Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2016

Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (30/12/2015)


Tác giả: Nguyễn Thế Phương


Đầu tháng 12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã đưa ra một lời khiển trách công khai tới Bộ trưởng Hải quân Ray Mabus dưới hình thức một bản ghi nhớ về việc cắt giảm số lượng các tàu chiến đấu gần bờ (LCS) sẽ tiếp nhận trong tương lai. Ông Carter muốn cắt giảm số lượng các LCS sẽ tiếp nhận từ 52 xuống còn 40 chiếc. Ông ra lệnh cho hải quân phải tái phân bổ ngân sách để cải thiện hoả lực của 40 tàu còn lại, mua thêm nhiều hàng không mẫu hạm và tên lửa định hướng, cũng như cải tiến các tàu ngầm để có thể mang nhiều tên lửa hơn nữa.

Tuyên bố này của Bộ trưởng Quốc phòng tạo ra làn sóng tranh luận giữa các chuyên gia quân sự về những vấn đề kỹ thuật đã rất cũ: sự cân bằng giữa chất lượng và số lượng trang thiết bị kỹ thuật, giữa “hiện diện” (presense) và “năng lực” (posture), giữa nhiệm vụ đảm bảo an ninh thời bình và các chiến dịch tấn công trong thời chiến. Vấn đề ở đây là: cắt giảm các tàu LCS sẽ khiến cho mục tiêu của hải quân nâng tổng số tàu chiến được trang bị lên 300 chiếc gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, tổng số lượng tàu chiến của hải quân Mỹ là 272 chiếc. Ý định của Carter là sẽ cộng thêm những tàu có hoả lực mạnh mẽ hơn, thay vì chỉ đơn thuần gia tăng số lượng tàu chiến mà chẳng làm thay đổi sức mạnh tổng thể của hạm đội.


James Holmes đặt ra câu hỏi thú vị: Nhiều tàu chiến hơn ở tất cả các thể loại là điều tốt, nhưng nếu bạn không thể đủ sức để đóng tất cả các loại tàu mà bạn muốn, thì bạn sẽ ưu tiên loại nào hơn? Ông cho rằng điều đó tuỳ thuộc vào cách mà một quốc gia đánh giá về khả năng xảy ra chiến tranh. Nếu chiến tranh là không tránh khỏi, gia tăng số lượng tàu là hợp lý. Nếu không, tốt hơn là tập trung vào những tàu chiến không cần quá hiện đại, và đặc biệt là rẻ để có thể đóng với số lượng lớn.

Tranh luận nổ ra thông qua phát biểu của ông Carter phản ánh sự “phân công lao động” bên trong các lực lượng hải quân nước xanh. Chiến lược hải dương áp dụng cho cả thời bình và thời chiến. Với Mỹ, chiến lược thời bình là đảm bảo cho quá trình tự do lưu thông của thương mại trên biển cũng như đảm bảo tự do hàng hải. Ở đây, các tàu chiến với hoả lực vừa phải như LCS sẽ mang lại lợi thế lớn.

Chiến lược thời chiến là đánh bại đối thủ và khôi phục tự do hàng hải. Mục tiêu tối thượng là giành được quyền làm chủ mặt biển và khiến cho đối phương phải e sợ sức mạnh trên biển cả của mình. Muốn như thế thì hải quân phải lựa chọn những loại vũ khí hiện đại, hoả lực mạnh với khả năng răn đe và chiến thắng được hạm đội của đối phương.

Điều này có nghĩa gì về mặt kỹ thuật? Holmes cho rằng điều này có nghĩa hạm đội phải sở hữu cả sức mạnh phòng thủ lẫn tấn công. Đó là đối với những lực lượng hải quân viễn dương như Mỹ, và có thể là Trung Quốc trong tương lai. Bên cạnh đó, hạm đội luôn phải sỡ hữu nhiều tàu chiến hơn. Hạm đội cần được trang bị tốt, và đồng thời có những tàu chiến rẻ để có thể được thay thế thường xuyên khi có chiến tranh. Yêu cầu của chiến tranh có nghĩa là hạm đội cần phải đảm bảo cả số lượng và chất lượng. Vì thế, một hạm đội hỗn hợp bao gồm các tàu tấn công hạng nặng và hạng nhẹ là cần thiết.

Sử gia và cũng là nhà lý thuyết hải quân nổi tiếng Julian S. Corbett đã từng cho rằng mục tiêu của hải quân là phải đảm bảo “kiểm soát vĩnh viễn”, hay nói một cách đơn giản hơn là “kiểm soát mặt biển” (command of the sea). Kiểm soát hữu hiệu sẽ giúp hải quân tiến hành các chiến dịch đổ bộ, phong toả hải cảng của đối thủ và đảm bảo quyền tự do lưu chuyển hàng hoá trên biển. Để đạt được các mục tiêu này, Corbett đã chia hải quân thành các hạm đội (battle fleet) khác nhau: các tàu chiến hạng nặng làm nhiệm vụ đối đầu trực tiếp với hạm đội của đối phương với mục tiêu kiểm soát mặt biển; các tàu chiến tầm trung (cruisers) có khả năng kiểm soát các tuyến hàng hải sau khi đối phương đã bị đánh bật khỏi khu vực tác chiến và các tàu chiến hạng nhẹ đảm bảo tuần tra ven bờ.

Holmes ủng hộ quan điểm của Carter. Các tàu LCS không phải là các tàu chiến hạng nặng. Chúng có vai trò nhất định trong một chiến lược hải dương thời bình. Nhưng Holmes không cho rằng hải quân đang trong giai đoạn an toàn. Ông cho rằng nước Mỹ đang phải đối mặt với những mối đe doạ lớn hơn từ những lực lượng hải quân mạnh từ Trung Quốc, Nga hay Iran. Chính vì vậy, lực lượng hải quân Mỹ cần những tàu chiến đấu hạng nặng bổ sung vào lực lượng cơ hữu hiện nay.

Một số tin vắn đáng chú ý

Trung Quốc vừa phóng tên lửa đẩy Trường Chinh 3B mang theo vệ tinh Cao Phân 4 từ trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương thuộc Tứ Xuyên ngày 29 tháng 12. Cơ quan Quản lý nhà nước về Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng cho biết các dữ liệu sẽ được sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, quản lý tài nguyên nước và đất, khảo sát đại dương. Đáng chú ý, Cao Phân 4 có thể bao quát Trung Quốc và toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Vệ tinh có khả năng giám sát một khu vực cả ngày lẫn đêm, đồng thời gửi về hình ảnh theo thời gian thực.

Máy bay tàng hình thế hệ thứ năm của Trung Quốc J-20 có thể đã bước vào giai đoạn sản xuất khởi động theo truyền thông nhà nước Trung Quốc. Hãng tin Xinhua đã công bố một bức ảnh chụp cho thấy một chiếc J-20 với lớp sơn phủ xuất hiện với số hiệu 2101. Đây là chỉ dấu cho thấy J-20 đã bước vào giai đoạn sản xuất khởi động. Cũng theo Xinhua, các máy bay J-20 có độ tàng hình tốt hơn so với đối thủ là Sukhoi T-50 PAK-FA. J-20 cũng sẽ sở hữu hệ thống điện tử hàng không tiên tiến hơn. Tuy nhiên những thông tin cụ thể vẫn chưa được công bố.

Nội các Nhật Bản vừa qua đã thông qua khoản ngân sách quốc phòng kỷ lục 5,05 nghìn tỷ Yên (41,4 tỷ USD) cho năm tài khoá 2016/2017. Đây được xem là lần tăng ngân sách quốc phòng thứ tư liên tiếp kể từ khi ông Shinzo Abe nhậm chức vào tháng 12 năm 2012. Ngân sách quốc phòng gia tăng chủ yếu là do đồng Yên yếu đi, chi phí nhân sự cũng như chi phí cho quá trình di dời căn cứ Futenma ra khỏi Okinawa gia tăng.


http://nghiencuuquocte.org/2015/12/30/chuyen-dong-quoc-phong-chau-a-thai-binh-duong-30122015/#more-13317

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét