Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

Đại hội của hoàng hôn


Theo FB Lãng
 

Vài dòng đề từ: Liên tiếp trong 3 ngày 28,29 và 30/12/2015 facebook cảnh báo tới 30 lần về nỗ lực đột nhập tài khoản facebook của anh Lãng. Một cái nick ẩn danh vô thưởng vô phạt, số follow không bằng phần lẻ của các hot facebooker, không có bất cứ một thông tin cá nhân và chẳng có liên hệ gì ráo với con người ngoài đời thực. Nói chung nó giống hệt cái title treo ở lối vào: Lãng, vốn là một thứ vô giá trị. Nỗ lực này, dù là của bất kỳ ai, cũng chỉ tăng thêm một sự ngu xuẩn vốn thường diễn ra trên đất nước này.

Và người Việt Nam, dù ít dù nhiều, đều hướng mắt nhìn về ngày 20 - 28/01/2016, Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng Sản Việt Nam, một tấn hí kịch khổng lồ quy tụ mọi phe cánh, sẽ quyết định hướng đi của một thể chế vốn đã bước quá nửa hai chân vào những năm tháng suy tàn. Anh gọi đó là Đại hội của hoàng hôn. Cũng là một thứ vốn vô giá trị, nhưng bằng lợi thế độc tài toàn trị của Đảng Cộng Sản, người Việt Nam đang bị ép buộc phải chấp nhận kết quả của nó dù là bất cứ kịch bản nào, với một mức giá kinh hoàng mà lịch sử dân tộc vẫn đang tiếp tục nai lưng ra trả.

Đại hội Đảng lần thứ 12, sẽ nhóm họp để chọn ra bộ máy lãnh đạo sẽ cai trị trong nhiệm kỳ 5 năm kế tiếp. Có bốn chức danh sẽ được quyết định tại đại hội này, gồm Tổng Bí Thư, người đứng đầu Đảng Cộng Sản, cũng đứng đầu Bộ Chính Trị và là chức vụ đứng đầu chế độ; Chủ Tịch nước, một chức danh danh nghĩa đứng đầu nhà nước, đại diện bộ mặt quốc gia, nhưng với thực quyền nắm tình báo quân đội và quyền tư lệnh lực lượng vũ trang, vẫn luôn luôn là một thế lực trong hệ thống chính trị Việt Nam; Thủ Tướng, người điều hành chính phủ, khiêm nhường hơn về thứ bậc nhưng trong những năm gần đây, đây là vị trí tập trung phần lớn quyền lực của chế độ chính trị Việt Nam, vì nó gắn liền với tiền bạc và các chương trình kinh tế lớn; Và cuối cùng, chủ tịch quốc hội, đứng đầu cơ quan lập hiến và lập pháp, vốn được coi là cơ quan có quyền lực (danh nghĩa) lớn nhất trong thể chế chính trị quốc gia, nhưng trên thực tế, nó vốn là cơ quan vô dụng nhất xét về tương quan quyền lực danh nghĩa mà nó được gán cho và khả năng thực thi quyền lực đó trên thực tế. Dù sao thì cả 4 vị trí trên, đều là những thế lực có quyền lực vượt trội trong hệ thống chính trị Việt Nam. Khi Đảng Cộng Sản Việt Nam bước vào thời kỳ suy tàn và bị xé tan nát bởi những nhóm lợi ích cấu kết với quyền lực tham nhũng, cuộc đấu đá để xác lập 4 vị trí đứng đầu, trở thành những màn chiến tranh không khói súng nhưng khốc liệt. Đây sẽ là những người lãnh đạo đất nước trong năm năm tới. Họ được chọn ra từ một danh sách riêng của Đảng Cộng Sản. Dù phe nhóm nào chiến thắng và lên nắm quyền, người dân, những người đóng thuế và có thẻ cử tri trong tay đang nuôi sống đất nước này, chẳng có tí tẹo khả năng hay quyền lực nào để biết đến danh sách các ứng viên, lại càng chẳng thể có khả năng can thiệp hay thay đổi được gì kết quả cuộc mua bán đổi chác quyền lực tối thượng này. Và đó chính là thời đại mà người Việt Nam đang sống, một thời đại huy hoàng, đỉnh cao đến mức đau đớn về quyền lực thuộc về nhân dân theo cách thức cộng sản chủ nghĩa.

Chế độ cộng sản cai trị ở Việt Nam đang lê những bước cuối cùng. Đó là thực tại lịch sử mà dù muốn dù không, bất cứ ai rồi cũng phải thừa nhận. Được xây dựng trên nền tảng của lý tưởng bình quân, nhưng trên thực tế Việt Nam đang là một trong các quốc gia có hố sâu phân cách giàu nghèo lớn nhất thế giới. Phúc lợi về y tế, giáo dục, an sinh xã hội cho người dân gần như một số 0 nếu so sánh với tỷ lệ tiền thuế/GDP mà người Việt đang còng lưng ra đóng góp. Các nguồn lực tài chính của chế độ cũng đã đến kỳ suy kiệt khi không thể vay thêm tiền trong bối cảnh mức nợ công đã vượt quá 110 tỷ USD vào cuối 2015(thống kê gần nhất của World Bank). Có nhiều ý kiến cho rằng con số nợ thực cao hơn nhiều mức đang công bố, tuy nhiên chỉ riêng con số trên cũng đã đủ miêu tả những gì đang diễn ra: Một em bé sơ sinh chào đời vào năm 2016, em là niềm vui cho cha mẹ và là niềm hy vọng cho tương lai đất nước này. Chúc mừng em, em đã được tặng một món quà chào đời là một món nợ tương đương 1200 USD, sẽ không có phúc lợi nào cho em đâu, đừng trông chờ. Em được sinh ra là để cày trả nợ và phấn đấu cho mọi thứ em có thể có. Đất nước và chế độ thật tươi đẹp.

Khủng hoảng cả về lý tưởng và thực tiễn, bộ máy cai trị băng hoại bởi nạn tham nhũng và lợi ích nhóm. Sự thất vọng của người dân thì gần như đã tới ngưỡng của sự chịu đựng. Thứ có lẽ duy nhất còn giữ cho đất nước này còn tính gắn kết quốc gia, đó chính là mối đe dọa chủ quyền. Trên thực tế, Việt Nam không phải đang sống trong thời bình, mà là thời chiến, dù đó là một cuộc chiến tranh không tuyên bố và chưa bùng phát thành quy mô vũ trang mang tính hủy diệt. Việt Nam đang bị Trung Quốc xâm lược, lãnh thổ đã bị chiếm và đang tiếp tục bị chiếm. Sau khi nuốt trọn toàn bộ Hoàng Sa, Trung Quốc củng cố nơi đây thành những căn cứ liên hoàn ngày một khó công phá. Ở Trường Sa, sau khi hoàn tất đường băng trên các đảo nhân tạo khổng lồ, máy bay Trung Quốc cất hạ cánh với mật độ dày và phớt lờ mọi quy định về an toàn hàng không cũng như vùng trời thuộc quyền kiểm soát không lưu của Việt Nam. Cuộc chiến kinh tế với áp lực một trời một vực về mức thặng dư thương mại Việt - Trung, mà cán cân nghiêng về Trung Quốc (Mức thặng dư thương mại Trung Quốc có từ Việt Nam lên tới 50 tỷ USD năm 2015, gồm cả thương mại chính thức và hàng xuất nhập lậu). Điều bi kịch rất lớn là nguồn thặng dư khổng lồ Trung Quốc có được từ buôn bán với Việt Nam, bằng cách này hay cách khác, nó đang biến thành các nguồn lực giúp Trung Quốc đóng tàu sân bay, chiến hạm, xây đảo nhân tạo tại vùng biển Việt Nam và đúc ngày một nhiều bom hơn. Một ngày nào đó trong tương lai không xa, số chiến hạm, máy bay và bom đạn ấy sẽ giội bão lửa lên đầu người Việt.

Tuy nhiên, trong những ngày này, giới chóp bu của Đảng Cộng Sản vẫn đang dồn sức cho màn đấu đá nội bộ cuối cùng. Vì về cơ bản, người dân chẳng có tiếng nói gì đối với cái đại hội nội bộ của Đảng Cộng Sản, dù nó được tổ chức để chọn ra người sẽ cai trị họ, nên chắc chắn, dù ai lên nắm quyền, thì quyền lực ấy cũng không phải là để phục vụ người dân. Nó chỉ là thứ quyền lực để phục vụ trước hết cho sự tồn tại của Đảng Cộng Sản. Nghĩa là trong mọi trường hợp, với đại bộ phận 93 triệu dân Việt Nam, họ sẽ phải đối mặt với toàn kết quả tồi. Vấn đề ở đây chỉ là, kết quả nào sẽ bớt tồi hơn mà thôi.

Trong các gương mặt đang nắm quyền trong Bộ Chính Trị và các gương mặt mới được đề cử vào bộ máy quyền lực nhất hệ thống chính trị hiện nay, nổi trội lên là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đây là hai chính trị gia đã đối đầu nhau gần như trọn vẹn một nhiệm kỳ cai trị 5 năm. Cuộc đấu quyền lực khốc liệt giữa hai phe, với lợi thế chính trị thuộc về ông Trọng, và lợi thế tiền bạc thuộc về ông Dũng đã tỏ ra khá cân bằng và gay cấn đến tận phút chót. Người sẽ nắm quyền Tổng bí thư Đảng Cộng Sản trong nhiệm kỳ tới, chắc chắn sẽ là một trong hai người này, vì không ai trong số họ muốn nhả quyền lực mà mình đang có và đặt cược sinh mệnh chính trị của mình vào tay kẻ khác. Những gương mặt còn lại, dù cũ hoặc mới, đều quá non tay so với hai tay chơi già giơ đầy bản lĩnh này. Nắm quyền đứng đầu hệ thống chính trị, ông Trọng nhiều lần khởi xướng tấn công ông Dũng. Nhờ lợi thế nắm các nguồn lực tiền bạc phân bổ từ ngân sách và quyền sắp xếp các chức vụ cai trị béo bở tại các tỉnh thành, ông Dũng che chắn tốt trong suốt nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai và nhiều lần phản công khiến thủ trưởng danh nghĩa của mình phải xây xẩm mặt mày, thậm chí diễn màn bật khóc trong một màn đại hội. Ông Trọng nắm quyền kiểm soát đa số phiếu trong Bộ Chính Trị hiện nay, ông Dũng, nắm quyền kiểm soát đa số phiếu trong Ban chấp hành trung ương đảng (200 thành viên, với 175 ghế chính thức và 25 dự khuyết). Trước đại hội 12, ông Trọng khá cao tay khi gài ông Dũng vào thế đã rồi khi thông qua một nghị quyết, theo đó các ủy viên BCT tái cử phải được chính BCT hiện nay giới thiệu thông qua. Điều đó tưởng chừng sẽ chặn bước tiến của đối thủ truyền kiếp là ông Dũng. Tuy nhiên, có vẻ ông Dũng đã phản công ngoạn mục với sự xuất hiện của cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh, khi trong một bức thư đóng góp ý kiến gửi đích danh Tổng bí thư và các cơ quan đảng, ông Lê Đức Anh nhấn mạnh mọi nghị quyết được thông qua đều phải tôn trọng điều lệ Đảng, theo đó, quyền giới thiệu, tự ứng cử và đề cử của đảng viên là quyền tối thượng.

Chưa có kỳ đại hội nào mà cuộc đấu đá lại khốc liệt như kỳ Đại hội hoàng hôn này. Gần đến những ngày cuối cùng, các bên vẫn chưa thể thỏa hiệp với nhau để tìm ra một phương án chấp nhận được cho mỗi phía. Mọi quân bài gần như đều đã được các bên vận dụng. Từ ý kiến của những bộ xương khô (đảng viên) lão thành, cho đến cả những quân bài cài cắm vào phe dân túy mất nhiều công sức, đều đã được các bên vận dụng triệt để. Trong những ngày cuối cùng trước đại hội này, dư luận dường như đang thấy sự lấn lướt của phe cánh ông Trọng. Nhiều người đã nói tới sự thất bại của ông Dũng, bao gồm việc loan truyền cả một văn bản ông ta giải trình mà khó ai biết thực hư, trong đó ông Dũng cam kết không tự ứng cử.

Những màn múa rối mắt của một hệ thống truyền thông loạn lạc và một nền báo chí tin đồn dựa vào mạng xã hội, nơi thật giả đan xen nhau, có lẽ đã khiến người ta quên mất ông Dũng đã từng bước leo lên nấc thang quyền lực như thế nào, bằng cách nào và với dã tâm lớn đến mức nào? Kể từ những năm 1990 của thế kỷ trước, ông Dũng đã là phó thủ tướng thứ nhất. Ông ta kinh qua mọi hệ thống, từ công an đến tài chính (từng nắm quyền thống đốc ngân hàng nhà nước) và cuối cùng leo lên Thủ tướng chính phủ. Đỉnh cao cuối cùng còn thiếu, chỉ là vị trí Tổng Bí Thư. Theo dõi bước đường hoạn lộ của ông Dũng, có thể thấy sự khao khát quyền lực luôn nổi trội ở con người này. Ông ta không bao giờ quy hàng. Từng bị chất vấn vì phạm sai lầm lớn trước quốc hội là liệu ông có nghĩ đến việc từ chức không? ông Dũng đã trả lời nguyên văn thế này: “Một đời ông đi theo đảng, ông ta không xin ai và cũng không từ chối Đảng điều gì. Đảng bảo làm gì ông ta sẽ làm đấy” :) Câu trả lời mang tính tổ sư về nghệ thuật chính trị này phản ánh đầy đủ bản chất của ông Dũng. Đừng hy vọng ông ta quy hàng, ông ta sẽ chiến đấu với mọi thứ ông ta có. Hơn nữa, trên thực tế, chính ông ta mới là người đang nắm lợi thế trong tay.

Và người dân, giữa hai lựa chọn tồi (Chính xác là hai kết quả tồi, vì người dân không có quyền gì ở đây). Một đương kim Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, luôn đề cao liêm khiết và sự giáo điều, cổ súy cho hệ thống kinh tế chủ đạo thuộc về nhà nước. Ông Trọng nắm quyền, Việt Nam sẽ tiếp tục bước trên con đường cũ. Ông ta sẽ tìm mọi cách gìn giữ sự tồn tại của Đảng Cộng Sản, mà nếu không có nó, thì với cái bằng Tiến sỹ xây dựng Đảng, ông Trọng chỉ có khả năng hành nghề quét đường thay vì ngồi trên đỉnh vinh quang. Với ông Trọng, Việt Nam tiếp tục có một chế độ độc tài, chết từ từ trong tay Trung Quốc. Nó sẽ không chết một mình, mà kéo theo đó là cả dân tộc. Một lựa chọn khác (nhấn mạnh là kết quả khác, vì người dân không có quyền lựa chọn nào ở đây), là sự cai trị của ông Nguyễn Tấn Dũng, người rất có thể thành tân Tổng Bí Thư. Trong suốt những năm tháng cầm quyền của mình, ông ta đã tỏ ra là một tay gây dựng phe cánh đầy thủ đoạn, đến mức so găng được với lãnh đạo của mình. Không nói tới các vị trí đứng đầu các tỉnh vốn thuộc riêng về ngạch bổ nhiệm của chính phủ, trong hệ thống an ninh, mỗi cấp hàm tướng được bổ nhiệm bởi ông Trương Tấn Sang, một đối thủ của ông Dũng, thì gần như ông Dũng bổ nhiệm gấp đôi số thiếu tướng và trung tướng, cả trong quân đội lẫn công an. Dù đối phương nắm lợi thế cao hơn về cấp bậc bổ nhiệm, thì ông Dũng lại tận dụng quyền lực để chiếm lợi thế số đông. Ông ta cũng tỏ ra là một tay đam mê quyền lực và tiền bạc trứ danh, khi con gái ông ta là một doanh nhân cỡ bự, thâu tóm vô số dự án béo bở và đứng sau nhiều cú áp phe mờ ám, và đương nhiên, luôn thoát khỏi mọi biến cố. Hai con trai ông ta, giờ đều đã thành ủy viên tỉnh ủy (Một trong số đó đã thành bí thư tỉnh ủy), những vị trí lãnh đạo ở tầm cỡ gộc với tốc độ thăng tiến chỉ kém Kim Jang Un ở Bắc Hàn. Thời kỳ cai trị của ông Dũng, cũng là thời kỳ phát sinh nhiều biến cố kinh tế và đại án tham nhũng lớn nhất. Với sự đam mê quyền lực của mình, ông Dũng nắm quyền, đương nhiên sẽ tiếp tục là một tay độc tài có hạng.

Vậy giữa hai tay độc tài có cùng nguồn gốc cộng sản ấy, một tay có lẽ liêm khiết hơn và nặng về giáo điều, tay còn lại lũng đoạn nặng về chính trị và tiền bạc, đâu là kết quả bớt tồi hơn với người Việt Nam?

Câu trả lời khá dễ dàng: Nguyễn Tấn Dũng. Dù là một tay độc tài tham nhũng, nhưng ít nhất vì tham lam nên Dũng có trí khôn. Ông ta biết rút ra bài học từ các sai lầm, để củng cố quyền lực cả về chính trị và tiền bạc cho hệ thống của mình. Dũng cai trị sẽ vẫn là một thời kỳ độc tài nối dài, nhưng thời kỳ ấy sẽ tiềm ẩn bóng dáng của sự thay đổi, dù đó không phải là mục đích hay mong muốn của ông ta. Ông ta buộc phải cổ súy cho kinh tế tư nhân, tiếp tục cổ phần hóa và bán lại các doanh nghiệp đang thuộc sở hữu nhà nước, không phải vì ông ta không muốn kiểm soát nền kinh tế, mà đơn giản bởi chính phủ đang hết tiền. Ông ta đã phát biểu công khai nhiều lần về điều này: “Điều gì kinh tế tư nhân làm tốt hơn, phải để tư nhân làm”. Ít nhất, quan điểm của ông ta tiến bộ hơn mớ giáo lý giáo điều đã đè nặng lên đôi vai người Việt trong hơn 70 năm qua: Lấy kinh tế nhà nước định hướng xã hội chủ nghĩa (là thứ quái gì nhỉ???) làm chủ đạo. Bên cạnh đó, rõ ràng, với ông Dũng, Việt Nam ngày một hòa nhập sâu hơn vào thế giới văn minh. Con cái ông ta ngày một giàu có hơn khi kết hợp với đám tư bản lắm tiền phương tây, các quỹ đầu tư rót vốn để tận dụng lợi thế các cơ hội sinh lời mà quyền lực của bố mình đem lại. Phe cánh của ông ta, cũng tranh thủ cơ hội mà giàu lên rất nhanh, tô đậm thêm hố sâu phân cách giàu nghèo trong xã hội và làm nạn tham nhũng ngày một nặng nề. Điều đó thoạt nhìn thì rất tệ, nhưng xét về toàn cục, lại là điều tốt cho xã hội Việt Nam, dù có thể đây là điều ông Dũng và hệ thống của ông ta không lường tới. Thứ nhất, là việc bắc ngày một nhiều cây cầu với các xã hội văn minh, cả về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa và tôn giáo là cách hiệu quả nhất để thúc đẩy dân trí của người Việt Nam. Điều này cuối cùng, sẽ là nền tảng vững chắc nhất cho sự thay đổi. Cá nhân ông Dũng, thậm chí cả mối quan hệ thông gia của ông ta với một cựu viên chức Việt Nam Cộng Hòa hiện là công dân Mỹ, tự thân nó cũng đã là một cây cầu giao lưu với phương tây mà ít ai hình dung tới. Thứ hai là hệ thống cầm quyền càng gây công phẫn và bất công, ngày thay đổi lại sẽ càng gần. Đây là điều không đảng viên cộng sản tham nhũng nào muốn, nhưng nó là một tiến trình tất yếu.

Việt Nam đang ở trong thời kỳ chiến tranh. Năm 2016, ngoài các vấn đề kinh tế, người Việt sẽ ngày càng phải nói nhiều hơn về hiểm họa chiến tranh: Người Tàu đã kề sát cửa. Dù đa phần người Việt, với sự bức xúc đến tột cùng về thực trạng xã hội, thường trút mọi oán hận lên đầu đám quan chức và mở miệng ra đều xỉ vả quan chức Việt Nam ngu. Đây là một sai lầm, không có quan chức nào ngu, họ đều có tài, thậm chí là lỗi lạc. Vấn đề với người dân, là hệ thống chính trị này, vốn là một hệ thống lỗi, không phải là để phục vụ cho họ mà là cai trị họ. Tuy nhiên, 200 ủy viên ban chấp hành Trung ương đảng, những kẻ nắm thực quyền trong tay, đủ thông minh để lựa chọn người sẽ đem lại tiền bạc cho họ. Với ông Trọng, họ có thể tiếp tục nắm quyền, nhưng với mớ giáo lý giáo điều đã cũ tới 70 năm mà giờ không ai còn tin vào nó, ông ta sẽ dẫn các đồng chí và cả đất nước này xuống đáy vực. Với ông Dũng, ông ta tham lam và đam mê quyền lực, sẽ tiếp tục là một tay độc tài, nhưng ông ta khôn, đủ để nhận biết đâu là cái hố để bước vượt qua, hoặc ít ra là tránh sang một bên. Xã hội với ông Dũng, còn le lói hy vọng cho một sự thay đổi, dù chỉ là hy vọng.

Cuối cùng, không phải điểm chót của độc tài và tập quyền lại là nơi ươm mầm cho nền dân chủ hay sao? Giáo điều và sân chơi của những tay lý luận đảng, đã là quá đủ rồi cho người dân và đất nước này. Hơn nữa chiến tranh, đang cận kề ngoài cửa.

P/S Vậy anh Lãng chọn ai? Anh chẳng chọn ai vì thứ nhất là anh không có cái quyền đó và thứ hai là đây đều là những ứng viên dưới chuẩn. Tuy nhiên, nếu buộc phải chấp nhận thì một tay độc tài bất lương nhưng sáng mắt còn hơn một gã mù đại diện cho quá khứ tăm tối vốn đã phải bị chôn vùi từ lâu, nhưng vẫn đang ngắc ngoải như một thứ dị dạng của lịch sử.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét