Nguồn: “Stalin
banishes Trotsky,” History.com (truy cập ngày 10/01/2015).
Vào ngày này năm
1928, Leon Trotsky, một nhà lãnh đạo của cuộc cách mạng Bolshevik và kiến trúc
sư thời kỳ đầu của nhà nước Xô viết, đã bị trục xuất tới Alma-Ata ở vùng đất
Liên Xô thuộc Trung Á xa xôi (nay là Almaty, thủ đô thương mại của Kazakhstan)
theo lệnh của Stalin. Ông sống trong cảnh lưu đày ở đó một năm trước khi bị
Stalin trục xuất vĩnh viễn khỏi Liên Xô.
Sinh ra ở Ukraine
trong một gia đình mang dòng máu Nga-Do Thái năm 1879, Trotsky đi theo chủ
nghĩa Marx khi còn là thiếu niên và sau này bỏ Đại học Odessa để giúp tổ chức
Công đoàn Nam Nga (South Russian Workers’ Union) vốn hoạt động ngầm. Năm 1898,
ông bị bắt giam vì các hoạt động cách mạng của mình. Năm 1900, ông bị lưu đày tới
Siberia.
Năm 1902, ông trốn
sang Anh bằng hộ chiếu giả dưới tên Leon Trotsky (tên khai sinh của ông là Lev
Davidovich Bronshtein). Tại London, ông cộng tác với nhà cách mạng Bolshevik
Vladimir Ilyich Lenin nhưng sau đó đứng về phía Menshevik vốn chủ trương một
cách tiếp cận theo hướng dân chủ xã hội chủ nghĩa. Cùng với sự bùng nổ của Cách
mạng Nga năm 1905, Trotsky trở về Nga và một lần nữa lại bị lưu đày đến Siberia
khi cách mạng sụp đổ. Năm 1907, một lần nữa ông trốn thoát.
Trong thập niên sau
đó, ông bị trục xuất khỏi một loạt các nước do lý tưởng cấp tiến của mình, sống
ở Thụy Sĩ, Paris, Tây Ban Nha, và thành phố New York trước khi trở về Nga khi
Cách mạng năm 1917 bùng nổ. Trotsky có vai trò hàng đầu trong việc giúp phái
Bolshevik giành được quyền lực, kiểm soát phần lớn thành phố Petrograd trước
khi Lenin trở về trong chiến thắng vào tháng 11.
Được bổ nhiệm làm dân
ủy ngoại giao của Lenin, ông đã thương lượng với Đức nhằm chấm dứt sự tham gia
của Nga trong Thế chiến I. Năm 1918, ông trở thành dân ủy chiến tranh và bắt đầu
xây dựng Hồng quân, sau này đã thành công trong việc đánh bại phe đối lập chống
cộng sản trong cuộc nội chiến Nga. Trong đầu những năm 1920, Trotsky có vẻ sẽ
là người kế nhiệm Lenin, nhưng ông đã thua trong cuộc đấu tranh giành quyền kế
nhiệm khi Lenin đổ bệnh năm 1922.
Năm 1924, Lenin qua đời,
và Joseph Stalin trở thành nhà lãnh đạo của Liên Xô. Chống lại các chính sách
đã được ban hành của Stalin, Trotsky kêu gọi tiếp tục tiến hành một cuộc cách mạng
thế giới, điều chắc chắn sẽ dẫn đến việc giải thể nhà nước Xô viết. Ông cũng chỉ
trích chế độ mới vì đã đàn áp dân chủ trong nội bộ Đảng Cộng sản và không thể
phát triển việc lập kế hoạch phát triển kinh tế thích đáng.
Đáp lại, Stalin cùng
những người ủng hộ ông đã phát động một cuộc phản công tuyên truyền chống
Trotsky. Năm 1925, ông mất chức dân ủy chiến tranh. Một năm sau, ông bị khai trừ
khỏi Bộ Chính trị và đến năm 1927 bị khai trừ khỏi Đảng. Tháng 1 năm 1928,
Trotsky bắt đầu cuộc sống lưu đày của mình ở Alma-Ata và đến tháng 1 năm sau
thì bị trục xuất khỏi Liên Xô vĩnh viễn.
Sau đó ông được chính
phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận và định cư trên đảo Prinkipo, nơi ông hoàn thành cuốn
tự truyện của mình và lịch sử Cách mạng Nga. Sau bốn năm ở Thổ Nhĩ Kỳ, Trotsky
tới sống ở Pháp và sau đó ở Na Uy và đến năm 1936 được cấp tị nạn ở Mexico. Định
cư cùng gia đình ở ngoại ô Mexico City, ông bị kết tội phản quốc vắng mặt trong
các cuộc thanh trừng đối thủ chính trị của Stalin.
Trotsky đã sống sót
sau một cuộc tấn công bằng súng máy ở nhà nhưng đến ngày 20 tháng 8 năm 1940,
ông bị một người cộng sản Tây Ban Nha, Ramon Mercader, đánh trọng thương bằng một
chiếc rìu phá băng. Ông qua đời một ngày sau đó.
http://nghiencuuquocte.org/2016/01/11/stalin-luu-day-trotsky/#more-13613
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét