đảng đều có chung một nhận định là "Điều lệ Đảng là luật tối cao đảm bảo tính nghiêm minh, dân chủ của Đảng, nhưng chính Điều: 13, 14, 17, 19 của quyết định 244/QĐ/TW đã thu hẹp dân chủ, tăng cường tính tập trung đến mức vi phạm quyền tự do bầu cử, ứng cử của “công dân đảng viên” mà quyền này là quyền tự do sơ đẳng mà Đảng đã quy định từ khi mới thành lập. Không thể nói khác hơn: Dân chủ trong Đảng đã bị quyết định 244/QĐ/TW thủ tiêu thay bằng độc đoán, chuyên quyền vi phạm Điều lệ Đảng". Và đây là một trở ngại vô cùng lớn đối với phe của ông Nguyễn Phú Trọng.

Tuy vậy, ở mỗi phe trong đảng hiện nay chỉ nắm được một số các Ủy viên Trung ương trung thành với số lượng nhất định, cho dù phe của ông Nguyễn Tấn Dũng có vẻ trội hơn, nhưng không nhiều. Quan trọng nhất là, số còn lại chiếm một bộ phận không nhỏ trong Ban Chấp hành Trung ương, đó là các thành phần cơ hội, gió chiều nào che chiều ấy hoặc bên nào mạnh, có lợi thì họ theo (bằng cách bỏ phiếu cho). Và lực lượng này mang tính chất quyết định cho sự thắng lợi của các phe phái, cũng như việc ai ở, ai đi trong Đại hội 12, đồng thời họ sẽ chỉ chịu "nhả" lá phiếu của mình vào thời điểm cuối cùng khi buộc thùng phiếu phải đóng lại, cũng là thời điểm mọi sự mặc cả đã khép lại. Thời điểm ấy rất có thể là khi Đại hội toàn thể Đảng CSVN bỏ phiếu bầu ban lãnh đạo cao nhất.

Chính vì thế, ở giai đoạn chạy đua nước rút này thì các phe trong Đảng còn nhiều vũ khí bí mật của mình và sẽ được tung ra trong thời điểm thích hợp có lợi nhất. Đồng thời còn có nhiều màn đấu đá quyết liệt vô cùng hấp dẫn mà không ai có thể ngờ tới.

Ngày 07/01/2016

© Việt Dũng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét