Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

Chuyển động quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương (13/1/2016)





Tác giả: Nguyễn Thế Phương


Các tàu chiến thuộc lực lượng chấp pháp biển bán vũ trang (CMLE) thường được cho là ít mang yếu tố gây căng thẳng hơn các tàu chiến hải quân. Các tàu CMLE trang bị nhẹ, thông thường là với ra-đa, các cảm biến quang điện từ, các hệ thống thông tin hàng hải cũng như súng nước. Các tàu này cũng thường được trang bị một hoặc hai chiếc ca-nô nhỏ để thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Đối với những tàu CMLE lớn hơn và được trang bị tốt hơn, thiết kế cho phép chúng có thể tiến hành nhiệm vụ ở những vùng biển xa bờ hơn, và trong mọi hình thái thời tiết. Các tàu này có thể sở hữu sàn đáp hay hầm chứa máy bay máy bay trực thăng và thích hợp với nhiều loại nhiệm vụ khác nhau, từ tìm kiếm cứu nạn, kiểm soát ô nhiễm cho tới ứng phó thiên tai.

Tuy nhiên, đặc điểm khiến các tàu CMLE không mang nhiều yếu tố gây căng thẳng chính là do chúng thiếu các loại vũ khí tấn công. Thông thường, chúng ta sẽ đôi lúc thấy súng máy được lắp đặt hoặc một số loại súng cỡ nòng trung bình được đặt trên boong tàu, đi kèm với một số công cụ kiểm soát hoả lực điện tử.

Một vài lực lượng CMLE có thể đóng vai trò mới một khi xung đột xảy ra, ví dụ như Bảo vệ bờ biển Mỹ hay Đài Loan. Các tàu của hai lực lượng này có thể được “cải tạo khẩn cấp” nhằm trang bị thêm nhiều loại vũ khí như tên lửa hạm để hỗ trợ cho lực lượng hải quân. Tuy vậy, CMLE về mặt kỹ thuật chỉ được thiết kế cho các nhiệm vụ có cường độ thấp, mang tính đảm bảo an ninh chứ không phải là tham gia vào các cuộc chiến tranh thực sự có cường độ cao. Vì thế, mức độ sống sót của các tàu CMLE trong trường hợp có xung đột xảy ra là không lớn. Thiết kế của các tàu này dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật dân sự, vì vậy không có khả năng chịu đựng các tổn hại có thể xảy ra trên chiến trường.

Các lực lượng bảo vệ bờ biển của các nước Đông Nam Á có thể ngang bằng và vượt trội hơn so với Trung Quốc về chất lượng của một số loại tàu CMLE (do tiếp thu công nghệ và mua các tàu từ Nhật Bản và phương Tây). Tuy nhiên, Trung Quốc có lợi thế về mặt kinh phí để theo đuổi các chương trình hiện đại hoá lớn hơn. Một mặt, tuần duyên Trung Quốc liên tục tiếp nhận các tàu do hải quân chuyển giao. Mặt khác, lực lượng này đóng mới các tàu lớn hơn và được trang bị tốt hơn.

Có một số thông tin cho rằng lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc đang chuẩn hoá các thiết kế căn bản để thúc đẩy quá trình đóng tàu nhanh hơn. Ví dụ, tàu Hải cảnh 44104 có những thiết kế tương tự như tàu chiến Type-056 Giang Đảo của hải quân.

Quá trình xây dựng năng lực của cảnh sát biển Trung Quốc trong thời gian gần đây tạo ra nhiều lo ngại. Lực lượng chấp pháp biển Trung Quốc nhiều lần đóng vai trò là tuyến đầu trong một số hành động “bảo đảm chủ quyền” hung hăng nhất của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Kích cỡ cũng như động cơ của tàu đóng vai trò quan trọng trong truòng hợp có va chạm xảy ra. Các tàu như Hải cảnh 3901 sẽ chiến thắng trong các vụ va chạm như thế trong tương lai trước các tàu nhỏ hơn của các nước Đông Nam Á. Đối thủ lớn nhất của các tàu cảnh sát biển Trung Quốc tại Biển Đông, tàu DN-2000 của Việt Nam (trong tương lai sẽ là DN-4000), có thể đối đầu ngang cơ với hầu hết các tàu hải cảnh khác của Trung Quốc. Nhưng DN-2000 sẽ dễ dàng bị áp đảo bởi Hải cảnh 3901 nếu Bắc Kinh quyết định triển khai loại tàu này tới Biển Đông. Hơn nữa, dưới ảnh hưởng của luật chấp pháp dân sự mới, những tàu hải cảnh của Trung Quốc hoàn toàn có khả năng thách thức chính lực lượng hải quân của các nước khác. Việc sử dụng tới Hải cảnh 3901 được cho là nhắm vào hải quân Mỹ. Với lượng giãn nước lên tới 12.000 tấn, lớn hơn của tàu chiến Lassen gần đây tiến hành đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông. Đối với Mỹ, Hải cảnh 3901 tạo ra thách thức đáng lo ngại.

Theo truyền thông Trung Quốc, Hải cảnh 3901 có thể đạt tốc độ tối đa 25 hải lý/ giờ và được trang bị súng bắn nhanh cỡ nòng 76mm, hai súng cấp hai và hai súng phòng không. Tàu cũng sở hữu một sàn đáp trực thăng và một nhà chứa máy bay tại đuôi tàu.

Quay lại với các bước đi hiện đại hoá quân đội Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đang cố gắng xây dựng một quân đội trung thành với bản thân ông. Bước đi mới gần đây ngày càng chứng tỏ cho nhận định này.

Trong cấu trúc quân đội cũ, bốn tổng cục bao gồm – Bộ Tổng Tham mưu (GSD), Tổng cục Chính trị (GPD), Tổng cục Hậu cần (GLD) và Tổng cục Trang bị (GAD) là những tổ chức có quyền lực lớn nhất trong quân đội. Trong đó GSD và GPD là đặc biệt quan trọng khi GSD phụ trách quản lý hoạt động còn GPD quản lý nhân sự của quân đội. Trong những năm qua, hai phó chủ tịch Quân uỷ Trung ương (CMC) là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu đã và đang dính án tham nhũng, đã từng là lãnh đạo của hai tổng cục kể trên. Bằng cách giải tán GSD và GPD, CMC sẽ có quyền lực mạnh hơn trong các vấn đề liên quan tới quân đội.

Trong cấu trúc quân đội mới, bốn tổng cục đã được đổi tên và trở thành 15 “cục chứng năng” mới nằm dưới quyền kiểm soát trực tiếp của CMC. Trong cơ chế mới, Văn phòng Trung ương CMC đứng vị trí đầu tiên, kế đến là bốn cục mới đã được đoori tên (Cục Tham mưu Hỗn hợp; Cục Chính trị; Cục Hỗ trợ Hậu cần và Cục Phát triển trang thiết bị). Theo sau bốn cục này là hai cục mới thành lập là Cục Huấn luyện và Quản lý và Cục Động viên Quốc phòng Quốc gia. Cần phải lưu ý về vai trò của Văn phòng Trung ương CMC. Rất có thể Tập Cận Bình sẽ điều khiển quân đội thông qua cơ quan này. Người đứng đầu Văn phòng Trung ương CMC cũng chắc chắn sẽ là một thành viên của CMC.

Trong cấu trúc mới, ba uỷ ban mới được thành lập. Cơ quan kiểm tra kỷ luật của quân đội, vốn trước đây nằm dưới GPD, đã được nâng lên thành một tổ chức độc lập ngang hàng với GPD: Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật của CMC. Uỷ ban Chính trị và Pháp luật của CMC được thành lập mới. Cuối cùng, Uỷ ban Khoa học và Công nghệ thực thuộc CMC không phải là cơ quan quá mới mẻ. Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng (CSTIND) vốn đã được thành lập vào năm 1982 bằng cách kết hợp ba cơ quan khác nhau. Sau đó, Uỷ ban này được thay thế bằng hai tổ chức khác trong quá trình tái cơ cấu lại chính phủ năm 1998: một là GAD và một là CSTIND trực thuộc chính phủ. Vào năm 2008, Quốc hội Trung Quốc quyết định giải thể CSTIND.

Năm cơ quan còn lại nằm trực tiếp dưới sự chỉ huy của CMC bao gồm Văn phòng Kế hoạch Chiến lược, Văn phòng Cải cách và Tái Cấu trúc tổ chức; Văn phòng Hợp tác Quốc tế; Văn phòng Kiểm toán và Cơ quan Quản lý Văn phòng trực thuộc CMC.

Nếu như người đứng đầu của các cục chức năng này đều là thành viên của CMC mới, thì số lượng các thành viên của CMC sẽ tăng gấp đôi từ 10 hiện nay lên 23.

Một số tin vắn quốc phòng đáng chú ý

Toà án Tối cao Philippines vừa ra phán quyết khẳng định hiệp ước quân sự giữa nước này với Mỹ hai năm trước là hợp hiến, mở đường cho lực lượng Mỹ tăng cường hiện diện ở quốc gia Đông Nam Á. Philippines ký kết EDCA với Mỹ tháng 4 năm 2014 khi ông Obama thăm Manila. Theo hiệp ước, Mỹ có quyền tiếp cận  các cơ sở quân sự, sân bay và hải cảng ở Philippines.

Theo một cuộc phỏng vấn gần đây, một quan chức cấp cao quân đội Mỹ cho biết thế hệ tàu chiến mặt nước tiếp theo của Mỹ sẽ được trang bị các loại vũ khí tương lai như vũ khí laser, pháo điện từ hay vũ khí năng lượng cao. Thiết kế mới có thể thay thế các tàu lớp Arleigh Burke và Ticonderoga hiện nay trong biên chế của hải quân.

Nhật Bản quyết định tăng cường hơn nữa sự hiện diện của mình tại Biển Đông trong năm 2016 bằng cách đưa các máy bay tuần tra tới những địa điểm quan trọng ở khu vực. Theo thông tin báo chí, các máy bay tuần thám biển P-3C sau khi trở về từ các chiến dịch chống cướp biển sẽ đi qua các căn cứ tại các quốc gia như Philippines hay Việt Nam để tiếp dầu.

 http://nghiencuuquocte.org/2016/01/13/chuyen-dong-quoc-phong-chau-a-thai-binh-duong-1312016/#more-13660

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét