Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Hoàng đế và quan lại: từ Tần đến Tập


Tuần đầu năm mới 2016, chứng khoán Shanghai Composite sụt luôn 7%, một dấu hiệu xấu cho kinh tế Trung Quốc.

Cùng ngày, một hiệu sách chuyên phê phán Bắc Kinh ở Hong Kong báo có năm nhân viên mất tích, người mới nhất có hộ chiếu Anh.

Phái dân chủ Hong Kong nghi rằng họ bị công an Trung Quốc bắt cóc.



Cuốn sách của tiệm Đồng La Loan (Causeway Boostore) sắp ấn hành chỉ nói đến ‘bạn gái cũ’ của ông Tập Cận Bình nhưng cũng đủ làm bà Bành ‘nổi cơn tam bành’, theo một số tờ báo tiếng Anh.

Chuyện này xảy ra trong bối cảnh cơn sốt ‘sùng bái cá nhân’ ở Trung Quốc ngày càng tăng.

Một biên tập viên BBC Tiếng Trung nói ‘thật đáng buồn khi Trung Quốc không thoát ra được cái bóng của Mao’ sau bao nhiêu năm Khai phóng, giao tiếp với Phương Tây.



Truyền thông Trung Quốc sung sướng khi có người nước ngoài hát bài ca ngợi Tập Đại đại 'đẹp trai, hấp dẫn'

Nhưng vì sao lại có chuyện viết bài hát, dựng phim, lập phong trào tụng ca ‘Cha Tập mẹ Bành’ như hiện nay?

Ngày cuối năm 2015, giáo sư Uông Tranh (Wang Zheng) từ Seton Hall University ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài trên The Diplomat về thuyết ‘tôn thờ lãnh tụ’ ở Trung Quốc.

Theo ông, thuyết này nói từ thời Tần (221-206 trước Công nguyên) đến nay, chính trị Trung Hoa không thay đổi.

Nếu hoàng đế yếu thì quan lại và bộ máy sẽ lấn át, biến người đứng đầu thành tượng trưng, bất lực.

Nếu hoàng đế mạnh thì sẽ dùng mọi cách để mạnh hơn nữa, trong triều trảm tham quan, nhốt thái giám, ngoài cõi trừng trị vương hầu làm loạn.

Càng mạnh hoàng đế sẽ càng nghĩ mình là thiên tử thật rồi.

Ngài sẽ được cả nước xúm vào tôn thời, ca ngợi và đám quan lại tạo ra vầng hào quang để che mắt vua, cuối cùng tách vua khỏi thực tại.


                                       Quan lại Trung Hoa luôn muốn kiểm soát hoàng đế

Đây là vòng quay từ các thời vua chúa, đến Mao, và nay đến cả Tập Cận Bình.

Trong bài có tên 'Between Bullying and Flattery: A Theory on Chinese Politics' (tạm dịch: Giữa đe dọa và nịnh hót: một thuyết về chính trị Trung Quốc'), Giáo sư Uông Tranh nói phong trào ngợi ca ông Tập được nhà nước Trung Quốc, Đảng Cộng sản và chính ông ta thúc đẩy.

Về thăm Trung Quốc mấy tháng trước, vị giáo sư còn thấy mọi phòng khách sạn nay có cuốn sách dạy về trị nước của ông Tập, “hệt như mọi khách sạn Phương Tây có Kinh Thánh”.

Ông Uông Tranh cho rằng ông Tập Cận Bình đang rơi vào ‘vết xe đổ’ của quá khứ và điều này không có gì hay, bởi theo thuyết về vua chúa nói trên, “cuối cùng thì đám quan lại sẽ thắng”.

Nếu muốn cắt đứt nghiệp chướng này, ông Tập cần “cải cách mạnh bộ máy ở Trung Quốc”, và việc đầu tiên là cấm bộ máy tuyên truyền tung ra các chiến dịch tô vẽ chính mình, giáo sư Uông viết.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét