Tạp ghi Huy Phương
Ở Mỹ, ra khỏi nhà đi
mua bán, không mang tiền mặt là chuyện thường, nhưng có một hôm nào đó, rủ bạn
đi ăn phở, đến khi ra quầy trả tiền, mới ngớ ra vì mấy chữ “cash only.” “Phép
vua thua lệ làng,” đành phải xấu mặt gọi bạn: “Ông có tiền mặt, trả giùm tôi!”
“Cash only” có trăm thứ lợi cho chủ nhà hàng, nhưng chẳng tiện chút nào cho
khách đi khách đến. Đành rằng thẻ tín dụng cũng là tiền, chi phiếu cũng là tiền,
nhưng tiền giấy là tốt nhất.
Cứ tưởng tượng, một
hôm nào đó, vợ chồng đi dự đám cưới ở nhà hàng, trong khi quan khách đều đến
tay không, mà mình theo phong cách của những đám cưới thời xưa, khệ nệ khiêng
theo một món quà để tặng cô dâu, chú rể thì “quê” hết chỗ nói. Không chỉ nhà
trai nhà gái khinh mình ra mặt, mà quan khách chung bàn cũng xầm xì, xem mình
như Mán xuống Bolsa. Cũng vì đây là văn hóa “cash only” nên phải là tiền mặt,
mà là tiền lớn, tờ trăm có in hình ông Benjamin Franklin, chúng tôi hẳn không
chấp nhận giấy bạc $20 kể cả những cái “gift card,” dù là Dior, Channel, Gucci
hay hạng thường như Nordstrom, Macy's.
Nhớ lại hồi xưa, cách
đây 50 năm, bạn bè tham dự đám cưới đã “biếu” vợ chồng chúng tôi chừng sáu cây
đèn để bàn, năm bộ bình trà, bốn cặp áo gối, hai xấp vải áo dài và quý đồng
nghiệp cùng trường góp tiền nhau mua cho một cái đồng hồ Odo có tiếng chuông
Westminster gõ mỗi 15 phút làm sốt cả ruột những đêm khó ngủ. Và cũng không thiếu
những cặp vợ chồng khách mời, đến... tay không. Nhưng cũng không sao, cái thời
buổi ấy “tiền tài còn như phấn thổ,” và cũng không ai đòi hỏi, hay có thông lệ,
mừng đám cưới là phải có tiền mặt. Những món quà cưới theo phong tục, thường được
đem đến nhà “đôi trẻ” trước ngày vui.
Ở nhà quê, ngày xưa ấy,
đi ăn cưới chỉ cần xách cặp bia “BGI-Con Cọp,” chờ chủ nhà đãi khách xong, xin
hai cái vỏ chai không về đem trả lại cho “depot.” Chủ yếu là vui, không ai tính
chuyện lời, lỗ.
Chính vì cái thời buổi
“cash only,” sau mỗi đám cưới, đãi đằng bạn bè, hai họ, cô dâu chú rể còn đủ tiền
đi hưởng tuần trăng mật, nên những cặp đôi hay bậc cha mẹ thường tính chuyện lời,
lỗ. Có gia đình chạy theo con số khách mời, càng nhiều càng tốt, nhất khi nhà
hàng Tàu “khuyến mãi” đạt con số 50 bàn, thì được “free” bánh cưới, rượu
champagne.
Những khách dự lễ cưới
cũng theo phong tục văn hóa Việt Nam cũng không bao giờ than phiền chuyện “cash
only,” vui lòng không những chi tiền, mà còn chịu khó đi “làm tóc” hay nhờ người
trang điểm. Đám cưới ngày xưa không bao giờ có nạn cướp tiền mừng, nhưng ngày
nay chính vì “văn hóa cash only” nên đã xẩy ra chuyện kẻ gian thừa cảnh đông
người, trà trộn trong đám người ăn cưới, cũng áo quần tươm tất, bưng túi tiền mừng
đi mất.
Cộng Hòa Xã Hội Chủ
Nghĩa Việt Nam cũng đang chủ trương “cash only!” Tháng Hai, 2015, đại diện Bộ
Tư Pháp dự thảo bộ luật hình sự, sửa đổi, giảm hình phạt tù, tăng hình phạt tiền
và “cải tạo không giam giữ.” “Cải tạo không giam giữ” vì nhà tù đầy nhóc rồi mà
lại phải nuôi cơm, chẳng thà “cash only” cho tiện sổ sách.
Chê chủ tịch tỉnh
trên Facebook: Phạt tiền! Uống rượu lái xe: Phạt tiền! Cô giáo xưng hô “mày,
tao,” mắng học viên là “vô học”...: Phạt tiền! “Đái đường”: Phạt tiền! Bất hiếu:
Phạt tiền! Chồng chửi vợ, hoặc vợ chửi chồng: Phạt tiền! Không xuất trình chứng
minh nhân dân khi có yêu cầu: Phạt tiền! Vợ kiểm soát tiền chồng hoặc chồng kiểm
soát tiền vợ: Phạt tiền! Không đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú: Phạt tiền!
Điều tra, thám tử tư dưới mọi hình thức: Phạt tiền! Bán dâm: Phạt tiền! Mua dâm:
Cũng phạt tiền! Làm ma cô: Lại phạt tiền!
Người Việt hiện nay ở
trong nước, nghèo nhưng “phú quý sinh lễ nghĩa,” tiền thù tạc, hiếu hỷ ngốn hết
50% tiền lương mỗi tháng. Sinh nhật, tân gia, cưới hỏi, đồng nghiệp bảo vệ luận
án, đi thăm người bệnh, đồng nghiệp ngã xe, đẻ con, tứ thân phụ mẫu thủ trưởng
qui tiên. Phong kiến, tham ô đẻ ra cái chỉ thị quái đản là “khi có đám ma tứ
thân phụ mẫu của cán bộ lãnh đạo (từ phó giám đốc sở trở lên) thì phải thông
báo cho toàn ngành, toàn tỉnh” để biết, tức là để góp phong bì tống táng cha
ông chúng nó.
“Cho nên không ít người
mượn cớ đó để 'thông báo' có khuôn dấu đỏ hẳn hoi về cái chết của bố mẹ của
mình hay của vợ, gây phản cảm và nghi ngờ về lòng hiếu thảo có mùi 'cash' này.
Có những đám ma mà anh chị em trong nhà tranh giành nhau để tổ chức!”
(vietbao.vn)
Cho nên đám ma, đám
cưới lại trở thành một dịp... kinh doanh!
Trước đây, Việt Nam
đã có dự án cho thanh niên đến tuổi đi lính đóng tiền để khỏi tòng quân, ai
không có tiền đóng thì đóng máu là lẽ đương nhiên. Trên thế giới, chỉ có nhân
gian trong XHCN mới có câu “Đồng tiền là tiên, là Phật, là sức bật của lò xo,
là thước đo lòng người, là tinh thần của tuổi trẻ, là sức khỏe của người già,
là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý...” Chân lý ấy
không bao giờ thay đổi! Trong xứ này, làm gì cũng phải có thủ tục “đầu tiên,” tức
là “tiền đâu?”
Thế gian xưa, nói về
tình đời, đã có câu “đồng tiền liền khúc ruột.” Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã
viết: “Trong tay đã sẵn đồng tiền, dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì!” Đó là
chuyện “chạy án” trong nền tư pháp hay là chuyện “bôi trơn” trong mọi lĩnh vực ở
Việt Nam hiện nay. Nghe nói vào Bộ Chính Trị cũng cần “cash,” mà “cash only!” Ở
đó cái gì họ cũng có thể bán đi và cái gì cũng mua được (*), nếu không mua được
bằng tiền, thì bằng nhiều tiền.
Người đời thường mỉa
mai: “Đồng tiền dơ bẩn!” Quả nó dơ bẩn thật, từ khi được phát hành, trước khi
đi qua tay bạn, nó được chuyền tay qua nhiều người trong một thời gian dài, từ
bàn tay chị bán tôm cá, nơi thắt lưng cô nàng múa cột, chủ lò mổ heo, tay anh
chị “drug dealer,” cô nàng bán trôn hay thằng ma cô ở xó đường, nó tanh tưởi,
có khi còn mùi máu! Nếu tôi là nguyên thủ quốc gia, tôi sẽ ra lệnh cấm in hình
tôi trên tờ giấy bạc, vì tôi sợ những thứ này sẽ dính vào bộ râu của tôi!
Nó dơ bẩn về nghĩa
bóng, ở chỗ đồng tiền, làm cho con người táng tận lương tâm, quên điều phải
trái, đổi trắng thay đen, chém giết nhau cũng vì mãnh lực của nó.
Đồng tiền dơ bẩn thì
phải đem đi rửa, giặt, hy vọng từ đồng tiền bẩn thỉu, người ta có thể có trong
tay những đồng tiền sạch, nhưng khốn nỗi việc rửa tiền trong thế giới này là một
tội trọng, đồng tiền càng rửa càng dơ bẩn thêm.
Đồng tiền như vậy đó,
nhưng ở đâu, ra đường nhớ sờ lại cái ví, và xem lại trong ví có tiền (cash) hay
không, rồi hãy lên xe.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét